;
Nghĩa là làm cho ông lưu chuyển sanh tử là lỗi tại cái tâm và con mắt của ông. Vậy ông không biết cái tâm và con mắt ở chỗ nào, thời ông không thể hàng phục được phiền não trần lao. Cũng như vị Quốc vương bị giặc xâm chiếm, đem binh dẹp trừ, nếu không biết được giặc ở chỗ nào, thì không bao giờ dẹp trừ được giặc.
Bởi thế nên người học Phật, muốn thoát ly sanh tử, ra khỏi luân hồi. Điều cần yếu là phải biết tâm mình. Khi biết được chơn tâm và vọng tâm rồi, mới có thể dẹp trừ được vọng tâm, trở về với chơn tâm của mình được. Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, điên đảo đủ điều là do hạt giống nghiệp sẵn có, nó dính liền nhau như chùm trái ác xoa. Người tu hành không thể thành quả vị Vô thượng Bồ đề, mà chỉ thành Thanh văn Duyên giác và thiên ma, ngoại đạo…..là bởi không biết hai món “chơn” và “vọng”. Nếu các ông lầm lộn tu tập theo vọng niệm mà muốn chứng đạo quả Bồ đề thì cũng như người nấu cát muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều đời nhiều kiếp cũng không kết quả được.
Vậy trước hết người Phật tử phải biết tâm ở đâu? “Tâm” là “cái hiểu biết phân biệt” cũng gọi là “phần tinh thần”. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông tròn, hay có sắc xanh, đỏ, vàng gì hết, không thể dùng con mắt mà nhìn thấy được, không thể dùng tay chân mà sờ mó được Tâm; chỉ do thấy cái tác dụng của nó nên biết có Tâm. Tâm thiện hay Tâm ác là do hành động để biết nhận ra người ấy ác người kia thiện.
Là người Phật tử đương nhiên mỗi chúng ta đều sử dụng “Tâm thiện” rồi. Phật dạy: “Mọi chúng sanh đều có Phật tánh…Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành….” Phật cũng dạy “Thắng vạn quân ở sa trưòng không bằng tự thắng mình”…
* Mọi chúng sanh nói chung người Phật tử nói riêng, chúng ta ai cũng có “Tâm Từ Bi” đã nằm sẵn trong lòng “Tâm” của mỗi người chúng ta. Chúng ta không cần phải cầu xin mua chuộc ai cả. Hạt giống từ bi ấy đã nằm sẵn trong tâm hồn chúng ta. Nhưng nó đang bị phủ lấp dưới bao lớp sân hận, tham lam, ích kỷ nên không đâm chồi nẩy lộc lên được. Vậy chúng ta phải chiến đấu để phanh gỡ lần những chướng ngại đó. Rồi nữa chúng ta phải tìm mọi nhân duyên mọi cơ hội cho nó chóng đâm chồi nẩy lộc xanh tươi.
* Mỗi Phật tử chúng ta đều có sẵn cái mầm “Trí tuệ”, cái chất trí tuệ của Phật. Nhưng cái mầm ấy không được vun trồng săn sóc, thiếu đất, thiếu nước, thiếu không khí nên không nảy sinh được cây Bồ đề, cái chất trí tuệ ấy, như ngọc như vàng lẫn lộn với đá, không được mài dũa nên ánh sáng không phát ra.
Vậy chúng ta chiến đấu với nó như thế nào? Trước hết chúng ta phải biết nghe, biết thấy (Văn). Không phải chỉ nghe những điều thiết yếu của Phật dạy, thấy những điều thiết yếu trong kinh điển là đủ. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta có thể quan sát những điều bổ ích, những bài học Phật pháp bổ ích để suy luận kiểm chứng, nhìn nhận. Phải dùng trí để suy luận (Tư) “Rồi sao nữa”, bất luận mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi hành động ta phải cân nhắc soi xét cho thấu đáo ngọn ngành, bằng tâm trí ta tự suy luận từng câu hỏi? Hãy tự hỏi mình trong mọi đối xử mọi hành động ta có tự cao… si mê không ? Mà si mê là gốc của tội lỗi, ngược lại trí tuệ là gốc của môn hạnh lành. Như vây là chúng ta phải biết trau dồi cái hạnh lành ấy, nuôi dưỡng cái hạnh lành ấy cho ta, cho mọi người an vui hết thảy (Tu).
* Chư Phật dạy “Không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ…” Mỗi chúng ta đều có sẵn Phật tánh, tất nhiên chúng ta đều có sẵn cái mầm bình đẳng của Phật. Nhưng cái mầm ấy đã bị vùi sâu dưới bao lớp bất công, bất bình đẳng dưới bao nhiêu giai cấp, tập quán, thành kiến của xã hội.
* Từ xưa đến nay nhân loại đã dựa trên quyền lợi, tài trí để làm tiêu chuẩn phân định từng bực, thứ lớp trong xã hội, dòng dõi quý phái, có quyền bắt kẻ khác phục dịch cho mình. Những tiêu chuẩn đó làm cho xã hội chia rẽ, bất an, người trên khinh kẻ dưới, người dưới oán kẻ trên….Chúng ta là Phật tử phải tự mình cải thiện mình và cải thiện xã hội, phải đặt tiêu chuẩn đạo đức lên trên. Phải lấy tinh thần bình đẳng của Phật giáo làm nòng cốt trong xã hội. Trước hết người Phật tử phải nêu cao gương sáng: Phải thương yêu tất cả mọi người, đừng phân biệt thân sơ cao hạ, đừng thấy giàu sang mà trọng, nghèo hèn mà khinh, đừng bợ đỡ kẻ quyền quý, đừng dẫm đạp người thế cô. Lại nữa chúng ta phải xoá nhoà biên giới ta và người, hãy sống chan hoà chung với mọi người.
* Chúng ta lượm một hòn đá giữa đường, quẳng một nhánh gai giữa đường vào bụi đều là những việc nên làm. Nói một lời nói an ủi dịu dàng cho người lo sợ, buồn phiền với một vài câu phấn khởi đó là những việc lợi tha ta phải sẵn lòng không từ chối. Hướng mọi người chung quanh ta hiểu giáo lý của Phật và hướng họ dần dần vào trong đạo. Từ những việc tầm thường hướng thiện nhỏ sẽ dần đến hướng thượng lớn hơn. Chúng ta có giàu sang tiền của, chúng ta bỏ tiền ra xây dựng trường học, bệnh xá, dưỡng đường, ký nhà viện, xây dựng đường sá cầu cống. Nếu không có tiền thì bỏ chút thời giờ làm công quả, giúp người neo đơn giặt rửa, miếng nước, miếng cơm. Nếu chúng ta tài trí thông minh, có ý chí mạnh mẽ, thì quyết tâm học tập để trở thành người trí thức lành mạnh, có tâm hồn xây dựng xã hội nhất tâm phụng sự cho đời có như vậy là lợi tha và ta có tự lợi tức thế gian nói “Mình vì mọi người tức mọi người sẽ vì mình”…
Lại nữa chúng ta không phải vì để người đời tán thán khen ngợi mà ta nhẫn nhục, không phải vì sợ sệt trước oai lực của người khác mà ta nhịn nhục, không phải vì mong muốn được chức quyền địa vị mà ta hạ mình …Nếu vì các điều trên mà ta nhẫn, nếu vì những lý do trên mà ta nhẫn, nếu như vậy mà nhẫn nhục thì còn nguy hại hơn sự phẫn nộ, vì nó là tay sai đắc lực của dục vọng: Tham lam, kiêu mạn, hèn nhác, ích kỷ…Ta chiến đấu với phẫn nộ hung hãn là ta nuôi dưỡng tánh nhẫn nhục là vì một đại nguyện, một mục đích cao quý, một tình thương lớn lao, một trí tuệ sáng suốt. Ta nhẫn nhục vì muốn trau dồi đức tánh, muốn đối trị các bệnh nóng giận do tham lam ích kỷ, ngạo mạn, si mê gây ra. Cái nhẫn trên là hèn nhát, cái nhẫn dưới là cao quý đúng với giáo lý của Phật.
Ở đời có hai nguyên nhân làm cho con người ta dễ giận hơn hết đó là tham lam kiêu mạn, hai là mất của, mất danh, mất ngủ…nên sanh ra giận. Thấy người ta phạm đến lòng tự cao, tự đại, tự mãn, tự ái của mình nên sanh ra giận. Vậy ta phải cảnh giác đề phòng luôn luôn hai tánh xấu ấy, phải tỉnh táo đừng để mắc mưu nó.
“Người kia nóng giận nói ồn ào
Chẳng lẽ ta đây cũng thế sao
Họ đã cộc cằn thêm ta nữa
Thành ta với họ giống như nhau…..”
“Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận;
Nhiêu, nhiêu, nhiêu, thiên vạn họa nhứt tề tiêu;
Mặc, mặc, mặc, vô hạn thần tiên từng thử đắc;
Hưu, hưu, hưu, cái thế công danh bất tự do….”
Nghĩa là: Thân nhẫn, miệng nhẫn, tâm nhẫn thì những điều trái của chủ oan gia từ đây dứt hết.
Nhịn, nhịn, nhịn, thì vạn tai hoạ đều tiêu tan.
Nín, nín, nín thì cảnh giới thần tiên từ đây mà có.
Thôi, thôi, thôi, thì những uy quyền công danh lớn nhất trên thế giới cũng không làm gì được mình ta. (Thích Thiện Hoa)
* Người Phật tử phải biết tập tánh khoan hoà độ lượng, biết tha thứ những lỗi lầm của người chung quanh, đừng ghi vào lòng, đừng chấp mê hơn thua lời nói, cử chỉ hành động không đẹp đẽ gì của người khác đối với mình.
* Hãy nghĩ rằng cho dù họ có lòng xấu xa độc ác của người muốn hại ta đi nữa thì cũng nên tự nhủ người ấy đáng thương hơn đáng trách, vì họ thiếu sáng suốt, thiếu căn lành và sự thiếu thốn đó đã đem lại cho đời họ đau khổ lắm rồi. Nếu ta ôm ấp những nỗi oán thù thì ta đau khổ, mất ăn, mất ngủ, khản tiếng, hao hơi và mất bình tĩnh trong công việc làm ăn và tu học và như vậy là ta dại khờ, vô ích. Phật dạy: “Niệm mà không chấp mới là niệm, Tu mà không tu mới là Tu”…(Kinh 42 chương)
* Chúng ta cũng không nên chú trọng về tinh thần mà bỏ vật chất.
Đừng bắt chước những người nguỵ biện hay bừa bãi thường nói rằng “Tu tâm là được rồi đến chùa làm gì?”. Nói như thế là không nhận rõ ảnh hưởng mạnh mẽ của hoàn cảnh. Nếu người đó sống giữa cảnh xa hoa truỵ lạc. Thường ngày bao nhiêu cảnh trò, nhạc điệu, lời lẽ hình dáng dâm ô, bao nhiêu hương mùi kích thích dục lạc .vv. Liệu họ có tu tâm được không? Nếu họ giữ được, có lẽ họ đã là bậc “Thánh”. Mà “Thánh nhân” ở đời nầy thật quá hiếm hoi; cho nên dễ trở thành quỷ sứ.
Hoàn cảnh thanh tịnh bên ngoài để giúp ta thanh tịnh bên trong. Tất nhiên trong cõi đời đã gọi là ô trọc nầy thì khó có cảnh hoàn toàn thanh tịnh. Nhưng trong phạm vi tương đối ta có thể tạo ra. Ta tập sống vệ sinh điều độ, thứ tự ngăn nắp. Tập xua đuổi ý nghĩ xấu xa đen tối, tập hành động theo lẽ phải dung hoà, vị tha. Tìm những kinh sách có tư tưởng trong sáng, tiến bộ để đọc, tìm thầy bạn có đạo đức để học hỏi kết giao, ta tìm những cảnh chùa theo đúng chánh pháp để tới lui tu dưỡng và chúng ta cũng đừng vội thoả mãn yên trí là tâm hồn ta đã thanh tịnh. Chúng ta cần phải đề phòng những ý nghĩ nhỏ nhiệm sâu kín, đen tối, xấu xa len lén chen vào trong những công việc hàng ngày của chúng ta. Ví dụ:
- Khi ta cho người khó khăn một vài đồng bạc vì thật lòng thương họ. Đó là một việc thiện quý báu.
- Khí có người khó khăn đeo riết ta xin, ta vứt cho họ ít đồng bạc để họ khỏi quấy rầy ta, đó là hành động bố thí mà không phải từ thiện. Khi giúp đỡ ai điều gì ta mong ngày kia trả lại như vậy là ích kỷ tính toán.
- Khi ta mang ơn ai mà vội vàng trả lại với suy nghĩ để lâu mang ơn nặng hay người làm ơn sẽ nhờ vã ta nhiều hơn, như thế động lực trả ơn mà chính là bội bạc. Hoặc khi ta làm điều gì hay đẹp, do sự háo thắng hay cốt cho mọi người khen ngợi, như thế là ngạo mạn muốn được hơn người. Và khi ta đến chùa, nhưng vì đến chậm ta phải đứng lạy sau người hay ngồi nghe giảng vào hàng cuối, hay ăn uống không được trọng đại .v.v, ta đâm ra buồn phiền trách móc: “Tôi như thế nầy mà để tôi đứng sau, ngồi dưới…xem thường tôi ..v.v…” Như thế là đến chùa tìm thanh tịnh đâu chẳng thấy mà lại hoá ra đi ôm ấp thêm phiền não…
Tánh háo thắng, là một tánh xấu có thể làm trở ngại rất nhiều trong công việc trau dồi tinh tấn của ta. Có nhiều người vì tánh háo thắng muốn tỏ ra ta có tài đức hơn người, nên làm những việc vĩ đại tày trời, nhưng sức lực khả năng của họ có hạn, nên dù họ có cố gắng, tinh tấn bao nhiêu cũng vô ích.
… “Dã tràng xe cát biển Đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì!...”
Điều thứ hai cần đề phòng sự hấp tấp nóng nảy, muốn mau đạt được kết quả. Sự gì, vật gì cũng đều cần có một thời gian để phát triển, trưởng thành. Ta quên sự thật ấy, thì không làm được việc gì có kết quả hết. Bắt cây mạ non phải đơm hoa kết trái, bỏ thật nhiều phân, tưới nhiều nước, nhớm gốc nó lên, kéo dài lá nó … Bao nhiêu công phu đó làm cho nó chết non, chết yểu. Người mới tập đọc mà đọc sách uyên thâm bác học thì cố công đến đâu cũng không hiểu gì hết và đâm ra ngã lòng chán nản. Con người muốn diệt trừ ngay một lúc tất cả các tính xấu của mình, nào trộm cướp, tham lam, trai gái, rượu chè, khoe khoang, kiêu mạn…Người ấy chẳng khác gì đứa bé trong một phút cao hứng vào rừng bắt lùng thú dữ, hay một người lính đơn thân độc mã xông vào trận mạc quân thù. Những người ấy, dù có tinh tấn cố gắng nỗ lực bao nhiêu cũng không thoát khỏi cái chết đang chờ đón họ.
Cho nên muốn được sự tinh tấn có kết quả tốt đẹp, còn phải làm việc có phương pháp, phải loại trừ tính háo thắng, nóng nảy gấp gáp, đừng tham lam bắt cá hai tay. Ta có thể đặt ra mục đích cao, nhưng hãy tuần tự mà tiến, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó và tiến lên đều đặn, đừng vội chạy mau rồi ngồi để thở hay mệt quá nằm xuống không dậy được nữa…
Ta hãy kính cẩn nghe lời Phật dạy: “Tay hãy tinh tấn nỗ lực thân mãi để đạt mục đích tối thượng. Siêng năng tinh tấn thì không việc gì là khó. Giọt nước tuy nhỏ nhưng có thể làm thủng một tảng đá. Nếu chúng ta tu hành mà tâm còn biếng nhác, trễ lười thì đạo quả khó thành…”
Như chúng ta đã biết, tập làm người đã khó, tập theo hạnh của Phật lại càng khó hơn. Công việc ấy người Phật tử phải kiên gan bền chí hết sức lớn lao. Thiếu đức tính kiên chí, chắc chắn chúng ta không giờ có kết quả. Vì thế trong đời sống hằng ngày dù nhỏ nhặt bao nhiêu thì ta cũng phải luyện tập sự chịu đựng bền bỉ. Kiên chí như một sợi dây bền chắc để xâu từng hạt ngọc quý. Hạt ngọc quý nhưng nếu sợi dây không bền bỉ thì hạt ngọc sẽ bị rời ra không thành chuổi được.
Đừng bao giờ vội vã, hấp tấp, sốt ruột. Cứ tuần tự mà tiến. Chạy mau sẽ ngã, vội vã sẽ vấp váp đổ vỡ, sốt ruột sẽ làm hư việc, mất công. Cuộc đời con người không toàn thiện. Muốn có một kết quả tốt hoàn thiện tất phải trải qua những xấu xa vây bọc, cản đường…
Người Phật tử đừng tưởng rằng khi mình làm việc thiện, việc tốt thì mọi người sẽ hoan hô, tán thành mình. Không đâu! Trái lại, có nhiều khi mình còn bị người đời tấn công phá tan mình nhiều hơn nữa. Càng đi gần đến thành công thì càng gian nan trở ngại càng thêm chừng ấy. Tục ngữ có câu “Càng cao danh vọng, càng dày gian nan” Trong kinh Phật cũng có dạy “Phật cao một thước, ma cao một tượng”. Công việc tu tập của chúng ta cũng như cuộc đua, càng gần đến đích trở ngại càng nhiều, rào càng cao, hố càng hiểm.
Vậy cho nên trong tu tập, mỗi một chúng ta càng bước dài vào đường đạo, càng lượm nhiều kết quả, lại càng phải thận trọng và lo toan nhiều hơn. Phải tự động viên ta thêm nhiều nghị lực sức chịu đựng bền bỉ, trường kỳ kiên chí, cứng như thép vững vàng như bàn thạch. Lộ trình đến quả vị Phật có gian lao, hiểm trở, xa xăm cũng có ngày ta đặt chân đến được.
“Ở đời chẳng có việc gì khó
Người tu lập chí phải nên kiên trì.
Người Phật tử chúng ta là những chiến sĩ đấu tranh với tâm ta để dành chiến thắng ở đích cuối cùng là lộ rõ Phật tánh của ta. Trong cuộc chiến đấu với nội ma, ngoại ma, đó là:
- Lấy từ bi đối trị hận thù
- Lấy lợi tha đối trị ích kỷ hẹp hòi
- Lấy trí tuệ đối trị si mê
- Lấy nhẫn nhục đối trị giận dữ
- Lấy bình đẳng đối trị phân biệt
- Lấy thanh tịnh đối trị ô uế
- Lấy tinh tấn đối trị sụt lùi biếng nhát.
- Lấy kiên chí bền sức đối trị vội vã, bi quan, thất bại.
Nói thì dễ nhưng hành thì khó lắm. Nhưng phải nói hết. Phật dạy: “Trong mọi loài chúng sanh đều có Phật tánh”. Như vậy mỗi một chúng ta đều có đủ “Tánh Từ bi - Tánh Trí tuệ - Tánh Bình đẳng - Tánh Lợi tha - Tánh Nhẫn nhục - Tánh Thanh tịnh - Tánh Tinh tấn -Tánh Kiên chí…”
Nhưng vì “Trăng lu vì đám mây che”, chúng ta sinh ra từ chỗ tối tăm vô minh vậy! Chúng ta thực hiện đủ các đức tánh trên thật đúng là khó vì có ai dám nói “Tu” là dễ đâu? Chúng ta chỉ cần thực hiện một số tánh mà ta yêu thích và hành được thì ta cố gắng. Trong một tánh ta thực hiện tốt thì đã bao hàm cả các tánh kia, các đọc giả hãy suy luận thử xem.
Ví dụ: Từ bi là hiền lành tuyệt đối, tất nhiên là có trí tuệ, có bình đẳng, có lợi tha, có nhẫn nhục, có thanh tịnh, có tinh tấn, có kiên chí…
Như vậy người Phật tử cũng là người chiến sĩ bền gan để chiến thắng của đời thường vô minh tâm tánh.
K.Y. Hương Phước Nguồn : Lieuquanhue