;
Trong kinh Phạm Võng, đức Phật dạy: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời, ta đều thác sinh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sinh và khuyên bảo người khác làm. Nếu lúc thấy người đời sát sinh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ” (kinh Phạm Võng, Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, Phật học Viện Quốc tế xuất bản năm 1985, trang 30). Mỗi buổi sáng chị bạn tôi đều bắt đầu nhẩm lại những lời ấy để bắt đầu cho công việc ngày mới.
Hôm qua, không hẹn mà cùng gặp, tôi với chị bạn ấy và một cô bạn đồng nghiệp cùng ông bạn vong niên cà phê vỉa hè khi đất trời giao hòa bài hát chuẩn bị đón xuân mới. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên đời, chợt tôi hỏi cô bạn đồng nghiệp về việc lạy Phật sám hối và tọa thiền dạo này có làm bớt căng thẳng từ cuộc sống gia đình và tinh thần có thoải mái hơn chăng. Cô bạn vén ống quần lên và nói: “Bữa nghe anh nói phải lạy Phật tâm thành chí thiết mà cái đầu gối em như vầy nè!”, nói xong cô cười, cả bàn phá lên cười giòn vì hai đốm sưng rát thịt do lạy Phật nhanh vội và cố sức của cô bạn đồng nghiệp bữa nọ. Tôi hỏi dồn: “Nhưng cái chính là em có thấy thân an tâm bình không?”. Cô bạn gật đầu lia lịa nói: “Có, có chứ!”.
Rồi chúng tôi chia sẻ cách lạy Phật thế nào là tâm thành chí thiết, rồi bàn về đạo Phật và cuộc sống, sau lại nói về chuyện phóng sanh. Bốn người bốn tâm niệm. Ông bạn vong niên cho rằng: “Phóng sanh là việc lãng phí, trong khi chúng ta đang đói khó, đang thiếu thức ăn cho đời sốnghằng ngày, hơi đâu mà phải thả chim, thả cá hay những con này con kia chứ? Vật dưỡng nhơn mà!”. Cô bạn đồng nghiệp vội nói: “Chú nói như vậy nghe thì có vẻ hợp lí nhưng xét kĩ thì thấy không đúng đâu ạ! Vì theo như sự tìm hiểu của cháu gần đây thì biết rằng muôn loài đều quý mạng sống và chúng ta cần tôn trọng mạng sống của chúng như của chính chúng ta vậy! Nếu không phóng sanh thì cũng không nên bài xích và cho rằng chúng ta có quyền tước đoạt định mệnh của chúng”. Những cánh dầu lao xao trong gió và ướp vàng một góc phố.
Thời gian như chùng lại, chúng tôi im lặng như đang tự soi lại chính mình. Chợt, chị bạn nói: “Sẵn đây mình kể, không phải khoe, mà câu chuyện này quả là thú vị, vui và chờn vờn trong đầu mình ba ngày nay”. Chúng tôi bắt đầu quan tâm một câu chuyện mới, ngỡ là đề tài mới, mà không, câu chuyện chị kể như đang minh chứng việc ăn thịt và phóng sanh mà chúng tôi khi nãy lạm bàn.
Chị bạn thong thả uống cà phê rồi kể: “Tuần rồi mình có dịp về quê. Đang chạy xe và tâm hồnlúc ấy thật nhẹ nhàng, ngỡ như hai bên đường lúa cứ ngả vàng trải dài vô tận. Chợt, mình đi ngang đám đông, thì ra họ đang bán rắn. Chao ôi! Nghe và nhìn tới loài bò sát ấy là mình đã sợ điếng hồn rồi! Không còn tâm trí gì mà nhẹ nhàng hay thảnh thơi được. Dù biết muôn loài chúng sinh đều có bổn mạng như nhau, vì nghiệp lực mà mang thân này thân kia.
Nhưng không hiểu sao lúc ấy mình đã cho xe chạy vọt qua mặt những người đang bán rắn kia hơn năm trăm mét rồi mà hình ảnh những con rắn kia cứ lởn vởn trong đầu, sự sống chết của chúng đang trong lằn ranh sợi tóc, lời kinh Phạm Võng mỗi sáng của mình như đang vọng lên từng đợt, từng đợt như những cơn sóng biển vỗ mãi.
Cuối cùng, buộc lòng phải quay trở lại chỗ bán rắn. Lúc ấy tiền trong túi không nhiều, nên chỉ mua được một con rắn tròm trèm bốn trăm ngàn. Mình yêu cầuchú bán rắn mở miệng bao rắn và cầm giúp bao chứa rắn ấy để mình nói mấy lời với con rắn rồi hẳn thả nó đi. Nhiều người cứ nghĩ tự dưng có một đứa điên xuất hiện giữa chốn quê này. Mình mặc kệ! Như có điều gì thôi thúc, như có cái gì ẩn chứa buồn thương mong cầu từ đôi mắt loài bò sát ấy.
Tuy mình thấy nó ngóc đầu lên miệng bao và toàn thân uốn lượn, mình đã khiếp vía nhưng như có một sức mạnh đẩy mình vượt qua cơn sợ hãi. Mình nói với nó thật chậm rãi và nhẹ nhàng rằng ‘ta thả mày ra khỏi sự tù đày của sự chết chóc này, chỉ mong mày trú ngụ thật sâu trong rừng hay nơi nào đó, đừng ăn giết nuốt hại nữa, ráng tu để khi hết cái thân rắn này rồi sẽ được là thân người, có cơ duyên gặp Phật pháp và tiếp tục tu hành đến ngày giác ngộ hoàn toàn’.
Nói xong, mình trì chú Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sanh Tịnh độ đà la ni bảy biến rồi niệm Phật hiệu A Di Đà ba lần, sau đó khoát tay bảo chú bán rắn thả con rắn trong bao. Con rắn nhanh chóng lẩn mất sau những lùm cây dại. Đoạn, mình xoay sang nói với những con rắn trong lồng kia rằng ‘xin quý vị đừng buồn tôi, bởi tôi chỉ có đủ số tiền chuộc mạng được một vị thôi, chỉ cầu mong quý vị hết kiếp này thì được tái sanh ở một kiếp an lành hơn’.
Cuộc mua bán ấy đã xong. Xe tôi tiếp tục hướng về quê nhà. Tôi rùng mình khi nghĩ đến loài rắn, nhưng thấy lâng lâng trong ngày ấy bởi mình đã làm một điều gì đó cho môi sinh, cho sự thực hành phóng sanh thay vì ê a thuộc lòng câu kinh mà chấp chặt ý nghĩ mặc kệ tất cả”.
Cả bàn chúng tôi sững sờ, im lặng và nghe những cơn gió bấc gợn về thật bình yên trong một sớm mai vỉa hè thành phố. Điều chị bạn làm là một điều không tưởng với chúng tôi. Bởi, lẽ thường nếu có phóng sanh chỉ là phóng sanh cá, rùa, chim hoặc con gì đó có vẻ hiền lành thôi – cô bạn đồng nghiệp nói như vậy. Nhân đó, tôi nói thêm với cô bạn đang dụng tâm tìm hiểu Phật pháp để được an thân tịnh tâm giữa đời sống xô bồ và có sự xáo trộn không nhỏ trong gia đìnhbạn ấy: “Em muốn phóng sanh không cần tìm đâu xa, không cần nghĩ là chuyện cao cả hay tầm thường. Cứ giữ tâm yên, nếu trích tiền chợ hoặc có lòng từ bi thì em hãy ra chợ, những người bán cá, ếch hay con vật nào còn đang sống… cứ mua và đem thả chúng về nơi chúng đáng được sống. Khi thả thì lưu ý đừng để người khác thấy, bởi có những người thấy khởi ý tâm tà thì mình giúp họ làm chuyện ác. Chẳng hạn, em thả cá ngay chỗ người ta đang buông câu hoặc nơi nước cạn thì cũng không an toàn”. Cô bạn vui ra mặt và hứa khả sẽ thực hiện trong buổi mai đi chợ.
Lúc này ông bạn vong niên của tôi buông tiếng thở dài: “Chao ôi! Vật dưỡng nhơn rồi nhơn sẽ dưỡng vật. Sự sống chết ấy mãi trôi lăn trong oán thù biết khi nào ngăn dừng. Cảm ơn các bạn có buổi sáng cà phê nhiệm mầu này”. Chúng tôi nhìn nhau, chào nhau để bắt đầu vào công việc của riêng mỗi người trong ngày mới bắt đầu bằng câu từ giã: A Di Đà Phật!
Tặng chị: Vương Chi Lan!
Trần Huy Minh Phương