;
Lời nói đầu
Kinh Lăng nghiêm dạy: “Chẳng phát Bồ đề tâm, dẫu tu hạnh lành cũng là nghiệp ma”Tôi thường được nghe rằng, được thân người là khó như con rùa mù gặp bộng cây
nổi, gặp được Phật ra đời còn khó hơn muôn lần. Gặp Phật đã khó, lại còn được tin, nghe Chánh Pháp khó thêm muôn lần nữa.
Được nghe Chánh pháp đã rất hiếm có, làm thế nào để nương theo Chánh pháp tu tập đạt lợi ích chân thật lại khó trăm ngàn lần nữa. Vì sao? Vì giáo pháp của Phật thậm thâm vi diệu, bao la rộng lớn như hư không, khó có chỗ lần dò.
Trong tất cả kho báu, kho báu Phật pháp là vĩ đại nhất, rộng lớn nhất. Đại tạng kinh hơn 5000 bộ kinh, đủ cho một người cả đời tìm tòi; nhưng cũng lại làm cho các đồng tu sơ học bỡ ngỡ, không biết bắt đầu tìm hiểu từ đâu. Có một người bạn tôi hỏi tôi rằng: tôi muốn tìm hiểu giáo pháp của Phật, nên theo Thiền tông hay Tịnh độ? Tôi nói: bạn nên phát tâm Bồ đề trước, quy y Tam bảo rồi mới bắt đầu tu học.
Bạn nói rằng: chỉ học Phật thôi sao phải rườm rà thế? Tôi nói, học Phật là đại sự cả đời, không có gì lớn hơn; sao lại nói là “chỉ học” thôi. Pháp của Phật quý báu vô giá; bạn lấy tâm thái hời hợt để học sao có thể thành tựu? Nếu bạn học giáo pháp mà không phát tâm, không phát nguyện; thì đó là học hư dối; như xây nhà trên cát; chỉ hiểu được chút nghĩa lý suông, rốt cuộc chẳng đạt được gì.
Đây cũng là thực tế chung của rất nhiều người tu sơ cơ; không hiểu giá trị của Phật pháp, không hiểu tâm Bồ đề là gì, nên cũng không biết phát tâm Bồ đề thế nào để đạt được lợi ích lớn.
Con do khổ quá mà tu, vô tình mà phát tâm, nào thấy được sâu xa, tu trì lẫn giải hạnh còn cạn cợt, tâm trí ngu ám, có điều ít nhiều hưởng chút hương vị giải thoát nơi pháp môn kỳ diệu này,có được lợi ích nơi pháp môn Niệm Phật nhiệm màu, lại phát tâm muốn tất cả chúng sinh khắp pháp giới cũng đồng được lợi ích lớn, bỏ xác thân phàm phu máu thịt này được được hóa sinh nơi Chín phẩm sen vàng cõi Cực lạc.
Con tự xét mình lúc khởi đầu học Phật; sưu tầm biên soạn ý Tổ, lời Tăng nhằm cho các đồng tu sơ cơ như con bước đi trong giáo pháp của Phật được vững chắc, rõ ràng. Nguyện cho con nương oai thần Phật Tổ gia trì, lời phàm thầm hợp ý Phật, nếu được y như pháp, bài viết được lưu thông rộng rãi.
BỒ ĐỀ TÂM
1.Bồ đề tâm là gì?
Trước khi hỏi câu hỏi này, ta quay lại tự hỏi mình, vì sao mình học Phật?
Mỗi người đều có cho riêng mình nhân duyên học Phật; nhưng riêng bậc Bồ tát mang lòng từ bi cứu khổ chúng sinh thì phàm phu chúng ta sở dĩ học Phật do nếm đủ khổ thế gian. Nếu chúng ta mỗi mỗi đều khỏe mạnh, giàu khó, tôi tin rất ít người trong chúng ta quay về nương nhờ Tam bảo, nương nhờ giáo pháp của Đức Từ tôn.
Vì đâu chúng ta lại chịu khổ não, tật bệnh; bởi ngu si. Đạo Phật là đạo Trí tuệ; chuyên phá trừ vô minh si ám. Giáo pháp một đời Đấng Từ Phụ chỉ nhằm độ tận chúng sinh thoát khỏi khổ đau vĩnh viễn, lại do căn cơ chúng sinh sai biệt mà “chúng sinh đa bệnh, Phật pháp đa phương”, đều vì lòng Đại bi vô hạn trị dứt tâm bệnh mỗi mỗi chúng sinh rốt ráo đưa tất cả chúng sinh đồng chứng quả vị Diệu giác.
Do đó mà giáo pháp đấng Như Lai bao la, rộng lớn, vi diệu; nhưng vẫn có điểm khởi đầu; đó là Phát Bồ đề tâm; điểm quy túc là quả vị Vô thượng Chánh đẳng chánh giác viên mãn và pháp môn độ tận chúng sinh không gì hơn pháp môn Niệm Phật nhiệm màu.
Bồ đề tiếng Phạn dịch là giác ngộ, mà giác ngộ cái gì? Chữ giác nghĩa là tỉnh thức; ngộ đối nghĩa với mê; giác ngộ nghĩa gốc là thức tỉnh cơn mê. Tất cả chúng sinh trong khắp pháp giới đều là con Phật; là con ông đại trưởng giả giàu có vô lượng như cách nói kinh Pháp hoa, vì một niệm bất giác mê mờ bỏ cha đi chơi quên mất bản thân, quên mất lối về; rong chơi theo ảo ảnh thế gian tưởng vui mà thật là khổ.
Giác ngộ có hai tầng nghĩa: Tiểu giác ngộ và Đại giác ngộ.
Tiểu giác ngộ là giác ngộ thế gian là Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã.
Cũng chính là pháp quán Tứ niệm xứ chuyển pháp luân căn bản và đầu tiên đức Thế tôn chỉ dạy sau khi chứng đạo:
1.Quán thân bất tịnh, nhơ bẩn không sạch sẽ.
2. Quán thọ cảm, cảm xúc đều đem lại khổ đau.
3 Quán tâm vô thường, luôn luôn biến động và biến đổi
4. Quán pháp vô ngã; tất cả các pháp đều không có tự thể, do duyên hợp mà gọi tạm là giả có.
Đây là đôi mắt pháp đầu tiên mà đức Thế tôn trao cho chúng sinh để chúng sinh thấy được chân lý thế gian; vào được kho báu nhà Phật mà lấy được lợi ích chân thật.
Đại giác ngộ là giác ngộ tất cả chúng sinh đều sẵn có Phật tánh, tất cả chúng sinh bốn loại sáu đường đều là con của Phật, được Phật ấn chứng đều là Phật sẽ thành. Tất cả chúng sinh vốn sẵn có Phật tánh nhưng chẳng thể tự thấy biết, phải nhờ vào lực tiếp dẫn hộ niệm của chư Phật thì Phật tánh mới được hiển lộ.
Lực tiếp dẫn này bình đẳng khắp cửu giới chúng sinh, trên là Đẳng giác Bồ tát, dưới là chúng sinh ngũ nghịch thập ác ở Vô gián địa ngục, chỉ cần phát khởi Tín Nguyện đều được lực tiếp dẫn này nhiếp thọ về thế giới Tây Phương Cực Lạc, một đời thành Phật.
Nhưng muốn phát khởi được Đại giác ngộ này cũng cần phải nhờ đến Tiểu giác ngộ. Cũng như muốn học Đại học phải học Tiểu học trước tiên.
Phải do phát khởi Tiểu giác ngộ, quán Tứ niệm xứ mới tin nhận được tất cả lời Phật dạy mà phát khởi Đại giác ngộ. Phải biết rời bỏ thế gian, chán lìa sinh tử, mới hay ta có thể dự phần trong Hải hội Bồ tát cõi Cực Lạc, nhận ra Chân tâm Phật tánh bị lãng quên vô thỉ kiếp.
2. Nhân duyên phát khởi được Tâm Bồ đề
Kinh Phương tiện Phật báo ân, phẩm thứ tư dạy:
Phật bảo Bồ Tát HỷVương:
-Thiện nam tử! Ông hãy nghe cho kỹ: Bồ Tát muốn tri ân báo ân (Phật) nên phải phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, và dạy bảo tất cả chúng sinh phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Bồ Tát Hỷ Vương hỏi:
-Nếu phát tâm Bồ Đề, sẽ phải phát như thế nào? Và nhân đâu mà có thể phát được?
Phật nói:
-Thiện nam tử! Bồ Tát Ma Ha Tát, khi thoạt mới phát tâm Bồ Đề phải lập đại nguyện, và nói như thế này: “Nếu tôi chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, tôi sẽ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh được an trụ trong cảnh đại Niết Bàn, lại sẽ giáo hóa tất cả chúng sinh, thảy đều được đầy đủ bát nhã ba la mật”. Như thế gọi là tự lợi cũng gọi là lợi tha.
Cho nên Bồ Tát khi thoạt mới phát tâm Bồ Đề, thời được gọi là Bồ Đề nhân duyên, chúng sinh nhân duyên, chính nghĩa nhân duyên, ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp nhân duyên, thâu nhiếp tất cả cội gốc thiện pháp.
Cho nên Bồ Tát được gọi là bậc Đại Thiện, cũng gọi là cội gốc lành của tất cả chúng sinh, vì vậy mà Bồ Tát có thể phá trừ ba nghiệp ác ở nơi thân, khẩu, ý v.v… cho tất cả chúng sinh. Tất cả những thệ nguyện của thế gian, tất cả thệ nguyện của xuất thế gian, không có thệ nguyện nào bằng được thệ nguyện Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Thệ nguyện như thế, thực không gì hơn được, không gì trên được nữa.
Cho nên khi thoạt mới phát tâm Bồ Đề, tức hay thâu nhiếp được tất cả thiện pháp. Bồ Tát Ma Ha Tát phát tâm Bồ Đề, tu hành mong được quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác, nếu không phát tâm quyết không thể nào thành được, cho nên phát tâm, là cội gốc của quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Cho nên phát tâm gọi là gốc, gọi là nhân, gọi là nhành, gọi là lá, cũng gọi là hoa, lần lượt gọi là quả, cũng gọi là hạt. Bồ Tát phát tâm, cũng có người thì được rốt ráo, có người thì không được rốt ráo, người được rốt ráo thì mãi mãi cho đến khi chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, trọn không bao giờ thoái chuyển. Còn người không được rốt ráo, là trong tâm đã có sự thoái chuyển. Thoái chuyển có hai thứ: Một là thoái chuyển rốt ráo, hai là thoái chuyển không rốt ráo.
Người thoái chuyển rốt ráo, là người trọn không thể phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, không thể suy tìm, tu tập pháp đó được.
Người thoái chuyển không rốt ráo, là người thường cầu phát tâm Bồ Đề, thường tu tập pháp đó.
Bấy giờ Ngài Hỷ Vương Bồ Tát, lại bạch Phật rằng:
-Lạy Đức Thế Tôn! Bồ Tát tri ân báo ân bằng cách tự phát tâm Bồ Đề và dạy bảo tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ Đề. Song Đức Như Lai thuở xưa khi còn phải sinh tử, thoạt mới phát tâm Bồ Đề, là do nhân duyên gì?
Phật dạy:
-Thiện nam tử! Về đời quá khứ lâu xa, kiếp số nhiều không thể kể tính được, khi ta còn ở trong vòng sinh tử, do phiền não trọng chướng, tạo nên những nghiệp ác ở nơi thân, khẩu, ý, nên phải đọa lạc vào các địa ngục như: Địa ngục A ha ha, địa ngục A ba ba, địa ngục A đạt đa, địa ngục Đồng phủ, địa ngục Đại đồng phủ, địa ngục Hắc thạch, địa ngục Đại hắc thạch, cho đến địa ngục Hỏa xa.
Ta nhớ khi ta phải đọa vào địa ngục Hỏa xa, ta cùng với hai người bạn phải kéo một cái xe lửa, bốc cháy ngùn ngụt, quỷ đầu trâu tên là A Bàng, ngồi ở trên xe, mắm miệng, nghiến răng, trợn mắt, miệng, mắt, tai, mũi đều phun ra khói lửa, thân thể to lớn, tay chân gân guốc, hình sắc tía đen, tay cầm gậy sắt, đánh đập luôn luôn, mặc dầu ta bị đánh đập đau đớn, nhưng vẫn cố sức kéo, lúc đó hai người bạn của ta, vì hơi sức yếu đuối, kéo không nổi, nên bị quỷ đầu trâu A Bàng, lấy đinh ba bằng sắt, đâm vào bụng, lấy gậy bằng sắt đập vào lưng, máu phun ra như suối chảy, đau đớn khó nhẫn, những người ấy cất tiếng kêu gào rất thảm thiết, người thì kêu cha mẹ, người thì kêu vợ con.
Nhưng dầu có kêu gào như thế, cũng chẳng ích lợi gì đối với mình. Lúc ấy, ta thấy những người bạn của ta chịu sự khổ não như vậy, lòng ta sinh ra thương xót. Nhân lòng sinh tưởng thương xót ấy, cho nên ta phát tâm Bồ Đề, vì những người chịu tội ấy, mà khuyên bảo quỷ đầu trâu A Bàng rằng:
-Những người phải chịu tội đây, thực đáng thương xót, xin ông hãy rũ lòng nới tay, đừng nên đánh đập họ tội nghiệp.
Lúc ấy quỷ đầu trâu A Bàng, nghe ta nói như thế, lòng sinh giận tức, dùng đinh ba bằng sắt đâm vào cổ ta, chết liền tại chỗ, ta liền được thoát khỏi cái tội trăm kiếp phải đọa lạc ở nơi địa ngục Hỏa xa, chính vì lúc đó ta phát được tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác vậy.
Phật bảo Ngài Bồ Tát Hỷ Vương:
-Người kéo xe lửa tức là thân ta ngày nay, nhân phát tâm Bồ Đề, mà chóng được thành Phật. Thế nên biết: Tất cả chúng sinh phát tâm Bồ Đề, sự đó chẳng phải một, hoặc nhân lòng từ bi, hoặc nhân lòng giận tức, hoặc nhân lòng bố thí, hoặc nhân lòng bỏn xẻn, hoặc nhân lòng vui mừng, hoặc nhân phiền não, hoặc nhân ân ái ly biệt, hoặc nhân sự oán ghét gặp gỡ, hoặc nhân gần gũi bạn lành, hoặc nhân bạn ác, hoặc nhân được coi thấy Phật, hoặc nhân được nghe pháp… cho nên biết: Tất cả chúng sinh, phát tâm Bồ Đề, mỗi mỗi chẳng phải đồng nhất.
Trong quyển Nhập Bồ Tát hạnh có nói: “Muốn diệt trừ vô lượng khổ đau trong ba cỏi, và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc, thì đừng bao giờ xả bỏ Tâm Bồ Đề. Những hữu tình đang bị trói buộc trong ngục sinh tử mà phát Tâm Bồ Đề chốc lát cũng được gọi là con của Phật, đáng được trời người kính lễ.
Như hóa chất luyện vàng, cái thân phàm tục ô uế sẽ được Tâm Bồ Đề chuyển hóa thành thân Phật, bảo châu vô giá. Bởi thế, hãy giữ vững Tâm Bồ Đề. Bằng con mắt tuệ, đấng đạo sư của chúng sanh thấy rõ Tâm Bồ Đề hết sức qúy báu. Bởi vậy, ai muốn ra khỏi ba cõi hãy khéo giữ vững Tâm Bồ Đề”.
Trong quyển luận về phát tâm Bồ đề theo kinh Hoa nghiêm, thầy Thích Phước Trí có viết:
”Phát Tâm Bồ Đề quyết không phải là việc bình thường mà cực kỳ hiếm có rất khó đạt được. Một hành giả Phật Pháp, nếu đã thực sự Phát Tâm Bồ Đề thì địa vị của người đó trong Phật Pháp sẽ rất cao cả, ngay cả công đức mà người đó có được cũng sẽ rất là rộng lớn. Bởi vì người Phát Tâm Bồ Đề, ngay lúc đó đã có thể được tôn xưng là Bồ Tát.
Bồ Tát sở dĩ trở thành Bồ Tát chính là ở chổ đã Phát Tâm Bồ Đề. Người đã Phát Tâm Bồ Đề, tuy hãy còn là một phàm phu nhưng cũng đã không còn là phàm phu bình thường nữa, mà đã trở thành một vị phàm phu Bồ Tát rồi. Có điều là, việc nảy sinh ra tâm Bồ Đề cố nhiên là cực kỳ khó, nhưng lai rất dễ thoái chuyển.
Một người đã Phát Tâm Bồ Đề, nếu không chịu được những gay go phức tạp, mà một khi đã để mất đi cái tâm Bồ Đề, thì cái tư cách Bồ Tát của người đó cũng sẽ vì vậy mà mất theo. Vì lẽ đó, là Bồ Tát hay không phải là Bồ Tát, mấu chốt quan trọng nhất không ở đâu khác, mà hoàn toàn quyết định ở chổ đã Phát Tâm Bồ Đề chưa ? Có thể vĩnh hằng giữ lấy, không để mất cái tâm Bồ Đề ấy hay không ?”
Trong tác phẩm Niệm Phật thập yếu của thầy Thích Thiền Tâm, chương hai Niệm Phật phải phát Bồ đề tâm, có viết rất kỹ:
Phát Bồ Đề tâm như trên đã nói, có thể tóm tắt trong bốn điều hoằng thệ là:
Chúng sinh vô biên thề nguyện độ.
Phiền não vô tận thề nguyện dứt.
Pháp môn vô lượng thề nguyện học.
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Nhưng không phải chỉ nói suông: "Tôi phát Bồ Đề tâm", là đã phát tâm, hay mỗi ngày tuyên đọc bốn điều hoằng thệ, gọi là đã phát Bồ Đề tâm. Muốn phát Bồ Đề tâm hành giả cần phải quán sát để phát tâm một cách thiết thật, và hành động đúng theo tâm nguyện ấy trong đời tu của mình.
Có những Phật tử xuất gia, tại gia, mỗi ngày sau khi tụng kinh niệm Phật đều quì đọc bài hồi hướng: "Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não...", nhưng rồi trong hành động thì trái lại: nay tham lam, mai hờn giận, mốt si mê biếng trễ, bữa kia nói xấu chê bai chỉ trích người, để đến bữa khác lại có chuyện tranh cãi gây gổ buồn ghét nhau.
Như thế, tam chướng làm sao tiêu, phiền não làm sao trừ được? Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng, không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát của đức Phật đã chỉ dạy.
Cho nên ở đây lại cần đặt vấn đề "Làm thế nào để phát Bồ Đề tâm?"
Muốn cho lòng Bồ Đề phát sinh một cách thiết thật, chúng ta nên suy tư quán sát để phát tâm theo sáu yếu điểm như sau:
Điểm thứ nhất là Giác Ngộ Tâm. Chúng sinh thường chấp sắc thân này là ta, tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân này giả dối, ngày kia khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta.
Tâm thức cũng thế, nó chỉ là thể tổng hợp về cái biết của sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, như một người trước kia dốt, nay theo học chữ Việt, tiếng Anh, khi học thành, có cái biết về chữ Việt, tiếng Anh. Lại như một kẻ chưa biết Paris, sau một dịp sang Pháp du ngoạn, thu thập hình ảnh của thành phố ấy vào tâm.
Khi trở về bản xứ có ai nói đến Paris nơi tâm thức liền hiện rõ quang cảnh của đô thị ấy. Cái biết đó trước kia không, khi lịch cảnh thu nhận vào nên tạm có, sau bỏ lãng không nghĩ đến, lần lần nó sẽ phai nhạt đến tan mất hẳn, trở về không. Cái biết của ta khi có khi không, hình ảnh này tiêu, hình ảnh khác hiện, tùy theo trần cảnh thay đổi luôn luôn, hư giả không thật, nên chẳng phải là ta. Cổ đức đã bảo: "Thân như bọt tụ, tâm như gió. Huyễn hiện vô căn, không tánh thật".
Nếu giác ngộ thân tâm như huyễn, không chấp trước, lần lần sẽ đi vào cảnh giới "nhân không" chẳng còn ngã tướng. Cái ta của ta đã không, thì cái ta của người khác cũng không, nên không có nhân tướng. Cái ta của mình và người đã không, tất cái ta của vô lượng chúng sinh cũng không, nên không có chúng sinh tướng.
Cái ta đã không, nên không có bản ngã bền lâu, không thật có ai chứng đắc, cho đến cảnh chứng thường trụ vĩnh cữu của Niết Bàn cũng không, nên không có thọ giả tướng. Đây cần nên nhận rõ, chẳng phải không có thật thể chân ngã của tánh Chân Như thường trụ, nhưng vì thánh giả không chấp trước, nên thể ấy thành không.
Nhân đã không, thì Pháp cũng không, vì sự cảnh luôn luôn đổi thay sanh diệt, không có tự thể. Đây lại cần nên nhận rõ chẳng phải các pháp khi hoại diệt mới thành không, mà vì nó hư huyễn, nên đương thể chính là không, cả Nhân cũng thế. Cho nên cổ đức đã bảo:
"Cần chi đợi hoa rụng. Mới biết sắc là không"
Hành giả khi đã giác ngộ Nhân và Pháp đều không, thì giữ lòng thanh tịnh trong sáng không chấp trước mà niệm Phật. Dùng lòng giác ngộ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
Điểm thứ hai: là Bình Đẳng Tâm. Trong Khế Kinh, đức Phật khuyên dạy: "Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, là cha mẹ đời quá khứ và chư Phật đời vị lai". Chư Phật thấy chúng sinh là Phật, nên dùng tâm bình đẳng đại bi mà tế độ. Chúng sinh thấy chư Phật là chúng sinh, nên khởi lòng phiền não phân biệt ghét khinh. Cũng đồng một cái nhìn, nhưng lại khác nhau bởi mê và ngộ.
Là đệ tử Phật, ta nên tuân lời đức Thế Tôn chỉ dạy, đối với chúng sinh phải có tâm bình đẳng và tôn trọng, bởi vì đó là chư Phật vị lai, đồng một Phật tánh. Khi dùng lòng bình đẳng tôn kính tu niệm, sẽ dứt được nghiệp chướng phân biệt khinh mạn, nảy sinh các đức lành. Dùng lòng bình đẳng như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
Điểm thứ ba: là Từ Bi Tâm. Ta cùng chúng sinh đều sẵn đủ đức hạnh, tướng hảo trí huệ của Như Lai, mà vì mê chân tánh, khởi hoặc nghiệp nên phải bị luân hồi, chịu vô biên sự thống khổ. Nay đã rõ như thế, ta phải dứt tâm ghét thương phân biệt, khởi lòng cảm hối từ bi tìm phương tiện độ mình cứu người, để cùng nhau được an vui thoát khổ. Nên nhận rõ từ bi khác với ái kiến. Ái kiến là lòng thương yêu mà chấp luyến trên hình thức, nên kết quả bị sợi giây tình ái buộc ràng. Từ bi là lòng xót thương cứu độ, mà lìa tướng, không phân biệt chấp trước; tâm này thể hiện dưới đủ mọi mặt, nên kết quả được an vui giải thoát, phước huệ càng tăng.
Muốn cho tâm từ bi được mở rộng, ta nên từ nỗi khổ của mình, cảm thông đến các nỗi khổ khó nhẫn thọ hơn của kẻ khác, tự nhiên sinh lòng xót thương muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề tâm từ đó phát sinh.
Đại khái như trong hoàn cảnh chiến tranh hiện nay, trẻ thơ phải nhờ cha mẹ nuôi dạy, mà cha mẹ lại bị tử nạn thành ra côi cút bơ vơ. Lại như người già phải nhờ con cái phụng dưỡng, mà con cái đều bị yểu vong, nên phải buồn đau cô khổ. Thấy những cảnh ấy, động lòng xót thương, muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề tâm chưa phát bỗng tự phát sinh.
Nói rộng ra, như trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền đã khai thị:"Bồ Tát quán sát chúng sinh không nơi nương tựa mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh tánh chẳng điều thuận mà khởi đại bi, quán sát chúng sinh nghèo khổ không căn lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh ngủ say trong đêm dài vô minh mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh làm những điều ác mà khởi đại bi.
Quán sát chúng sinh đều bị ràng buộc, lại thích lao mình vào chỗ ràng buộc mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh bị chìm đắm trong biển sanh tử mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh thân mang tật khổ lâu dài mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh không ưa thích pháp lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh xa mất Phật pháp mà khởi đại bi..."
Đã phát đại bi tâm tất phải phát đại Bồ Đề tâm thề nguyền cứu độ. Thế thì lòng đại từ bi và lòng đại Bồ Đề dung thông nhau. Cho nên phát từ bi tâm tức là phát Bồ Đề tâm. Dùng lòng đại từ bi như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
Điểm thứ tư là Hoan Hỷ Tâm. Đã có xót thương tất phải thể hiện lòng ấy qua tâm hoan hỷ. Hoan hỷ đây có hai thứ: tùy hỷ và hỷ xả. Tùy hỷ là khi thấy trên từ chư Phật, Thánh nhân, dưới cho đến các loại chúng sinh, có làm được công đức gì, dù là nhỏ mọn cũng vui mừng theo. Và khi thấy ai được sự phước lợi, hưng thạnh, thành công, an ổn, cũng sinh niệm vui thay.
Hỷ xả là dù có chúng sinh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua. Sự vui nhẫn này nếu xét nghĩ sâu, thành ra không thật có nhẫn, vì tướng người, tướng ta và tướng não hại đều không. Nên Kinh Kim Cang dạy: "Như Lai nói nhẫn nhục Ba La Mật, tức chẳng phải nhẫn nhục Ba La Mật, đó gọi là nhẫn nhục Ba La Mật".
Lòng tùy hỷ trừ được chướng tật đố nhỏ nhen. Lòng hỷ xả giải được chướng hận thích báo phục. Bởi tâm hoan hỷ không ngoài sự giác ngộ mà thể hiện, nên đó chính là lòng Bồ Đề. Dùng lòng hoan hỷ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
Điểm thứ năm là Sám Nguyện Tâm. Trong kiếp luân hồi, mọi loài hằng đổi thay làm quyến thuộc lẫn nhau. Thế mà ta vì mê mờ lầm lạc, từ kiếp vô thỉ đến nay, do tâm chấp ngã muốn lợi mình nên làm tổn hại chúng sinh, tạo ra vô lượng vô biên ác nghiệp. Thậm chí đến chư Phật, Thánh nhân, vì tâm đại bi ra đời thuyết pháp cứu độ loài hữu tình, trong ấy có ta, mà đối với ngôi Tam Bảo ta lại sinh lòng vong ân hủy phá. Ngày nay giác ngộ, ta phải hổ thẹn ăn năn, đem ba nghiệp chí thành sám hối.
Đức Di Lặc Bồ Tát đã lên ngôi bất thối, vì muốn mau chứng quả Phật, mỗi ngày còn lễ sám sáu thời. Vậy ta phải đem thân nghiệp kính lễ Tam Bảo, khẩu nghiệp tỏ bày tội lỗi cầu được tiêu trừ, ý nghiệp thành khẩn ăn năn thề không tái phạm. Đã sám hối, phải dứt hẳn tâm hạnh ác không còn cho tiếp tục nữa, đi đến chỗ tâm và cảnh đều không, mới là chân sám hối. Lại phải phát nguyện, nguyện hưng long ngôi Tam Bảo, nguyện độ khắp chúng sinh, để chuộc lại lỗi xưa và đền đáp bốn ân nặng. Bốn ân đó là: ân Tam Bảo, ân cha mẹ sư trưởng, ân thiện hữu tri thức, và ân chúng sanh.
Có tâm sám nguyện như vậy tội chướng mới tiêu trừ, công đức ngày thêm lớn, và mới đi đến chỗ phước huệ lưỡng toàn. Dùng lòng sám nguyện như thế mà hành đạo mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
Điểm thứ sáu là Bất Thối Tâm. Dù đã sám hối phát nguyện tu hành, nhưng nghiệp hoặc ma chướng không dễ gì dứt trừ, sự lập công bồi đức thể hiện sáu độ muôn hạnh không dễ gì thành tựu. Mà con đường Bồ Đề đi đến quả Viên giác lại xa vời dẫy đầy gay go chướng nạn, phải trải qua hằng sa kiếp, đâu phải chỉ một hai đời? Ngài Xá Lợi Phất trong tiền kiếp chứng đến ngôi Lục Trụ, phát đại Bồ Đề tâm tu hạnh bố thí. Nhưng khi chịu khổ khoét một con mắt cho ngoại đạo, bị họ không dùng, liệng xuống đất rồi nhổ nước dãi, lấy chân chà đạp, Ngài còn thối thất Đại Thừa tâm.
Thế thì ta thấy sự giữ vững tâm nguyện là điều không phải dễ! Cho nên hành giả muốn được đạo tâm không thối chuyển, phải lập thệ nguyện kiên cố. Thề rằng: "Thân này dầu bị vô lượng sự nhọc nhằn khổ nhục, hoặc bị đánh giết cho đến thiêu đốt nát tan thành tro bụi, cũng không vì thế mà phạm điều ác, thối thất trên bước tu hành". Dùng lòng bất thối chuyển như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
Sáu yếu điểm đã dẫn đại lược như trên, là sự kiện phải có của người phát Bồ Đề tâm. Nếu không y theo đây lập chí thiết thật tu hành, thì dù nói phát tâm chỉ là phát tâm suông, không thể nào đi đến Phật quả. Trước mặt chúng ta chỉ có hai đường: luân hồi và giải thoát. Đường giải thoát tuy có lắm nỗi gian nan, nhưng mỗi bước đi lần đến chỗ sáng suốt tự tại an vui.
Đường luân hồi dẫu được tạm hưởng phước nhân thiên, nhưng kết cuộc phải chuyển đến cảnh tam đồ ác đạo, sự khổ vô biên không biết kiếp nào ra khỏi. Vậy các vị đồng tu nên phát tâm mãnh tiến, bước thẳng lên đường sáng đại Bồ Đề. Cảnh muôn hoa đua nở nơi chân trời giải thoát sẽ đón chào các vị!
Kinh văn cũng có nói: "Cửa yếu vào đạo, trước phải phát tâm. Việc yếu tu hành, trước nên lập nguyện".
Nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện bền chắc, thì dù trải qua vô lượng kiếp, vẫn y nhiên ở trong nẻo luân hồi; dù có tu hành cũng khó tinh tấn và chỉ luống công khổ nhọc. Do đó nên biết: muốn học Phật đạo, quyết phải phát Bồ Đề tâm không thể trì hoãn. Bởi thế khi xưa Tỉnh Am Đại sư đã soạn ra Phát Bồ Đề Tâm Văn để khuyến khích tứ chúng. Trong ấy, Ngài theo các tâm nguyện mà trình bày sự phát tâm thành tám cách: tà, chánh, chân, ngụy, đại, tiểu, thiên, viên.
Xin tóm đại lược như sau:
Có những người tu không tham cứu tự tâm, chỉ biết theo bên ngoài, hoặc cầu danh lợi, đắm cảnh vui hiện tại, hay mong quả phước tương lai mà phát lòng Bồ Đề. Phát tâm như thế gọi là Tà.
Như chẳng cầu danh lợi, không tham cảnh vui cùng mong quả phước, chỉ vì thoát vòng sanh tử, lợi mình lợi sanh mà cầu đạo Bồ Đề. Phát tâm như thế gọi là Chánh.
Mỗi niệm trên vì cầu Phật đạo, dưới vì độ chúng sinh, nhìn đường Bồ Đề dài xa mà không khiếp, thấy loài hữu tình khó độ nhưng chẳng sờn. Tâm bền vững như lên núi quyết đến đảnh, như leo tháp quyết đến đỉnh. Phát tâm như thế gọi là Chân (thật).
Có tội lỗi không sám hối chừa cải, ngoài dường trong sạch, trong thật nhớp nhơ, trước tinh tấn sau biếng lười. Dù có tâm tốt nhưng còn xen lẫn lợi danh, có pháp lành song bị tội lỗi làm ô nhiễm. Phát tâm mà còn những điều này, gọi là Ngụy (dối).
Cõi chúng sinh hết, nguyện mới hết; đạo Bồ Đề thành, nguyện mới thành. Phát tâm như thế gọi là Đại.
Xem tam giới như tù ngục, sanh tử như oan gia; chỉ mong mình mau giải thoát, chẳng muốn độ người. Phát tâm theo quan niệm này, gọi là Tiểu.
Thấy chúng sinh và Phật đạo ở ngoài tự tánh, rồi nguyện độ nguyện thành, đường công hạnh chẳng quên, sự thấy hiểu không dứt. Phát tâm như thế gọi là Thiên (lệch).
Biết chúng sinh và Phật đạo đều là tự tánh, nên nguyện độ nguyện thành, tu công đức không thấy mình có tu, độ chúng sinh không thấy có chúng sanh được độ. Phát tâm như thế gọi là Viên (tròn).
Trong tám cách như trên, Tà, Ngụy, Thiên, Tiểu nên bỏ, Chân, Chánh, Viên, Đại, nên theo. Được như thế mới gọi là phát Bồ Đề tâm đúng cách.
Kinh Văn nói: Không thể dùng chút ít căn lành phước đức nhân duyên được sanh về Cực Lạc. Thế thì biết, phải có nhiều cãn lành phước đức mới được vãng sanh Cực Lạc. Nhưng nhiều căn lành không gì hơn phát Bồ Đề tâm, nhiều phước đức không gì hơn trì danh hiệu. Nhiếp tâm niệm Phật giây phút hơn bố thí nhiều năm, chân thật phát lòng Bồ Đề hơn tu hành nhiều kiếp. Giữ chắc hai nhân duyên này, quyết định được sanh Cực Lạc.
Qua những lời dạy của Phật, Bồ Tát, Tổ Sư ở trên, ta thấy phát Bồ Đề tâm là điều rất quan yếu trên đường hành đạo.
Để phát Bồ Đề tâm, suy tư kỹ đối với căn cảnh thời nay, phải dùng phương tiện nào cho tâm ấy được thành tựu viên mãn? - Muốn cho sự tự lợi lợi tha của nguyện Bồ Đề được toàn vẹn, không chi hơn cầu sanh Tịnh Độ.
Một vị cao đức thời xưa, sau khi phát đại nguyện tu hành, đã thốt ra câu:
Thế gian, xuất thế suy cùng khắp.
Chẳng niệm Di Đà lại niệm ai?
Liên Tông thập nhất Tổ, Tỉnh Am đại sư dạy:
Thật vì sanh tử, phát lòng Bồ đề.
Lấy TÍN, NGUYỆN sâu, TRÌ danh niệm PHẬT.
Từng nghe, cửa yếu để vào đạo thì sự phát tâm làm đầu, việc khẩn cấp tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì có thể độ chúng sanh, tâm phát thì Phật đạo có thể thành. Nếu không phát tâm rộng lớn, không lập cái nguyện vững bền kiên cố, thì dù trải qua nhiều kiếp như số vi trần, cũng vẫn y nhiên ở trong vòng luân hồi.
Dù có tu hành cũng chỉ là uổng công lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Nên kinh Hoa Nghiêm nói: "Nếu quên mất tâm Bồ đề mà tu các pháp lành, gọi đó là nghiệp ma". Quên mất mà còn như thế, huống chi chưa phát ư? Cho nên muốn học Như lai thừa thì trước phải phát Bồ tát nguyện, không thể chậm trễ vậy.
3. Phát Bồ đề tâm, trụ Bồ đề tâm trong pháp môn Niệm Phật.
Liên Tông thập tam tổ, Tổ Ngẫu Ích dạy rất hay: “Phát nguyện vãng sinh cũng chính là Phát Vô thượng Bồ Đề tâm”
Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Thế Tôn dạy rõ ràng rằng: “Các ông quyết định phát tâm Bồ Đề, đối với pháp Tam ma đề, chư Phật Như Lai không sinh mệt mỏi, thì trước hết, nên rõ hai nghĩa quyết định, trong lúc bắt đầu phát tâm tự giác...
A Nan, nghĩa thứ nhất là: …Nên xét kỹ chỗ phát tâm trong lúc tu nhân với chỗ giác ngộ trong lúc chứng quả là đồng hay khác? A Nan, nếu trong lúc tu nhân, đem cái tâm sinh diệt, để cầu cho được cái quả bất sinh bất diệt của Phật thừa thì thật không thể được."
Kinh Kim Cang đức Phật cũng dạy:
"- Tu Bồ Đề! Lại nữa, vị Bồ tát , đúng nơi pháp, phải nên không có chỗ trụ trước mà làm việc Bố thí. Nghĩa là không trụ trước nơi hình sắc mà làm việc bố thí, không trụ trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà làm việc bố thí...
- Tu Bồ Đề! Vị Bồ tát chỉ phải nên đúng như lời Ta đã dạy đó mà trụ."
Lại được nghe rằng, tu hành quý ở chỗ phát tâm, vậy nay xin được hỏi người tu Tịnh độ nên phát tâm thế nào, trụ tâm thế nào là đúng pháp, mà chẳng trái ý Phật dạy trong các kinh trên?
Chẳng riêng gì pháp môn Tịnh độ mà đối với tất cả các pháp Phật dạy, cần phải khắc sâu tám chữ: "Thật vì sanh tử, phát Bồ đề tâm".
Pháp sư Tịnh Không đương thời dạy: "Pháp môn Tịnh độ là nương tựa Phật lực cứu giúp. Tín là tin thế giới Tây phương Cực Lạc có Phật A Di Đà. Nguyện là mong muốn mình mau sinh về thế giới Cực Lạc kia, chán lìa thế giới Ta bà này.
Hạnh là phải chí thành niệm, giữ một câu thánh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Chỉ cần đầy đủ ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh thì sẽ nương theo đại thệ nguyện lực của Phật A Di Đà cứu giúp, ra khỏi sinh tử, vĩnh viễn đoạn trừ luân hồi. Đây là pháp môn vô cùng thâm diệu và tiện lợi nhất trong tất cả pháp môn mà Đức Phật đã dạy.
Nói theo lý, một câu A Di Đà Phật là nhờ Phật lực cứu vớt, chắc chắn bảo đảm vãng sanh về Tây phương. Nhưng vì sao ngày nay người niệm Phật nhiều mà người được vãng sanh lại ít? Đây là vấn đề rất quan trọng và nghiêm túc, ngày nay người niệm Phật nhưng không được vãng sanh quan trọng là do “thiếu Tín, Nguyện lại sợ chết, căn bản là không muốn vãng sanh”.
Ngày nay, người niệm Phật chỉ cầu sống lâu, cầu mạnh khỏe bình an, cầu giàu sang, công việc thuận lợi, cầu tất cả lợi ích ở thế gian; nhưng không cầu vãng sanh về Tây phương.
Một chữ Chết thì có thể kiểm nghiệm người niệm Phật có đầy đủ Tín, Nguyện hay không? Hãy tự hỏi lòng mình, chúng ta có sợ chết không? Nếu như chết ngay lập tức thì Phật A Di Đà liền đón chúng ta vãng sanh về Tây phương, chúng ta có bằng lòng không?
Một người niệm Phật thật sự là người chán lìa cõi Ta bà này, thích cầu về cõi Cực Lạc thì nhất định cho sự chết là như trở về. Bất cứ lúc nào, họ cũng mong sớm theo Phật A Di Đà về thế giới Tây phương Cực Lạc thì tuyệt đối không sợ chết, luôn mong muốn vãng sanh liền.
Còn người niệm Phật giả tạo trong ngoài khác nhau, Tín, Nguyện không thật là người tham sống sợ chết, không muốn chết, không muốn vãng sanh, cầu sống lâu, có rất nhiều lý do ràng buộc. Chúng ta nên biết tâm người nào sợ chết, không muốn chết, không muốn cầu vãng sanh thì trái với tâm Phật A Di Đà, không đủ ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh thì làm sao họ thành tựu vãng sanh về Tây phương được?
Ngày nay, một nghìn người niệm Phật thì có chín trăm chín mươi chín người niệm Phật giả. Nếu người niệm Phật thật sự thì một chữ Chết thường ở trong tâm, tự mình luôn kiểm nghiệm, chỉ cần người niệm Phật không sợ chết, thích chết, bất cứ lúc nào cũng đón chào cái chết, luôn mong cầu sớm được vãng sanh về Cực Lạc; đây là người niệm Phật thật sự “chán lìa Ta bà, thích cầu Cực Lạc”. Như thế, một nghìn người niệm Phật, nghìn người vãng sanh; vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh, không một người nào mà không sinh về Tây phương."
Đó gọi là thấy được sự thật đáng sợ của dòng lũ sinh tử mà phát tâm giác ngộ.
Nếu chẳng vì lìa sanh tử mà khởi tu, như kinh Lăng Nghiêm nói, đó là dùng tâm sinh diệt mà tu, vậy mà muốn khi lâm chung được vãng sinh thì khó như hái sao trên trời vậy.
Vì pháp môn Tịnh độ bao trùm khắp mọi căn cơ nên ứng với từng căn cơ chúng sinh mà sự trụ tâm tu hành cũng có ba bậc:
Bậc hạ: Không kể ngu hay trí, nếu chẳng vì sự lìa thoát sinh tử mà niệm Phật thì đều ở bậc này. Như ngài Tỉnh Am gọi là Tà tâm niệm Phật hay dùng vọng tâm mà niệm Phật. Bậc này cũng gọi là ít thiện căn, ít phước đức nhân duyên, chẳng có Tín Nguyện chân thật, chỉ dùng pháp môn Tịnh độ gieo Phật chủng vào tâm thức, để làm nhân giải thoát cho đời sau. Như vậy sự trụ tâm của bậc hạ này hoàn toàn nơi vọng tâm, trụ nơi lục trần.
Vì trụ tâm nơi lục trần sanh diệt nên bậc hạ cũng được gọi là không phát Bồ đề tâm.
Nếu tự biết lỗi lầm, nghiệp chướng của mình, phát đại tâm thật sự sám hối, nguyện lìa bỏ sinh tử luân hồi, cầu sanh Cực Lạc thì mới có thể được vãng sinh, khi ấy sự trụ tâm sẽ vào bậc trung.
Bậc trung: Không kể ngu hay trí, lãnh ngộ được nỗi khổ sinh tử, phát khởi được Tín tâm vào pháp môn Tịnh độ, tha thiết niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Đó là người biết nương theo Bản nguyện độ sanh của Phật Di Đà, mong chuyển thân vọng nghiệp để được thân hóa sanh kim cang chân thật.
Đó là trụ tâm nơi pháp môn Tịnh độ, nơi Bản nguyện vĩ đại của Phật Di Đà.
Bậc thượng: Không kể ngu hay trí, là người đã phát khởi Tín tâm chân thật, phát nguyện chân thật, dùng diệu hạnh Trì danh Thánh hiệu A Di Đà Phật đã chứng ngộ được niềm tin ban đầu của mình. Trong tâm không chút hồ nghi với pháp, lại còn được tự tại với các pháp.
Với bậc này, tám vạn bốn ngàn pháp môn Phật dạy đều là pháp môn Tịnh độ, tất cả hạnh đều là hạnh Tịnh độ, tâm quyết định vãng sinh.
Khi đó, tâm an trụ nơi Lực Tiếp Dẫn của Phật Di Đà.
Thế nào là Lực Tiếp Dẫn của Phật Di Đà: Vì rằng Bản nguyện của Phật Di Đà là tiếp dẫn tất cả chúng sinh về cõi Tây Phương, thọ dụng giống Phật.
Lực tiếp dẫn này bình đẳng đối với cửu giới chúng sinh: từ bậc Đẳng giác Bồ tát Nhất sanh Bổ xứ đến chúng sinh nơi Vô gián địa ngục.
Lực tiếp dẫn này cũng là Hào quang của Phật Di Đà thu nhiếp hết tất cả chúng sinh niệm Phật, ngăn chúng ma chẳng có cơ hội phá hoại đường tu.
Lực tiếp dẫn này chính là con đường lưu thông giữa tâm Phật và tâm chúng sinh.
Vì thế hễ tâm được an trụ nơi Lực tiếp dẫn của Phật thì cũng tức tâm Phật, tâm chúng sinh thầm tương thông lẫn nhau; đó cũng gọi là cảnh giới Niệm Phật chẳng gián đoạn của người tu Tịnh Độ.
Vì rằng tâm an trụ nơi Lực tiếp dẫn của Phật nên chỉ cần hơi thở ra mà không trở lại, tâm thức lập tức nương theo Lực tiếp dẫn của Phật về cõi Tây Phương Cực Lạc, hóa sanh trong thai sen báu.
Vì Lực tiếp dẫn của Phật Di Đà là chân thật nhất trong tất cả sự chân thật, nên trụ tâm nơi đó cũng tương ưng với cảnh giới "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" trong kinh Kim cang đức Thích Ca đã dạy vậy.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, tiền bối của Đại Pháp sư Tịnh Không, trong sách Chú giải Phật thuyết Vô Lượng Thọ Bình Đẳng Giác Kinh có viết rằng: Pháp Trì danh đây lấy "Tâm này là Phật, Tâm này làm Phật" khởi tu, lấy Qủa giác vô thượng làm Nhân để phát tâm tu hành nên được thành tựu nhanh chóng. Mà nhận lấy "Tâm này là Phật, Tâm này làm Phật" khởi tu chính là phát Bồ đề tâm, trụ tại Bồ đề tâm mà tu hành; trực nhận “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ”.
Lời kết
Do phạm vi bài viết hạn chế, nghĩa lý về Bồ đề tâm và pháp môn Niệm Phật lại sâu thẳm như biển cả, thẹn kiến giải bản thân hẹp hòi nông cạn, u tối chẳng nói được mấy phần. Ngưỡng mong Tam bảo từ bi gia hộ, chứng minh; bài viết có gì sai sót, các thiện tri thức chỉ bảo, tuỳ hỷ.
Nếu bài pháp được chút công đức nào, xin nguyện hồi hướng về thế giới Tây Phương cùng hết thảy mười phương chúng sinh nương theo lời chân thật của đức Thích Ca, nương theo đại nguyện đấng Đạo sư tiếp dẫn A Di Đà Phật phát khởi Tín Nguyện đồng sanh An Lạc quốc, đồng thành Phật đạo.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô A Di Đà Phật.
Hải Dương ngày 15/12/2023
Đệ tử Pháp Đức kính bút.
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát Bồ Đề tâm
Hết một báo thân này
Đồng sanh cõi Cực Lạc.
---------------------------------------
Phụ lục tham khảo:
1. Niệm Phật thập yếu, Hòa thượng Thích Thiền Tâm.
2. Luận về phát tâm Bồ đề theo tinh thần kinh Hoa nghiêm, thầy Thích Phước Trí
3.Bồ đề tâm luận, Bồ tát Thế thân.
4. Văn khuyên phát Bồ đề tâm, Đại sư Tỉnh Am và các tác phẩm Phật học khác.