;
Ý nghĩa dâng cúng Hoa, Đèn, Hương
Có một vị nam cư sĩ mỗi ngày thường hái hoa tươi trong vườn nhà mình đem đến chùa chí thành dâng cúng Phật. Một hôm, khi đem hoa đến điện Phật, chợt gặp thiền sư Vô Đức từ pháp đường đi ra. Thiền sư Vô Đức hoan hỷ nói:
- Lành thay! Lành thay! Mỗi ngày anh đều chí thành đem hương hoa dâng cúng Phật, theo kinh nói, thường dùng hương hoa cúng dường, đời sau sẽ được phước báu thân tướng trang nghiêm!
Phật tử nghe nói vui vẻ đáp lời:
- Đó là bổn phận phải làm! Con mỗi ngày khi đến chùa lễ Phật thì tâm linh được mát mẻ, giống như tẩy rửa lỗi lầm, nhưng khi về đến nhà thì tâm lại phiền muộn. Bà nội trợ trong gia đình chúng con phiền hà ồn náo như cái chợ, con làm sao giữ gìn tâm mình cho thanh tịnh thuần khiết?
Thiền sư Vô Đức hỏi:
- Ông dùng hoa tươi cúng Phật, tin chắc rằng ông có ít nhiều kiến thức về cách chưng hoa, bây giờ tôi hỏi ông, ông làm cách nào để giữ gìn đóa hoa được tươi đẹp?
Anh ta đáp:
- Phương pháp giữ gìn đóa hoa được tươi đẹp, chẳng qua mỗi ngày phải thay nước, và khi thay nước nên cắt bỏ một phần dưới cành hoa đi, vì phần dưới cành hoa nằm trong nước dễ bị thúi. Khi cành thúi thì khó hấp thu nước, nên làm cho hoa mau héo tàn.
Thiền sư Vô Đức nói:
- Giữ gìn cái tâm thanh tịnh thuần khiết cũng giống như thế. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta giống như nước trong bình, còn chúng ta là hoa. Chỉ có thường xuyên lọc sạch thân tâm, sửa đổi tính tình của chúng ta và luôn luôn sám hối, sửa đổi khuyết điểm hư tệ mới có thể hấp thu liên tục đến lương thực tự nhiên.
Anh ta nghe xong, hoan hỷ làm lễ cảm tạ:
- Cám ơn thiền sư khai thị cho con! Hy vọng sau này có cơ hội, con sẽ thân cận thiền sư, ở trong tự viện sống làm thiền giả, hưởng thụ sáng chuông chiều trống, yên tĩnh Bồ đề Phạm xướng.
Thiền sư Vô Đức nói:
- Ông hít vô thở ra đó là Phạm xướng, mạch đập đó là chuông trống, thân thể đó là chùa chiền, hai tai là Bồ đề, ở đâu cũng yên tĩnh, đâu cần đợi cơ hội mới đến trong tự viện?
(Theo Tinh Vân Thiền thoại)
Bài học đạo lý:
Nước trong bình tự nó không thể trở nên hôi thúi nếu không chưng hoa vào. Hoàn cảnh sống của chúng ta cũng như thế, tự nó chẳng thể trở nên ô nhiễm, phiền phức… nếu chẳng có những tâm niệm bất thiện hiện hành. Trong kinh nói “Tâm tịnh cõi nước tịnh”. Một khi tâm thanh tịnh thì ở đâu cũng là đạo tràng, ở đâu cũng có thể trở thành Tịnh độ. Vì vậy, mấu chốt của việc tu tập là luôn luôn tịnh hóa thân tâm của mình cho tốt.
Có nhiều người suy nghĩ cuộc đời đầy dẫy những nhiễm ô, tệ nạn, cám dỗ, nên khó giữ tâm mình trong sạch. Họ ước muốn có một hoàn cảnh sống tốt hơn để có thể tu tập, và hẹn một ngày nào đó, có cơ hội sẽ vô chùa tu chẳng hạn. Nhưng họ đâu biết rằng, nếu đem tâm niệm bất thiện vào chùa thì thiền môn cũng khó giữ được thanh tịnh!
Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: “Tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc”. Đó là nhân cách của người học Phật. Vẫn sống giữa cuộc đời, phải đối mặt với cơm ăn áo mặc, phải bon chen danh lợi, phải nuôi sống vợ con, nói chung là đời sống bị vây quanh bởi tiền tài, danh vọng, sắc dục… mà vẫn luôn luôn giữ mình thanh tịnh, trong sạch, không bị thói đời chi phối, nhiễm ô. Để thực tập được điều này, trước hết bản thân mỗi chúng ta phải “tự tịnh kỳ ý”, phải tự làm sạch tâm ý của mình. Một khi tâm ý của mình đã thanh tịnh, thì mình có thể “nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian”.
Kinh Duy Ma nói: “Chúng sinh là Tịnh độ của Bồ tát”. Chúng ta chưa phải là Bồ tát, nhưng nếu có thể giữ “tâm bình khí hòa”, biết lắng nghe và chia sẽ, thì mỗi gia đình của chúng ta cũng sẽ biến thành một “Tịnh độ” nho nhỏ!
Tĩnh Tâm để sống mãi