nguoiphattu.com Người Phật tử chánh tín Tam bảo thì không cần và không nên xem ngày giờ tốt xấu trong mọi công việc, chỉ tin chắc nhân quả-nghiệp báo và chuyên tâm cải thiện, chuyển hóa những nghiệp nhân xấu ác làm nền tảng cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động để thành tựu những nghiệp quả tốt đẹp trong hiện tại và vị lai
HỎI:
Chúng tôi có một việc quan trọng là bốc mộ, di dời mộ phần (do giải tỏa nghĩa địa)
nhưng chưa biết nên tiến hành vào lúc nào? Là những Phật tử, học và
hiểu căn bản giáo lý, chúng tôi biết đạo Phật không có chủ trương xem
ngày giờ tốt xấu trong mọi công việc. Tuy vậy, trong gia đình mỗi người
có một quan điểm khác nhau. Chúng tôi đến hỏi chư Tăng thì có vị dạy cần
nên coi ngày giờ, có vị dạy theo Chánh kiến Phật giáo thì trước khi làm
gì hệ trọng cần tụng kinh, trai giới, làm phước để cầu nguyện, xong hợp
thời là làm, không cần coi ngày. Hiện chúng tôi rất phân vân, xin có
lời chỉ dẫn để sống đúng với lời Phật dạy.
ĐÁP:
Đúng như các bạn đã nhận thức: “Đạo Phật không có chủ trương xem ngày giờ tốt xấu”.
Tùy thuộc nghiệp nhân thiện hay ác nơi mỗi cá nhân đã làm trong quá khứ
và hiện tại để tác thành nghiệp quả tốt hay xấu mà thôi. Bàng bạc trong
kinh Phật và nhất là trong những lời dặn cuối cùng trước khi nhập Niết
bàn, đức Phật đã khuyên dạy các đệ tử không nên tin tưởng và thực hành
chuyện coi ngày, bói toán v.v… (kinh Di Giáo).
Vì thế, người Phật tử chánh tín Tam bảo thì không cần và không nên xem
ngày giờ tốt xấu trong mọi công việc, chỉ tin chắc nhân quả-nghiệp báo
và chuyên tâm cải thiện, chuyển hóa những nghiệp nhân xấu ác làm nền
tảng cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động để thành tựu những nghiệp
quả tốt đẹp trong hiện tại và vị lai.
Về
vấn đề có nên xem ngày tốt, tránh ngày xấu cho việc bốc mộ hay cải táng
không? Theo quan điểm Phật giáo, một người khi đã xả bỏ báo thân, tứ
đại (thân thể vật chất gồm đất- chất cứng, nước- chất lỏng, gió- chất khí và lửa- nhiệt năng)
trả về cho tứ đại, còn thần thức theo nghiệp tái sanh vào các cảnh giới
tương ứng với nghiệp của chính họ. Do vậy, hài cốt hay mộ phần thực
chất chỉ là yếu tố “đất” trong tứ đại, đang trong quá trình phân hủy trở
về với đất mà thôi. Nếu thần thức sau 49 ngày đã tái sanh theo nghiệp
thì yếu tố địa đại nơi hài cốt chỉ là “đất” đơn thuần. Mặt khác, trong
các trường hợp như: hiến xác cho khoa học, hỏa táng (đốt thi thể cháy thành tro bụi), thủy táng (đem thi thể thả trôi sông hoặc buộc vào đá cho chìm), lâm táng (đem thi thể quăng vào rừng), điểu táng (đem thi thể cho chim ăn) hay không táng(treo thi thể lên vách núi, cành cây) v.v… trong các quan niệm mai táng khác nhau thì vấn đề hài cốt hay mộ phần không có gì quan trọng (có thể xem như không bàn đến).
Như vậy, vấn đề hài cốt và mộ phần chỉ liên hệ đến địa táng (chôn thi
thể vào lòng đất) gắn liền với các tập tục địa phương, tín ngưỡng dân
gian của một bộ phận dân chúng mà thôi.
Tuy
vậy, vấn đề coi ngày tốt xấu trong việc bốc mộ, dời mộ vốn đã ăn sâu
vào tâm thức người Á Đông, nên cần phải cẩn trọng để tìm giải pháp “có tình, có lý”
nhằm đem đến sự nhất quán, an ổn, hòa hợp cho mọi thành viên trong gia
đình, dòng tộc. Trong trường hợp gia đình và dòng tộc của các bạn, nếu
tất cả đều thâm tín, hiểu biết Phật pháp sâu sắc (chánh kiến)
thì chỉ cần tụng kinh, làm phước để cầu nguyện, hồi hướng cho hương
linh, sau đó việc bốc mộ sẽ tiến hành tùy duyên khi nào thuận lợi. Nhưng
trong trường hợp một vài thành viên trong gia đình cảm thấy không an
tâm nếu không coi ngày tốt, tránh ngày xấu thì các bạn nên phương tiện
vì an tâm cho họ mà coi ngày. Người Phật tử có chánh kiến phải xác định
việc coi ngày tốt xấu chỉ là phương tiện nhằm giúp cho những người khác
trong gia đình yên tâm đồng thời tránh sự ngộ nhận, bị đổ lỗi, gán tội
do không “coi ngó, kiêng kỵ” về sau. Do vậy, khi các bạn tìm đến một vị thầy nhờ xem ngày tốt xấu để khởi sự bốc mộ, cải táng (nếu thầy coi cho)
cố nhiên cũng coi với tinh thần phương tiện nhằm tạo sự yên tâm cho các
bạn. Thực chất chẳng có ngày nào tốt và cũng không có ngày nào xấu cả;
tốt hay xấu tùy người, tùy việc.
Bình
tâm suy ngẫm, chánh tư duy, các bạn sẽ thấy rõ nếu coi ngày tốt để khởi
sự làm việc dẫn đến kết quả tốt thì cần gì phải tạo phước, tu thân,
tích đức. Nếu kết quả tốt đẹp trong mọi công việc chỉ nhờ vào coi ngày
thì sẽ không phù hợp với tinh thần nhân quả-nghiệp báo, duyên khởi, một
trong những giáo lý nền tảng của Phật giáo. Khi đã hội đủ duyên, đủ
phước thì làm việc gì cũng tốt đẹp và thành công. Ngược lại nếu thiếu
duyên, thiếu phước thì dẫu nỗ lực đến mấy vẫn không thành tựu như ý. Do
đó, quan điểm “trước khi làm những việc hệ trọng cần tụng kinh, trai
giới, làm phước để cầu nguyện, xong hợp thời là làm, không cần coi ngày”
có thể nói đó là chánh kiến, là kim chỉ nam cho mọi hành động, việc làm
của người Phật tử chánh tín.
* Quảng Tánh - Huyền Ngu (Phật Pháp Bách Vấn, Tập 2)