;
Tiễn biệt thầy (thượng tọa Thích Thiện Minh 1970 - 2018)
Thượng tọa Thích Thiện Minh viên tịch
Thế giới bàng hoàng nhận hung tin
Trần gian vắng bóng Sư Thiện Minh!
Lòng nghe thắt nghẹn bao hoài niệm
Cảm xúc dâng cao những nghĩa tình….
Dạo này ở Hoa Kỳ, tôi vừa tiếp xúc nhiều Sư thuộc Nam Tông, một vị là pháp hữu Nam tông Khmer cũ cùng lớp đến thăm tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ, một vị giáo thọ sư ở trường hạ Lâm Tỳ Ni, Boston, một pháp hữu Nam Tông điện thoại thăm tôi từ Cali, một vị Sư ở Chicago, đặc biệt ngày hôm qua, tôi vừa nhắn tin thăm hỏi một vị Pháp Hữu ở Thủ Đức, Việt Nam về tình hình Phật giáo và những thành tựu trong công việc Phật sự, trong đó có nhắc về Sư Thiện Minh (xin phép Giác Linh Thượng Tọa được gọi là “Sư” thân thương như thuở sinh tiền) thì hôm nay Sư đã ra đi. Thật là bất ngờ, bàng hoàng, lòng tôi dấy lên những nỗi niềm xúc cảm và hoài niệm với bao nhiêu kỷ niệm ân tình đối với Sư Thiện Minh…
Tôi có duyên được quen biết và thân thiết với Sư khi học ở Đại học Phật giáo Vạn Hạnh (ĐH Vạn Hạnh) Khóa III, niên khóa 1993-1997, tôi ngồi cùng bàn với Sư, bàn cuối, sát tường, tổ 4, lúc đó tôi là Tổ Phó. Vì Hán Văn, Hoa Văn, Anh Văn và Pali là 4 ngoại ngữ có trong chương trình học đó, cho nên tôi dốc sức đầu tư và định hướng sẽ sử dụng lâu dài sau này cho nên ngoài chương trình cử nhân Phật học. Buổi chiều và tối, sinh viên lớp chúng tôi thường đi học ở các Trung Tâm Ngoại Ngữ bên ngoài và thường mang bài vở môn ngoại ngữ đến Đại học Vạn Hạnh để tranh thủ làm.
Tôi với Sư cùng tuổi và lúc đó còn trẻ (25 năm trước), tôi say sưa học ngoại ngữ và tiếp thu vào nhanh lắm, nhớ dai, thuộc công thức và văn phạm, ngay cả môn Pali, tôi cũng đại diện cho tổ 4 lên làm bài tập trên bảng tại lớp (cùng với một Thầy, đơn vị Đà Lạt, tổ 2), nên Sư rất khen ngợi tôi và thường nói : “Biết bao giờ tôi mới học giỏi, nhất là các môn ngoại ngữ, như Thầy Đồng Trí?Thầy Đồng Trí lợi hại quá!”, tôi chỉ mỉm cười và nói : “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Sư là một người chất phác, hiền hòa, khiêm tốn, tế nhị, mộc mạc dễ thương, đúng phong cách của người dân miền Tây Nam Bộ và thấm nhuần Thiền vị trong Thiền môn từ thuở nhỏ. xuất gia lúc 11 tuổi, Sư rất tôn trọng hệ phái Bắc Tông và không có một chút cách biệt, so đo cao thấp đối với các hệ phái khác cùng tu tập và sinh hoạt tại Việt Nam và trên thế giới.
Trước ngày tốt nghiệp ĐH Vạn Hạnh, Sư có dẫn tôi đến thăm chơi chùa Kỳ Viên - Saigon và tặng một cuốn sổ tay, trong đó có ghi địa chỉ Chùa và số điện thoại liên hệ với Sư, có pháp danh, cả thế danh với chữ ký của Người.
Thế rồi, sau khi tốt nghiệp xong ĐH Vạn Hạnh năm 1997, nhiều Cựu Sinh Viên Khóa III chúng tôi lên đường du học Ấn Độ, lúc đó Sư còn ở lại Việt Nam. Tôi say sưa trau dồi Anh Văn Phật Học, Pali, Sanskrit tại Ấn Độ, thời gian ngắn sau đó thì chợt đọc các dịch phẩm của Sư, ví dụ dịch phẩm “Chín yếu tố phát triển Thiền Quán” của Thiền Sư Kundalàbhivamsa, Sư dịch và phổ biến năm 1998. Tôi chợt mỉm cười: "sao nhanh thế nhỉ, đúng như lời Sư nói: “Trong kiếm hiệp, 3 ngày không gặp lại võ công khác”, Sư mới than thở học Anh Văn và ngoại ngữ khó quá vào nâm ngoái cơ mà?”
Sau đó, từ Ấn Độ và Hoa Kỳ, tôi liên tục nhận được những hoan hỷ, bất ngờ về sự thăng hoa nhanh chóng và thành tựu vượt bậc của Pháp Hữu gần gũi ngày xưa của mình tiến sỹ từ đại học Anh Quốc dịch phẩm hàng loạt ấn hành, nhận học vị tiến sĩ danh dự, học hàm giáo sư danh dự, hội đồng trường Đại học Apollos – Hoa Kỳ và trở thành một thành viên của Hội đồng Khoa học trường này. Bây giờ đây điểm lại đời người, chỉ cần với 49 năm thị hiện và 27 tuổi Hạ thôi đã có những thành tựu to lớn và rất hiếm người có thể đạt được tương tự như vậy :
1/ Về Học Thuật: Sư tốt nghiệp tiến sỹ Đại học Anh Quốc, được ban tặng tiến sỹ và giáo sư danh dự ĐH Apollos
2/ Về công trình khoa học: Sư là giảng viên ĐH Vạn Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Pali học, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Ban biên tập các đặc san báo chỉ Phật giáo, tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy, Báo Giác Ngộ, giảng Pháp rất nhiều ở Chùa Phổ Quang, Chùa Giác Ngộ, Chùa Long Thành, các Tịnh Xá thuộc hệ phái Nam Tông với phong cách giảng nhẹ nhàng, sống động, gần gũi, hài hước, thực tế của người tâm hồn thuần túy trong Phật Pháp, cả đời ít vướng bụi nhơ thế tục, … làm người dẫn chương trình, điều hợp các lễ hội Phật giáo và hội thảo quốc tế như Phật giáo vùng sông Mê Kông, 13/11/2015.
Sư đã dịch hơn 70 tác phẩm, với nhiều thể loại về Thiền, khảo cổ, kiến trúc, lo gic, nhiều bộ chú giải …Với 20 năm dịch thuật mà hơn 70 dịch phẩm như thế, trung bình mỗi năm gần 4 dịch phẩm, đây là một con số rất lớn lao, làm gương cho bao hàng dịch giả trong khi Sư còn bận rộn biết bao nhiêu Phật sự khác.
3/ Về việc xây dựng và quản lý cơ sở tự viện : Sư đã tiếp quản, tạo dựng, trùng tu, quản trị, quản lý 11 tự viện, 7 chùa ở trong nước trải qua nhiều tỉnh thành Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bình Dương, Vũng Tàu, Saigon,….và 4 chùa ở nước ngoài, ở các đất nước Phật Giáo hoặc tôn giáo tâm linh phát triển Cam Pu Chia, Ấn Độ, Miến Điện, Phần Lan. Có người cả đời không có duyên trụ trì Chùa nào, hoặc lo 1-3 chùa đã khó, so sánh như vậy mới biết Sư có khả năng, phước lớn và làm việc hiệu quả như thế nào?
4/ Đào tạo thế hệ kế thừa: Sư độ được vài chục đệ tử xuất gia và hàng trăm tu nữ. Người có phước duyên và tài đức thế nào mới có được số lượng lớn đệ tử về nương tu học như vậy trong khi có vị tu sỹ cả đời không có một đệ tử xuất gia nào.
4/ Về các công tác Phật sự cho hệ phái và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam :
Giờ đây, chỉ cần đọc bảng cáo phó của Hòa thượng Chủ tịch Hội Đồng Trị sự Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cáo tang và nêu rõ Sư với những trách nhiệm mà Sư đang làm thì đủ thấy Sư có vai trò to lớn và tài đức thế nào mới có thể chu toàn ngần ấy công việc Phật sự cùng lúc:
… vô cùng kính tiếc báo tin:
THƯỢNG TOẠ THÍCH THIỆN MINH
– Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
– Phó ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN;
– Ủy viên Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN;
– Phó Giám đốc Trung tâm Pali học, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam;
– Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM;
– Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương;
– Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN quận Thủ Đức, Tp.HCM;
– Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký Toàn soạn Tạp chí Phật giáo Nguyên Thuỷ;
– Quản sự Tổ đình Bửu Quang, quận Thủ Đức, Tp.HCM;
– Viện chủ chùa Đại Lộc, Ấn Độ; chùa Đại Phước, Myanmar; chùa Đại Hạnh; Campuchia;
– Trụ trì Thiền Viện Bồ Đề, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; chùa Giác Hoàng, tỉnh Bình Dương; Thiền viện Thiện Minh, tỉnh Vĩnh Long; chùa Đại hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Có được bao nhiêu người trong chúng ta có thể đảm trách nhiều vai trò, công việc như thế trong cùng một nhiệm kỳ?
Một kỷ niệm công việc Phật sự cuối cùng với Sư là một năm trước đây, vào cuối tháng 03/2017, Sư nhờ tôi – với tư cách là Giám Đốc Trung Tâm Phiên Dịch Phật Học Anh Việt – Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam - đọc và hiệu đính bản dịch của Sư từ tác phẩm: Luận Lý Học Phật Giáo (Buddhist Logic) của F. Th Stcherbatsky. Đây là tác phẩm rất quan trọng làm tài liệu hiếm hoi cho bộ môn học này tại Đại Học và nhiều Cao Đẳng Phật Học trong nước.
Tôi lại tiếp tục bất ngờ ở vốn liếng tiếng Hán Việt phong phú của Sư và sự nhuần nhuyễn trong sáng của Tiếng Việt cũng như hiểu biết về Sanskrit và Bắc Tông mà Sư sử dụng trong khi dịch thuật cuốn sách đó. Sư rất tích cực làm việc cho dù lúc đó Sư cũng có nhiều bệnh duyên, không khỏe. Rất tiếc là lúc đó tôi có nhiều Phật sự khác nên không hiệu đính hết và viết lời tựa cho bản dịch của Sư mà nhường lại cho người khác, dù tôi đã cố gắng hiệu đính và góp ý hơn 48 trang rồi,...
Sư Thiện Minh !
Xin được thay mặt cho bao nhiêu người quen biết và đang còn ở lại, tri ân Sư rất nhiều :
- Về những đức tính tốt trong cuộc sống : khiêm tốn, ôn hòa, nhã nhặn, lịch sự, nhẫn nại, hòa đồng, bao dung có như vậy mới tương tác, ứng nhân xử thế hiệu quả, làm được nhiều việc và mang lợi lạc đến nhiều người như Sư giảng giải : “sống ở đời cần có một chút thông cảm, một chút tha thứ - như vậy mới có phương trời thong dong”.
- Về sự cần cù, tinh tấn Ba La Mật :
- Về tâm hồn thanh cao : không có thời gian, không có chỗ cho những chuyện thị phi, buông lung, giỡn cợt, bụi trần đeo bám, luôn huân tập trong Đạo Pháp và nếp hạnh Thiền Môn, luôn dồn hết thời gian và tâm trí với chí hướng phụng sự, tích lũy nhiều thiện Pháp,…
- Về kinh nghiệm hoạt động
- Về những nghĩa tình riêng
Nay duyên trần vừa mãn, Sư đã ra đi, người đã ra đi nhưng người còn ở lại, hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương. Giờ đây cây lá Bửu Quang bốn mùa xào xạc, sông nước Vĩnh Long ngày đêm rầm rì nhắc tên Người, bàn hương án sớm khuya đèn chong leo lét, hàng Tăng Ni Phật Tử khắp nơi bàng hoàng, thổn thức tiễn đưa.
Cõi đời này các pháp hữu vi vốn vô thường huyễn giả, có hợp ắt có tan, có đến ắt có đi, đời người ai tránh sao khỏi công lệ bể dâu: sanh – lão – bệnh – tử, thế nhưng sự ra đi của một bậc tài đức với bao nhiêu Phật sự còn đang dang dở như Sư thì tránh sao khỏi bao nỗi ngậm ngùi, thương tiếc.
Nhưng tôi tin tưởng đây chỉ là sự thay đổi lớp áo ngũ uẩn, Sư chưa vội vào niết bàn tịch tĩnh vô tung bất diệt, không còn dấu vết mà còn trở lại trần gian này để tiếp tục bao nhiêu sự nghiệp còn đang bỏ dỡ, làm chỗ nương tựa và nơi đây, vẫn còn đó hàng vạn, hàng vạn người hữu duyên vẫn đang chờ bàn tay dắt dẫn của Sư,…
Chúng ta cũng như hàng môn đồ pháp quyến hãy biến đau thương mất mát này thành hành động thiết thực: hãy đọc tất cả những bài viết, sách dịch của Sư trong các đặc san báo chí, dịch phẩm, hãy nghe lại tất cả bài giảng của Sư để ôn lại những lời khuyến nhủ tâm tình trên con đường tu học, hãy kế thừa và lo cho tốt 11 cơ sở tự viện mà Sư để lại, an ủi, che chở và hỗ trợ, tôi luyện cho những đệ tử xuất gia của Sư và thay thế lo chu toàn các chức năng, trách nhiệm mà Sư còn đang dang dở trong nhiệm kỳ 5 năm này,…
Sư ơi, chúng ta ở gần mà xa, xa mà gần, mai này về thăm lại Tổ Đình Bửu Quang, Thiện Minh, Bồ Đề,… không còn gặp lại Sư với vóc dáng hình hài này để trà đàm, hàn huyên câu chuyện nữa, nhưng thấp thoáng giữa các tầng mây, nơi không gian vô cùng, thời gian vô biên vẫn thấy Sư đang cười, với ánh mắt thân thương dõi bước chúng tôi đi.
Có một điều tôi còn day dứt mãi, giá như tôi biết rõ hơn Sư dịch cuốn Lý Luận Học Phật Giáo trong cơn bạo bệnh, là dịch phẩm cuối đời,… thì cho dù là bận rộn bao nhiêu công việc tôi cũng đã bỏ tất cả để đọc kỹ lại, hiệu đính và viết lời giới thiệu cho Sư. Nhưng thôi, tình chỉ đẹp khi còn dang dở,… biết bao nhiêu cái “giá như”, “giá như”, cuộc đời thì chúng tôi phải tiếp tục sống, tiếp tục trải qua chứ không phải là mãi hoài cổ, tiếc thương cho những quá khứ lỡ làng.
Xin nguyện “thế thế sanh sanh đồng vi pháp lữ”, chúng ta mãi là thiện tri thức soi sáng, hoàn thiện cho nhau, những việc cần làm đã làm xong, Sư đã để lại cho Đạo, cho Đời quá nhiều, đến lượt chúng tôi, những người còn ở lại phải sống, thể hiện, làm việc, dấn thân, đóng góp để khỏi khập khiễng, phụ lòng khi gọi là : những pháp hữu và những người có duyên thân cận Tình Pháp, Duyên Tăng với Sư trong kiếp nhân sinh này.
Cầu nguyện hồng ân chư Phật dắt dìu giác linh Sư đến những cảnh giới an lành và trưởng dưỡng nhiều đạo lực hơn nữa để hội nhập Ta bà khởi sắc hơn, vững tay chèo thuyền Bát Nhã, vớt khách trầm luân, đưa tất cả đến bến bờ giải thoát an vui.
Một lần nữa và lần này nữa thôi xin được nói lời tri ân và chắp tay hoa sen chào nhau, tiễn biệt Người đi!....
Thiện Đức gieo trồng cả cuộc đời
Minh Triết sáng soi, Tuệ rạng ngời
Bửu bối bên trong gồm thâu đủ
Quang huy Phật Pháp khắp nơi nơi.
Hoa Kỳ, 21/07/2018
Hướng về trường cũ, tình xưa