;
Trên tinh cầu này, từ khi có con người, cũng đã có ngôn ngữ để điển đạt tâm tư, ý
nghĩ với nhau. Khoa học đã thí nghiệm cho biết, ngay cả thực vật cũng có những tầng sóng giao cảm lo sợ, vui mừng… Động vật hạ đẳng cũng biết thể hiện tình cảm qua đơn âm và động tác… Tùy trình độ tiến hóa của mỗi loài mà âm ngữ có khác.Riêng con người, một xã hội văn minh, càng có bề dầy văn hóa tâm linh thì ngôn ngữ càng đa dạng; ngôn ngữ đa dạng cũng tùy thuộc đẳng cấp để thể hiện ngôn phong của đẳng cấp đó.
Qua ngôn phong thể hiện đẳng cấp, trình độ, cho dù thượng lưu trí thức nhưng sử dụng ngôn phong hạ đẳng giang hồ thì vẫn là đẳng cấp hạ tiện của xã hội. Xã hội ta có câu: “Lưu manh giả danh trí trí thức” cái nhãn tiến sỹ, học vị không đủ thể hiện nhân cách, đẳng cấp, hay nói cách khác nhãn hiệu học vị chỉ để che đậy một số nhân cách khuyết tật của đa số trong xã hội bon chen ngày nay tại Việt Nam chúng ta.
Một khi con người sống trong xã hội hoàn chỉnh đạo đức, cho dù không có học vị, họ vẫn có một tâm thái đạo đức và lương thiện. Tâm thái lương thiện luôn thể hiện qua ngôn từ và hành động lương thiện, có nghĩa khi họ phê phán một vấn đề thì tâm thái của họ mang tính xây dựng chứ không hề mạt sát hủy diệt.
Trong một xã hội đang cải thiện từng ngày, đương nhiên không tránh khỏi những khuyết điểm ắt có. Cho dù một tổ chức chánh trị, tôn giáo…từ thuở khai thiên cho đến ngày nay luôn xuất hiện những những cái gọi là “con sâu làm rầu nồi canh”. Một xã hội càng văn minh thì những khuyết tật càng tinh vi; bởi đây là nhân gian chứ không phải thiên đường, không thể tất cả đều là Thánh, sửa lỗi này thì lỗi khác phất sanh. Trên nguyên tắc của Phật giáo “cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh..” tâm phàm lấn át tâm thiện chắc chắn phải sanh sâu mọt.
Như thế những khuyết tật trong xã hội loài người và tôn giáo nói riêng, chỉ cần phê bình bằng tâm xây dựng thì sự chuyển hóa nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn là chỉ trích với tâm đố kỵ. Trong nhà Phật có câu của Lục Tổ: “Hãy thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”. Chắc gì trong đời sống ta không có lỗi? Ta chưa phải toàn thiện lấy tư cách gì chỉ trích mạt sát người khác.
“Ngày nay đi tu là một sự kiếm lợi” “Nhiều đền, chùa mài dao cả năm đợi chặt chém du khách”… Ôi, đây có phải là ngôn từ của một trí thức mang danh tiến sỹ??? Đây là mạt sát tôn giáo hay là góp ý xây dựng tôn giáo? Mà dù mạt sát hay xây dựng thì cá nhân của người phát ngôn như thế cũng không đủ tư cách.
Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi, hàng chục ngàn tu sỹ làm sao tránh khỏi một vài tệ nạn! Một tổ chức chính trị thế gian mà đã có sai phạm phải vào tù thì đừng đòi hỏi một tôn giáo được truyền thừa hàng ngàn năm khắp toàn cầu phải toàn thiện là điều không thể.
Ngôn từ nhân loại là để thể hiện tình cảm, tương thân tương ái. Loài hạ đẳng động vật vì không đủ ngôn từ để thể hiện mọi tương quan nên cắn xé lẫn nhau, chả lẽ con người mang danh tiến sỹ có đẳng cấp trong xã hội lại tụt hậu đến thế sao? Ngôn từ và đẳng cấp luôn đồng hành để thể hiện một nhân cách sống.
24/2/2024v - Minh Mẫn
-------------------------------------------
Trước sự việc bà Tiến sĩ Đoàn Hương với những phát ngôn gây bức xúc cho cộng đồng Phật giáo, Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Ủy viên Dự khuyết HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ý kiến phản biện về vấn đề này.
Thưa bà Tiến sĩ Đoàn Hương.
Tôi có nghe được những phản ánh đầy bức xúc của đông đảo Phật tử và cả những người thân thiện với đạo Phật về video clip phỏng vấn bà của VTC Now, được đưa lên sóng với những tựa đề rất giật tít, gây phẫn nộ: Một số nhà sư “làm tiền”, sống xa hoa khiến “đi tu” trở thành một nghề… hay ‘Nhiều đền chùa “mài dao”cả năm chờ chặt chém du khách… vv và vv.
Tôi đã vào xem, nghe hết những ý kiến của bà xung quanh chủ đề nhà đài đưa ra: lên án bói toán, mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn…, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống nhân Xuân về, Tết đến. Một chủ đề rất hay, nhưng tiếc thay, cả người dẫn dắt, lẫn người phát biểu lại dắt nhau đi… xa quá, rất xa đối với chủ trương đoàn kết tôn giáo, dân tộc của Đảng.
Thật ra, theo nhận xét chủ quan của tôi, bà cũng đã có những cố gắng trình bày và đề xuất chấn chỉnh lại những lệch chuẩn văn hóa, đặc biệt trong đời sống tâm linh với vai trò một Tiến sĩ khoa học. Chỉ tiếc, là một người có trình độ Tiến sĩ khoa học ngữ văn; lẽ ra, tri thức đó sẽ giúp bà có những kiến thức có thể không sâu, nhưng phổ quát về các lĩnh vực liên quan đến văn hóa và tôn giáo, đủ để giúp bà chuẩn bị được điều mình sẽ nói, lĩnh vực mình sẽ đề cập đủ tiêu biểu, đủ chính xác trước khi phát biểu rộng rãi trên truyền thông với những đúc kết hết sức thiển cận, tạo cơ hội cho những kẻ xấu đả kích tôn giáo, phá hoại hòa hợp dân tộc như vậy.
Nhất là khi đi vào lĩnh vực đời sống tâm linh với những giá trị cội rễ đã làm nên hồn dân tộc. “Mai ngày tôi bỏ quê tôi. Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi! bỏ chùa” (Nguyễn Bính, Quê tôi). Tiếng “chao ôi” tha thiết, não nuột, không thể rứt đến vậy, đủ thấy toàn cảnh đời sống văn hóa của người dân Việt là những gắn bó mật thiết với mái đình, ngôi chùa, không gian tâm linh để người dân tìm thấy sự đồng điệu, chân tình cùng nhau hướng thiện.
Thế nên, những phát biểu đầy tính xúc phạm vào niềm tin tâm linh, vào những giá trị văn hóa đã nuôi dưỡng bao tâm hồn người Việt đã khiến tôi và những ai có niềm tin đối với đức Phật đều không thể chấp nhận, và bà gặp sự phản kháng gay gắt từ dư luận xã hội là điều tất nhiên.
Tôi không biết, khi nhận xét “ngày nay, đi tu là một sự kiếm lợi”, bà đã từng có những trải nghiệm, những hiểu biết về đời sống tu hành chuông mõ 6 thời tinh nghiêm trong ngày, cùng những hy sinh, cống hiến thầm lặng của hơn 50.000 Tăng ni (các hệ phái) và hơn 17.000 ngôi chùa của cả nước trên con đường hoằng hóa độ sanh hay chưa? Và bà có biết, thực tế con số hơn 2.100 tỷ đồng vào năm 2023 đã được đóng góp cho các quỹ phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, xây dựng nếp sống mới trên địa bàn khu dân cư, ủng hộ quốc phòng, biên giới hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã đến từ đâu không? Thưa bà, đó là kết quả của tinh thần “Kính Phật - Phụng đạo - Yêu nước” đến từ những tu sĩ Phật giáo và Phật tử cả nước mà bà đã gán ghép cho họ bằng những lời lẽ tùy tiện, khiếm nhã mang tính phỉ báng, quy chụp đầy ác ý.
Chỉ vì một vài trường hợp rất nhỏ kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, mà bà đã đạp vào cả một thành trì niềm tin tâm linh của xã hội, vốn rất cần cho đại đa số dân chúng khi con người ngày càng cố tình làm khổ nhau chỉ vì ích kỷ, tham chấp, dối lừa; khi trong khổ đau kiếp nhân sinh, một nơi nương tựa tâm hồn còn quý hơn bao bạc vàng phù hoa.
Không những thế, bà còn đạp đổ tất cả sự đóng góp của Phật giáo về giáo dục nhân sinh đã đưa đến sự thịnh trị đất nước trong sứ mệnh đồng hành cùng dân tộc suốt 2000 năm qua. Là người trí thức với học vị tiến sĩ, lẽ ra bà phải thấy, phải biết, phải cảm nhận tác hại lớn khi niềm tin đạo đức bị vấy bẩn, hồn dân tộc bị ruồng bỏ, con người ta sẽ sống ra sao đây?
Không muốn, nhưng có lẽ phải xin thưa với bà. Người tu sĩ trẻ chấp nhận cắt ái, ly gia vào chùa làm con Như Lai, đó là một chí nguyện lớn, nhân duyên nhiều đời kiếp tựu thành, không phải ai cũng có thể dũng mãnh làm được. Họ đánh đổi tuổi thanh xuân và khung trời ước mơ vợ đep, con khôn, xe sang, nhà lớn…, chấp nhận cuộc sống cơm rau đạm bạc, khi đau yếu không có người thân bên cạnh chăm sóc mà chỉ có sư phụ và những huynh đệ pháp lữ.
Vì ai, vì điều gì họ đã làm thế? Cuối thời tụng kinh, người tu sĩ thường nghiêm tụng trước Thế Tôn bài kệ Tứ hoằng thệ nguyện, trong đó, câu đầu tiên là Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Và bao giờ cũng là bài sám Hồi hướng đầy thiết tha: Nguyện đem công đức này, hướng cho khắp tất cả. Xin thưa, bà cũng đã có mặt ở trong khối chúng sanh mà những người tu sĩ đang thệ nguyện độ đó. Khi buông lời “đi tu là một sự kiếm lợi”, bà có nghĩ đến những người đã, đang vì mình mà chấp nhận buông bỏ nhiều thứ thuộc về họ kia không?
Và trong lúc bà đang cùng cậu học trò ‘giỏi’ nào đó (theo lời bà kể trong clip) trò chuyện say sưa về việc chọn nghề đi tu để nhàn tản hưởng lợi ích, liệu bà có phút giây nào nghĩ đến những tu sĩ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đang làm nhiệm vụ ngày đêm cùng các chiến sĩ tại 9 ngôi chùa, trên 9 đảo của huyện đảo Trường Sa (Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn) không? Liệu bà có biết, khi bà đang cùng học trò bàn chuyện đi tu kiếm lợi thì cũng đang có rất nhiều tu sĩ Phật giáo tình nguyện lặn lội vào các vùng xa giáp biên giới Lào, Campuchia, Trung Quốc để làm nhiệm vụ ổn định lòng dân tại các nơi hiểm yếu rất dễ phát sinh mâu thuẫn sắc tộc, như tỉnh An Giang, Tây Ninh, Long An, Đăk Lăk, Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn… ?
Lúc bà đang lướt web làm youtube tại căn hộ an yên của mình, thì đã có rất nhiều tu sĩ Phật giáo lặn lội đến những nơi bà con nghèo khổ lâm nạn như vùng sạt lở đất Nam Trà My (Quảng Nam), mưa lũ ở Phong Điền (Quảng Trị), xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long để san sẻ yêu thương; và có thể, ngay lúc bà và người thân, bạn bè đi nghỉ ngơi mùa hè thì có hàng ngàn tu sĩ Phật giáo thức xuyên đêm cả tuần để tổ chức Khóa tu học mùa hè cho hàng vạn thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cả nước vào các khóa tu mùa hè.
Họ được lợi ích gì từ việc này, thưa bà? Cái hoan hỷ của những người khoác áo nâu sòng tượng trưng màu của đất nhẫn nhịn và vị tha kia, chỉ là được khoe với nhau thành công của trại hè chia sẻ yêu thương, hoàn thành những mục tiêu giáo dục đạo đức, trách nhiệm cho tuổi trẻ, nâng cao ý thức, vai trò của người làm chủ tương lai đất nước.
Không ai giao trách nhiệm cho họ cả, mà họ tự nguyện, rất vui lòng dấn thân và cống hiến cả thân mạng để được làm những điều ý nghĩa này. Cụ thể hóa lời dạy của Phật đưa đạo vào đời, giáo hóa độ sanh, chuyển hóa mọi người thực hiện nếp sống đạo đức và tri thức, tạo thành một xã hội an lạc, hòa hợp và phát triển.
Vì bà không có dữ liệu, tôi rất muốn cung cấp cho bà những minh chứng sống về hành vi tốt đời, đẹp đạo của nhiều vị tu sĩ Phật giáo mà bà đã không để mắt đến khi phát ngôn nhục mạ giới tu sĩ Phật giáo đi tu để kiếm lợi. Với hạnh nguyện từ bi suốt đời làm việc thầm lặng nhưng đi vào lòng người, Thượng tọa Thích Quảng Châu, trụ trì chùa Hiển Nam (Tp. Quy Nhơn) đã hiến máu 28 lần để cứu người; Ni trưởng Thích nữ Tâm Nguyệt, trụ trì chùa Phổ Hiền (BR-VT) tuổi gần 70 thân mang trọng bệnh vẫn miệt mài đi cứu trợ khắp mọi miền đất nước; Đại đức Thích Chơn Nguyên sáng lập ‘trường học’ trên bè cho trẻ em nghèo không điều kiện đi học tại xóm Vạn Chài (Đồng Nai)… và còn bao nhiêu câu chuyện cảm động nữa về những người tu sĩ tình nguyện dấn thân cứu người trong mùa đại dich.
Bản thân bà có quyền không cần nhớ ơn ai, nhưng là một nhà giáo, bà hãy dạy cho học trò mình các giá trị cao đẹp của lòng biết ơn để bảo tồn truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Có một vấn đề nữa, tôi muốn trao đổi với bà Tiến sĩ. Phát biểu chính thức trên truyền thông đại chúng luôn đòi hỏi khắc khe: nói có sách, mách có chứng. Là một Tiến sĩ khoa học, bà chắc nghiệm rõ quy tắc tối yếu này. Thế nên, khi phát biểu: “tôi vào chùa, tôi phát hiện ra rằng, tôi mới hiểu thế nào là tiền chùa, có những sư thầy đem về tậu hàng trăm mẫu đất ở quê.
Có những sư thầy đem đi Sài Gòn mua cả một phố để xây nhà cho bố mẹ, anh em”, tôi chắc rằng bà đã nắm rõ tên tuổi, nguồn gốc nhân vật, sự việc. Nên tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe bà sử dụng lối nói úp mở chung chung với những dữ liệu minh họa mập mờ, rồi quy chụp rằng “ngày nay đi tu đã trở thành một sự kiếm lợi”.
Người trí thức luôn kiểm chứng thông tin khi phát ngôn trước công chúng, sự mơ hồ là điều không thể chấp nhận. Tiếc rằng, vì thích thể hiện mình, bà đã lựa chọn cách nói quá thô thiển, không xứng tầm học vị tiến sĩ khi đưa ra nhận định mang tính phủ quyết danh dự người khác mà không đủ luận cứ xác minh.
Là tín đồ Phật giáo, tôi cho rằng, lối nói thiếu thuyết phục và nhận định mơ hồ của bà là sự báng bổ giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Đây là hành vi lợi dụng truyền thông và mạng xã hội nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” hoặc tội “Vu khống” được quy định lần lượt tại Điều 155 và 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Đạo Phật là đạo từ bi, nhưng là từ bi có trí tuệ, tôi chưa biết rõ Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có quyết định như thế nào về việc bà xúc phạm Phật giáo, nhưng trước hết, tôi nghĩ, bà đang nợ Phật giáo và toàn thể Tăng ni, tín đồ Phật tử cả nước một lời xin lỗi chân thành, thưa bà Tiến sĩ.
Thượng tọa Thích Thiện Thuận
Nguyễn Thị Tuyến
Thật buồn cho một vị tiến sỹ khoa học trước khi phát biểu chưa thấm sát, chưa hiểu sâu về Phật giáo đồng hành cùng dân tộc có cả hàng ngàn năm cho đến nay, ý kiến có tính xây dựng, chứ không thể phỉ báng các bậc tu sỹ tu hành, để cho kẻ ngoại đạo đục nước chia rẽ tôn giáo, cần xét cả người dẫn chương trình và người trả lời, đến người dân như chúng tôi cũng không thể chấp nhận
Nguyễn Phúc
Ăn có thể ăn bậy, nói không thể nói bừa.
Thích Trả lời 2/28/2024 10:22:16 PM