;
Kinh A Hàm rất nhiều lần nói đến 'Đại thừa', 'Tam thừa','Phật thừa'
Hệ thống kinh A Hàm có nói đến 'Thế giới cực lạc' và pháp môn niệm Phật
Ngũ thời được chia trình tự như sau:
Thời HOA-NGHIÊM: Sau khi Phật thành-đạo, trong 21 ngày đầu vì chư Bồ-tát pháp-thân Đại-sĩ trong hàng Thập-tín, Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập hồi-hướng, Thập-địa... mà thuyết ra kinh HOA-NGHIÊM...
Thời A-HÀM: Kế tiếp sau thời Hoa-Nghiêm, bắt đầu từ nơi vườn “Lộc-dã” với nhóm của ngài KIỀU-TRẦN-NHƯ... PHẬT thuyết ra các bộ kinh (tiểu-thừa) A-HÀM, phân loại ra thì gồm có 4 bộ: - 1) Kinh Tăng Nhất A Hàm, gồm 51 quyển, sưu tập các số mục của pháp môn; - 2) Kinh Trường A Hàm, gồm 22 quyển, sưu tập các kinh văn dài; - 3) Kinh Trung A Hàm, gồm 60 quyển, sưu tập các kinh văn không dài không ngắn (trung bình); - 4) Kinh Tạp A Hàm, gồm 50 quyển, sưu tập lẫn lộn cả ba loại trước.Thời kỳ nầy được Phật thuyết dạy trong 12 năm.
Thời PHƯƠNG ĐẴNG: Sau thời A-HÀM, liên-tiếp trong 8 năm, PHẬT thuyết ra các bộ kinh Đại-thừa, giảng rộng về bốn khoa: Tạng-giáo , thông-giáo , biệt-giáo , viên-giáo .
Thời BÁT-NHÃ: Sau thời PHƯƠNG ĐẲNG, PHẬT thuyết ra các bộ kinh BÁT-NHÃ liên-tiếp trong 22 năm.
Thời PHÁP-HOA - NIẾT-BÀN: Sau thời BÁT-NHÃ, PHẬT thuyết kinh PHÁP-HOA trong 8 năm, và kinh NIẾT-BÀN trong 1 ngày 1 đêm.
Trong cả năm thời này đức Bổn sư đều đề cập hoặc thuyết giảng pháp Niệm Phật Tam muội hoặc Tịnh độ Cực Lạc của Đức Phật A DI ĐÀ. Bắt đầu từ thời Hoa Nghiêm (Phật thuyết Kinh Hoa nghiêm), chúng ta thấy Thế giới Cực Lạc và PHẬT A DI ĐÀ được ghi lại trong các phẩm 15, phẩm 24, phẩm 26, phẩm 39… và đặc biệt phẩm 40: Hạnh nguyện Phổ Hiền. Ngay trong thời A Hàm (thời tiểu thừa, phật giáo nguyên thủy), Đức Thế Tôn cũng đã chỉ dạy pháp môn niệm Phật rất rõ ràng: trì danh niệm Phật, quán tưởng niệm Phật hoặc đề cập đến công đức niệm Phật. Tiếp theo thời A Hàm là thời Phương Đẳng, Đức Phật thuyết rất nhiều kinh điển đại thừa trong đó gồm những bộ kinh chủ yếu của Tịnh độ Tông Vô Lương Thọ Kinh, A Di Đà Kinh, Phật thuyết Đại thừa Trang nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh và vô số kinh điển thời này đều nói về niệm Phật tam muội hoặc Cực Lạc Quốc độ và Phật A DI ĐÀ. Đến thời Bát Nhã, Đức Phật tiếp tục đề cao pháp môn niệm Phật bằng Kinh Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội còn có tên gọi khác là Niệm Phật Ba-La-Mật Kinh. Trong quyển tôn kinh này, Thế Tôn xác quyết pháp tu niệm lục tự thánh hiệu ‘NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” đốn ngộ vãng sanh là thù thắng đệ nhất. Ngoài ra, Pháp Môn Niệm Phật còn được thuyết trong kinh Văn Thù Sở Thuyết Bát nhã và những kinh điển khác trong hệ Bát nhã nữa. Cuối cùng là Thời Pháp Hoa và Niết Bàn, Cõi Cực Lạc và A DI ĐÀ PHẬT cũng được nói đến như phẩm thứ bảy, phẩm 23 của Kinh Pháp Hoa và trong Kinh Đại Bát Niết Bàn như trong Phẩm Tự thứ nhất hoặc Phẩm Kim Cang Thân thứ năm. Lược qua năm thời giáo Pháp, chúng ta thấy pháp môn niệm Phật và cõi Cực Lạc của A DI ĐÀ PHẬT đều được Đức Thích Tôn thuyết pháp và Giới thiệu. Điều này chứng tỏ rằng Niệm Phật là pháp môn tối quan trọng trong giáo pháp của Phật Tổ và của Chư Phật. Tuy nhiên, bài luận này không đi sâu vào nội dung giáo pháp năm thời mà tập trung vào những kinh điển của Đức Bổn Sư thuyết về pháp môn niệm Phật và cõi Cực Lạc của A DI ĐÀ PHẬT trong nhiều kinh điển tiểu thừa lẫn đại thừa nhằm giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể chân thật, khách quan về Pháp môn niệm Phật và Cõi Cực Lạc. Nội dung bài luận được viết trình từ theo những tiêu điểm sau: 1) Kinh điển của Tịnh độ Tông 2) Pháp môn niệm Phật trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy 3) Pháp môn niệm phật và cõi Cực Lạc trong kinh điển của Thiền Tông 4) Pháp môn niệm Phật và Cực Lạc trong kinh điển của Mật Tông 5) Pháp môn niệm Phật và Cõi cực lạc trong những kinh điển đại thừa khác. Việc sưu tập được tiến hành theo cách thức sau:
- Đọc nhiều kinh điển đại thừa dùng hai kỹ năng đọc chi tiết và đọc lướt, trích dẫn những đoạn kinh liên quan đến Niệm Phật và Tịnh Độ Cực Lạc
- Những đoạn kinh được trích ra từ những quyển luận của các Cao Tăng như An Lạc Tập của Thiền Sư Đạo Xước nhưng vẫn kiểm tra bằng cách tìm đọc những quyển kinh từ Đại Tạng Kinh tuy nhiên một số ít quyển kinh bút giả chưa tìm thấy như Đại Pháp Cổ Kinh hoặc Pháp Cổ Kinh.
- Tham khảo một số nguồn như Quê Hương Cực Lạc của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh; Thiền Tịnh Quyết Nghi của Thích Phước Nhơn trên quan điểm đối chiếu với Kinh Điển.
- Tham khảo một số nguồn khảo cứu như Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Giáo sư Phật học Kimura Taiken, Đại học Tokyo vv.và nhiều nguồn tham khảo phật học khác.
Ngài Ấn Quang có nói cả ngàn quyển kinh đều xứng tán pháp môn Niệm Phật thù thắng nầy. Tuy nhiên với trí tuệ nông cạn cũng như từ một số ít ỏi trong đại tạng kinh sau hơn hai năm sưu tập, bút giả chỉ sưu tập hơn trăm quyển kinh và phẩm kinh mà Đức Phật thuyết giảng hoặc đề cập đến Pháp Môn Niệm Phật và Cực Lạc Quốc độ của Phật A Di Đà nhằm giúp đạo hữu có cái nhìn khách quan và chân thật về pháp môn Niệm Phật.
Những kinh điển của Tịnh độ Tông truyền từ Thiên Trúc vào Trung Hoa rất sớm vào những năm thế kỷ thứ hai TL. Theo Vạn Thọ và Tiến sỹ Kimura Taiken, giáo sư Phật học Ấn Độ, Đại học Tokyo, Vô Lượng Thọ Trang nghiêm Bình đẳng Giác Kinh là một trong những quyển kinh được dịch sớm nhất vào năm 189 TL bởi Chi Lâu Ca Sâm (Lokaraksa, đến Trung Quốc năm 167 TL) trước thời Long Thọ Bồ Tát. Theo các nhà Phật học, Ngài Chi Lâu Ca Sâm là một trong những người đầu tiên dịch thuật và truyền bá kinh điển đại thừa vào Trung Quốc. Riêng Kinh Bát Chu Tam Muội, Đại Vô Lượng Thọ Kinh góp phần hình thành tư tưởng Di Ðà Tịnh Ðộ vào thời kỳ sơ khai. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ tư, pháp môn Niệm A DI ĐÀ Phật mới hình thành ở Trung Hoa bằng sự ra đời của Huệ Viễn Đại sư, Sơ Tổ Tịnh độ là một Cao tăng Trung Quốc đời nhà Tấn (334 -414), đúng như lời huyền ký của Phật tổ Pháp môn niệm Phật ‘dành cho chúng sanh’ ở thời kỳ Chánh Pháp cuối cùng, 1000 năm sau khi Như Lai nhập diệt trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật. Pháp môn này thật sự phát triển mạnh từ thời Nhị Tổ Thiện Đạo Đại Sư (613) cho đến ngày nay.
Tịnh độ tam kinh là thuật ngữ quen thuộc với các đạo hữu Tịnh độ vì Tịnh độ tông được xây dựng trên ba bộ kinh chính: Vô Lượng Thọ Kinh, A DI ĐÀ Kinh và Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Ngoài những bộ kinh này ra Đức Phật còn để lại cho chúng ta những bộ kinh khác nữa thuyết về pháp môn này rất hữu ích cho các đạo hữu niệm phật. Sau đây là 12 bộ kinh Tịnh độ mở rộng trong đó 8 kinh đầu tiền Phật thuyết về trì danh niệm thánh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hoặc quán tưởng A DI ĐÀ PHẬT và Cực Lạc Quốc Độ. Riêng Bát Chu Tam Muội Kinh tuy Phật thuyết về Bồ Tát niệm bất kể vị phật nào nhưng A DI ĐÀ PHẬT và Tây Phương Cực Lạc là đại biểu. Bảy bộ kinh đầu hầu như đều quen thuộc với những đạo hữu Tịnh độ, vì thế bút giả chỉ trích những đoạn kinh từ quyển 8 đến 12 ngõ hầu cung cấp cho đạo hữu một phần nào đó về cảnh Cực Lạc, A DI ĐÀ PHẬT hoặc pháp môn niệm Phật từ những kinh điển chuyên về pháp môn này.
1.1 Vô Lượng Thọ Kinh
1.2 Quán Vô Lượng Thọ Kinh
1.3 DI ĐÀ tiểu bổn Kinh
1.4 Pháp Hội Vô Lượng Thọ Như Lai thứ Năm (Đại Bảo Tích Kinh)
1.5 Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh
1.6 Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Nhiếp Thọ
1.7 Kinh Niệm Phật Ba La Mật (Niệm Thánh Hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT là pháp tu đốn ngộ)
1.8 Bát Chu Tam Muội Kinh: Sau đây là đoạn trích từ quyển kinh này niệm phật nhất tâm từ một ngày cho đến bảy ngày cảm ứng thấy A DI ĐÀ PHẬT đến thuyết pháp. Đức Phật Thích Ca bảo Bát Đà Hoa Bồ tát:
"Nếu Sa môn hay bạch y nghe Tây phương A D ĐÀ PHẬT, rồi thường niệm được nhất tâm trong một ngày đêm hay đến bảy ngày đêm. Sau bảy ngày thấy A DI ĐÀ PHẬT. Ví như chỗ thấy trong chiêm bao, không biết là đêm hay ngày, không phân là trong hay ngoài, không phải vì tối mà chẳng thấy, không phải vì nhà vách ngăn che mà chẳng thấy... bèn thấy đức A DI ĐÀ PHẬT, nghe Phật ấy nói kinh, đều thọ trì đặng, rồi ở trong chánh định đều có thể vì người thuyết pháp đủ cả.”
1.9 Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới Kinh
Bồ tát rõ biết các pháp đều là duy tâm, đặng tùy thuận nhẫn, hoặc nhập sơ địa. Mạng chung liền sanh về trong Cực Lạc, hay Diệu Hỷ thế giới v.v...
1.10 Bồ Tát Niệm Phật tam muội – Phẩm Bổn hạnh của Bồ Tát
Như Phật Ðiều ngự A Di Ðà
Ở chỗ Thế tôn thù thắng ấy
Liền muốn tu chứng diệu Bồ đề
Vì cầu pháp nên thường tinh tấn
Nên đặt Vô Biên diệu cúng dường
Tại đấy có tất cả thế giới
Xa lìa suy não, trừ ngũ trần
Chỉ cầu pháp lạc lợi quần sanh
Cúng dường vô số hằng sa Phật
Tương lai thành Phật Vô Biên Trí
Làm nhiếu lợi ích diệt các khổ
Vì mong an lạc các chúng sanh
Cúng dường vô lượng vô biên Phật
Sẽ được thành Phật tiếng tăm lớn
Cõi Phật trang nghiêm khó nghĩ lường
Ðầy đủ các báu người thích xem
Giống Nước An Lạc thật rộng lớn
Nhiều ức na do tha Bồ tát
Ðược Phật thọ ký
1.11 Quán Phật Tam Muội Kinh:
Văn Thù Bồ tát tự thuật túc nhơn được niêm Phật tam muội, sẽ sanh Tịnh Độ. Đức Thích Ca thọ ký rằng: "Ông sẽ vãng sanh Cực Lạc thế giới".
1.12 Kinh Văn Thù Sở thuyết Bát Nhã
Phật bảo Văn Thù Bồ Tát: “Muốn chóng thành Phật quả, phải tu nhất hạnh tam muội. Người muốn nhất hạnh tam muội phải nhiếp tâm chánh niệm để tâm nơi một Đức Phật, rồi chuyên niệm danh hiệu của Đức Phật đó…Công đức niệm danh hiệu của một đức Phật bằng công đức niệm vô lượng đức Phật. Sức đa văn biện tài của A Nan cũng không bằng một phần trăm nghìn của người được nhất hạnh tam muội.”
Và vv
Trong thời A HÀM, Đức Phật chủ trương nói pháp sanh diệt, tứ đế và nhân duyên cho các đệ tử tu thiền tứ niệm xứ và quán thập nhị nhân duyên (tiểu thừa hay phật giáo nguyên thủy) nhưng cũng giới thiệu pháp niệm phật như một pháp tu thoát ly sinh tử đạt đến Niết bàn.
2.1 Trong kinh Tăng Nhất A Hàm Hán tạng và Nikàya (Pali tạng) cho thấy Niệm Phật là một trong những pháp môn tu hành rất căn bản:
Pháp môn niệm Phật đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy lúc Ngài còn tại thế, là một trong các pháp Tam niệm, Lục niệm, Thập niệm. Bấy giờ, Đức Phật đang ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ, nói với các thầy Tỳ kheo: “Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa môn, tự đến Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là Niệm Phật” (Đại chính 2, tr. 532).
Rồi Đức Phật giải thích thế nào là Niệm Phật:
Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, chuyên tinh Niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức Như Lai (sđd, tr.554).
2.2 Trong khi đó, với Trung A Hàm, kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Một pháp, tạng Pàli, cũng ghi lại pháp môn Niệm Phật như sau:
Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn” (Tăng Chi Bộ I.16, HT.Minh Châu dịch)
2.3 Một bản kinh khác, kinh Trì Trai (số 202, Trung A Hàm, tương đương kinh Visàkhà-sutta, Tăng Chi Bộ), cũng đề cập đến pháp môn Niệm Phật. Kinh này cho thấy nhờ Niệm Phật mà tâm được tĩnh lặng và tất cả mọi nghiệp bất thiện đều được tiêu diệt, được thuyết cho cư sĩ Tỳ Xá Khư, khi Phật đang trú tại nước Xá Vệ, trong Đông viên, Lộc Tử Mẫu giảng đường.
Này cư sĩ! Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư,Phật, Thế Tôn. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt.
2.4 Ngoài ra một đoạn kinh khác trong Tăng Nhất A Hàm nói về công đức niệm Phật như sau:
“Nếu có người dùng vật dụng cúng dường tất cả chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề thì phước đức rất lớn. Nhưng chẳng bằng người xưng Niệm Danh Hiệu Phật trong một giây lát, công đức kia không thể nghĩ bàn.”
Rõ ràng cả tạng kinh điển Pali và Hán tạng đều ghi nhận pháp môn niệm Phật rất rõ ràng. Điều này chứng tỏ pháp môn này rất phổ biến trong thời Đức Phật, được đích thân Đức Thế Tôn chỉ dẫn, và xem nó như là một trong những con đường đi đến giác ngộ giải thoát.
Một số kinh điển đại thừa được một số chư tổ và các vị thiền sư nổi tiếng sử dụng như một trong những yếu chỉ của tông pháp, kim chỉ nam cho con đường tu chứng qua thiền định. Sau đây là năm bộ Kinh được giới thiền tông truyền tụng: Kinh Lăng Già, King Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa và Kinh Tọa Thiền Tam Muội. Trong năm bộ kinh này, Kinh Lăng-già, Kinh Lăng nghiêm , Kinh Pháp Hoa và Kinh Tọa Thiền Tam Muội cũng đều đề cập đến Pháp tu Niệm Phật Tam Muội hoặc cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
3.1 Kinh Lăng Già được xem như là Kinh truyền tâm ấn của các chư tổ thiền Tông:
Tổ Bồ-đề-đạt-ma sau khi truyền y bát cho Tổ Huệ Khả, Ngài còn trao cho bốn quyển kinh Lăng-già để làm tâm ấn. Cho nên Kinh Lăng-già trong nhà Thiền được coi là một bộ kinh để tâm ấn. Về ngài Long Thọ trong kinh, đức Phật đã có lời huyền ký với Đại Huệ Bồ Tát rằng:
Đại Huệ ông nên biết
Chứng sơ Hoan hỷ địa
Đời vị lai sẽ có
Sau khi ta nhập niết bàn
Tôn hiệu là Long Thọ
Tỳ kheo danh đức lớn
Duy trì pháp của ta
— nước Nam Thiên Trúc
Trong thế gian hiển ngã
Phá các tông Hữu, Vô tông.
Tuyên dương pháp Đại-thừa.
Trong thế gian hiển ngã.
Được Sơ-hoan-hỷ-địa.
Sanh về cõi Cực-Lạc”.
3.2 Kinh Lăng Nghiêm (Kinh này có ba bản dịch Hán ngữ song song với nguyên bản tiếng Phạn còn tồn tại) chương năm, 25 vị bồ Tát tự giải cách tu chứng vào càn tuệ địa, Bồ Tát Đại Thế Chí (niệm Phật viên thông) Đại Thế Chí Bồ tát bạch Phật Thích Ca: "Tôi nhờ hằng hà sa kiếp xưa, có Phật Vô Lượng Quang ra đời... rồi đến Phật Vô Biên Quang ra đời. Mười hai đức Phật ra đời trong một kiếp, đức Phật thứ 12 hiệu Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai, dạy tôi pháp niệm Phật tam muội: Ví như hai người, một thời chuyên nhớ, còn người kia thời chuyên quên, hai người như thế, hoặc gặp nhau cũng thành không gặp, hoặc thấy nhau cũng như không thấy. Hai người ấy mà nhớ nhau cho sâu chặc, thời đời đời không xa nhau, đồng như hình với bóng. Chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con... Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền và đương lai tất định thấy Phật, cách Phật không xa. Chẳng cần phương tiện, tự đặng tâm trí khai thông. Như người ướp dầu thơm, nơi thân có mùi thơm, đây gọi là hương quang trang nghiệm. Nhơn địa của tôi do tâm niệm Phật, nhập vô sanh nhẫn. Nay tôi ở thế giới Ta bà này nhiếp người niệm Phật về Cực Lạc thế giới..." (trang 313)
3.3 Kinh Pháp Hoa ở Phẩm 23 (Dược Vương Bồ Tát Bản Sự): Ðức Phật Thích Ca đã đề cập đến cõi Cực Lạc "Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nữ nghe kinh điển này, đúng như lời mà tu hành, thời khi ở đây chết liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của đức A DI ÐÀ PHẬT cùng chúng Bồ Tát vây quanh ở nơi hoa sen hóa sanh, chứng được vô sanh pháp nhẫn dự vào hàng Thánh chúng Bố Tát…"
Phẩm Hóa Thành Dụ thứ bảy: mười sáu vị Sa Di đệ tử của Phật Đại Thông Trí Thắng tu tập kinh Pháp Hoa vì người giảng nói, lần đầy đủ công đức thành phật vị thứ chín ở phương tây hiệu là A DI ĐÀ, và vị thứ 16 Ta Bà hiệu THÍCH CA MÂU NI
3.4 Tọa thiền Tam muội (Thiền Kinh): Bồ tát tọa thiền không niệm tất cả, chỉ niệm một đức Phật bèn chứng đặng tam muội.
Không những Phật A DI ĐÀ và Cực Lạc Quốc phổ biến trong Tịnh Độ Tông mà còn nhiều môn phái phật giáo khác chẳng hạn như Mật tông. Các chuyên gia nghiên cứu phật học muốn tìm hiểu kinh điển phật giáo không thể không nghiên cứu sâu Mật tông vì truyền thống của tông phái này xem lời Phật dạy như những điều huyền bí, bởi tất cả những lời dạy của Phật đều xuất phát từ cảnh giới nội chứng của pháp thân Phật, gọi là Mật giáo. Những lời phật dạy được gọi là Chân ngôn (mantra) và phần lớn được giữ nguyên thánh điển Phạn ngữ để tăng thêm giá trị huyền bí và linh thiêng. Chính vì vậy, Mật giáo ở Tây Tạng, đã thu nhiếp toàn bộ giáo pháp của Phật, cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa và duy trì một cách khá trọn vẹn, điều mà các truyền thống Phật giáo khác không làm được. Trong Mật Tông, tin tưởng vào bổn nguyện cứu độ viên mãn của Đức PHẬT A DI ĐÀ cũng là pháp tu vãng sanh Cực Lạc như Tịnh Độ Tông nhờ vào tha lực của Đức Bổn Tôn. Ngài được tôn xưng là CHỦ LIÊN HOA BỘ phương Tây - và là một trong Ngũ Trí Như Lai trong Mật Tông. Cũng giống như Tịnh Độ Tông, theo Mật giáo thì sự niệm Phật có tác dụng hóa giải những oán chướng nghiệp báo, oan gia giúp cho hành giả siêu sanh Cực Lạc Quốc. Ngoài ra trong Mật tông còn có A DI ĐÀ Phật tâm chú (Om Amarani Jivantaye Svaha - Ôm A ma ra ni di van ta ye sô ha) sẽ đưa bạn về cực lạc và giúp ích cho bất cứ ai qua đời khi có bạn ở đó. Chỉ cần bạn tu trì miên mật, bạn có thể dễ dàng giúp ai đó siêu sanh tịnh độ bằng cách đọc 1 tràng thần chú này khi họ chết .
Giáo pháp và nhiều mật chú của Mật tông phần nhiều liên quan đến sự ra đời của Đạo Sư Liên Hoa ở Tây Tạng như Truyền Thuyết Về Đạo Sư Liên Hoa Sanh Trích từ Tạng Thư Đại Giải Thoát . Đức Phật huyền ký về sự ra đời của Đức Liên Hoa Sanh như sau:
Khi Đức Phật sắp thị tịch ở Kushinagara và các đệ tử của Ngài đang than khóc, Ngài nói với họ: “Trong thế gian vô thường này chúng sinh không thể tránh được cái chết, đã tới lúc ta phải ra đi. Nhưng đừng than khóc nữa, vì 12 năm sau khi ta lìa thế gian, ở hồ Dhanakacha ở góc tây bắc của xứ Urgyan, sẽ có một người thông thái và đầy quyền năng tâm linh mạnh hơn ta sinh ra trong một đóa hoa sen. Người đó sẽ được gọi là Liên Hoa Sanh và truyền bá Mật giáo.”
Ngài là tinh túy của Phật A DI ĐÀ và Quán Thế Âm cho nên trong Mật Tông, có rất nhiều thần chú liên quan đến A DI ĐÀ PHẬT, An Dưỡng Quốc Cực Lạc, Quán Thế Âm Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát, những Bồ tát ở Tây Phương Tịnh độ, chẳng hạn như Thần Chú Đại Bi Kinh và Lục Đại Minh Chú Om mani Padme Hum (án ma ni bát di hồng), thần chú Kim cang thượng VAJRA GURU vv là những thần chú nổi tiếng tiếng nhất không những ở Tây Tạng mà ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam vv.
4.1 Truyền thuyết về Đạo Sư Liên Hoa Hóa Sanh (Trích từ Tạng Thư Đại Giải Thoát)
Khi được Mandarava hỏi về thân thế, Ngài nói: “Ta không có cha mẹ. Ta từ Chân Không hiện ra. Ta là tinh túy của A DI ĐÀ và QUÁN THẾ ÂM, ra đời trong hoa sen trên Hồ Dhanakosha.”
Sau đây là đoạn trích từ trong kinh cho thấy Phật A DI ĐÀ và QUÁN THẾ ÂM đại từ đại bi, thương xót chúng sanh, nhất là chúng sanh ở cõi Ta Bà này:
“ NHÀ VUA THẤT VỌNG
Tuyệt vọng vì thấy mình không có con nối ngôi, nhà vua làm lễ cúng và cầu nguyện các vị thần của tất cả các tín ngưỡng, nhưng vẫn không có một đứa con trai nào sinh ra cho Ngài cả; Ngài không còn tin vào một tôn giáo nào nữa. Một hôm, Ngài đi lên nóc cung điện để đánh trống triệu tập mọi người tới, rồi Ngài nói với các giáo sĩ: “Tất cả hãy nghe ta nói! Ta đã cầu nguyện thần linh và các quỷ thần bảo hộ xứ này, và cũng đã cúng dường Tam Bảo, nhưng ta đã không được ban cho một đứa con nào. Như vậy, tôn giáo không có sự thật nào cả. Ta ra lệnh trong bảy ngày các người phải phá bỏ tất cả những vị thần này, nếu không ta sẽ trừng phạt”.
ĐỨC QUÁN THẾ ÂM THỈNH CẦU PHẬT A DI ĐÀ
Lời đe dọa của nhà vua làm các giáo sĩ kinh sợ; họ vội tìm vật liệu để làm vật tế sinh. Thần linh cùng các vị Hộ pháp nổi giận làm giông bão, mưa đá và mưa máu trên khắp xứ Urgyan, mọi người hoảng hốt như cá mắc cạn. Quá thương xót, Bồ tát Quán Thế Âm thỉnh cầu Phật A Di Đà trên cõi trời Cực Lạc bảo vệ những người dân đau khổ của xứ Urgyan.
PHẬT A DI ĐÀ HÓA HIỆN
Được thỉnh cầu như vậy, Phật A Di Đà nghĩ: “Để ta hóa sinh nơi hồ Dhanakosha”. Rồi Ngài phóng ra từ lưỡi của mình một tia sáng màu đỏ bay như một ngôi sao băng xuống giữa hồ. Khi tia sáng đi vào trong nước, một hòn đảo có cỏ mầu vàng kim hiện ra, và trên đảo có ba dòng suối màu lục ngọc. Ở giữa đảo một hoa sen mọc lên. Lúc đó, Phật A Di Đà tỏa hào quang rực rỡ và phóng ra từ tim mình một chùy kim cương có năm mũi nhọn rơi vào giữa hoa sen.”
GIẤC MỘNG CỦA NHÀ VUA VÀ CÁC TU SĨ
Việc này làm các vị thần nguôi giận, không làm hại người dân xứ Urgyan nữa, mà nhiễu quanh hồ đảnh lễ và cúng dường. Nhà vua mơ thấy mình cầm trong tay một chùy kim cương có năm mũi nhọn phát ra hào quang rực rỡ đến nỗi cả vương quốc được soi sáng. Khi thức dậy, nhà vua rất vui sướng và Ngài lại tiếp tục thờ kính Tam Bảo; các vị thần cũng đến quy phục Ngài. Các tu sĩ Phật giáo cũng mơ thấy điềm lành: Họ thấy một ngàn mặt trời soi sáng thế gian. Nhưng những điều này làm cho các tu sĩ ngoại đạo lo ngại.
TIÊN TRI VỀ HÓA THÂN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
Khi nhà vua kính cẩn nhiễu quanh một cái tháp chín tầng xuất hiện một cách kỳ diệu từ trong một hồ nước ở trước cung điện, các vị thần hiện ra ở trên trời và tiên tri: “Lành thay! Lành thay! Phật A Di Đà đấng Bảo Hộ loài người sẽ ra đời như một Hóa Thân trong một hoa sen ở giữa Hồ Ngọc (Hồ Dhanakosha), và Ngài sẽ xứng đáng làm con của người. Hãy bảo vệ Ngài tránh mọi nguy hiểm rồi người sẽ được mọi điều tốt”.
4.2 Kinh Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà Ra Ni:
Đức Phật dạy: “Nếu tất cả hàng trời, người thường xưng niệm, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, sẽ được vô lượng phước, diệt vô lượng tội, khi mạng chung về cõi nước của Phật A DI ĐÀ.
4.3 Phật thuyết Kinh Đại thừa Trang Nghiêm Bảo Vương (sự tích lục đại minh chú)
Đức Phật nói: 'Này thiện nam tử! Chớ nên sợ hãi, bởi vì ông đã nghe được Kinh Đại thừa Trang Nghiêm Bảo Vương.' Sau đó, chư Như Lai kia hiển bày mọi đạo lộ để vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc. Lúc ấy có những lọng che vi diệu, mũ trời, bông tai, và các y phục thượng diệu. Khi hiện ra các tướng như thế, người đó nhất định sẽ vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc.”
4.4 Thần chú Kim cang thượng VAJRA GURU (nguyên tác Vaira Guru mantra)
Căn cứ lời giảng dạy của hai ngài Dudjom Rinpoche và Dilgo Khyentse Rinpoche, VAJRA được ví như kim cương, đá quý nhất và cứng nhất. Cũng như kim cương có thể cắt bất cứ gì, mà chính nó thì không có gì phá hủy được, cũng thế trí tuệ bất nhị bất biến của chư Phật không bao giờ bị hại hay bị phá hủy bởi vô minh, và có thể cắt đứt mọi vọng tưởng chướng ngại. Những đức tính và hoạt động thân, lời, ý của chư Phật có thể làm lợi lạc hữu tình với năng lực sắc bén vô ngại như kim cường. Và cũng như kim cương không tỳ vết, năng lực sáng chói của nó tuôn phát từ sự chứng ngộ bản chất Pháp thân của thực tại, bản chất của Phật A DI ĐÀ. GURU có nghĩ là "sức nặng", chỉ một người tràn đầy đức tính kỳ diệu, thể hiện trí tuệ, hiểu biết, từ bi và phương tiện thiện xảo. Cũng như vàng ròng là kim loại nặng nhất, quý nhất, cũng thế, những đức không lỗi, không thể nghĩ bàn của bậc thầy làm cho vị ấy không ai vượt qua được, thù thắng hơn tất cả. GURU tương đương với Báo thân, và với Quán Thế Âm, vị Phật của tâm đại bi. Lại nữa, vị Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) giảng dạy con đường Mật tông, biểu tượng là Kim cương, và nhờ thực hành Mật tông mà ngài đạt giác ngộ tối thượng, cho nên ngài được biết dưới danh hiệu là Kim cang thượng sư. PADMA, hoa sen, có nghĩa là Liên hoa bộ trong ngũ bộ, và nhất là khía cạnh Ngôn ngữ giác ngộ của chư Phật ấy. Liên hoa bộ là dòng họ Phật mà con người thuộc vào. Vì Padmasambhava là ứng thân trực tiếp của Phật A DI ĐÀ, vị Phật nguyên ủy của Liên hoa bộ, nên ngài được gọi là "PADMA", hoa sen. Danh hiệu Liên Hoa Sanh của ngài kỳ thực ám chỉ câu chuyện ngài sinh ra trên một đóa sen nở.
Sau đây là đoạn trích trong VAJRA GURU mantra.
OM AH HUNG VAJRA GURU PEMA SIDDHI HUNG
OM AH HUNG chuyển di tâm thức tới các cõi Tịnh Độ của sự kinh nghiệm.
VAJRA chuyển di tâm thức tới Tịnh Độ Hỉ Lạc Hiển Lộ phương đông.
GURUchuyển di tâm thức tới Tịnh Độ Vinh Quang và Tráng Lệ phương nam.
PEMA chuyển di tâm thức tới Tịnh Độ Cực Lạc phương tây.
SIDDHI chuyển di tâm thức tới Tịnh Độ Hoạt Động Xuất Sắc phương bắc.
HUNG chuyển di tâm thức tới cõi Tịnh Độ Bất Động ở trung tâm.
Ngoài những bộ kinh mở rộng của Tịnh tông ra, pháp môn niệm phật, thế giới Cực Lạc và A DI ĐÀ PHẬT được thuyết và giới thiệu rải rác trong rất nhiều kinh điển đại thừa. Sau đây là những đoạn trích trong các kinh điển đại thừa trong đại tạng kinh cho chúng ta cái nhìn chánh kiến về Thế Giới Cực Lạc của A DI ĐÀ PHẬT và pháp môn Niệm Phật.
5.1 Hoa Nghiêm Kinh
5.1.1
Từ khoá :
tịnh độ tông
pháp môn niệm phật
niệm phật
giáo pháp
phật tổ
phật adi đà
pháp môn tịnh độ
TIN LIÊN QUAN