;
Chân dung Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ thường được Phật tử kính trọng gọi bằng “Ôn Già Lam”
Như nhiều Phật tử người miền Trung, người viết cũng rất thích gọi Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ bằng “Ôn Già Lam”, để phần nào đó cảm nhận được sự kính trọng và gần gũi, thân thiết bên mình trong cuộc sống tu học. Trong bài viết này xin được dùng hai từ Hòa Thượng-H.T.
Đối với anh em thanh niên Phật tử chúng tôi ngày trước, mơ ước được gặp và được nghe những vị lãnh đạo Phật giáo nói chuyện là một mơ ước rất lớn, khó có cơ hội trở thành hiện thực. Những khi làm hàng rào danh dự bảo vệ, nhìn được rất gần các vị mỗi khi đi ngang qua đã là một phước báu vô cùng rồi. Nếu muốn được nghe các vị giảng thì mỗi chiều chủ nhật đến giảng đường chùa Ấn Quang để thỏa một phần nào niềm mơ ước ấy. Xem ra ngày trước Phật tử cũng còn có nhiều cơ duyên gặp gỡ các ngài quá!
Với Ôn Già Lam, H.T càng trở nên quan trọng hơn, nhất là khi ở cương vị Viện Trưởng giữa lúc tình hình chiến tranh, loạn lạc và tình hình chính trị ngày càng phức tạp, Hòa thượng luôn đứng trước nhiều khó khăn cần được giải quyết. Sau năm 1975, tuy vấn nạn và dư âm của chiến tranh đã tạm ổn thì những khó khăn khác lại đưa đến, Hòa thượng thêm một lần nữa đứng giữa muôn trùng gian khó.
Khi đó, với suy nghĩ của tuổi trẻ thanh niên Phật giáo, anh em chúng tôi thấy hình ảnh Dân tộc - Đạo pháp luôn hiện rõ trên đôi vai vốn oằn nặng bao trách nhiệm của một vị Hòa thượng ôn hòa và từ tốn như Ôn Già Lam. Và đó cũng chính là gương soi cho bước đường phấn đấu cũng như tu học của một thời thanh xuân tươi đẹp của thế hệ chúng tôi.
Nhớ một buổi trưa hè năm 1977, người viết với tư cách phụ tá, được tháp tùng vị Đại đức Đặc Ủy Thanh Niên đến chùa Già Lam xin gặp Hòa thượng để trình bày vài vấn đề quan trọng ở địa phương. Được hướng dẫn đến vị trí thì thấy Hòa thượng đang ngồi trên chiếc ghế tựa phía hành lang bên hông chánh điện đọc báo hay xem một số tài liệu. Khi đó chánh điện chùa Già Lam chưa được xây mới, vẫn còn là hình lục giác, bên dưới là thư viện.
Hòa thượng ngồi dậy nở nụ cười hiền, vị Đại đức Đặc Ủy Thanh Niên quỳ trước H.T đúng ba bước và tôi cũng đúng ba bước quỳ sau vị Đại đức này. Sau khi những sự việc được trình bày và Hòa thượng đã chỉ dạy xong, đôi khi còn có tiếng phiền hà một vài vị làm trái lời chỉ dạy, tất nhiên cả vị Đại đức và người viết đều rất run sợ.
Hòa thượng khi ấy nhìn nghiêng qua một bên vị Đại đức để nhìn người viết và hỏi “Mi cũng là Phật tử hỉ?”, Vị Đại đức nọ trả lời thay và nói trách nhiệm cũng như chức vụ khi đó của người viết, rồi Hòa thượng hỏi “Đã Quy y với vị thầy mô?” người viết trả lời và nêu những nguyện vọng của nhiều đoàn thể thanh niên Phật giáo khi ấy còn nhiều khó khăn mong Hòa thượng quan tâm giúp đỡ.
Khi nói đến tương lai và nghề nghiệp, khi đó người viết cũng vừa bị trả hồ sơ xin vào học nối tiếp chương trình dỡ dang ở Đại học Văn Khoa lúc trước và hiện khi đó là Đại học Tổng hợp TP.HCM do quá quá tuổi quy định, nên có thoáng trầm tư. Nguyện vọng trong tương lai là sẽ theo ngành lịch sử và văn hóa để phụng sự đạo pháp. H.T mĩm cười và có đôi lời sách tấn rất hoan hỷ, xong H.T hỏi “Việc phụng sự đạo pháp mi muốn giống ai?” Người viết trả lời nhanh “Dạ, con muốn giống Ôn ạ!”. Hòa thượng cười và nói nhanh “À, giống Ôn hỉ? Vậy thì Như Tâm để giống Ôn là…Tâm Như nhé?” Cuộc gặp gỡ kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên.
Với người viết, đó là lần đầu tiên và duy nhất được gặp trực tiếp, thưa chuyện đội câu cùng H.T. Mãi đến hơn mười năm sau cái tên Như Tâm mà H.T khi ấy nói thoáng qua trong lúc vui vẻ ấy đã trở thành bút hiệu Dương Như Tâm của mình trên các bài viết mang phong cách lý luận và phê bình văn học, nghệ thuật Phật giáo cho đến bây giờ. Trong tâm tư người viết, dù có sự lý giải của nhiều vị cho rằng đó là một trong những cách “thọ ký” của các bạc đạo cao đức trọng, hay có vị cường điệu rằng H.T có thiên vị với cá nhân mình…vv…
Những cách lý giải ấy với người viết cũng chỉ là một dấu ấn nhỏ, một kỷ niệm vui. Tuy nhiên, như trên đã nói, mình vốn luôn kính trọng hình ảnh xả thân, chịu bao gian khó của H.T, dù ở cương vị nào cũng đều dành hết tâm tư, sức lực cho đạo pháp, rất xứng đáng và rất vinh hạnh nếu được tựa bóng một cội Bồ Đề cao đẹp như vậy.
Có những ngày Chủ nhật, H.T đi qua chùa Diệu Giác (đường Trần Não, Quận 2 bây giờ) để nói chuyện đạo cho chư Ni và những Phật tử tìm đến nghe. Trong những lần như thế Hòa thượng giảng dạy rất chân tình, trong đó mang mác nhiều ý chí, nhiều bài học đầy đủ công hạnh Bi,Trí,Dũng mà anh em thanh niên Phật tử chúng tôi đang phấn đấu.
Và các bài viết dưới bút hiệu Dương Như Tâm cũng mang nặng trên đó những ý chí kiên cường, những nỗi lòng Từ Bi vô lượng trước những cố gắng mà Phật giáo làm được hay chưa làm được.
Có một buổi nói chuyện như thế, người viết vì lo không về kịp để dự, nên viết mảnh giấy nhỏ nhờ đạo hữu đoàn phó của người viết chuyển trình lên H.T.
Nội dung cũng chỉ hỏi ý kiến H.T về bút danh Dương Như Tâm trong các bài viết mạnh. Theo lời vị đạo hữu bạn thân thuật lại, câu hỏi cũng được H.T hoan hỷ trả lời hôm đó đại ý rằng: Dù với mục đích gì, tên họ cha mẹ đặt cho không nên sửa chửa hay chê bai đẹp xấu. Dù có thân thiết hay kính trọng ai mà sửa đồi tên họ cha mẹ đặt cho để thay vào đó tên người mình yêu thích thì nên xem lại. Người Phật tử phải lưu ý diều này.
Sau đó, khi trên đường từ chùa ra xe (vì đường khi ấy, đất đỏ, rất lầy lội) vị đạo hữu bạn tôi có chạy theo thỏ thẻ bên hông H.T rằng Dương Như Tâm không phải sửa tên họ mà chỉ là bút danh. H.T vừa đi vừa cười nói “Rứa hỉ? Rứa thì tốt quá chừ. Cố gắng hỉ?. Từ đó về sau, cũng trên các diễn đàn, người viết dùng tên thật của mình cho lãnh vực văn hóa văn nghệ và nghiên cứu lịch sử.
Với tên thật của mình: Dương Kinh Thành, sự trân trọng ấy một dành cho tôn vinh, báo hiếu hai đấng sinh thành của mình, thứ hai là để luôn nhớ lời Hòa thượng dạy. Phần nhiều trong xã hội, hoặc những khi làm giấy tờ, nhiều ý kiến cho rằng tên họ rất tròn ý nghĩa, rất đẹp.
Người viết rất vui vì đã có hai bút danh, cả hai mang ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời. Trái ngược với một vài người cố tình sửa đổi tên họ để làm trò cười cho thiên hạ, kể cả trong tiệc sinh nhật, tiệc cưới. Nếu những vị này có nghe được những lời dạy của H.T không biết người ta sẽ nghỉ sao! Cũng rất may họ chưa phải là người có học đạo hay hoạt động trong lãnh vực văn hóa cao cả .
Mỗi khi thực hiện các bài viết dưới hai bút danh này, người viết luôn nhớ về Ôn Già Lam, người đã cho mình nhiều bài học quý giá trong cuộc sống và hiện vẫn còn ngự trị trong mỗi dòng thông tin, nghị luận của chính người viết.
Hôm nay, nhân kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 37 của Hòa thượng, xin mạo muội nhắc lại những lời dạy mà mình cho đó chính là những phước duy quý giá trong cuộc đời tu học và phụng sự chánh pháp.
Cúi mong giác linh Hòa Thượng từ thùy chứng giám.
(Tưởng niệm Cố H.T Thích Trí Thủ (1909 – 1984) nhân ngày giỗ lần thứ 37-2021)
Dương Kinh Thành - Dương Như Tâm