;
Tịnh Độ hay Quốc Độ của Chư Phật là từ dùng để chỉ Thế Giới đẹp đẽ, thanh tịnh, tôn nghiêm, là nơi các Đức Phật cùng hàng Thánh Giả và các Tín Chúng cư ngụ. Từ này khá xa lạ đối với nhiều tín đồ theo truyền thống Phật giáo Nam Truyền Theravāda.
Theo quan niệm thông thường của truyền thống Theravāda thì ngoài những Đức Phật quá khứ đã nhập diệt và những Đức Phật tương lai chưa ra đời, thì trong thời điểm hiện tại không tồn tại một Đức Phật nào khác. Cũng theo quan niệm này, hiện tại ngoài quả địa cầu của chúng ta ra không còn tồn tại một lãnh địa nào khác của Chư Phật. Do đó, khi đề cập đến những Quốc Độ của Chư Phật nằm ngoài trái đất hoặc ngoài vũ trụ này sẽ có những ý kiến không tán đồng.
Tuy nhiên, qua việc khảo sát tam tạng Pāli, nhiều học giả phương tây đã phát hiện ra những văn bản trong tạng đề cập đến những Quốc Độ của Chư Phật. Thế Giới tôn nghiêm này đã được ghi nhận rất chi tiết trong chương Buddhāpadāna của kinh Apadāna thuộc Khuddaka Nikāya (Tiểu Bộ) của tạng Pāli. Giáo sư K.R.
Norman, một học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Pāli, đã nhận xét về Buddhāpadāna rằng: “Trong đoạn này Đức Phật đã kể về những Quốc Độ của các Chư Phật (Buddhakkhettas), đó là những miền đất lý tưởng của sự mỹ lệ, là nơi các Đức Phật cư ngụ.
Một bức tranh phác họa hình ảnh các Đức Phật chất vấn với nhau, cũng đề cập đến các đệ tử chất vấn các Chư Phật và ngược lại (K.R. Norman, 1983, tr.90). Sau đây chúng ta sẽ khảo sát văn bản Buddhāpadāna và các văn bản liên quan trong tạng Pāli để tìm hiểu về vấn đề này.
1. Số lượng Quốc Độ của Chư Phật là vô số
Thuật ngữ Quốc Độ của Chư Phật được dùng để chỉ về phạm vi thuộc sự ảnh hưởng quyền lực của Đức Phật, đôi khi cũng được gọi là Lãnh Địa hay Địa Phận của Chư Phật. Thuật ngữ này trong tiếng Pāli gọi là Buddhakkhetta.
Nghĩa của từ khetta được từ điển Pāli của Buddhadatta giải thích là: “cánh đồng, mảnh đất, nơi chốn thích hợp, nơi mà một cái gì đó sinh xuất hoặc tìm thấy”; từ điển của Vipassana Research Institute giải thích là “điền sản, đồng ruộng, một người vợ, thân thể, nơi chốn, vùng, miền, khoảng rộng”.
Theo Chú Giải (aṭṭhakathā) của tạng Pāli thì Buddhakkhetta gồm có 3 loại: (1) jātikhetta; (2) āṇākhetta; và (3)visayakhetta. Chi tiết từng loại khetta được Chú Giải ghi nhận như sau:
- (1) Jātikhetta: Là lãnh địa đản sinh. Lãnh địa này tổng cộng có 10.000 thế giới (lokadhātu). Lãnh địa này rung chuyển khi các sự kiện xảy ra liên quan đến Đức Phật như: lúc Ngài đản sinh, lúc Ngài giác ngộ, lúc Ngài quyết định nhập diệt, và lúc Ngài vào Niết Bàn.
- (2) Āṇākhetta: Là lãnh địa quyền lệnh. Lãnh địa này có tổng cộng có 100.000 koṭi vũ trụ (cakkavāḷa). Lãnh địa này là nơi tích lũy các thần chú bảo hộ, như kinh A Sá Năng Chi, hộ chú Chim Cút, hộ chú Khổng Tước…
- (3) Visayakhetta: Là lãnh địa miền. Lãnh địa này được cho là không thể nghĩ bàn, do đó không đề cập đến số lượng. Sự vô hạn của lãnh địa này đồng với trí tuệ xa rộng vô hạn của Đức Phật, và được mô tả là có thể xa rộng vô cùng tận tùy theo ý nguyện của Đức Như Lai.
Qua ghi nhận trong Chú Giải, chúng ta thấy rằng khái niệm Buddhakkhetta là rộng lớn vô cùng. Khái niệm này vươn xa và vượt khỏi hẳn tầm cỡ của một vùng đất, một quốc gia, một thế giới địa cầu, hay một vũ trụ. Các từ như Lãnh Địa, Địa Phận, Quốc Độ, Lãnh Vực… chỉ là những từ có sẵn trong phạm vi xã hội loài người, được mượn tạm để hình dung một phần của khái niệm Buddhakkhetta. Ngoài sự rộng lớn về không gian vị trí, khái niệmBuddhakkhetta còn bao trùm lên cả phương diện tâm ý, tư tưởng và các phương diện khác.
Buddhakkhetta trong tiếng Sanskrit gọi là Buddhakṣetra. Từ điển Buddhist Hybrid Sanskrit của Edgerton giải thích từ Buddhakṣetra như sau: “Buddha-field, region or (usually) world or world-system in which a particular Buddha lives and operates”; nghĩa Việt là “Vùng đất của Đức Phật, miền hoặc (thông thường là) thế giới hoặc hệ thống thế giới trong đó một Đức Phật nào đó cư ngụ và điều hành.”
Đa phần các từ điển hoặc tài liệu tiếng Anh dịch thuật ngữ khetta (hoặc kṣetra) thành “field”. Từ “field” theo Oxford Advanced Learner’s Dictionary có các nghĩa chính như sau: một vùng đất; một chủ đề hay một hoạt động đặc thù; một công việc thực tế; sân thi đấu; người hoặc sản phẩm cạnh tranh trong kinh doanh, khu vực chịu tác động lực vật lý, cột cơ sở dữ liệu. Chúng ta thấy chỉ có nghĩa thứ nhất của từ field là phù hợp để dịch thuật ngữkhetta, tức chúng ta chọn nghĩa một vùng đất.
Nếu chọn từ tiếng Việt “lãnh vực” để dịch thuật ngữ khetta thì có khả năng sẽ làm cho người đọc hiểu lầm thành “một chủ đề nghiên cứu hoặc hoạt động”, ví dụ như: lãnh vực toán học, lãnh vực kinh doanh v.v.
Mặc dù nghĩa chính của từ “lãnh vực” trong các từ điển Hán ngữ là “cương vực”, “lãnh thổ” nhưng các nghĩa này không còn phổ thông đối với người Việt hiện tại.
Số lượng Quốc Độ của Chư Phật đã được Đức Phật Thích Ca thuật lại trong Buddhāpadāna thuộc Tiểu Bộ của Chính Tạng Pāli như sau: “Disā dasavidhā loke, yāyato natthi antakaṃ. Tasmiñca disābhāgamhi, buddhakhettāasaṅkhiyā.” Bhikkhu Indacanda đã dịch tiếng Việt là: “Mười phương ở thế giới vũ trụ đối với người đang du hành là vô tận (không có điểm tận cùng). Và ở mỗi phương (thế giới) ấy, các địa phận của chư Phật là (vô số) không thể đếm được.”
Như vậy, lời của Đức Phật Thích Ca trong Chính Tạng Pāli đã khẳng định sự tồn tại những Quốc Độ của Chư Phật là vô số. Những Quốc Độ này thì tồn tại khắp mười phương vũ trụ.
Chúng ta nhận thấy rằng, việc xác định có sự tồn tại vô số các Thế Giới của Chư Phật không phải chỉ xuất hiện riêng ở hệ thống kinh điển Sanskrit mà ngay cả hệ thống kinh điển Pāli cũng ghi nhận rất rõ ràng về vấn đề này.
Khi bàn luận về sự sinh diệt vong của các thế giới, luận sư Buddhaghosa trong tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) đã xác định rằng trong thời hoại kiếpthì Lãnh Địa Quyền Lệnh (āṇākhetta) của Chư Phật sẽ bị hủy diệt đồng thời với Lãnh Địa Đản Sinh (jātikhetta), và hai lãnh địa này khi được thành lập cũng xảy ra đồng thời. Riêng về Lãnh Địa Miền (visayakhetta) thì nằm ngoài sự đề cập này.
2. Tạo lập Quốc Độ Phật là nguyên nhân được trở thành Phật
Chương Buddhāpadāna của kinh Anapada, mở đầu bằng câu hỏi của ngài An Nan hỏi Đức Phật Thích Ca về các yếu tố quyết định để trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác: “Bạch đấng Anh Hùng, nghe nói có các vị được gọi là đức Phật Toàn Tri, các vị ấy được thành tựu là do các nguyên nhân nào?” (Bản dịch của Bhikkhu Indacanda).
Nội dung còn lại của chương là những gì mà Đức Phật trả lời cho câu hỏi của ngài An Nan, trong đó xuyên suốt chiếm hầu như phần lớn nội dung câu trả lời đều xoay quanh việc của Đức Phật Thích Ca khi còn là một Bồ Tát, Ngài đã dùng năng lực tâm ý để tạo dựng nên một thế giới trang nghiêm, nguy nga, mỹ lệ; trong thế giới ấy có đầy đủ Chư Phật, Thanh Văn và tín chúng của quá khứ, cộng với sự hiện diện của các Chư Phật và Thanh Văn của thời hiện tại… Sự mô tả về một Thế Giới của Chư Phật trong Buddhāpadāna như một bộ phim 3D hùng vĩ, sống động và tôn nghiêm.
Mở đầu phần trả lời, Đức Phật Thích Ca đề cập ngay đến Quốc Độ của Chư Phật (Buddhakkhetta). Và tại nơi này Ngài đã tác ý xây dựng nên một lâu đài nguy nga, đẹp đẽ từ tất các châu báu thu thập được cũng từ chính nơi Quốc Độ này.
Sau khi xong việc xây dựng các kiến trúc vật thể và quang cảnh tự nhiên, thì Ngài đã tiếp tục dùng tâm lực để hóa hiện các Chư Phật và các vị Thanh Văn của thời quá khứ đi vào thế giới của Ngài. Các vị ấy vào tòa lâu đài để tham dự trong pháp hội.
Bên cạnh những chư vị Phật và Thanh Văn của quá khứ được tạo bằng tâm ý, còn có chư vị Phật và Thanh Văn của thời hiện tại đến dự. Ngoài ra còn có cả những chư vị Độc Giác Phật của cả quá khứ và hiện tại. Khi trong lâu đài đã có sự hiện diện đầy đủ của hội chúng thánh giả, Ngài đã tiếp tục việc dâng y và thực phẩm lên các chư vị.
Xong phần dâng y và cúng dường thực phẩm là đến phần các chư thánh giả nhập vào thiền hành, hoặc có những vị thuyết pháp, hoặc khai triển thần thông… Tiếp đến là hình ảnh các chư vị đàm luận Pháp trong Pháp hội.
Những Chư Phật và những đệ tử Thanh Văn thể hiện sự bình đẳng chất vấn lẫn nhau trong khi bàn luận Pháp: Chư Phật chất vấn Chư Phật khác, Chư Phật chất vấn Chư Thanh Văn, Chư Thanh Văn chất vất Chư Phật.
Phần kế đến là những lời Phát Nguyện cho Thế Giới Chư Phật mà Ngài đã tạo lập. Nội dung lời phát nguyện đều tập trung vào vấn đề duy trì những gì đã tạo dựng trong thế giới ấy; và gia trì tạo ra sự sống động cho thế giới này, tạo ra hoạt động tự nhiên huyền diệu và khả ái với đầy đủ những âm thanh, ánh sáng, màu sắc …
Tiếp đến là phần phát tâm của Ngài để chia sẻ phước báu và bố thí vật thực cho các loại chúng sinh.
Đoạn cuối, Đức Phật kể về phước báu có được do sự tạo lập Thế Giới Chư Phật như vậy. Ngài thuật lại rằng nhờ phước báu này mà kiếp sau Ngài đã được tái sinh vào cõi Trời Đao Lợi. Rồi tiếp tục những kiếp sau này, Ngài không bao giờ bị đọa vào các đường ác và chỉ tái sinh vào một trong 2 cõi: Thiên và Nhân.
Bất kỳ lúc nào, sau khi tái sinh, Ngài cũng được làm vị đứng đầu Trời hoặc Người, luôn có quyền lực, diện mạo và trí tuệ vượt trội tất cả cư dân của cõi ấy; luôn luôn được hưởng sự hạnh phúc, giàu sang, trọng vọng, quyền uy tùy theo ý muốn. Sau đó, Ngài đã bố thí những thứ quý báu đến rất nhiều hạng người khác nhau và cuối cùng Ngài đã đi đến phẩm vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác.
Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng việc tạo dựng một Thế Giới Chư Phật đẹp đẽ và tôn nghiêm như được mô tả trong kinh là hết sức cần thiết để một hành giả trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammāsambuddha).
3. Sự trang trọng, đẹp đẽ và tôn nghiêm của Quốc Độ Chư Phật
Barua (1949) đã nhận xét rằng: “The Buddhāpadāna, or the Tradition of the previous excellent deeds or services of the Buddhas, which forms the first chapter of the Apadāna, contains a vivid and charming description of the Buddhakhetta” (p.5).
Nghĩa Việt: “Buddhāpadāna, hay Truyền thống về việc làm hay công đức toàn hảo ở quá khứ của các Chư Phật, hình thành chương đầu tiên của kinh Apadāna, chứa đựng sự miêu tả sống động và lôi cuốn về Quốc Độ của Chư Phật.”
Đồng quan điểm này K.R. Norman (1983) cũng ghi nhận rằng chương Buddhāpadāna đã mô tả một vùng đất đẹp đẽ lý tưởng, là nơi các Đức Phật cư ngụ và thảo luận Pháp cùng với các đệ tử của mình (tr.90).
Chúng ta có thể thống kê một số kiến trúc vật chất, cảnh quan và chúng sinh trong Thế Giới Chư Phật được mô tả trong Buddhāpadāna theo từng nhóm sau đây:
- Vật liệu xây dựng & trang trí: vàng, bạc, ngọc bích, pha lê, ngọc mani, hồng ngọc, san hô, ngọc trai, thất bảo.
- Hình thể kiến trúc: lâu đài, trụ cột, lầu gác, hồ sen, cổng chào, tháp nhọn, mái nhọn, cửa hình sư tử.
- Các món trang trí: hình hoa sen, hình chim thú, lọng che, viền rào, mạng lưới hoa, mành lưới vàng, chuông lục lạc, cờ hiệu.
- Nội thất: giường bằng pha lê, hồng ngọc, mani, bạc… được phủ vải lụa, lông thú; ghế bành.
- Thực vật: sen đỏ, sen xanh, sen hồng, cây như ý.
- Chim muông: chim công, thiên nga, chim ca lăng tần già.
- Âm thanh: tiếng chuông lục lạc, tiếng chim hót, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng tụng kinh, tiếng đàm luận Pháp.
- Ánh sáng và màu sắc: ánh sáng màu cánh kiến, màu xanh, màu vàng, màu trắng, màu đỏ, màu hồng, màu vàng úa, màu vàng chói.
- Mùi: hương thơm ngào ngạt, năm hương thơm tổng hợp.
- Hoạt động tự nhiên: sen tỏa sắc, cây trổ hoa, chim múa, chim hót, mỹ nhân múa hát.
- Thành phần Hội Chúng: các Chư Phật quá khứ, các Chư Phật hiện tại, các Độc Giác Phật quá khứ, các Độc Giác Phật hiện tại, các Thanh Văn quá khứ, các Thanh Văn hiện tại, các Tín Chúng.
- Hoạt động Pháp hội: tọa thiền, ngọa thiền, triển khai thần thông, thuyết Pháp, nghe Pháp, thảo luận Pháp, dâng y, dâng thực phẩm.
Tất cả những chi tiết trên đã được liên kết một cách hài hòa với nhau để tạo thành một bức tranh sống động, một bộ phim hoàn hảo với những hình ảnh đẹp đẽ và tôn nghiêm của một Quốc Độ của Chư Phật.
4. Có phải Buddhāpadāna bị ảnh hưởng tư tưởng Đại Thừa?
Có ý kiến cho rằng nội dung Buddhāpadāna bị ảnh hưởng tư tưởng Đại Thừa. Tuy nhiên, K.R. Norman (1983) không tán đồng quan điểm này. Ông đã nhận định nhiều phần của kinh này đã xuất hiện từ rất sớm và cho rằng rằng cùng một tư tưởng có thể tồn tại trong cả hai truyền thống Phật giáo khác nhau, tức Theravāda và Mahayana, là do sự tiếp nối tư duy cơ động xuất phát từ Phật giáo sơ kỳ (tr.91).
Barua (1949) thì cho rằng Buddhāpadāna là khái niệm mang tính thơ ca đã đặt tiền đề cho tư tưởng Đại Thừa về Thế Giới Cực Lạc: “In the poetic conception of the Buddhakhetta, was forestalled the later Mahāyānic idea of Sukhāvatī, the glorious land of Buddhist Paradise” (p.7).
Nếu như so sánh với nội dung kinh Sukhāvatī (Kinh A Di Đà) của truyền thống Đại Thừa thì chúng ta thấy rằng sự mô tả về Quốc Độ Chư Phật hầu như tương đồng với sự mô tả trong Buddhāpadāna. Các trích đoạn sau đây trong kinh Sukhāvatī cho thấy sự tương đồng này:
“thế giới Sukhāvatī đó được trang hoàng với bảy tầng ban công, bảy hàng cây cọ, và có treo những dãy chuông . Mọi phía đều có bờ rào , đẹp đẽ và lộng lẫy với tứ bảo như vàng, bạc, lưu ly và pha lê”; “trong thế giới đó có những hồ sen được trang hoàng bởi bảy báu, đó là vàng, bạc, lục trụ thạch, pha lê, ngọc trai đỏ, kim cương, và san hô là món thứ bảy”; “trong cõi Phật đó có chim thiên nga, ca lăng tần già và khổng tước… chúng hội tụ và trình diễn hòa nhạc, mỗi loài phát thanh điệu riêng của mình”; “khi những hàng cây cọ và các dãy chuông trong cõi Phật đó được gió thổi lay động, âm thanh du dương và vi diệu phát ra từ đó.”
5. Không cùng tồn tại cùng lúc hai vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác?
Một số ý kiến cho rằng trong Trường Bộ Kinh có đề cập đến vấn đề không thể xuất hiện cùng lúc hai vị Phật Chánh Đẳng Giác. Như vậy khái niệm về Buddhakhetta có mâu thuẫn với khẳng định đã nêu ra trong Trường Bộ Kinh không?
Chúng ta có thể đối chiếu với định nghĩa về Buddhakkhetta ở mục số 1 đã giải thích rằng Lãnh Địa Đản Sinh của Chư Phật có đến 10.000 thế giới (lokadhātu), trong khi đó kinh đề cập là không thể xuất hiện cùng lúc 2 vị Phật trong cùng 1 thế giới.
Ngoài ra, chúng ta nhận thấy rằng còn có vô số những Quốc Độ thuộc Lãnh Địa Miền (visayakhetta) của Chư Phật, cho nên số lượng Chư Phật là có thể là vô số. Trong Buddhāpadāna cũng đề cập đến số lượng không đếm được các Chư Phật: “Các đấng Pháp Vương đã được tròn đủ ba mươi pháp toàn hảo là (vô số) không thể đếm được”, Và các Chư Phật có thể xuất hiện cùng lúc ở một địa điểm: “Tất cả chư Phật và các bậc A-la-hán đã tụ hội lại. Các ngươi hãy tôn kính đảnh lễ chư Phật Toàn Giác và các bậc A-la-hán.”(bản dịch của Bhikkhu Indacanda).
6. Việc tạo tác bằng tâm ý trong Buddhāpadāna và sự quán tưởng Bản Tôn
Theo truyền thống hành thiền của Theravāda thì hầu như không có phương pháp dùng tâm ý để tạo thành các Chư Phật, Chư Thánh Giả hoặc Thế Giới của Chư Phật. Phương pháp thiền quán tưởng của truyền thống này chỉ được áp dụng ở một số trường phái và phần lớn tập trung trên các đề mục quán tưởng như: xác chết, bộ xương, thể trược, hoặc kasina.
Chúng ta nhận thấy rằng phương pháp mà Đức Phật đã sử dụng như đã mô tả trong Buddhāpadāna chính là sự quán tưởng các Chư Tôn và Cảnh Giới của các Chư Tôn. Nội dung kinh cho thấy hiệu quả của phương pháp này thật là lớn lao và đã trở thành nguyên nhân chính để Đức Bồ Tát đi đến phẩm vị Phật Toàn Giác.
Ngoài ra, như Ngài thuật lại trong kinh này, thì sau khi thực hiện pháp quán tưởng bằng tâm ý Ngài đã không còn bị đọa vào các đường ác mà chỉ tái sinh vào hai cõi Trời và Người, đồng thời mỗi lần tái sinh như vậy đều hưởng được phước đức trọn vẹn.
Phương pháp quán tưởng của Đức Phật Thích Ca trong Buddhāpadāna đã được truyền thống Đại Thừa áp dụng triệt để. Sự thực hành quán tưởng Bản Tôn và Mạn Đà La là phương pháp được lưu hành rộng rãi trong các truyền thống Mật Giáo. Đặc biệt kinh Quán Vô Lượng Thọ của truyền thống Đại Thừa trình bày rất chi tiết về cách thức dùng tâm ý để tạo nên Quốc Độ của Chư Phật.
7. Kết
Tịnh Độ hay Quốc Độ thanh tịnh của Chư Phật được ghi nhận rất rõ ràng trong cả hai hệ thống kinh điển Pāli và Sanskrit. Số lượng Quốc Độ này là vô số, đồng thời số lượng Chư Phật cũng là vô số. Phương pháp dùng năng lực tâm ý để tạo thành cảnh giới Quốc Độ của Chư Phật cùng với các Thánh Tôn là rất quan trọng. Hành động này được ghi nhận trong Buddhāpadāna là nguyên nhân để một vị Bồ Tát trở thành một Đức Phật Toàn Giác. Cũng nhờ hành động tác ý quán tưởng này mà hành giả sẽ không còn bị đọa vào các cõi ác và được tái sinh trong các cõi Trời, Người với những phước báu đầy đủ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Buddhāpadāna bản tiếng Pali, URL: https://suttacentral.net/pi/tha-ap1
- Bhikkhu Indacanda, Bản dịch tiếng Việt của Buddhāpadāna, URL: http://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/39/000-000.pdf
- Barua (1949), Bản dịch tiếng Anh của Buddhāpadāna, URL: http://www.ancient-buddhist-texts.net/English-Texts/Short-Pieces-in-English/Buddhapadana.htm
- Barua (1949), Buddhakhetta and Buddhāpadāna, URL: http://www.ancient-buddhist-texts.net/English-Texts/Short-Pieces-in-English/Buddhapadana.htm
- K.R. Norman (1983), Pāli Literature, Wiesbaden, Otto Harrassowitz.
- Bhikkhu Ñāṇamoli (2010), The Path of Purification, Colombo, Samayawardana Printers.
- Kinh Sukhāvatīvyūhaḥ bản tiếng Sanskrit, Digital Sanskrit Buddhist Canon.
- Tống Phước Khải, Bản dịch tiếng Việt của kinh Sukhāvatīvyūhaḥ, URL: https://kinhmatgiao.files.wordpress.com/2013/04/kinh-sukhavativyuha-viet-dich.pdf