;
Câu hỏi:
Thưa Thầy con có 2 câu hỏi: 1/ Một thiền sinh hành thiền quán làm thế nào biết chắc chắn rằng mình thấy đúng thực tánh hay chưa? 2/ Một người hành thiền quán có cần một thiền sư trực tiếp chỉ dẫn hay chỉ cần tham khảo kinh sách? Con xin cảm tạ công đức Pháp thí của Thầy!
Trả lời:
1) Thực tánh xuất hiện khi thấy biết hoàn toàn lặng lẽ trong sáng, không bị một khái niệm nào của lý trí xen vào. Con có thể học và hiểu thực tánh là gì nhưng đó chỉ là khái niệm về thực tánh chứ không phải thực tánh. Nhiều người do học hiểu Phật Pháp rất rành rẽ nên khi hành thiền đã bị cái hiểu đó đánh lừa, tưởng đã thấy tánh mà thực ra đó chỉ là phóng ảnh của khái niệm, vì hiểu vẫn còn qua khái niệm của thức tri, chưa phải là tuệ tri làm sao thấy được thực tánh! Con cần lưu ý một điều là không phải con thấy, nên đừng cố gắng để thấy hay để "chắc chắn rằng mình đã thấy đúng thực tánh hay chưa?". Vì càng nỗ lực để thấy càng không thể thấy thực tánh. Nhưng ngay khi buông ra mọi ham muốn tìm kiếm một sự xác định thực tánh thì thực tánh liền xuất hiện.
2) Điều quan trọng không phải là cần hay không cần một thiền sư, mà là con có thực sự thông suốt được thiền quán là gì hay không. Khi con không thông suốt được thiền quán là gì làm sao con biết được sách nào và thiền sư nào nói đúng để hành theo? Con có thể nghiên cứu kinh sách hay tham vấn nhiều vị thiền sư, nhưng chính con phải thấy ra thiền thật sự là gì, nếu không mọi phương pháp hành trì thiền quán đều vô ích. Đặc biệt trong thiền quán Vipassanà thấy tức là hành chứ không áp dụng một phương pháp nào để hành cả. Thấy là tánh biết thấy trực tiếp ngay lập tức không thể thấy qua phương pháp nào được. Vậy hãy thận trọng đừng vội áp dụng bất cứ phương pháp nào để hành cả.
Câu hỏi:
Con thưa thầy. Có phải buông bỏ tất cả để trở về thực tại tức là xả bỏ hết phương tiện, niềm tin, niềm vui, mục đích... như con được đọc trong những cuốn sách của thầy không? Để giáp mặt với thực tại - trọn vẹn như nó đang là, với hai bàn tay trắng, không cần phải đòi hỏi thêm tài năng hay điều kiện gì cả. Ở đó mọi buồn vui được mất của cuộc sống muôn đời mà ta sống hòa trong đó - có những giọt nước mắt và có cả những nụ cười... Và điều quan trọng nhất còn lại sau khi đã bỏ phương tiện, bỏ cứu cánh đó là "tánh biết" thấy rõ những giọt nước mặt và nụ cười đó là 1 điều hiển nhiên của tự nhiên, của sự sống, của nhân qủa muôn đời. Để rồi 1 ngày kia "tánh biết" đó đủ dũng lực, sáng suốt sẽ ôm trọn nước mắt và nụ cười trong trạng thái im lặng tuyệt đối, vô ngại đi vào dòng đời, sống có ích cho mình và những người xung quanh, chỉ với thực tại đang là và hai bàn tay trắng. Con thưa thầy đó có phải là mục đích của thiền?
Trả lời:
Buông bỏ cái gì để trở về thực tại khi ngay đó chính là thực tại? Chỉ có buông bỏ cái ta ảo tưởng trong thái độ ứng xử với thực tại mà thôi. Cái ta luôn tạo ra phương tiện và mục đích để đạt tới ở tương lai, rồi bỏ quên thực tại. Bỏ quên thực tại gọi là thất niệm hay bất tại. Quên thực tại nên không thấy thực tánh pháp, đó là thất giác hay vô minh. Buông cái ta ảo tưởng xuống thì ngay đó có chánh niệm tỉnh giác. Có chánh niệm tỉnh giác thì cần gì phải buông bỏ vui buồn. Nếu buông bỏ hết vui buồn v.v... thì làm sao thấy được thực tánh của vui buồn v.v... ngay nơi thực tại? Vì vậy, không phải buông bỏ vui buồn... mà là buông bỏ thái độ lăng xăng của bản ngã đối với trạng thái vui buồn đó. Tất cả cái gọi là tài năng chỉ là công cụ của bản ngã dùng để chọn lựa pháp theo tư ý tư dục hay vô minh dục vọng của mình. Nói cách khác tài năng chỉ để bản ngã thực hiện phương tiện và mục đích nó đã đề ra. Chính là buông tất cả tiểu xảo đó của bản ngã để tánh biết trong sáng tự nhiên thấy ra bản chất thật của vạn pháp. Như vậy buông bỏ chính là mục đích chứ không phải buông bỏ là phương tiện đạt đến mục đích nào khác. Khi buông bỏ thì không có bản ngã, không có bản ngã thì ngay đó đã là chân đế rốt ráo rồi. Nhớ rằng khi bản ngã đã được buông xuống thì lập tức tánh biết tự phát huy trọn vẹn sự trong sáng tự nhiên vốn đã đầy đủ, chứ không cần đợi đến một ngày kia đủ dũng lực trong sáng mới tự tại vô ngại trong vạn pháp. Buông sự tạo tác lăng xăng của bản ngã để tánh thấy tự chiếu đó là thiền, là sống thuận pháp, vô ngã vị tha.
Câu hỏi:
Kính thưa Sư. Con có ba câu hỏi, nhờ Sư giải thích: 1- "Vô minh thì sẽ có sanh-già-chết. Minh thì không có sanh-già-chết". Có phải vì thấy được sự sinh diệt từng sát-na của thân và tâm, có đó mất đó, không thật có thân tâm, nên gọi là không sanh-già-chết? 2- Vì sao vô thường là thường? 3- Nhận ra chân đế có phải là kiến tánh, tức thấy ra tự tánh không? Ví dụ, thay vì thấy cây đèn cầy là cây đèn cầy, con con nhận ra được bốn đặc tính đất, nước, lửa, gió và sự sanh diệt từng sát-na của cây đền cầy đang cháy. Nhìn người, thay vì thấy đàn ông, đàn bà, xấu, đẹp... con chỉ thấy danh sắc, nhân quả, nghiệp báo(dù không sâu sắc)... Kính thỉnh ý Sư?
Trả lời:
Câu hỏi của con vẫn còn nặng lý trí lắm. Con nên lặng lẽ mà thấy, đừng để ý niệm nào xen vào dù là pháp học đúng đắn nhất, thì sẽ trực nhận ngay những gì con thắc mắc, còn nếu không thấy thì dù có giải thích cách mấy con cũng chỉ hiểu được qua khái niệm của lý trí mà thôi.
1) Vô minh thì không thấy thực tánh pháp nên vẫn còn muốn trở thành. Có trở thành tức là sinh lão tử. Không vô minh nên ngay đó là chân đế, không có ý muốn trở thành. Không trở thành tức là không có sinh lão tử. Còn mọi khái niệm sát-na sinh diệt, có có, không không v.v. đều vẫn còn trong thức tri, không phải tuệ tri nên chưa thoát khỏi vô minh- sinh tử.
2) Thấy ra bản chất của tất cả pháp hữu vi là vô thường nên thấy vô thường là rất bình thường, không có gì để phải khởi lòng tham sân, thủ xả. Người không thấy tính chất vô thường của vạn pháp, nên khi vô thường xảy ra thì cho là bất thường do đó mới có tham sân, thủ xả. Thấy vô thường là thường thì không còn tham muốn cái thường nào khác nữa.
3) Trong 4 chữ "nhận ra chân đế", quan trọng không phải là nhận ra điều gì, như thế nào, mà là thấy được "ai nhận ra", và "cái gì là chân đế? Nếu động thái "nhận ra" là lý trí, là bản ngã thì chân đế (cái được nhận ra) cũng chỉ là khái niệm tục đế. Đó không phải là kiến tánh, không phải là vipassanà, và cái gọi là chân đế đó cũng không phải là tự tánh (thực tánh), nó chỉ là khái niệm có từ kiến thức đã có. Lúc đó dù nhận ra thì cũng chỉ nhận ra qua thức tri, nghĩa là khái niệm đất, nước, lửa, gió cũng chẳng khác khái niệm đàn ông, đàn bà, xấu đẹp... mà thôi. Chân đế hoàn toàn mới mẻ, không phải lấy cái đã biết để quy chiếu. Khi nào tánh thấy là vô ngã, và chân đế là tự tánh của pháp, chứ không phải là "cái ta nhận ra" thì mới thật sự gọi là nhận ra chân đế.
Câu hỏi:
Trong Thực Tại Hiện Tiền 2, con đọc thấy một đoạn Thầy viết rằng: "có tinh tấn mà không có đức tin thì chỉ là nỗ lực của bản ngã", điều này làm con gợi nhớ đến một người khá thú vị và cũng nổi tiếng... Nhưng bạch thầy, vì sao có tinh tấn mà thiếu đức tin lại là nỗ lực của bản ngã ạ?
Trả lời:
Bài đó thầy viết để nói về sự quân bình của ngũ căn, ngũ lực: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tinh tấn là con dao 2 lưỡi, nó có thể phục vụ cho cả thiện lẫn ác. Vì vậy nếu tinh tấn chưa đi kèm với chánh kiến (tuệ) thì ít nhất cũng phải đi kèm với đức tin (tín). Tinh tấn đi kèm với trí tuệ gọi là tùy pháp hành, đi kèm với đức tin gọi là tùy tín hành. Tuy nhiên đức tin ở đây không phải là mê tín hay dựa vào tha lực mà tin vào pháp đang vận hành nơi chính mình, đó là tánh thấy của tâm và thực tại tánh của pháp. Tánh thấy thể hiện nơi chánh niệm tỉnh giác, thực tại tánh thể hiện nơi thân, thọ, tâm, pháp mà mỗi người sẵn có. Thấy hoặc tin như vậy mới có thể tinh tấn đúng. Nếu không tinh tấn chỉ là công cụ hay nỗ lực của bản ngã muốn đạt được tham vọng của mình mà thôi. Như vậy có hai loại tinh tấn: Tinh tấn thuận pháp và tinh tấn thuận ngã. Theo Nho giáo, thuận pháp gọi là thuận thiên (tự nhiên), thuận ngã gọi là nghịch thiên, mà "thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong" cũng đúng vậy.
Câu hỏi:
Thưa thầy, Thầy đã dạy rằng quán các Pháp một cách trong sáng, không can thiệp... và Pháp sẽ tự vận động... đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Trẻ sơ sinh cũng nhìn cuộc đời với ánh mắt rất trong sáng và hoàn toàn không có nhận xét, không có suy diễn, lý luận,... Vậy tại sao trẻ sơ sinh không đạt được chánh niệm và tuệ giác ạ? Xin thầy hoan hỷ giải thích ạ. Con cảm ơn thầy nhiều. Con nhớ thầy!
Trả lời:
Nếu mọi người giữ được tâm như con trẻ mà soi chiếu vạn pháp, không để cho bản ngã cùng với tham sân si xen vào can thiệp thì sẽ chánh niệm tỉnh giác tốt nhất, và dễ dàng giác ngộ giải thoát nhất. Nhưng ba bốn tuồi trở lên thì trẻ đã bắt đầu hình thành bản ngã và tăng trưởng vô minh ái dục do đó không thể giác ngộ giải thoát được. Thực ra, tâm trẻ sơ sinh là tâm quả vô nhân nên dù có trong sáng vẫn không phải là tâm hữu nhân nên không giác ngộ được. Tuy nhiên nếu trẻ được dạy cách sử dụng sự trong sáng đó một cách hữu nhân thì vẫn giác ngộ được, như trường hợp nhiều trẻ đã được đức Phật khai ngộ đạt quả vị Alahán khi chỉ mới 7 tuổi. Chính đức Phật sau bao năm hành thiền định và khổ hạnh không kết quả đã nhớ lại tâm trẻ thơ của mình lúc dự lễ hạ điền với vua cha để sử dụng thành pháp thiền quán chiếu Vipassanà và đắc Đạo Quả Vô Thượng Bồ-đề ngay trong đêm đó.
Câu hỏi:
Thưa Thầy con có 2 câu hỏi: 1/ Một thiền sinh hành thiền quán làm thế nào biết chắc chắn rằng mình thấy đúng thực tánh hay chưa? 2/ Một người hành thiền quán có cần một thiền sư trực tiếp chỉ dẫn hay chỉ cần tham khảo kinh sách? Con xin cảm tạ công đức Pháp thí của Thầy!
Trả lời:
1) Thực tánh xuất hiện khi thấy biết hoàn toàn lặng lẽ trong sáng, không bị một khái niệm nào của lý trí xen vào. Con có thể học và hiểu thực tánh là gì nhưng đó chỉ là khái niệm về thực tánh chứ không phải thực tánh. Nhiều người do học hiểu Phật Pháp rất rành rẽ nên khi hành thiền đã bị cái hiểu đó đánh lừa, tưởng đã thấy tánh mà thực ra đó chỉ là phóng ảnh của khái niệm, vì hiểu vẫn còn qua khái niệm của thức tri, chưa phải là tuệ tri làm sao thấy được thực tánh! Con cần lưu ý một điều là không phải con thấy, nên đừng cố gắng để thấy hay để "chắc chắn rằng mình đã thấy đúng thực tánh hay chưa?". Vì càng nỗ lực để thấy càng không thể thấy thực tánh. Nhưng ngay khi buông ra mọi ham muốn tìm kiếm một sự xác định thực tánh thì thực tánh liền xuất hiện.
2) Điều quan trọng không phải là cần hay không cần một thiền sư, mà là con có thực sự thông suốt được thiền quán là gì hay không. Khi con không thông suốt được thiền quán là gì làm sao con biết được sách nào và thiền sư nào nói đúng để hành theo? Con có thể nghiên cứu kinh sách hay tham vấn nhiều vị thiền sư, nhưng chính con phải thấy ra thiền thật sự là gì, nếu không mọi phương pháp hành trì thiền quán đều vô ích. Đặc biệt trong thiền quán Vipassanà thấy tức là hành chứ không áp dụng một phương pháp nào để hành cả. Thấy là tánh biết thấy trực tiếp ngay lập tức không thể thấy qua phương pháp nào được. Vậy hãy thận trọng đừng vội áp dụng bất cứ phương pháp nào để hành cả.
Câu hỏi:
Kính Thầy, Trường hợp một người đã có gia đình nhưng lại thương một người nữ khác. Trường hợp thứ nhất: Ông xin ly dị hẳn hòi, người vợ vẫn còn thương chồng nhưng vẩn chấp nhận ly dị và người chồng đã có người nữ mới. Trong trường hợp này, người chồng có phạm giới tà dâm đối với người vợ cũ không? (Vì người vợ vẫn còn chưa dứt khoát) Trường hợp thứ hai: Vì con còn nhỏ, nên hai người đồng ý trả lại tự do cho nhau mà không cần đến luật pháp, nghĩa là chỉ sống chung như anh em để không gây xáo trộn cho con (nhưng người vợ vẫn còn thương chồng), như vậy người đàn ông này có phạm giới thứ ba không nếu có quan hệ với người nữ ông thương? Kính mong quý Thầy hoan hỷ giúp con làm đúng.
Trả lời:
Giới là điều học, lẽ ra con nên lấy đó để tự chiêm nghiệm học hỏi, sao lại đi hỏi thầy. Giới giúp chúng ta điều chỉnh hành vi tinh tế ở từng trường hợp cá biệt của mỗi người, vì vậy mỗi người nên cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trong hành vi đạo đức của mình chứ không nên rập khuôn theo ai khác.
Tình huống chỉ là hoàn cảnh bên ngoài, nên dù bất cứ tình huống nào thì cốt lõi đạo đức mới là trọng điểm vì nó là nguyên lý chứ không phải hình thức luật lệ. Vậy nguyên lý này là gì? Tất cả "quan hệ" nam nữ được gọi là tà dâm khi đó là hành động cưỡng ép, bất chính, trái với lương tâm, chỉ để thoả mãn nhục dục, hại mình hại người. (Bất chính là quan hệ với người khác phái không phải hay không còn là vợ mình).
Câu hỏi:
Thưa Thầy, xin Thầy cho con một thí dụ để biết thế nào là nghĩa của "Chân Không Diệu Hữu." Con xin rất cám ơn Thầy.
Trả lời:
Con có thể chỉ bất cứ cái gì nó cũng đều là chân không và diệu hữu cả. Vì vậy có câu: "Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không". Nếu có thì giờ con mở qua mục Thư Viện tìm cuốn Thực Tại Hiện Tiền, trong đó thầy đã nói về chân không diệu hữu rất rõ. Tuy nhiên điều này con không nên tìm hiểu bằng lý trí, kiến thức; cứ lắng nghe, quan sát và chiêm nghiệm rồi con tự thấy ra mới thật là hứng thú.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, (a) Tại sao tu sĩ Phật Giáo phải sống độc thân và ăn chay? Con nghe nói Phật Giáo Tây Tạng không buộc các tu sĩ phải sống độc thân, điều đó có đúng không ạ? (b) Trong nhiều bản kinh (đại thừa?) có những đoạn có vẻ trọng nam khinh nữ. Chẳng hạn có nói nếu đọc kinh này... bao nhiêu lần thì sẽ không đầu thai làm con gái nữa v.v... Phật giáo nguyên thủy quan niệm như thế nào về những việc này? Đức Phật Thích Ca đã có giảng như thế nào về những việc này? Con xin cám ơn Thầy, Nguyên
Trả lời:
a) Tu sĩ Phật giáo cũng tùy tông phái hoặc địa phương mà có ăn chay hay không ăn chay, sống độc thân hay có gia đình. Điều này tuỳ thuộc vào chủ trương của mỗi tông phái và họ cũng có cái lý riêng của họ. Tu sĩ sống độc thân để không bị ràng buộc vào đời sống gia đình, nhờ vậy họ dễ dàng vân du hành đạo và sống đời sống vô ngã vị tha hơn.
b) Thực ra không phải trọng nam khinh nữ, mà thực tế trong đời sống tu tập người nam có nhiều thuận lợi hơn người nữ. Nhất là trong đời sống xuất gia, người nữ khó sống một mình trong rừng hay những nơi hoang vắng chẳng hạn. Chính vì một số điều bất tiện hơn người nam mà nhiều người tu thích có thân nam hơn thân nữ. Nhưng về mặt tu chứng giác ngộ giải thoát thì Phật giáo không phân biệt nam nữ gì cả.
Câu hỏi:
Thưa thầy, mỗi khi tâm con lo lắng bồn chồn, con hay niệm thầm "tinh tấn, tinh tấn" lặp lại nhiều lần thì có khi con thấy hiệu quả hơn là niệm Phật Pháp Tăng như miêu tả trong sách Thanh Tịnh Đạo. Khi niệm "tinh tấn" lặp lại một thời gian như trên con thấy tâm hoan hỷ và định tĩnh lại. Từ điều trên con thắc mắc là có phải niệm bất kỳ một khái niệm nào mà khiến tâm mình định tĩnh trở lại thì cũng đều có thể coi là pháp tu tốt phải không thưa thầy?
Trả lời:
Niệm gì không quan trọng, mà niệm thế nào mới đáng quan tâm. Mục đích của niệm là thoát khỏi thất niệm, tạp niệm và vọng niệm để đưa tâm đến nhất niệm hay định tĩnh. Vậy nếu con niệm "tinh tấn" mà định tĩnh được là đã đạt được mục đích của niệm rồi. Đức Phật giới thiệu nhiều đề mục khác nhau là để mỗi người tự chọn sao cho thích hợp và hiệu quả với mình là được.
Câu hỏi:
Thầy dạy: "Chỉ nên thư giãn, buông xả và theo dõi động tác thở một cách hoàn toàn tự nhiên thì lập tức chánh niệm tỉnh giác tự ứng khởi, an lạc cũng liền phát sinh, mà không tầm cầu hay ham muốn sở hữu điều gì". Đây có phải là "định tuệ đẳng trì" không thưa thầy? Cứ vậy mà tu là đúng yếu chỉ của thiền quán? Cảm ơn thầy vì lời dạy giản dị, rõ ràng, cốt tuỷ và xác thực!
Trả lời:
Cũng không cần gọi tên động thái đó là gì vì như vậy lại rơi vào ý niệm và kết luận. Chỉ cần thể nghiệm và thực chứng điều đó thì con tự thấy biết pháp một cách chân thực mà không cần đặt tên hay so sánh trạng thái đó với bất cứ cái gì khác, bởi vì ngay khi mình toan đặt tên hay so sánh thì pháp vừa mới hiển lộ liền bị che lấp mất rồi. Thầy hoan hỷ khi thấy con đã nhận ra được điều cốt lõi này.
Câu hỏi:
Xin Thầy giảng cho con hiểu 4 câu sau: "Quá khứ không truy tìm Tương lai không ước vọng Chỉ có pháp hiện tại Tuệ quán chính là đây." Vì sao hiện tại lại quan trọng hơn tương lai và nếu không có quá khứ thì sao lại có hiện tại? Cám ơn Thầy.
Trả lời:
Mặc dù có quá khứ, hiện tại, vị lai, nhưng quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, chỉ còn pháp hiện tại là đối tượng thật sự đang hiện hữu để chúng ta có thể thấy biết, điều chỉnh hay xử lý mà thôi. Ví dụ khi con đi qua một cây cầu khỉ nếu con không thận trọng, chú tâm, quan sát vào hoàn cảnh hiện tại thì con sẽ bị té xuống mương ngay, lúc đó quá khứ tương lai không thể cứu con được.
Không phải hiện tại quan trọng hơn quá khứ tương lai, nhưng quá khứ chỉ có thể là bài học kinh nghiệm cho hiện tại, còn tương lai thì lại tùy thuộc vào những gì chúng ta đang làm trong hiện tại. Như vậy cần phải thận trọng, chú tâm, quan sát hiện tại để học ra bài học thiết thực của mình. Một học sinh cứ muốn học bài lớp trước, hoặc mong học bài lớp sau thì làm sao thông suốt được bài vở của mình trong lớp em đang học? Muốn có tương lai em ấy phải học bài học hiện tại ở lớp mình cho thông mới được.
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Người cư sĩ nếu lỡ phạm giới thì có nhất thiết phải đến chùa thọ giới lại không? Vì không phải ai cũng có đủ duyên đến chùa thường xuyên để thọ lại năm giới.
Trả lời:
Tâm lý, người sai phạm khi đối trước người khác, nhất là bậc tôn túc, ở nơi tôn nghiêm, để xin sám hối và nguyện sửa sai thì dễ trở lại trong sạch hơn, do đó người ta thường đi chùa để xin sám hối và thọ giới lại với một vị Tăng để bày tỏ quyết tâm điều chỉnh sai phạm của mình. Tuy nhiên nhiều người sợ tội và nghĩ rằng đi đến chùa thọ giới lại cho hết tội là rất sai lầm. Tốt nhất là người phạm giới có ý thức trách nhiệm về hành vi của mình chứ không tìm cách chạy tội để có được cảm giác an toàn. Trong trường hợp này chẳng thà chịu ray rứt ăn năn còn hơn có được cảm giác yên tâm giả tạo. Cần thận trọng quan sát hành vi của mình để biết mình đã sai phạm điều gì, ở mức độ nào, tính chất và nguyên nhân ra sao... để tự điều chỉnh chính hành vi của mình mới thật sự là thành tâm sám hối và sửa sai. Bất cứ ở đâu con nhận biết sai lầm của mình và sửa sai ngay tại đó đều tốt cả, chứ không nhất thiết đợi đến chùa thọ giới lại cho yên tâm mới là tốt đâu.
Câu hỏi:
Thưa thầy! Khi cúng bánh trái, vật thực đến các cô hồn ngạ quỷ thì họ có nhận được không ạ? Con xin cám ơn thầy!
Trả lời:
Cúng bánh trái, vật thực cho cô hồn, ngạ quỷ họ không nhận được đâu con. Ngay cả người xứ này có khi còn không ăn được vật thực xứ khác huống chi vật thực cõi người làm sao cõi ngạ quỷ ăn được? Tuy nhiên họ có thể cảm thấy được an ủi khi thấy con cháu còn nhớ tới mình. Cô hồn ngạ quỷ chỉ có thể nhận được phước báu do thân nhân làm rồi hồi hướng đến họ. Cụ thể là con nên bố thí vật thực cho người nghèo hoặc để bát cúng dường đến chư Tăng rồi thành tâm hồi hướng đến họ thì họ sẽ hưởng được những phước báu như là một loại vật thực của cõi ngạ quỷ.
Câu hỏi:
Con có tập giữ bát quan trai giới vào các ngày mồng 5,8,14,15,20,23,29,30. Các chi giới như là sát sinh, tà dâm, trộm cắp thì con không băn khoăn. Nhưng các chi gần cuối thì con hay băn khoăn. Ví dụ là "không nằm, ngồi nơi quá cao và xinh đẹp" nên con cứ ngồi trên giường hay ghế sa-lông là lại bị hồi hộp trạo cử vì không biết có phạm giới hay không? Chi giới "không thoa các chất thơm, trang điểm..." thì khi tắm con cứ ngại là dùng dầu gội đầu hay xà bông thì sẽ bị phạm giới. Không biết với người tại gia thì tiêu chuẩn giường và ghế thế nào là quá cao rộng và đẹp đẽ ạ? Con muốn có những ngày Trai giới chu toàn, xin quý thầy cho lời khuyên để thực hiện trai giới tốt hơn ạ. Con xin cảm ơn.
Trả lời:
Thực ra giữ Bát quan trai giới có mục đích để tập sống giản dị, không để quá lệ thuộc vào tiện nghi vật chất (nằm ngồi nơi quá cao sang, say mê ăn uống) hay dính mắc vào những thói quen mê đắm (âm nhạc, trang điểm, nước hoa v.v...) Con ngồi trên ghế salon hoặc tắm gội bằng xà-bông chứ đâu phải trang điểm hay xức dầu thơm gì nên không sao. Hơn nữa, ngoại trừ ngũ giới nếu phạm thì có tội, những giới còn lại trong bát quan trai giữ được thì có phước, giữ không được thì không có phước chứ không có tội nên con đừng sợ.
Câu hỏi:
Thưa thầy con có thắc mắc điều này: nếu một người tại gia hỏi một người xuất gia rằng thầy đã chứng được Thánh Đạo hay Thánh Quả nào chưa, nếu vị xuất gia đó quả thực đã đắc đạo và quả thì vị ấy nên trả lời thế nào để không phạm giới luật? (Vì con thấy trong luật tạng có luật cấm tiết lộ quả chứng đến người chưa thọ đại giới.)
Trả lời:
Đạo Quả của những bậc Thánh chỉ để đức Phật xác nhận trình độ thực chứng của một hành giả, chứ không ai tự xưng mình đắc Đạo Quả cả. Hành giả có thể nói: Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Tam Bảo, hoặc tôi đã buông gánh nặng xuống v.v... Dù đắc Thánh Quả không ai đi khoe khoang, khoe khoang chứng tỏ chưa đắc, vì Thánh nhân đâu còn cái ngã để tự hào, để muốn mọi người biết đến. Còn nếu chưa đắc mà khoe thì phạm tội Bất Cộng Trụ, bị trục xuất ra khỏi Tăng-già.
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Xin Thầy cho con hỏi người tu hành tu đến mức nào thì mới tin nhân quả 100%, đến mức nào thì mới thấy rõ nhân quả không sai lạc? Con cảm ơn Thầy!
Trả lời:
Khi nào tâm con không còn bị ngăn che bởi khái niệm, tư tưởng, tình cảm, lý trí chủ quan v.v. thi lập tức thấy ngay nhân quả. Nhưng chính khi con đưa ra mức thời gian thì tâm con đã bị vướng bận rồi đó. Chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại, hay phản ánh thực tại với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành, thì tự khắc con sẽ thấy ngay nhân quả không thể nào sai lệch được.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Con cảm thấy khi ngồi hành thiền quán thời gian càng lâu thì tâm càng lắng đọng và tỉnh thức. Nhưng có một vấn đề là khi ngồi được khoảng 1 tiếng rưỡi lưng và đầu gối con bắt đầu đau. Theo Thầy con nên ngồi cho cơn đau biến mất hay thay đổi tư thế cho đỡ đau? Hay ngay từ lúc đầu con nên chọn tư thế ngồi cho được lâu mà không phải dịch chuyển? (chẳng hạn như ngồi trên ghế dựa lưng) Con kính mong thầy chỉ dạy!
Trả lời:
Thiền không nhất thiết phải ngồi. Tại sao con không thiền trong mọi lúc mọi tư thế đang diễn biến để khỏi phải phân vân có nên thay đổi tư thế hay không. Lúc ngồi thì cứ ngồi, ngồi sao cũng được, nhưng đừng quan tâm đến thời gian. Bởi vì thời gian chính là tâm mong đợi một kết quả, nghĩa là luôn bất an. Nếu con thực sự tĩnh lặng và trong sáng thì cả ngồi lẫn thời gian đều không còn ý nghĩa gì cả, vậy sao con phải bận tâm?
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Nghiệp xấu hôm nay mình phải nhận là do nhân từ nhiều kiếp trước mình đã gây cho 1 người nào đó mà hôm nay họ đầu thai lên báo oán lại mình (mà phần nhiều là anh em ruột, cha mẹ). Theo con nghĩ thì tất cả mọi người đều phải chịu kể cả Quí Thầy, Quí Cô. Nhưng người tu hành có thể chấm dứt được bằng cách xuất gia tu hành, còn hàng Phật Tử chúng con thì không thể. Quan niệm của con là chấp nhận trả nghiệp không oán than, nhưng con sợ rằng kiếp sau họ phải trả nghiệp cho con vì kiếp nầy họ gây ra. Xin Thầy cho con hỏi Đức PHẬT có chỉ cách giải nghiệp hay không? Nếu có, xin Thầy chỉ dùm. Nếu không, xin Thầy chỉ theo sự kinh nghiệm tu hành của Thầy. Nếu cứ oan oan tương báo hoài thì biết đời nào chấm dứt khổ quả. Chúc Thầy nhiều sức khỏe để dìu dắt chúng con trên đường Đạo. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Trả lời:
Giải nghiệp có ba cách:
1) Chấp nhận trả quả để học ra bài học nhân quả nghiệp báo
2) Sám hối nghiệp đã gây ra trong quá khứ
3) Tránh làm việc hại mình hại người, thường làm những việc tốt lành lợi mình lợi người.
Ai làm được ba điều trên đều có thể giải nghiệp bất luận là người xuất gia hay tại gia. Trả quả có thể do báo oán, nhưng dù không ai báo oán thì cũng có thể gặt quả theo duyên khác. Ví dụ giết một vị Alahán thì vị ấy đâu có báo oán mà vẫn chịu quả khổ trong địa ngục.
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy, Để hiểu biết rõ thêm về việc học và hành Pháp. Con có 2 câu hỏi xin Thầy chỉ dạy thêm: 1) Làm thế nào để biết được đâu là Chánh Pháp mà đức Phật thật sự chỉ dạy cho chúng ta hành theo, và đâu không phải Pháp? 2) Khi các ô nhiễm như Tham muốn, Sân hận, Si mê, Hoài nghi, Ngã mạn nổi lên trong tâm. Bằng cách nào chúng ta thanh lọc các ô nhiễm này? Con rất tri ân Thầy.
Trả lời:
1) Pháp mà đức Phật dạy được gọi là chánh Pháp vì Pháp ấy chỉ bày cho chúng ta thấy sự thật. Nương nơi những lời dạy chân chánh ấy chúng ta thấy ra sự thật đã sẵn có nơi chính mình và cuộc sống, nhờ vậy chúng ta biết sống thuận Pháp, thấy rõ đâu là đúng đâu là sai, đâu là chân đâu là giả, không bị đánh lừa bởi ảo tưởng do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Tuy nhiên cần lưu ý: lời dạy của đức Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng, nương theo ngón tay để thấy trăng chứ đừng tưởng lầm ngón tay là mặt trăng. Quá chú ý vào ngón tay, quan trọng hóa ngón tay, diễn dịch quá nhiều về ngón tay có thể đánh lạc hướng ngón tay muốn chỉ, do đó không thấy được mặt trăng mà chỉ thấy cái mình diễn dịch. Pháp do tư kiến diễn dịch không đúng sự thật, dù là diễn dịch lời Phật dạy, hay tà kiến đều không thể giúp thấy được sự thật, mà chỉ tăng trưởng vô minh ái dục mà thôi nên gọi là tà Pháp, không phải chánh Pháp.
2) Do không thấy sự thật (vô minh) nên các phiền não tham, sân, si, ngã mạn, trạo cử v.v... mới sinh khởi. Không thể loại trừ chúng bằng cái ta ý chí, vì như vậy chỉ dồn chúng vào vô thức. Ở đó chúng vẫn âm thầm lớn mạnh và chờ cơ hội sinh khởi trở lại. Đồng thời cái ta cũng sâu dày thêm. Chỉ có thận trọng, chú tâm, quan sát chúng một cách vô tư trong sáng để thấy biết sự sinh diệt trong điều kiện tự nhiên thì mới thấy được bản chất thật của chúng. Thấy như vậy thiền Nguyên Thủy gọi là vipassana, Thiền Tông gọi là kiến tánh. Cái thấy đó cũng chính là minh. Trong minh tất cà phiền não đều tự diệt.
Câu hỏi:
Thua Thay, Con kinh mong Thay giai dap cho Con cac cau hoi sau day: 1. Con hang ngay ngoi thien, it nhat mot gio theo phuong phap niem hoi tho cua PGNT con tu thay chua dat duoc gi ca. Nhu vay co duoc phuoc hay khong? 2. Con thay co nhung nha ngoai cam, goi hon nguoi chet len de noi chuyen voi nguoi song. Me con chet bon nam roi, truoc khi chet Ba muon noi gi do ma khong the noi ra. Nay Con muon nho cac nha ngoai cam goi hon de noi chuyen. Viec nay co chanh tin hay khong theo PGNT ? Cam on Thay.
Trả lời:
1) Bất kỳ hành theo phương pháp gì, khi hành bị phiền não, cảm thấy bất an, căng thẳng, khó chịu v.v... thì làm sao có phước được. Ngược lại khi hành con thấy sáng suốt, định tĩnh, trong lành, khinh an, thư thái thì tất nhiên đó là phước rồi. Nhưng sao con lại quan tâm đến phương diện được phước hay không mà không chú tâm vào việc khám phá sự thật để thấy rõ bản chất của pháp ngay nơi thân, tâm và cảnh (đối tượng thiền) ấy?
2) Việc gọi hồn người chết về để nói chuyện có xác suất đúng rất thấp. Chỉ có thể gọi hồn những người đang ở trong cảnh giới Peta và Asura chung với loài người dưới dạng "vô hình" mà thôi. Nếu người chết đã tái sinh làm nguòi, súc sanh, địa ngục hay chư thiên cõi cao thì làm sao gọi hồn về được.
Nguồn internet
DINH DANH DUNG
Xin hỏi các thầy tôi từng xem qua về Chú Quán đảnh Tỳ Lô Giá Na sự linh nghiệm và công năng của chú là rất to lớn, nhưng mỗi kết quả tìm kiếm trên mạng đều khác nhau 1 số chữ tôi cũng phần vân không biết thế nào là đúng .mong các thầy có thể viết chính xác được không .Xin cám ơn
Tỳ kheo Thích Minh Tỉnh
Quý Phật tử nào muốn tìm hiểu về cội nguồn Phật giáo, và tìm hiểu rõ về giáo lý của đức Thế Tôn, thì nhắn tin qua địa chỉ. mail,trantam15051985@gmail.com Mọi thắc mặc xin liên hệ. Cám ơn
Thích Trả lời 8/9/2017 8:22:26 AM