;
Giác Ngộ trong lúc đang ngồi trên ngai
Nhà sư Luang Poh Koon và ảnh tượng (amulet/bùa) mà nhiều người Thái đeo ở cổ
để phù hộ mình.
Ngày 16 tháng 5 vừa qua một trong số các nhà sư Phật giáo nổi tiếng nhất của Thái Lan, và cũng là một trong số các vị Thầy cuối cùng và khác thường của truyền thống "Tu Trong Rừng", là Luang Poh Koon vừa viên tịch. Luang Poh Koon thường được biểu trưng bởi hình ảnh một nhà sư ngồi chồm hổm tay cầm điếu thuốc lá, nhằm nhắc lại giây phút thật bất ngờ và đột ngột khi ông đạt được giác ngộ.
Nhà sư Luang Poh Koon có thói quen hay hút thuốc lá, vì thế cứ mỗi lần thèm thuốc thì ông phải tìm một nơi kín đáo để hút lén (ngày nay thì không còn phải lén lút nữa vì một số các nhà sư Thái Lan hút thuốc công khai...). Một hôm Thầy của ông chợt thấy trong nhà cầu có khói bốc lên, liền quyết định bắt quả tang người đệ tử của mình đang lén lút hút thuốc, bèn bất thần mở toang cửa nhà cầu..., nhà sư Luang Poh Koon đang ngồi chồm hổm trên bàn cầu, tay còn đang cầm một điếu thuốc lá. Bị bắt gặp quả tang trong một lúc thật bất ngờ, Luang Poh Koon không còn nghĩ ngợi gì nữa, gạt phăng mọi ý định [bào chữa] và thốt lên: "Vâng tôi là như thế đấy! Vậy thì sao?". [Sau câu nói ấy] ông chợt giác ngộ về hiện thực của mọi sự vật.
Nhà sư Luang Poh Koon từng được nhiều người biết đến nhờ các khả năng khác thường và kỳ diệu của ông, nhất là các bùa (amulet) do ông làm phép giúp người đeo tránh các thứ tai nạn (nhất là lưu thông và súng đạn). Một hôm có một thương gia giàu có gốc Hoa muốn thử bùa của ông, bèn mang bùa vào người và lái một chiếc xe vận tải cỡ lớn, anh ta đạp ga phóng hết tốc độ. Vừa đến khúc quanh đầu tiên thì lật và lăn tròn. Anh thương gia gốc Hoa vô cùng tức giận bèn tìm nhà sư Luang Poh Koon để hạch hỏi: "Bùa của ông chẳng được tích sự gì cả, tôi vừa bị lật xe đây!". Nhà sư Luang Poh Koon bèn hỏi lại: "Thế ngươi phóng xe với tốc độ nào?". Người thương gia trả lời: "Tôi cũng không biết, chỉ biết là lúc đó tôi đạp hết ga". "Vậy là chuyện bình thường, bùa của ta chỉ hiệu nghiệm với tốc độ tối đa 90 cây số giờ mà thôi, nếu vượt quá tốc độ đó thì ta không chịu trách nhiệm... Lạ thật, mi đạp hết ga, xe lật nhào, nhưng tại sao mi vẫn còn đứng trước mặt ta mà cật vấn ta về chuyện ấy? Mi nên tự hỏi nếu không có bùa của ta thì mi có còn sống hay không?".
Nhà sự Luang Poh Koon còn được rất nhiều nhân vật lãnh đạo các cường quốc trên thế giới tham vấn về những mối lo lắng của họ về tương lai. Người ta thường kể lại câu chuyện sau đây về người con trai của quốc vương Thái Lan, vị thái tử này tham vấn ông để được biết chắc là sau này mình có được thừa kế vua cha hay không. Câu trả lời là không! Vị thái tử này bèn móc trong túi một khẩu súng lục, nhưng chưa kịp nâng súng để bắn thì khẩu súng bị văng khỏi tay và rơi xuống đất. Trước sức mạnh kỳ lạ đó, vị thái tử liền quỳ xuống lạy nhà sư Luang Poh Koon để tạ lỗi.
Có một vị khác cũng lăm le chức phận cao sang và cũng đã đến tham vấn ông, nhưng có phần may mắn hơn nhiều. Vị này là một Đại Tướng trong quân đội Thái Lan muốn biết xem là mình có được cử giữ chức Thủ Tướng chính phủ hay không. Nhà sư Luang Poh Koon trả lời như sau: "Chuyện ấy thì cũng có thể, nhưng mi phải bảo vợ mi đích thân mang đến đây cho ta một con heo sữa ". Vị đại tướng phải khổ công lắm mới thuyết phục được vợ mình tuân theo sự đòi hỏi quái dị của nhà sư Luang Poh Koon, mọi việc sở dĩ khó khăn là vì bà này theo Hồi giáo. Thế nhưng mọi sự cũng được giàn xếp ổn thỏa. Phu Nhân của vị Đại Tướng đích thân kẹp nách một con heo con tìm đường lên chùa để gặp nhà sư Luang Poh Koon. Thật hết sức hiệu nghiệm, ít lâu sau đó vị Đại Tướng chồng bà được cử vào chức vị mà ông ta hằng ao ước, và đã giữ chức này cho đến khi các con rồng Á Châu (các nước đang lên) lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế năm 1997 (thời kỳ quân phiệt nắm chính quyền ở Thái), chuyện này cho thấy là con heo con đã làm cho con rồng vấp chân mà phải ngã nhào... (cách giải thích này cho thấy tác giả bài viết có thể đã không hiểu hết ý nghĩa trong việc bắt Phu Nhân của vị Đại Tướng phải mang heo lên chùa - xin xem lời ghi chú bên dưới).
Các giai thoại trên đây đã mang lại nhiều thú vị hoặc gợi lên sự ngưỡng mộ cho người dân Thái. Đây là một khía cạnh Phật Giáo hoàn toàn xa lạ đối với người Tây Phương. Dầu sao trong trường hợp của nhà sư Luang Poh Koon, phía sau những chuyện biểu dương [mầu nhiệm] là cả một sự tu tập và một nền giáo huấn. Ngày nay người ta còn tìm thấy được chăng những nhà sư khác thường như thế để làm bật gốc những định kiến có sẵn của chúng ta về sự Giác Ngộ và phong cách [phải giữ] của một vị thầy, cũng như về những gì mà người ta cho rằng phải như thế này mới là Phật giáo, và như thế kia thì không phải là Phật giáo? Chỉ có tương lai mới có thể mang lại giải đáp cho câu hỏi ấy mà thôi, [dầu sao] việc thừa kế [nhà sư Luang Poh Koon] vẫn còn đang để ngỏ...
Vài lời ghi chú của người dịch
Bài báo trên đây được đưa lên trang nhất của tập san trong mục "Regard", chữ này có thể tạm dịch là "Quan Điểm", thế nhưng đối với tên của tập san là "Regard Bouddhique" thì chữ "regard" lại được dịch là "Hướng nhìn". Chữ regard nghĩa từ chương là "một cái nhìn" (view/sight), do đó khi dịch tựa của tập san này là "Hướng nhìn Phật giáo" thì đấy là một cách mở rộng ý nghĩa của chữ này, thế nhưng bên trong tờ báo thì mạn phép dịch chữ "regard" là "quan điểm" (point of view) lại là một cách thu hẹp hơn ý nghĩa của chữ regard nhằm nêu lên quan điểm của tập san này về một vấn đề rõ rệt nào đó.
Sở dĩ dài dòng là để nhấn mạnh đến chủ đích của tập san khi đưa bài viết trên đây lên báo. Trong bài viết có một câu đáng cho chúng ta lưu ý: "Đây là một khía cạnh hoàn toàn xa lạ đối với người Tây Phương". Thật vậy, có thể nói không mấy người Tây Phương và cả trong số người đọc, biết đến nhà sư Luang Poh Koon là ai cả. Thế nhưng đối với người dân Thái thì hầu hết đều biết đến, hay ít nhất cũng nghe nói đến nhà sư này. Điều đó cho thấy là tên tuổi của nhà sư Luang Poh Koon đã được gắn chặt với nền văn hóa, tín ngưỡng, sự sinh hoạt thường nhật của họ, ăn sâu vào đức tin trong lòng họ. Đó là những gì hoàn toàn xa lạ đối với người Tây Phương. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao?
Thật ra thì cũng không phải là khó hiểu lắm: Phật giáo đối với người Tây Phương là một tín ngưỡng mới mẻ, mang nặng tính cách khoa học và triết học, do đó họ không nghĩ đến khía cạnh về lòng tin tưởng và sự mầu nhiệm của một tôn giáo. Các tín ngưỡng lâu đời của họ ngày nay đang tuột dốc một cách thê thảm, do đó họ cũng đã đánh mất các khía cạnh mầu nhiệm của các tôn giáo ấy đã từng thấm đậm và ăn sâu vào tâm hồn của ông bà họ trong quá khứ: chẳng hạn như Đức Mẹ Đồng Trinh thường hiện ra với tổ tiên họ ở khắp nơi.
Đối với người dân Thái thì Phật giáo mang tính cách rất đại chúng, thấm đậm và bàng bạc trong tâm hồn họ, ăn sâu vào đời sống gia đình và xã hội của họ, nên tính cách mầu nhiệm của tín ngưỡng cũng dễ hiển hiện lên với họ hơn. Thế nhưng cần lưu ý một chi tiết rất quan trọng nêu lên trong bài viết trên đây là hậu cảnh phía sau những sự mầu nhiệm đó là cả một sự tu tập và một nền giáo huấn, nhất là sự tu tập và giáo huấn đó lại thuộc vào truyền thống "Tu Trong Rừng" vô cùng khắc khổ, không như trường hợp nhờ may mắn được Thượng Đế "ghé mắt" mà biết làm phép lạ.
Ngoài ra trong bài viết trên đây cũng thấy nêu lên một sự kiện khiến chúng ta không khỏi thắc mắc. Theo Phật giáo thì nếu một vị Đại Tướng được đề cử làm Thủ Tướng thì đấy là nhờ vào công đức và nghiệp lành của vị ấy, chẳng có gì liên hệ với việc vợ mình phải ôm con heo con lên chùa, bởi vì chúng ta đều hiểu là nhà chùa không sát sinh và người tu hành thì cũng chỉ sống bằng khất thực. Bắt Phu Nhân của một Đại Tướng theo Hồi giáo phải cặp nách một con heo con lên chùa phải chăng là một cách chơi khăm theo kiểu "cù không cười" của nhà sư Luang Poh Koon? Thật vậy ông là một nhà sư khác thường và rất tếu, đã đạt được giác ngộ trong khi đang ngồi trên "ngai" và phì phéo một điếu thuốc lá. Thế nhưng cũng có thể hiểu đấy là dụng ý trong việc bắt bà vợ của một vị Đại Tướng theo Hồi giáo phải ôm heo lên chùa, là một cách nêu lên cho chúng ta một bài học thật đích đáng: danh vọng có thể khiến con người làm bất cứ chuyện gì, kể cả những chuyện thật khôi hài và trớ trêu. Dầu sao thì chúng ta cũng nên chắp tay trước mặt che một nụ cười mỉm trên môi, thế nhưng phải thật kính cẩn, để tiễn đưa một vị A-la-hán khác thường hòa nhập vĩnh viễn vào cõi Niết-bàn.
Ngoài ra câu kết luận của bài viết cũng nêu lên một sự mở rộng: việc thừa kế nhà sư Luang Poh Koon còn đang chờ đợi chúng ta. Vậy thử hỏi trong số chúng ta hôm nay có ai dám bước theo con đường tu tập trong rừng hầu một ngày nào đó có thể tạo ra cho mình một sức mạnh mầu nhiệm để cứu độ chúng sinh hay không? Trong quá khứ lịch sử Phật giáo từng có rất nhiều những nhà sư khác thường như thế, họ được gọi là các vị Ma-ha Tất-đạt (Mahasidda, còn gọi là các vị Đại thành tựu giả, có nghĩa là các nhà sư đã đạt được kết quả tu tập khác thường). Kinh sách cho biết là có tất cả là 84 vị Ma-ha Tất-đạt, trong số này có nhà sư Long Thụ, thế nhưng thật ra con số 84 trong nền văn hóa Ấn độ chỉ có nghĩa là vô số, tức là nhiều lắm, tương tự như khi nói đến 84.000 phương tiện thiện xảo (upaya) trong việc tu tập. Họ là những người có những khả năng thật mầu nhiệm. Gần đây hơn một người phụ nữ khác thường là bà Alexandra David-Néel (1863-1969) là người phụ nữ Âu Châu đầu tiên đặt chân lên xứ Tây Tạng, từng biệt tu trong một hang động hẻo lánh trên Hy-mã-lạp-sơn, đã được chứng kiến tận mắt rất nhiều phép mầu nhiệm do các nhà sư Tây Tạng thời bấy giờ thực hiện, mà bà đã thuật lại trong nhiều pho sách của bà.
Bures-Sur-Yvette, 27.08.15
Hoang Phong chuyển ngữ
Phụ lục
Vài hàng tiểu sử của nhà sư Luang Poh Koon
Luang Poh Koon sinh ngày 4 tháng 10 năm 1923. Gia đình kể lại rằng mẹ ông nằm mơ thấy một nữ thần bay đến bên cạnh bà và nói với bà rằng: "Bà và chống bà làm nhiều điều phước đức, do đó tôi đến đây để biếu tặng bà một món quà. Món quà này là cả một gia tài quý giá của Phật giáo", sau khi nói xong thì vị nữ thần nhét vào bên hông bà một quả cầu thủy tinh rồi tức thời biến mất. Không lâu sau thì mẹ của Luang Poh Koon mang thai và sinh ra ông.
Luang Poh Koon là người con cả trong gia đình, sau ông mẹ ông còn sinh thêm hai người con gái. Lên bảy tuổi, ông được ông nội gửi vào một ngôi chùa nhỏ cạnh nhà để học tiếng Thái và tiếng Pa-li. Ngày mùng 5 tháng 5, -2487 (trước Tây Lịch), ông được chính thức thụ phong tỳ kheo tại một ngôi chùa lớn trong vùng là Wat Thanon Hak Yai, năm ấy ông vừa được 21 tuổi. Ông tiếp tục tu học Đạo Pháp (Dhamma), sammaditthi (Perfect View/sự quán thấy hoàn hảo) và cả các phép mầu nhiệm (tiếng Thái là Wichah) với vị thầy của ông là Luang Poh Deang.
Nhận thấy ông là người chăm chỉ và vô cùng thông minh, vị thầy Luang Poh Deang bèn đưa ông đến gặp vị thầy trụ trì của chùa Wat Hak Yai là Luang Poh Kong. Vị này nhận ộng làm đệ tử và sau đó đặc biệt dạy cho ông về các phép mầu nhiệm Wicha. Sau đó ít lâu thì ông rời chùa phiêu bạt và tự tu tập trong rừng. Ông cũng từng lang thang trong các vùng rừng rậm hoang vắng ở Lào và Campuchia.
Sau mười năm ông quay về Thái và tá túc trong ngôi chùa Wat Bahn Rai trong một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Nakon Raatchasima trong vùng Korat, đông bắc Bangkok. Ngôi chùa thật nghèo nàn, đổ nát. Luang Poh Koon có ý định xây dựng lại ngôi chùa này, và sau khi hỏi ý vị trụ trì và vị này cho biết là vốn liếng của chùa chỉ có 10.000 bahts. Ông bèn tập họp dân làng kêu gọi họ gây quỷ trùng tu chùa. Ông quyên được 2 triệu baths, thế là ngôi chùa Wat Bahn Rai được trùng tu khang trang. Ngày càng được nhiều người biết đến, ông tiếp tục xây dựng trường học, bệnh viện và chùa chiền trong khắp tỉnh Nakhon Raatchasima. Dân chúng khắp nơi kéo đến xin ông ban phép cho họ và thỉnh bùa của ông, và cứ thế lan dần ra khắp nước.