;
Lối rẽ nào sau con đường Alexandre de Rhodes ?
Vụ đặt tên đường, vô ơn đã xấu, nhận bá vơ công ơn còn xấu hơn
Tại sao buộc Phật tử chúng tôi phải tri ân Alexandre de Rhodes ?
1. Ghi nhận sự kiện, căn cứ tra cứu
Tôi chờ đợi giới nghiên cứu học thuật Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục có bài phản biện đối với Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng về các luận điểm khác của ông sau khi ông lên tiếng hậu thuẫn việc đặt tên đường Alexandre De Rhodes ở Đà Nẵng, tiếp sau bài viết phản biện Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng của tôi.
Nhưng ngay cả những chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm cũng không đưa ra quan điểm chính thức ủng hộ kiến nghị của Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung và nhóm trí thức liên hệ.
Vì hầu như không thấy có những phản ứng từ phía các cây bút Phật giáo, từ các tiếng nói Phật giáo có trọng lượng cho nên tôi phải cố gắng viết bài phản biện này, cho dù tôi không biết tiếng Pháp trong khi vấn đề là “Dịch sai, hiểu sai!”.
Trong bài “Chẳng ai sổ toẹt công lao của Alexandre De Rhodes”, đăng trên Báo Tuổi Trẻ thứ bảy 30/11/2019, trang 3, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đã phản biện ý kiến của Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung như sau:
“Về lý do thứ ba, các tác giả bản kiến nghị dẫn một đoạn viết của Alexandre De Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 với lời dịch của giáo sư Hoàng Tuệ: "Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ", từ đó khẳng định: "Alexandre De Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông" là sai.
Với câu trích đề cập trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu từng dịch: "Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các giáo hội này" (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Ông Nguyễn Ðình Ðầu nói thêm: "Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn "chinh phục toàn phương Ðông" là để cho "nước Cha trị đến", chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. "Chinh phục" hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị.
Còn theo Hồng Nhuệ (trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM xuất bản năm 1994, ở trang 263, 289) thì đoạn trích phải được dịch: "Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn". Và Hồng Nhuệ chú thích từ chiến sĩ ở đây: "Nói chiến sĩ Phúc Âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng".
Do đó, tôi cho rằng 11 người ký tên không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế.
Tóm lại, tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ quốc ngữ chỉ để truyền giáo, nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn sao?
PGS.TS HOÀNG DŨNG (ĐH Sư phạm TP.HCM)”
2. Bình luận
Căn cứ để Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng bác cơ sở lập luận nhóm do Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung dẫn đầu chỉ là... đưa ra những bản dịch khác.
Thao tác này là hết sức đơn giản, thô sơ, dĩ nhiên nó không thỏa đáng, thuyết phục về mặt học thuật.
Đưa ra những bản dịch khác, cho thấy một cách hiểu khác chỉ là thao tác ở cấp nghiên cứu tay ngang như tôi, không có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ như ông Hoàng Dũng.
Lẽ ra, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng ở vị thế của mình, phải dẫn nguyên văn và tự ông có những phân tích thuyết phục, hơn là trích dẫn lại các ý kiến khác.
Nói nôm na, như thế, chỉ cho rằng nhóm Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung hiểu sai, Giáo sư Hoàng Tuệ dịch sai, do có ông Nguyễn Đình Đầu (1), Hồng Nhuệ dịch như vậy, hiểu như vậy.
Với tôi, đối mặt những trường hợp cho rằng “Dịch sai, hiểu sai”, do tôi thiếu những hiểu biết cần thiết, tôi mới phải làm như vậy, và trong thao tác học thuật đó, dĩ nhiên tôi ngượng, quê và mặc cảm.
Bây giờ chúng ta cho rằng có hai cách dịch, cách hiểu như vậy: một bên là Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung, căn cứ Giáo sư Hoàng Tuệ. Còn một bên là Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, căn cứ ông Nguyễn Đình Đầu và ông Hồng Nhuệ.
Bạn đọc như tôi không biết tiếng Pháp, vậy tin ai, ai dịch sai, ai hiểu sai? Có mà đem đọc học hàm Giáo sư của Giáo sư Hoàng Tuệ so với cụm từ “nhà nghiên cứu” của ông Nguyễn Đình Đầu, hay một cây bút ít tên tuổi hơn là Hồng Nhuệ?
Nếu làm việc đó, nó cũng phi học thuật như cách Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đang làm. Nó vui tai như loại ý kiến khác, nếu là “Trung tướng” thì phải nói đúng, còn “đại tá” nói, nếu khác trung tướng, thì sai (!?).
Ở đây, tôi đề xuất quan điểm như sau: Câu văn của Alexandre De Rhodes có ý nghĩa chính trị và tôn giáo, nên khi phát sinh sự khác biệt trong cách dịch, cách hiểu chúng ta cần loại trừ những cách dịch, cách hiểu có quan điểm chủ quan, thiên lệch về chính trị và tôn giáo.
Giới học giả của Ca tô lích La Mã luôn ra sức theo đuổi mục tiêu biến Alexandre De Rhodes từ một người lập mưu xướng xuất việc Pháp xâm lược Việt Nam, như các giáo sĩ Ca tô lích La Mã khác, thành một người thuần túy có công lao với đất nước Việt Nam.
Do đó, khi có phát sinh sự tranh cãi về cách dịch, cách hiểu như trường hợp cụ thể ở đây, thì không thể căn cứ vào cách hiểu của những học giả Ca tô lích La Mã.
“Chẳng ai chịu cha ăn cướp”.
Alexandre De Rhodes có đề xuất đem quân chinh phục phương Đông thì các nhà nghiên cứu Ca tô lích La Mã cũng sẽ lái cách hiểu sao cho tránh đi các ý nói đến xâm lược.
Quan điểm của ông Nguyễn Đình Đầu là mang màu sắc chủ quan tôn giáo như ông đã gián tiếp thể hiện, xác nhận. Nó làm sao có lợi cho Ca tô lích La Mã, giữ không cho Alexandre De Rhodes bị tiếng là kẻ mở đường, kích hoạt nước Pháp xâm lược.
Căn cứ vào lời văn dịch của Giáo sư Hoàng Tuệ thì mới bảo đảm chính xác và phù hợp, vì Giáo sư Hoàng Tuệ khách quan, ông không có lý do dịch có lợi hay phương hại cho Alexandre De Rhodes, cho Ca tô lích La Mã. Giáo sư Hoàng Tuệ không chỉ trước tiên hiểu theo ý “nước cha trị đến” (một câu kinh quan trọng của Ca tô lích La Mã) như ông Nguyễn Đình Đầu.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung có thể thiên vị Phật giáo, nhưng sự khách quan và khả năng ngôn ngữ của Giáo sư Hoàng Tuệ là không thể phủ nhận. Cho nên, nói như Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng mới là tùy tiện, không phải nhóm trí thức có kiến nghị theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung là tùy tiện.
Vội vàng cho Giáo sư Hoàng Tuệ “dịch sai”, chỉ vì những người cố gắng bênh vực cho Ca tô lích La Mã dịch đúng là thiếu tư chất cần có của một nhà khoa học.
Các ông Nguyễn Đình Đầu, Hồng Nhuệ cố đưa ra một cách hiểu nghĩa bóng, tức là một suy diễn chủ quan. Trong trường hợp cách hiểu nghĩa bóng, lái sang hướng “nước cha trị đến”, thì vẫn không thể bác bỏ cách hiểu nghĩa đen, nhất là khi căn cứ vào bản dịch của một nhà khoa học không có lý do gì để thiếu khách quan.
Ngay cả khi ngây thơ nhất thì cũng khó mà hiểu quan điểm phi lịch sử của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng: “Tóm lại, tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ quốc ngữ chỉ để truyền giáo, nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn sao?”
Những hoạt động truyền giáo, nói một cách khác là cải đạo do Ca tô lích La Mã tiến hành tại Việt Nam những thế kỷ trước không thể tách rời hoạt động xâm lược vũ trang. Các hòa ước nhà Nguyễn ký với Pháp đều thể hiện việc xâm lược của Pháp liên hệ chặt chẽ với hoạt động cải đạo người dân Việt Nam sang Ca tô lích La Mã.
Hiểu những câu văn như kiểu Alexandre De Rhodes viết đương nhiên phải được hiểu trong quan hệ của nó với bối cảnh lịch sử. Thực tế, Ca tô lích La Mã đã kiếm lợi cho hoạt động cải đạo của mình từ cuộc xâm lược của Pháp, nếu không muốn nói là đồng chủ thể tiến hành xâm lược.
Để kết thúc một lần nữa, tôi bày tỏ sự mong mỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu, các cây bút của Phật giáo Việt Nam ủng hộ kiến nghị của nhóm Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung bằng nhiều hình thức, đặc biệt là thông qua phản biện học thuật, không để những ý kiến loại như của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng chiếm lĩnh phương tiện truyền thông.
MT
____________________________________________
(1) Ông Nguyễn Đình Đầu là một trí thức Ca tô lích La Mã được cho là có vai trò lớn trong hoạt động của Tổng Giáo phận Sài Gòn thời Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình. Còn xuất xứ Ca tô lích La Mã cũa trích dẫn từ tác giả Hồng Nhuệ đã rõ.
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, \vi-vn.
.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.