;
|
Các trụ sỏi đào thám sát tìm thấy đều có kích thước 1,3 x 1,3m. cho thấy quy mô của công trình, khẳng định từ thời Lý các công trình đã được xây dựng đầy đủ trên cả 4 cấp nền. “Đáng chú ý, dù xây trên nền đá gốc nhưng kỹ thuật xử lý trụ sỏi y hệt nhau. Đó là kỹ thuật xử lý đặc trưng của thời Lý. Trong khi, ở những công trình thời khác, họ tận dụng điều kiện tự nhiên khi xử lý nền. Do đó, có thể nói, thời Lý người ta xử lý nền như nhau với mọi kiểu nền khác nhau”, TS Lê Đình Phụng phân tích.
Nếu như dấu tích kiến trúc phản ánh quy mô của công trình thì vật liệu kiến trúc tìm thấy qua thám sát lại cho thấy sự tráng lệ. “Gạch và ngói tương đối thống nhất với nhau. Những viên ngói còn nguyên cả mấu để gắn vào mái kiến trúc. Phần mấu đó ảnh hưởng ngói Chămpa. Vì thế, ý kiến cho rằng có thợ Chăm xây dựng các công trình kiến trúc thời Lý là có lý. Các vật liệu kiến trúc cũng vô cùng tinh tế, mang đặc điểm của nghệ thuật Lý. Rõ ràng đây là một công trình diện quốc tự, do vua xây dựng, chứ không phải diện đất vua chùa làng”, TS Lê Đình Phụng nói thêm.
|
Chính vì thế, đại diện Viện Khảo cổ, PGS-TS Tống Trung Tín nhận định: “Bước đầu hé lộ hệ thống kiến trúc chùa Dạm rất lớn và thể hiện rõ đặc trưng riêng của nó. Nếu những giả định trên nền các bản vẽ sau khảo sát trên là đúng thì đây sẽ là một kiến trúc khác hẳn với những kiến trúc nhà Lý đã từng thấy. Kiến trúc này cũng khác hẳn với các chùa Trần, Lê. Chẳng hạn thời Lê chủ yếu là chữ Công, chùa Trần có kiến trúc trung tâm và kiến trúc khác vây quanh. Trong khi chùa Dạm sẽ có trục trung tâm, những kiến trúc khác nằm thẳng hàng, song song”.
PGS-TS Tín còn cho biết: “Năm 1088 chính sử ghi Lý Nhân Tông đến chùa, ở lại chùa, ban đêm tổ chức ban yến cho văn võ triều thần ở đây. Đó là nói đến đại quốc tự, khẳng định có lúc vua còn về đây làm việc, ông còn làm bài thơ về yến tiệc đêm ở đây có tên Lãm Sơn dạ yến”. “Chùa Dạm, do đó, có tính chất lớn ngang với chùa Phật Tích”, ông Tín nói.
Không nên xây đền thờ Ỷ Lan
Thờ mẹ - văn hóa thờ tổ tiên của người việt TS Lê Đình Phụng đưa ra một điểm đáng chú ý là tại cấp nền thứ 4 - cấp nền cao nhất - người ta xây đền thờ Lý Vương mẫu (mẹ vua). Như vậy, ở đây thấy rõ dấu ấn của văn hóa Việt qua tục thờ cúng tổ tiên. “Thờ mẹ chính là dấu ấn văn hóa thờ tổ tiên của văn hóa Việt trong kiến trúc Lý này”, TS Phụng nói. |
Về tương lai sau này của di tích, PGS-TS Tống Trung Tín đề nghị các cơ quan chức năng cho phép khai quật trên quy mô lớn để nghiên cứu.
GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia cho rằng: “Sơ bộ xem xét thấy công trình có nhiều nét độc đáo. Từ khai quật cũng đã đưa ra một số nhận định về niên đại rất tốt. Tuy nhiên, ở đây còn nhiều lớp văn hóa chồng lên nhau nên còn phải bóc tách thêm”.
GS Tiêu đề nghị cần có hai giai đoạn. Thứ nhất, phải bóc được toàn bộ mặt bằng ở các bậc. Nhờ đó mới có cái nhìn tổng thể để xác định vị trí, kết cấu cũng như những vấn đề liên quan. Thứ hai, trên cơ sở những gì phát lộ, có nhận diện tương đối chính xác rồi mới bàn đến việc tiếp theo, chẳng hạn nếu muốn phục dựng hay xây dựng cái gì. “Chúng ta phải có cơ sở khoa học dựa trên hội thảo khoa học mới có thể quyết định việc làm tiếp theo được”, GS Tiêu nói.
TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản nói: “Cũng có ý kiến đặt ra rằng nên khai quật ở tầng 4 rồi xây dựng đền thờ nguyên phi Ỷ Lan ở đó. Chúng tôi xin phát biểu rõ là không tán thành cách tiếp cận như vậy”.
“Nếu bây giờ chúng ta đặt ra phương án xây dựng đền thờ, rồi kết quả khai quật lại cho thấy phương án không tương ứng về quy mô, vị trí với công trình khai quật thì chuyện gì sẽ xảy ra. Lúc đó lỡ xây rồi thì làm sao chữa được, hoặc chữa cũng tốn kém. Vì thế, theo tôi phải khai quật rồi xây dựng dự án tổng thể đã, mới thực hiện. Khi chưa có phương án tôn tạo tổng thể mà đã xây ở tầng 4 thì sau này khả năng không đồng bộ là hoàn toàn có thể xảy ra”.