;
Nơi miền Cao nguyên yên tịnh này, một trong những chiếc nôi của các phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo đó là Linh Sơn cổ tự… Tại đây đã có không biết bao nhiêu xương máu của Tăng Ni Phật tử đã ngã xuống cho cây hòa bình được đơm hoa kết trái, cho đạo pháp được xương minh, cho chánh pháp mãi trường tồn …
Phố núi lập đông trong tiếc trời se se lạnh, nhưng lòng chúng tôi bỗng cảm thấy ấm áp một cách lạ thường khi được hữu duyên theo chân chư tôn thiền đức cùng quí Phật tử đến nghĩa trang số 4 – TP. Đà Lạt tham dự lễ di dời hài cốt và nhập bảo tháp của nhị vị Đại đức Thích Quảng Thiện và Thích Viên Đạo “Thánh tử đạo” đã đem thân làm đuốc soi sáng vô minh trong phong trào đấu tranh vì đạo pháp, dân tộc vào những năm 1966.
Bảo tháp của chư Đại đức Thánh tử đạo tại nghĩa trang số 4 Đà Lạt
Chư tôn đức cử hành lễ trước khi khai quật bảo tháp
Những vật dụng đầu tiên được chuyển lên từ đáy kim tỉnh
Cát bụi xin trở về với cát bụi
TT. Thích Viên Thanh - Phó ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng kiêm Chánh Đại diện Phật giáo TP. Đà Lạt cho biết: “ĐĐ. Thích Quảng Thiện, tự Thanh Minh (thế danh Trương Quang Hiền) là đệ tử của Hòa thượng Thích Tánh Hải. Đại đức đã vị pháp thiêu thân vào ngày 11-4-Bính Ngọ (1966). Còn ĐĐ. Thích Viên Đạo, pháp danh Tâm Thanh (thế danh Lê Ái Minh) là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Từ Mãn - Nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Đại đức cũng đã phát đại nguyện tự thiêu để cầu nguyện hòa bình vào ngày 22-9-Quí Sửu (1973). Nhục thân của nhị vị “Thánh tử đạo” được an trí tại nghĩa trang số 4 Đà Lạt được 44 năm. Hôm nay nghĩa trang này nằm trong dự án xây dựng khu văn hóa của tỉnh nên Giáo hội di dời hài cốt của nhị vị về nhập bảo tháp tại nghĩa trang Du Sinh Đà Lạt dưới sự trợ duyên của các cấp chính quyền.
TT. Thích Thanh Tân - Phó ban Trị sự kiêm Phó ban Đại diện Phật giáo TP. Đà Lạt cho biết thêm: “Đại lão Hòa thượng Thích Tánh Hải là bậc cao tăng thạc đức tòng lâm của Phật giáo tỉnh nhà. Ngài là thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN và cũng là hàng giáo phẩm của Phật giáo Lâm Đồng. Hòa thượng có hai đệ tử xuất gia đã phát nguyện đại nguyện vị pháp thiêu thân trong các phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo. Trong đó, ĐĐ. Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại Huế và ĐĐ. Thích Thanh Minh (PD Quảng Thiện) tự thiêu tại Đà Lạt.
Trong không khí thiêng liêng, trang nghiêm, thanh tịnh đầy xúc động, nhìn từ nắm xương cốt còn lại của nhị vị Thánh tử đạo pha lẫn với tro đất qua cát bụi thời gian, đại lão HT Thích Tánh Hải như cố dằn cơn xúc động đã bồi hồi nhớ lại quá trình tranh đấu, hy sinh của Tăng Ni, Phật tử của Phật giáo tỉnh nhà trong các phong trào chống chế độ tàn bạo đã làm cho đất nước điêu linh, nhân dân đồ thán.
Hài cố của ĐĐ. Thích Quảng Thiện
Xương và phần còn lại của ĐĐ. Thích Viên Đạo
Dần theo ký ức thời gian Hòa thượng cho biết phong trào đấu tranh của tín đồ Phật giáo được khởi sự từ tháng 5-1963 tại Huế - Trung tâm chỉ đạo của Phật giáo miền Trung. Cuộc đấu tranh này đã lan đến các tỉnh thành trong cả nước trong đó có Đà Lạt, Tuyên Đức (Lâm Đồng). Bắt đầu với sự kiện các Chi hội Phật giáo tại huyện Đức Trọng bị chính quyền ngăn cản không cho đến dự lễ cầu siêu các vị Thánh tử đạo tại chùa Linh Sơn (Đà Lạt), ngày 7-6-1963, 20.000 Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh đã biểu tình ôn hòa trước Tòa thị chính Đà Lạt đòi quyền bình đẳng trong tôn giáo đồng thời yêu cầu Chính phủ giải tỏa chùa Từ Đàm (Huế) đang bị quân đội bao vây cô lập từ ngày 7-5-1963. Sau cuộc biểu tình này, không khí giữa Giáo hội tỉnh và chính quyền cực kỳ căng thẳng.
Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để đòi hỏi chấm dứt đàn áp Phât giáo. Ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng đã gây xúc động cho giới Phật giáo trong và ngoài nước. Để xoa dịu lòng căm phẩn của Phật tử đối với chính quyền, một “Thông cáo chung” được ký kết. Tuy nhiên sau đó bản thông cáo này không được chính quyền thực hiện và thế là cuộc tranh của Phật giáo tiếp tục bùng nổ và lan rộng khốc liệt hơn bao giờ hết.
Lúc này tại miền cao nguyên Đà Lạt vào ngày 14-7-1963, sa di Thích Thiện Mỹ tự chặt ngón tay trỏ để hưởng ứng phong trào. Hơn mười ngày sau đó (ngày 25-7-1963), Sa di Âu Dương Qui cũng đã tự chặt ngón tay giữa bên trái để phản đối chính phủ. Đêm 20 rạng ngày 21-08, chùa Linh Sơn bị tấn công và lục soát, 16 Tăng sĩ và Phật tử bị bắt. HT.Thích Bích Nguyên quyết định giao chùa Linh Sơn cho chính quyền để tự nguyện cùng vào tù chung với những người bị bắt. Suốt ngày 21-8, Phật tử Đà Lạt tiếp tục sục sôi khí thế đấu trang biểu tình trước ty Cảnh sát và bị đàn áp dữ dội. Ngoài hàng trăm người bị bắt, 20 người bị thương nặng phải nằm bệnh viện điều trị, còn có hai Phật tử bị hành hung đến chết đó là đạo hữu Trần Toại (khuôn hội Lộc Uyển) và đạo hữu Nguyễn Đăng Diên (khuôn hội Bồ Đề).
Chư Tăng và Thật tử đãnh lễ
Ngày 27-10, thầy Thích Thiện Mỹ, thế danh Hồ Văn Vân từ Đà Lạt vào Sài Gòn tự thiêu trước Nhà thờ Đức Bà chống đàn áp tôn giáo (thầy Thích Thiện Mỹ xuất gia tại một ngôi chùa ở Bảo Lộc sau đó tu học tại chùa Linh Sơn Đà Lạt). Ngọn lửa thiêu thân của Thánh tử đạo Thích Thiện Mỹ là một trong 7 ngọn lửa tự thiêu vì đạo pháp và cũng là ngọn lửa cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo trên toàn miền Nam vào năm 1963. Sau đó vào ngày 1-11-1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đỗ hoàn toàn.
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của Phật giáo tạm lắng. Đến năm 1966, Phật giáo lại bùng nổ cuộc đấu tranh khác. Lần này là mục đích đòi quyền dân sinh dân chủ. Thành phần chính trong cuộc đấu tranh từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1966 tại Đà Lạt chủ yếu là giới trí thức, sinh viên học sinh Phật tử dưới sự hổ trợ tích cực của chư Tăng chùa Linh Sơn như HT. Thích Đạo Quang, HT. Thích Minh Tuệ, HT. Thích Từ Mãn… với nhiều hình thức như biểu tình, mít tinh, hội thảo, tuyệt thực và đưa kiến nghị thư…v.v. Trong đó đặc biệt là sự kiện vị pháp thiêu thân của ĐĐ. Thích Quảng Thiện và nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền trước cổng chùa Linh Sơn đã tạo tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh của Phật giáo Đà Lạt.
Sau một thời gian tạm lắng, đến năm 1970 phong trào lại nổi lên và ngày càng trở nên quyết liệt hơn với thành phần chủ yếu vẫn là những sinh viên, học sinh Phật tử yêu nước và chùa Linh Sơn vẫn tiếp tục là nơi tụ họp, là linh hồn của các phong trào điển hình qua các sự kiện: Hội thảo với chủ đề “Sinh viên trước hiện tình đất nước” vào ngày 2-4-1970, phong trào “Chống quân sự học đường” vào ngày 13-7, sinh viên đã đốt phá toàn bộ hồ sơ tại phòng quân sự của Viện Đại học Đà Lạt. Ngày 28-9-1971, tại chùa Linh Sơn lại tổ chức hội thảo “Nhận định về cuộc bầu cử độc diễn ngày 3-10” và “ Đêm không ngủ” tập hợp khoảng vài trăm sinh viên tham dự. Sang năm 1972, tuy phong trào có tạm lắng vì một số sinh viên bị bắt nhưng hoạt động vẫn được duy trì đến hết năm 1974.
Trước cảnh đất nước can qua, nhân dân đồ thán, chúng sinh loạn lạc ly tán…vào ngày 22-9-Quí Sửu (1973), ĐĐ. Thích Viên Đạo (đệ tử của Đại lão HT. Thích Từ Mãn) đã phát đại nguyện vị pháp thiêu thân làm ngọn đuốc thiêng để cầu nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Sự kiện này làm thức tỉnh nhiều nhân sĩ trí thức nhất là đối với những người đang mang nhiều tham vọng chiến tranh, chuyên reo rắc đau thương cho toàn thể nhân loại
Lê dân khổ mãi thế sầu ưu Ái quốc thương nhà đã vọng tu Minh mẫn suy tư hai nghĩa vụ Đem thân làm đuốc sáng nghìn thu…
Ngày 3-4-1975, thành phố Đà Lạt được hoàn toàn được giải phóng và cũng từ đây Phật giáo tỉnh nhà bước sang một trang sử mới góp phần trong công cuộc hoằng dương đạo pháp đem ánh sáng từ bi của Đức Từ Phụ rửa sạch mọi hận thù.
HT. Thích Tánh Hải cố dằn cơn xúc động
Phật tử ngập ngùi rơi lệ
Thành kính niệm Phật cầu nguyện
Hài cố được di dời về nghãi trang Du Sinh Đà Lạt
Cử hành lễ nhập tháp
Chư tăng nhiễu quanh tháp
Hài cốt ĐĐ. Thích Quảng Thiện nhập tháp
Hài cốt ĐĐ. Thích Viên Đạo nhập tháp
Bảo tháp
Lễ cúng thí
...và phóng sanh
Bài, ảnh Linh Toàn - GNO