;
Một gia đình nọ cha mẹ đã già chỉ có đứa con trai duy nhất nhưng lại không chịu làm ăn, tối ngày cứ cà rê dê ngỗng đầu trên xóm dưới vì người mẹ quá cưng chiều, sợ con mình cực khổ.
Từ đó người con sinh tâm ỷ lại, mặc tình vui chơi hoang phí vì được mẹ chu cấp đủ đầy. Tình trạng đó cứ kéo dài qua ngày này tháng nọ. Thật ra, người xưa đã từng răn nhắc kỹ lưỡng, chu đáo về trách nhiệm và bổn phận của bậc làm cha mẹ.
Phần lớn con hư nhiều là do người mẹ vì thương con mà cưng chiều quá đáng, dẫn đến con cái ỷ lại, không chịu chí thú làm ăn. Ai có những đứa con như vậy dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ gì đó cũng bị người đời chê trách, dèm pha.
Cha mẹ có thể nuôi con học hành tới nơi tới chốn, còn làm ăn sinh sống thì con cái phải tự mình gầy dựng chứ không thể nào ỷ lại gia tài sẵn có mà biếng nhác, chẳng chịu làm ăn.
Lười biếng là căn bệnh trầm kha của kẻ ăn không, ngồi rồi, chỉ muốn vui chơi, hưởng thụ cho riêng mình mà thôi. Hạng người này sẽ làm tổn hại kinh tế gia đình và làm thiệt thòi cho xã hội, vì không có tâm tư phục vụ, đóng góp cho ai. Sống an nhàn là thú vui của những kẻ chán ngán cuộc đời, vì thấy xã hội bất công, họ rút vào rừng để tìm sự an vui cho riêng mình.
Bởi vì sao? Vì chính nơi phồn hoa, phố thị, cấp trên chỉ một bề nghe theo sự tâu dối của bọn gian thần, nhiễu loạn dân chúng, làm mọi người lầm than cơ cực. Chốn quan trường là nơi tranh đua giành giựt, thuận theo thì tham quan hữu hóa, lợi dụng quyền hạn để cùng nhau thao túng lấy bớt của dân. Người có chút nhân cách sống cảm thấy hổ thẹn, buồn tủi nên rút lui để khỏi làm ô uế tâm sáng suốt, thanh tịnh, mà chấp nhận sống đời đạm bạc giản đơn.
Cho nên, dân gian có câu: Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết khôn khéo từ chối, rút lui, mới có thể không rơi vào hố sâu tội lỗi. Ta thà sống đơn giản, đạm bạc mà vui cùng chân lý, chứ không vì cửa rộng, nhà cao, tiền bạc dồi dào mà làm mất hết phẩm chất nhân cách đạo đức của mình. Nhưng có mấy ai thấu suốt điều này mà vượt khỏi dòng đời nghiệt ngã. Chúng sinh vì tham đắm, mê muội, lầm chấp thân này là thật ta và của ta, mà tìm cách chiếm đoạt, bóc lột tha nhân dưới mọi hình thức.
Câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” thật ra rất đúng! Ai làm bà, làm mẹ hãy nên nghiền ngẫm câu này mà cố gắng sửa lại cách thức dạy dỗ con mình. Phần lớn con cái trưởng thành làm nên việc lớn cũng nhờ công của mẹ nhiều hơn, người mẹ nào biết sống tự lực, chịu khó, chịu khổ thì dễ dàng dạy con nên người.
Đa số con một hay con nhà giàu dễ hư hơn vì tiền bạc cha mẹ làm ra dễ dàng, không phải đổ mồ hôi, sót con mắt nên con cái mặc tình phung phí. Chúng ta nên nhớ, làm cha mẹ phải có trách nhiệm và bổn phận dạy dỗ con cái sao cho đúng cách.
Trước tiên ta phải khuyên con không được giết hại vô cớ từ khi còn nhỏ; thấy con đi học về mà trong cặp có đồ đạc của bạn bè thì phải gạn hỏi đồ này mượn của bạn hay tự ý lấy, nếu tự ý thì phải khuyên con đem trả lại cho bạn.
Trở lại câu chuyện trên khi người cha biết con mình khó bề giáo dục vì đã có mẹ bao che, dung túng; nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì đến khi ông qua đời nhà cửa, tài sản để lại chỉ trông thoáng chốc không cánh mà bay vì đứa con chỉ biết hưởng thụ mà không biết làm ra đồng tiền từ mồ hôi nước mắt.
Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ cặn kỹ để tìm ra phương pháp tối ưu giúp con mình sống tốt hơn và biết siêng năng làm việc, một hôm ông kêu con lại nói rằng: “Cha mẹ giờ đã lớn tuổi nên không biết sống được bao lâu nữa, suốt cả đời cha mẹ làm lụng vất vả mới dành dụm được một số tiền dưỡng già.
Số tiền này cha mẹ sẽ giao lại cho con với điều kiện con phải tự làm ra tiền để nuôi sống bản thân chính từ sức lao động của mình. Bắt đầu từ ngày mai con phải rời khỏi nhà để tự làm ăn sinh sống”.
Người mẹ nghe chồng nói thế vì thương con nên lén lút đưa con một số tiền lớn để ra đời lập nghiệp. Với bản chất ăn không ngồi rồi, quen sống hưởng thụ nên đứa con mướn một phòng trọ để ở và thản nhiên, thoải mái chẳng thèm làm gì mà cứ thế vui chơi, hưởng thụ đến khi số tiền chỉ còn lại chút ít.
Anh ta bèn quay về và nói với cha đó là số tiền anh tự tay kiếm được từ sức lao động của bản thân, người cha liền khen “con giỏi lắm” rồi cầm số tiền vứt hết xuống ao. Đứa con vẫn đứng tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, riêng người mẹ đứng phía sau mà nước mắt lưng tròng, hai hàng lệ rơi vì biết tiền đó là của mình đưa cho.
Lúc này người cha càng nghiêm khắc hơn, ông đuổi người con ra đi vì đây không phải đồng tiền anh làm ra nên anh vẫn bình thản, hững hờ, không có gì luyến tiếc.
“Nếu lần này con không chịu siêng năng làm lụng đàng hoàng để có được số tiền do chính mình làm ra thì cha dứt khoát không chia gia tài cho con và không chấp nhận con là đứa con của cha mẹ nữa”. Tình cảnh này thì bất ngờ quá nên mẹ anh không kịp đưa cho thứ gì, lần bước lang thang trên khắp nẻo đường, anh giờ này mới thấm thía cuộc đời, trong bụng đói meo mà chẳng còn một xu dính túi. Đói quá gặp ai anh cũng xin làm công không, miễn có cơm ăn là được.
Anh giờ mới thật sự biết được mùi đau khổ và công lao cực khổ của cha mẹ già gần 30 năm nay. Tay anh giờ đây phồng rộp hết, thân thể đau nhức rã rời, làm cả ngày trời mới được bữa cơm của thiên hạ, thật là khốn khổ vô cùng, giờ ngẫm lại mà nhớ thương hai đấng sinh thành trong ngấn lệ tuôn rơi.
Chàng trai giờ đã biết ăn năn, hổ thẹn với những lỗi lầm trước kia nên quyết chí làm lại cuộc đời. Cuối cùng anh cũng tìm được chỗ làm đàng hoàng và được người chủ nhiệt tình giúp đỡ. Một thời gian sau anh dành dụm được số tiền kha khá rồi vui vẻ xin phép về nhà thăm cha mẹ. Anh dâng lên cha món quà đặc biệt do chính công lao khổ nhọc làm ra.
Lần về này da anh đen nhẻm và gầy đi nhiều nhưng lại có phần rắn chắc, trông anh bây giờ không giống như một công tử bột trước kia. Sau khi thăm hỏi cha mẹ anh liền đưa cha số tiền kiếm được, cũng như lần trước cha anh quăng hết số tiền xuống ao ra chiều không thương tiếc, anh hốt hoảng nhảy xuống mò mẫm xém chút nữa là bị chết đuối. Đến bây giờ cha anh mới thật sự vui vẻ và hạnh phúc tràn trề vì biết con mình đã khôn lớn nên người, không còn tư tưởng ỷ lại cha mẹ nữa.
Từ đó bao nhiêu vốn liếng ông tin tưởng trao lại cho con. Người con về sau mở cửa hàng kinh doanh mua bán gạo và bắt đầu phất lên kể từ đấy. Người mẹ nấu cơm phục vụ các bữa ăn cho công nhân còn người cha thì làm cố vấn, anh làm quản lý điều hành trực tiếp và được mọi người khen tặng là người con chí hiếu.
Sở thích tham muốn, hưởng thụ nhiều là tâm tư của những người thiếu hiểu biết vì ngu si mê muội. Họ chẳng bao giờ tin sâu nhân quả, vì nghĩ rằng chết là hết, nên hiện đời lao vào các cuộc vui chơi thấp hèn, làm mất đi phẩm chất đạo đức. Kẻ si mê ham vui trong chốc lát mà chịu khổ đau ngàn đời, đó là thói quen thâm căn cố đế của kẻ lười biếng ăn không ngồi rồi. Họ có thói quen tham hưởng thụ quá đáng, nên không bao giờ có được một tương lai tốt đẹp. Những kẻ lười biếng muốn làm ít nhưng lại tham hưởng nhiều, thích dựa dẫm, và mong cầu sự giúp đỡ của người khác, nên thường sống ỷ lại vào gia đình, người thân. Họ hay cầu sự may mắn từ bên ngoài, vì tâm biếng nhác không nỗ lực hoàn thiện chính mình. Hạng người này hay lánh nặng, tìm nhẹ, vì mang cục nhớt trên lưng quá lớn. Họ không dám thức khuya, dậy sớm, hay chịu khó dầm mưa, dãi nắng để lao động góp phúc lợi cho cuộc đời. Những kẻ này thường lại hay nói khoát lác, nói chuyện trên trời mà việc dưới đất cũng chẳng làm được, sống như vậy chẳng khác nào mang thân người nhưng còn thua cả loài súc sinh, ngu độn.
Việc được sẻ chia, nâng đỡ đôi khi cũng cần thiết, nhưng ta không nên ỷ lại, dựa mãi vào đó, mà đánh mất đi khả năng làm việc luôn tiềm ẩn nơi mình. Một người thiếu thốn khó khăn muốn vươn lên vượt qua hiểm nghèo, thì luôn cần một cần câu để câu những con cá. Ta không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mãi, mà cần phải nỗ lực siêng năng, tinh cần chịu khó, chịu khổ mới có khả năng thay đổi cuộc đời. Sự chăm chỉ, cần cù siêng năng không sớm thì chày sẽ dẫn đến thành công ở một ngày không xa. Người có thói quen thích ăn không ngồi rồi, suốt ngày cứ vùi mình trong giấc ngủ thì tâm trí lúc nào cũng mờ mờ, mit mịt, trở nên lú lẫn, chán ngán cuộc đời, vì sự buông lung vô độ, để thời gian trôi qua vô ích.
Siêng năng làm việc để phục vụ vì lợi ích tha nhân là công hạnh của các vị Bồ tát, nhất là Bồ tát Quán Thế Âm với chí nguyện độ sanh không mệt mỏi, không biết nhàm chán luôn sống vì người và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Bồ tát đi vào đời với 32 ứng thân, hòa nhập vào cộng đồng, xã hội, làm việc nghĩa, việc ích dưới mọi hình thức. Bồ tát sẵn sàng chịu khổ thay cho tất cả chúng sinh không một lời than oán, như mẹ hiền thương con chỉ một lòng lo lắng, đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết.
Kẻ lười biếng vì đam mê hưởng thụ mà đánh mất dần nhân cách, phẩm chất con người, dễ dính vào vòng tệ nạn xã hội. Nếu có nhiều phước báu thì cũng đọa vào loài heo để sống kiếp súc sinh chịu ngu si, mê muội. Người trí, kẻ ngu khác nhau ở chỗ là biết nhận thức sáng suốt ngay nơi tâm niệm sống an vui, hạnh phúc hay chịu sa đọa, khổ đau. Ai làm người cũng hãy nên một lần chính chắn suy nghĩ, làm việc giúp ta cân bằng sự sống, thoải mái tâm hồn mà cùng nhau góp phần an sinh xã hội cho được vuông tròn, tốt đẹp.
Gia đình là tổ ấm để chúng ta nương tựa, là nền tảng vững chắc nhằm phát triển một xã hội tốt đẹp. Một con người tốt, một gia đình đạo đức, một xóm làng sống có nghĩa tình, biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc.
Ngược lại, nếu ta sống không hiếu thuận với ông bà cha mẹ, không biết kính trên nhường dưới, vợ chồng không biết thông cảm và tha thứ cho nhau, không biết nuôi dạy con cái làm điều thiện lành tốt đẹp, không biết sống có chừng mực đạo đức, “muốn ít biết đủ”, thì ta sẽ dễ dàng bị tha hóa, sa đọa, mà bị dòng đời cuốn trôi. Một khi con người đã sống thiếu hiểu biết thì rất nguy hại cho gia đình, xã hội, tình cha nghĩa mẹ không còn, tình chồng vợ cũng bị phôi phai, chia lìa, con cái cũng bị ảnh hưởng mà không có chỗ tựa nương.
Nói chung, một con người hư hại làm khổ lụy bao nhiêu người thân và làm xã hội thêm nhiều gánh nặng. Nhiều người dính vào tệ nạn xã hội dẫn đến trộm cướp, lường gạt, giết hại lẫn nhau. Có tệ nạn xã hội, có phạm pháp thì phải có chỗ dung chứa tội nhân, nên cứ thế con người mãi nghèo nàn, lạc hậu và trình trạng đạo đức, nhân phẩm con người càng bị xuống cấp trầm trọng. Đó là nỗi đau chung cả nhân loại phải gánh lấy, dần rồi tình người không còn nữa và con người dễ dàng sống trong vô cảm. Chính chủ nghĩa tiêu thụ vật chất quá lừng lẫy làm con người mỗi lúc mỗi xa rời nhau, bởi thời gian ngồi lại bên nhau tâm tình, sẻ chia không có. Gia đình là nền tảng của xã hội, vậy mà ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái không có cơ hội để sống yêu thương, hiểu biết. Xã hội càng nghèo nàn lạc hậu thì con người càng mê tín, mù mờ, càng sống theo chủ nghĩa tiêu thụ vật chất nên tình người dần rồi không còn nữa.
Khi còn nhỏ dại, ta đương nhiên phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng nếu bất hạnh, ta không có người thân thì sao? Ta vẫn phải chấp nhận một mình đơn độc, tự mình bươn chải, để làm sao có miếng ăn mà tồn tại với đời. Cũng như có hai đứa bé một con nhà giàu, một con nhà nghèo. Đứa con nhà giàu khi bị té ngã sẽ khóc thét lên, chờ cha mẹ đỡ dậy. Cha mẹ vì thương con nên mọi cái đều đỡ đần chu đáo khiến đứa trẻ trở nên ỷ lại, cái gì cũng đều trông chờ người khác. Ngược lại, đứa trẻ con nhà nghèo khi bị té ngã không có ai nâng đỡ, nó không khóc ré như đứa con nhà giàu, mà tự đứng lên tiếp tục bước đi.
Cũng vậy, ai biết nỗ lực, siêng năng, tinh cần học hỏi, quyết chí vươn lên sống không ỷ lại nhờ vã người khác, thì người này nếu đầy đủ phước báu sẽ thành tựu trong nay mai mà vững vàng đi tới, không chịu khuất phục bởi một áp lực nào. Người Phật tử chân chính khi đến với đạo pháp, ban đầu phải nhờ vào tha lực, nhờ sự hướng dẫn của quý Thầy Cô, đến khi hiểu biết rồi phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, hành trì theo chánh Pháp. Chính vì vậy, Lục Tổ Huệ Năng nói, “Khi mê thì Thầy độ - Khi ngộ thì tự độ”.
Nhiều người chỉ hiểu biết suông nên lúc nào cũng van xin cầu cạnh người khác, cứ nghĩ rằng trời Phật sẽ ban ơn hay gia hộ cho mình, nên đành chấp nhận cuộc sống như bèo dạt, mây trôi. Họ chẳng biết suy nghĩ, tìm tòi nghĩa lý sự thật của cuộc đời, thấy ai làm sao thì mình làm vậy mà không biết đúng sai, phải trái. Tuy nhiên, sự sống này ta vẫn cần “tha lực”. Khi chưa có hiểu biết hay đủ khả năng, ta vẫn cần sự trợ giúp của người khác. Khi đã biết rồi thì chính ta phải tự lực vươn lên. Chính vì vậy mà Phật thường nói, “ta chỉ là người Thầy dẫn đường, còn có chịu tu hay không là do ý chí và nghị lực của mọi người”. Tha lực tuy rất cần thiết cho con người bước đầu vượt qua khó khăn, thử thách nhưng nếu muốn đạt được thành công viên mãn thì ta phải tự lực vươn lên bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.
Nếu cha mẹ lo cho con cái quá đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết sẽ tập cho con quen tính lười biếng và sống ỷ lại vào gia đình nhiều hơn. Cho nên, những đứa con như vậy không bao giờ thành đạt trong đời, vì căn bệnh biếng nhác ỷ lại. Đây là sự thật dẫn đến một số người có quyền cao chức trọng, mà không có khả năng thật sự để đảm đương công việc.
Vì sao? Vì họ chỉ mua bằng cấp, hoặc và nhờ vào thế lực của người thân. Cha mẹ nào lại chẳng thương con, nếu để cho chúng muốn gì được nấy mà các bậc cha mẹ không cần tìm hiểu nguyên nhân thì e rằng đứa con đó sau này lớn lên chẳng làm nên tích sự gì. Nếu có thì cũng chỉ làm khổ mọi người mà thôi.
Thật ra, muốn giàu có, nhiều của cải vật chất phải hội đủ 4 nguyên nhân.
Thứ nhất phải siêng năng tinh cần làm việc.
Thứ hai phải biết tiết kiệm trong tiêu xài, làm 5 đồng mà xài đến 7 đồng thì làm sao có dư, huống chi mỗi ngày lỗ lã đủ thứ mà lại còn chơi xộp, tiền dù có in sẵn cũng phải hết chứ nói gì tiền làm bằng mồ hôi nước mắt.
Thứ ba không gian tham trộm cướp, lường gạt của người khác vì của phi nghĩa dễ làm con người vui chơi sa đọa.
Thứ tư là phải biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia khi gặp người bất hạnh. Bốn yếu tố này làm nên nhân giàu có lâu dài, còn không đầy đủ thì tiền làm ra cửa trước lòn hết cửa sau, không cánh mà bay rồi từ từ đội nón ra đi. Và cộng thêm yếu tố biết hiếu dưỡng cha mẹ thì làm việc gì cũng dễ dàng thành công.
Làm bậc cha mẹ thương con không đúng cách đã vô tình hại con mình. Từ nhỏ, chúng đã có thói quen ỷ lại, lớn lên chúng bê tha sa đọa cùng bạn bè xấu, hoặc chứng tỏ đẳng cấp nhà giàu chơi sang lấy tiếng. Cây còn nhỏ không khéo uốn nắn, thì lớn dễ gãy cành. Cho nên, làm cha mẹ phải dạy con mình biết quý tiếc thời gian, sống tự lập không ỷ lại vào người khác. Nếu con cái lỡ vấp ngã một lần, ta có thể tự tay đỡ dậy, hay hỗ trợ cho nó đứng dậy. Nhưng đến những lần vấp khác, ta phải chỉ cho chúng cách thức đứng dậy bằng tự lực bản thân. Như trên, chúng ta đã thấy cách thức trồng cây. Cây xum xê ra nhiều cành nhánh thì dễ bị bão táp phong ba quật ngã, do rễ của nó không bám sâu vào lòng đất.
Trồng người lại càng khó hơn, bởi chúng ta có nhiều mối quan hệ tương giao trong cuộc sống, quan hệ gia đình, quan hệ học đường, quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội. Nếu để các em tự do quá đáng trong giao tiếp mà không có sự kiểm tra nhắc nhở của cha mẹ, thì ta vô tình đưa con mình vào chỗ khốn cùng. Cho nên, “dạy con từ thuở còn thơ” có nghĩa là cha mẹ khéo sắp xếp, uốn nắn, chỉ dạy. Khi thấy con trẻ tự tay giết hại các loài vật vô lý, thì ta phải khuyên nhủ, răn dạy không nên như thế. Hoặc khi thấy con mình có món đồ lạ đem về nhà, ta phải tra hỏi coi món đồ đó mượn của ai, hay lỡ cầm nhầm của bè bạn thì ta khuyên con đem trả lại. Dạy con biết tôn kính, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, siêng năng, chăm chỉ học hành, biết chọn bạn tốt để thân cận, sống tự lập không ỷ lại, biết chọn nghề nghiệp chân chính và sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia khi có nhân duyên. Cha mẹ nào khéo biết dạy con cái như thế thì khỏi phải lo vận mệnh tương lai của nó sau này, vì biết chắc rằng con mình sẽ là người tốt trong hiện tại và mai sau.
Nhiều người không hiểu cứ ngồi đó mà than thân trách phận hoặc lúc nào cũng cầu nguyện, van xin mà không biết nguyên nhân cần làm. Tiền bạc làm ra nếu không chân chánh sẽ bị 5 nhà cuốn trôi: bị lũ lụt cuốn trôi, bị hỏa hoạn đốt cháy, bị vua quan tịch thu, bị trộm cướp tước đoạt, bị con cái bất hiếu phá sản.
Ai còn đang làm con xin nhớ rõ điều này, ai sống với tinh thần tự lực không ỷ lại vào người khác thì họa may mới có cơ hội làm giàu, ai mang nặng tư tưởng hưởng thụ vui chơi, không biết tích công bồi đức thì của bằng núi cũng từ từ đội nón ra đi. Đây là một sự thật mà ít ai để ý đến.
Làm con chữ hiếu đi đầu
Biết ân cha mẹ thâm sâu khó đền.
Ai bây giờ còn bất hiếu với mẹ cha hãy nên hồi đầu thức tỉnh kẻo sau này dù có ăn năn thì cũng quá muộn màng. Người con hiếu phải làm cha mẹ được vui ngay khi hiện tiền, vậy mà vẫn có nhiều người luôn làm khổ cha mẹ đủ điều, không chịu làm ăn sinh sống đàng hoàng, hễ cầm tiền trong tay liền vui chơi trác táng cho thỏa chí bình sinh, chẳng cần biết tiền này từ đâu có và khi hết sẽ tính sao.
Hạng người khi sống làm khổ mẹ cha thì khi chết sẽ bị đọa địa ngục, chịu khốn khổ vô cùng không sao kể xiết. Trong Kinh kể lại có một kiếp Bồ tát mang tội bất hiếu, không biết cung kính, hiếu dưỡng với cha mẹ.
Do đó, Ngài bị đọa xuống địa ngục và thấy nhiều quỷ sứ đang hành hình phạm nhân. Họ phải đội trên đầu vòng lửa quay quanh khắp thân thể, rên la kêu gào rất thảm thiết. Toàn thân bị cháy rụi và cứ chết đi sống lại nhiều lần để chịu khổ não vô cùng. Thật là kinh hoàng, khủng khiếp!
Ngài hỏi quỷ sứ người đó gây tạo tội gì mà phải chịu quả báo bị lửa đốt cháy dữ dội. Quỷ sứ nói: “Kẻ này trước kia thường hay bất hiếu với cha mẹ nên phải chịu quả báo khỗ não như vậy”. Ngài hỏi: “Người đó chịu khổ báo như vậy chừng nào mới hết?”
Quỷ sứ trả lời: “Phải chịu như vậy vô số kiếp chết đi sống lại và có người bất hiếu khác thế vào thì mới thoát khỏi được.” “Vậy thì tôi cũng mang tội bất hiếu mà bị quả báo đến nơi này.” Nói xong, Bồ tát liền phát nguyện: “Tôi sẽ chấp nhận chịu sự hành hình khổ đau của tội bất hiếu này và nguyện cho tất cả mọi người trên nhân gian không còn bất hiếu nữa mà biết cung kính, hiếu dưỡng với mẹ cha”. Do bi nguyện lớn lao như thế nên Bồ tát vừa nói xong thì vòng lửa bay ra khỏi đầu Ngài mà biến mất.
Chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay nếu không phải là các bậc đại Bồ tát thì khó có ai tránh khỏi tội đồ bất hiếu. Vì có chủng duyên giác ngộ giải thoát và tâm nguyện cứu khổ chúng sinh nên Bồ tát liền phát khởi tâm Từ thương xót, mong mỏi mọi người không còn ai gây tạo nhân bất hiếu nữa. Và có một điều ta cần phải thán phục Bồ tát là dù quả khổ có dữ dằn cỡ nào Ngài vẫn một mình chấp nhận chịu để tha nhân được sống an vui, hạnh phúc.
Tại sao khi phát tâm nguyện như thế thì vòng lửa cũng biến mất theo lời nguyện? Vì kể từ nay và mai sau không còn ai là người gây nhân bất hiếu nữa nên quả đến an lạc, hạnh phúc vô cùng. Chúng ta nên nhớ ai cũng từ cha mẹ mà được sinh ra, công cha mẹ mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục, chịu nhiều đau khổ để nuôi con khôn lớn trưởng thành.
Tôi,
Mê muội khi còn nhỏ
Ngu xuẩn chẳng ai bằng
Thẳng ruột từ khi bé
Tới nay vẫn còn vậy.
Nhiều đời tập khí sâu
Khi tu thì có bớt
Nhưng chẳng thấm vào đâu
Sức nghiệp mạnh quá chừng!
Nếu lơ là một chút
Đành chịu nó cuốn trôi
Do đó biết bao người
Đành bó tay chào thua.
Hôm nay có cơ hội
Xin đôi lời tâm sự
Chư huynh đệ gần xa
Mong cùng nhau suy ngẫm
Để vượt qua số phận
Chớ yếu đuối chào thua.
Hãy dũng mãnh, siêng năng
Tinh tấn không ngừng nghỉ
Để vượt thoát khổ đau
Mà an vui, hạnh phúc.
Trong các tội không có tội nào lớn bằng tội bất hiếu, các tội khác còn có thể tha thứ và thông cảm được, riêng tội bất hiếu khó mà thứ tha. Trên đời này không một người con bất hiếu nào mà công thành danh toại, chỉ có những người con biết hiếu thảo mới làm nên sự nghiệp lớn lao. Đó là đạo lý làm người với trái tim hiểu biết.