nguoiphattu.com Người xuất gia đạo Phật là người tứ đại giai không, bản thân không còn lệ thuộc vật chất, tiền bạc, gia đình… của thế gian, nhờ sự hỗ trợ của thập phương bá tánh mà tu học. Thế nhưng vẫn có những chuyện cười ra nước mắt khi người xuất gia mất, người thân kéo vào chùa đòi thừa kế.
Người xuất gia sống dựa vào thập phương bá tánh để thuận tiện trong tu học tìm cầu con đường giải thoát (ảnh minh họa)
Người tu chỉ có 3 y và 1 bình bát
Đã có rất nhiều vụ việc, anh, em, con, cháu của người xuất gia vào chùa đòi thừa kế sau khi vị Tăng/Ni mất. Điển hình như tại TPHCM, vụ việc Ni sư Thích Nữ Huệ Tịnh, trụ trì chùa Thiên Chánh (quận Tân Phú) sau khi mất để lại 5 quyển sổ tiết kiệm mang tên Đỗ Thị Thiềng, số tiền là 138.850 USD, 423 USD tiền mặt và 42 triệu đồng.
Người em gái của ni sư là bà Đỗ Ngọc Thanh (ngụ tại quận Gò Vấp), khi nghe tin đã gửi đơn xin thừa hưởng số tiền trên vì cho rằng số tài sản đó được gửi vào ngân hàng dưới tư cách cá nhân, do vậy căn cứ vào Luật dân sự thì bà là người thừa kế hợp pháp số tài sản trên.
Hay tại Trung Quốc cũng vừa có một vụ tranh chấp tương tự, đó là khi hòa thượng Thích Vĩnh Tu - trụ trì chùa Linh Chiếu, thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam bị ám sát để lại số tiền 4 triệu NDT (hơn 14 tỷ đồng)
Con gái của trụ trì là Trương Dịch Vân cho rằng, mình có quyền thừa kế những tài sản mà cha để lại. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối từ chùa Linh Chiếu và sau đó cô gái lập tức khởi kiện ra tòa án.
Trước những hiện tượng này, Hòa thượng Thích Đạt Đạo, Trưởng ban thường trực Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM cho rằng:
“Một người xuất gia tu học, gia tài chủ yếu chỉ có 3 y (áo cà sa - PV) và 1 bình bát, sống nhờ vào sự hỗ trợ của thập phương bá tánh để tu học. Chính vì thế việc người thân của người xuất gia sau khi vị này mất vào đòi tài sản thì tôi cho rằng họ không có quyền can thiệp đến cơ sở vật chất, tịnh tài, tịnh vật của nhà chùa.
Tài sản của người xuất gia theo đạo Phật chỉ có 3 y và 1 bình bát
Nếu có thì khi vị trù trì đó đang còn sống và minh mẫn phải giải quyết trước. Hoặc thầy đó nếu có tài sản riêng thì phải để lại di chúc. Còn nếu không có di chúc thì số tiền để lại do thầy đó đứng tên thuộc về Tam Bảo vì đây là số tiền do Phật tử đóng góp mà vị Trụ trì này thay mặt nắm giữ.
Nên nhớ một người khi đã xuất gia tu học, mà đạo Phật gọi là cắt ái, ly gia (rời xa gia đình để tu hành mong cầu giác ngộ, giải thoát), lúc đó về mặt pháp lý người xuất gia không còn mối liên hệ với gia đình nữa (nếu có cũng chỉ là những gì tình cảm quyến thuộc, còn những gì mà người này có được sau khi đi tu thì không liên quan)”.
Chỉ có cha mẹ, người xuất gia mới được nuôi dưỡng
Hòa thượng Thích Đạt Đạo chia sẻ thêm, những tịnh tài, tịnh vật (của cải, tiền bạc - PV) được Phật tử cúng dường vào chùa đều là của Tam Bảo chứ không phải dành riêng cho vị Trụ trì hay cá nhân Tăng/Ni nào.
Cũng có những trường hợp các vị Tăng/Ni, hay vị Trụ trì có đi làm Phật sự như giảng dạy hoặc được quần chúng Phật tử cúng dường riêng thì tài sản đó Hòa thượng cho rằng thuộc quyền sử dụng riêng của Tăng/Ni hay vị Trụ trì đó.
Tuy nhiên dù ở trên phương diện của chung hay cá nhân thì người tu hành cũng cần hiểu rõ đây là khoản tiền do Phật tử cúng dường để hỗ trợ Tam Bảo, hay cá nhân Tăng/Ni có điều kiện để tu học và hoằng pháp. Chứ không phải cúng để mình lo cho gia đình hay mua sắm lung tung.
Nhà chùa vẫn thường dạy các đệ tử “một hạt gạo trong chùa bằng một ký gạo ngoài đời” vì thế nếu ai sử dụng không đúng sau này khó tránh khỏi tội kiếp.
Tiền dùng chung của Tam Bảo chỉ được dùng cho các hoạt động Phật sự, xây dựng sửa chữa chùa chiền. Chỉ có tiền cúng dường riêng thì được sử dụng cho sinh hoạt cá nhân nhưng trong phạm vi của việc tu học và hoằng pháp.
Chỉ có trường hợp cha mẹ già yếu, không ai chăm sóc thì người xuất gia có thể dùng số tiền này để hổ trợ nuôi dưỡng song thân cho đến khi qua đời.
Người xuất gia chỉ có thể dùng tiền được cúng dường để lo cho cha mẹ già yếu không có ai chăm sóc (ảnh minh họa)
Hiện nay giáo hội chưa có quy định về tài sản của chung cho Tam Bảo và tài sản cá nhân của vị Tăng/Ni hay vị Trụ trì. Vì vậy Hòa thượng Thích Đạt Đạo cho rằng Giáo Hội nên có những quy định cụ thể về vấn đề này để chính quyền căn cứ vào đó giải quyết, tránh những việc tranh chấp tài sản như đã xảy ra thời gian vừa qua.
Đồng quan điểm trên, Hòa Thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Thường trực Thành Hội Phật giáo TPHCM cũng cho rằng: "Đối với những người thân quá nghèo thì người Tăng/Ni hay vị Trụ trì muốn giúp cũng cần họp tăng chúng đề xuất xin một số tiền để xây 1 cái nhà tình thương hay hỗ trợ để người thân có một công việc kiếm sống… vượt qua đói nghèo, nếu như chư Tăng/Ni đồng ý thì mới được lấy đưa cho.
Những người thân của Tăng/Ni này khi nhận số tiền cần sử dụng đúng để lo cho cuộc sống, làm phước thiện, chứ nếu dùng để đánh bạc, chơi bời thì tội sau này càng nặng."