;
Người Phật tử tại gia và tám điều cần biết
Đức Phật quy y cho vị cư sĩ đầu tiên
Trao đổi với bạn đồng tu về màu áo, hoa khai kiến Phật
Cẩm nang vào đời cho người cư sĩ tại gia
Do thiếu suy xét, Phật tử giờ cũng lắm vị tuyên bố: "Tôi tin Phật, tin Pháp, chứ chẳng quy y Tăng". Nghĩa là với họ chỉ có nhị quy thôi, chứ không có Tam quy. Trong mắt họ, chư Tăng vẫn làm phàm phu, chứ có gì đâu phải kính trọng.
Thỉnh thoảng lại nghe vài tin trên báo chí, mạng xã hội, thậm chí tin hành lang về thầy A, cô B nào đó phạm giới, phá trai, làm điều bất hảo này kia, thì bu nhau chửi, chẳng cần biết đúng sai, cũng chẳng sợ tội lỗi, vì chẳng ai xứng đáng làm thầy họ. Dù họ vẫn đi chùa, thắp nhang, lạy Phật hàng ngày.
Không những vậy, lại có những Phật tử có phước duyên, gần gũi các vị tôn túc trưởng lão, thọ pháp và tu theo quý ngài, nên trình độ Phật học cũng kha khá. Rồi suốt ngày đến chùa, lên mạng cật vấn quý thầy, tỏ ra mình am tường, biết rộng, còn quý thầy sao quá quê mùa.
Gặp quý thầy tu hành đàng hoàng thì không nói, nhưng lỡ quý thầy có sơ hở gì, hoặc thấy quý thầy trẻ tuổi lại xem thường. Không những chẳng hộ trì tăng bảo, mà còn nhảy vào chung với những vị đã bị hoại tín tâm, cùng hợp tác công kích. Xin thưa học đạo để làm gì?
Cũng có người, tin Phật, nghe pháp, kính tăng. Nhưng chỉ kính những vị thầy nào gần gũi hợp nhãn mình. Nghĩa là họ đến chùa, lui tới cúng dường, cũng chỉ để lấy lòng thầy trụ trì, rồi tranh thủ làm sao để quản lí thầy và Phật tử trong chùa.
Kiểu như lúc nào cũng coi ta đây là số một. Chỉ cần bị lui lại làm số hai, là quay lại nói xấu nhà chùa liền. Từ chuyện nhỏ xé to, chuyện không thành có. Mình cúng thì mình được phước, đến chùa là buông bỏ lòng tham danh lợi, mà lại muốn trèo cao, thì làm sao học đạo. Ngã mạn như thế vẫn chưa vừa. Bởi phát tâm đóng góp, lo cho tam bảo cũng chỉ là số ít.
Còn lại là thành phần bình dân: "Nam Mô A Di Đà Phật, mỗi người một tật". Hết vào chùa dò xét, soi mói lỗi lầm của quý thầy, quý sư cô, rồi lại ganh ghét, dựng chuyện đi nói xấu. Hoặc chẳng tin tội phước nhân quả, đi chùa chỉ trông được lãnh quà, được ít nhiều rồi phân bì này nọ. Bữa nào được thì vui, bữa nào thầy không có của để cho lại giận. Mà nhà chùa đâu phải có sẵn máy in tiền. Thập phương dâng cúng chi, xài nấy. Chẳng thể tự ý. Chưa kể, đám tang, đám giỗ, chuyện buồn, chuyện vui gì cũng gọi thầy, nhưng được ba bữa là ngoảnh mặt làm ngơ. Làm thầy, cũng như làm dâu trăm họ vậy.
Điều đó, hoàn toàn ứng với lời Phật dạy trong Kinh A Nan Thấy Bảy Điềm Mộng. Sở dĩ, ngài A Nan mộng thấy "Bầy heo rừng đến ủi rừng Chiên Đàn" là trong tương lai Phật tử sẽ vào chùa, rình tìm chỗ hay dở, vạch lỗi của chư Tăng để phỉ báng. Đó chính là tội ngang bằng với tội ngũ nghịch: "Giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật chảy máu". Chắc chắn sẽ đọa địa ngục.
Luật tạng quy định, Tăng là tập thể bốn thầy Tỳ Kheo (hoặc Tỳ Kheo Ni) thanh tịnh và hòa hợp trở lên. Cá nhân một thầy hoặc một sư cô, không gọi là Tăng. Nên dù hoàn cảnh, quốc độ, thời đại nào, bản chất của Tăng bảo vẫn thanh tịnh và hòa hợp.
Nếu Phật tử vì thấy lỗi quý thầy mà không chịu quy y Tam bảo, thì không đủ tư cách làm người Phật tử chân chính. Vì tam quy là nền tảng để thành tựu tất cả thiện pháp thế gian và xuất thế gian, cho đến Phật quả.
Vì bản chất Phật là đức sáng suốt, Pháp là lý bình đẳng, Tăng là lẽ thanh tịnh của tâm. Đã không nương theo sự, thì chẳng thể thành tựu lý quy y. Làm sao có thể đạt đến sự giác ngộ giải thoát viên mãn?
Lục Tổ Huệ Năng nói: "Người thật sự tu đạo, không thấy lỗi thế gian". Nếu như thấy lỗi người, thì lỗi mình kề tới bên. Vì do sự chấp trước tốt xấu, phải trái, hơn thua khuấy động tâm thức. Nên trong Luật Sa Di dạy, kính thầy như kính Phật; kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Bồ tát Thường Bất Khinh thấy ai cũng lễ bái, vì chắc chắn họ sẽ thành Phật. Đó là do tâm thanh tịnh, thì thấy các pháp thanh tịnh.
Nếu thật sự tu đạo, là người Phật tử chân chính, thì đâu nhất thiết phải chấp lỗi thế gian. Tại sao, hàng ngày chúng ta đảnh lễ Phật vị lai, mà lại làm tổn thương đến chúng sanh khác. Trong khi, họ sẽ thành Phật. Cũng bởi, chỉ sống với phiền não vô minh, chứ không chịu buông bỏ để sống với Phật tánh.
Huống chi cõi này, phàm thánh lẫn lộn. Nghịch hạnh hay thuận hạnh đều có. Như Đại Sư Thân Loan, sơ tổ Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản, đã sống một đời phi tăng phi tục, lấy sư cô Huệ Tín, có sáu người con. Đến cuối đời viên tịch, thị hiện hương thơm ngào ngạt đến bảy ngày, vãng sanh thượng phẩm. Đại Sư đã tu chứng niệm Phật tam muội, thì làm sao ngũ dục, lục trần huyễn hóa đủ sức ô nhiễm tâm ngài. Cái mà chúng ta thấy, nghe hàng ngày đó, chấp cho là thật, "bắt tận tay, day tận mắt", đó cũng chỉ là vọng tưởng. Mà người thế gian, cứ nhốn nhào lên. Hành trạng của Đại Sư Thân Loan là hóa thân Bồ tát đến khai thị cho chúng sanh trong đời mạt pháp.
Trong kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, đức Phật dạy Bồ Tát Trừ Cái Chướng đem hương hoa, phẩm vật đến cúng dường vị Pháp sư giới hạnh khiếm khuyết, lại có vợ con, đại tiểu tiện dơ dính ca sa, không có oai nghi, để cầu Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn. Trong khi, quá khứ, đức Phật vì cầu Minh chú này trải qua vô lượng cõi Phật mới được. Ngài sợ, Bồ tát Trừ Cái Chướng khinh hủy vị pháp sư đó mà lui sụt thánh vị. Đức Phật dạy, gặp vị pháp sư như thế như thấy Như Lai, công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Vì Sao? Vì Lục Tự Đại Minh có nghĩa là Ngọc Báu Trong Hoa Sen ( OM MA NI PAD ME HUM). Tức là bản tâm thanh tịnh của mỗi người. Nếu hoa sen tâm chúng ta khai mở thì Phật hiện tiền. Mà lìa bùn làm sao có sen. Nếu Đại sĩ không trừ bỏ tâm chấp trước ô nhiễm hay thanh tịnh đối với pháp sư ấy, thì không thể thành Phật. Đó là căn nguyên tại sao Bồ Tát Trừ Cái Chướng đến cúng dường vị Pháp Sư như thế mà không phải ai khác.
Chúng ta cũng vậy, muốn thành Phật thì không được nhìn lỗi chúng tăng. Bằng trái lại tự mình đoạn mất huệ căn, rơi ba ác đạo. Vì sao? Vì do mình thiếu phước mới sanh thời mạt pháp. May nhờ biểu tướng Tăng bảo còn tồn tại, nếu không thì chẳng có cơ hội học Phật, gieo duyên tế độ. Trong khi, đức Phật đã nhập Niết bàn, chánh pháp chỉ nhờ tăng bảo duy trì. Nên Tăng bảo là quan trọng nhất.
Như Kinh Pháp Diệt Tận, "vào thời mạt pháp, thầy Tỳ Kheo, một tay dắt vợ, một tay ẵm con, đi vào quán rượu". Đó là hiện tượng chánh pháp suy đồi không thể chối cãi. Nhưng cúng dường những vị ấy vẫn sanh phước điền.
Phạm Võng Bồ tát Giới Giảng ký nói:"Chư Tỳ kheo phá giới/ Vẫn hơn các ngoại đạo". (Phá giới chư Tỳ Kheo/ Du thắng chư ngoại đạo). "Như hoa hoa Ưu đàm bát, tuy rụng vẫn còn hương". Vì ngoại đạo có giữ giới thanh tịnh, thì vẫn là tà kiến. Còn quý thầy lỡ phạm giới, dù có đọa địa ngục, vẫn được gieo nhân chánh pháp. Hết đọa lạc rồi lên tu tiếp. Như hạt kim cương rơi vào lòng đất, chắc chắn sẽ xuyên qua biên tế. Thì họ chắc chắn là Phật sẽ thành.
Pháp Sư Oánh Kha Trung Quốc, là người xuất gia, nhưng không giữ thanh quy giới luật. Do sợ báo ứng nên cầu xin đại chúng chỉ dạy. Nhờ đọc "Vãng Sanh Truyện", nên chí thành niệm Phật ba ngày, ba đêm. Cảm ứng Phật A Di Đà hiện thân tiếp dẫn. Kinh Vô Lượng Thọ nói: "Người xuất gia phá giới phạm trai, chí thành niệm Phật, sẽ được vãng sanh thượng phẩm hạ sanh". Như vậy, đâu phải là mất hẳn cơ hội dự phần thánh quả?
Chính những nhân duyên, chư Bồ tát, thánh tăng thị hiện như thế, để an ủi người kém phước thiếu tu và cảnh tỉnh quý Phật tử, trong thời kỳ chánh pháp cuối cùng. Đừng để giấc mơ của ngài A Nan về sự phá kiến của giới cư sĩ Phật tử thành hiện thực. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai lỡ phạm sai lầm này.
Tăng Ni phạm lỗi gì, đều có nhân quả, cũng như Tăng Già xử trị theo luật người xuất gia. Trong khi, đúng giới luật, chỉ có Tỳ Kheo Tăng là cử tội bảy chúng, chứ cư sĩ không có quyền chỉ trích lỗi quý thầy. Mọi việc phải để cho hội đồng Tăng già giải quyết.
Nguyên do đức Phật và năm trăm thầy Tỳ Kheo mắc nạn ăn lúa ngựa, là do đời trước ngài chế bài vè phỉ báng một sa môn thiếu thanh tịnh. Còn năm trăm vị đệ tử cùng chế giễu chung phải chịu cộng nghiệp. Đâu thể chủ quan nói, người khác phạm lỗi, là mình có quyền chà đạp.
Đạo Phật là đạo giải thoát. Bất cứ phiền não nào trói buộc tâm tư hành giả thì đó là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Lỗi lầm vô minh của chúng ta chưa trừ được, thì tự thân phải lo ngày đêm xét lại ba nghiệp thân, khẩu ý; sám hối và buông bỏ. Bằng chỉ lo dòm ngó lỗi người, khinh mạn chúng tăng, không chịu quy y Tam bảo đúng nghĩa thì mãi là thân cùng tử. Gia tài cha bỏ mặc chịu cảnh đói rét lang thang.
Đạo Phật có tồn tại và phát triển hay không, đó đều là nhờ vào sự hộ trì của quý Phật tử. Hiện tượng "Sư tử trùng trung, thực sư tử nhục", đâu chỉ lỗi riêng hàng xuất sĩ, mà đó chính là tệ phá kiến và phỉ báng Tam bảo của người cư sĩ hiện nay. Tại sao, không đặt lợi ích giác ngộ của cá nhân và sự tồn vong của chánh pháp lên trên hàng đầu? Chẳng lẽ phiền não vô minh nơi quý vị lớn vậy sao?
Là Phật tử, có bao giờ quý vị nghĩ đến trách nhiệm duy trì chánh pháp? Đâu thể đi tìm sen tách khỏi bùn. Giữ đúng bổn phận của người Phật tử. Im lặng trước thị phi. Luôn khởi tâm khiêm hạ, cầu pháp. Lìa bỏ mọi chấp trước, đó chính "Hoa khai kiến Phật". Bằng chỉ nguyện suông về cõi Tây phương, mà không hiếu kính Tam bảo là làm đằng đông mà nói đằng tây vậy. Dù tin Phật đến đâu, cũng không thể gặp Phật trong đời.
Há chẳng nghe như ngài A Nan phát nguyện:
"Còn một chúng sanh chưa thành Phật,
Con nguyện không vào cõi Niết bàn".
Trần Đại Sĩ