;
... Tôi nghe như vầy: Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi (Xá-vệ), tại Kỳ viên (vườn Kỳ-đà), tinh xá Cấp Cô Ðộc (Anàthapindika).
(I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Savatthi in Jeta's Grove, Anathapindika's monastery)
... Tôi nghe như vầy: Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi (Xá-vệ), tại Đông viên (Pubbàràma), ở lầu Lộc Mẫu (Migàramàtu).
(Thus have I heard: At one time the Exalted One was staying near Savatthi at the Eastern Park, in the mansion given by Migara's mother)
Thành Xá-vệ
Theo Chú giải, có 8 thánh tích cần đến chiêm bái:
- Tứ Động Tâm: Lumbini (Lâm-tì-ni), Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng), Sarnath (Lộc Uyển), Kusinara (Câu-thi-na)
(Trường bộ, 16; Trường A-hàm, 2)
- Bốn nơi khác: Rajagaha (Vương Xá), Vesali (Tỳ-xá-ly), Savatthi (Xá-vệ), Sankassa
Xá-vệ (Savatthi, Sravasti, Sharvasti) là một trong sáu thành phố lớn thời Đức Phật, được ghi trong kinh điển: Campà (Chiêm-bà), Ràjagaha (Vương Xá), Sàvatthi (Xá-vệ), Sàketa (Sa-kỳ), Kosambi (Kiều-thương-di, Câu-diệm-bi), Bàrànasi (Ba-la-nại).
Theo Chú giải, trong 25 năm cuối khi còn tại thế, Đức Phật thường ngụ tại 2 tinh xá trong thành Xá-vệ: 19 năm tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) do ông Cấp Cô Độc (Anathapindika) dâng cúng, và 6 năm tại tinh xá Đông Các (Pubbarama) do bà Tỳ-xá-khư Lộc Mẫu (Visakha Migaramata) dâng cúng.
Trong thời Đức Phật, Xá-vệ là kinh đô của xứ Kiều-tất-la (Kosala), trong triều vua Ba-tư-nặc (Pasenadi). Vua là một Phật tử thuần thành và hết lòng ủng hộ đạo pháp. Em gái của vua Ba-tư-nặc là một trong những bà vợ của vua Bình-sa (Bimbisara), xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Vì thế, có sự giao hảo tốt giữa 2 quốc gia lớn nhất của Ấn Độ thời bấy giờ.
Theo ông F.L. Woodward, dịch giả kinh điển Nikaya của hội Pali Text Society, trong 4 bộ thuộc tạng Kinh, có 871 bài kinh do Đức Phật giảng tại Xá-vệ: 844 bài tại Kỳ Viên, 23 bài tại Đông Các, và 4 bài tại các làng lân cận, được phân chia như sau:
- Trường bộ: 6 bài;
- Trung bộ: 75 bài;
- Tương ưng bộ: 736 bài; và
- Tăng chi bộ: 54 bài.
Ngày nay, Xá-vệ thuộc bang Uttar Pradesh, gần thị trấn Balrampur, cách thành phố Lucknow 120 km về phía đông bắc, và cách biên giới Nepal-Ấn Độ khoảng 40 km.
*************************************************************************************
THÀNH XÁ VỆ (SAVATTHI), NƠI ĐỨC PHẬT ĐÃ SỐNG 24 NĂM TẠI CHÙA KỲ VIÊN (JETAVANA VIHARA)
I. NGUỒN GỐC ĐỊA DANH CỦA THÀNH XÁ VỆ
Xá Vệ, từ Pali gọi “Savatthi” (tiếng Sanskrit: Sravasti), ngày nay thuộc hai ngôi làng rộng lớn có tên ghép đôi là Sahet-Mahet nằm trên bờ sông Rapti trong phần đất biên giới giữa hai quận Gonda và Bahraich, tiểu bang Uttar Pradesh miền bắc Ấn Độ, cách xa đường bộ khoảng 12 dặm (miles) phía tây thị trấn Balrampur (tiểu bang Uttar Pradesh).
Theo ngài Phật Minh (Buddhaghosa), nhà đại luận sư Phật giáo nổi tiếng của Ấn Độ (sinh vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch), thành phố được gọi tên “Savatthi” vì gốc chỗ này xưa kia là nơi nhà hiền triết Savattha sinh sống. Nhưng có tài liệu khác lại bảo rằng “Savatthi” phát xuất từ ngữ nguyên Pali “Sabbam-atthi” có nghĩa bóng là tại đó “dân chúng cần thứ gì đều tìm thấy” (everything was to be found there).
II. XÁ VỆ TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH (623 TRƯỚC TÂY LỊCH)
Theo nhà khảo cổ Anh quốc Alexander Cunningham và học giả Ấn Độ, ông Vishuddhanand Pathak, Xá Vệ thời xưa trước khi đức Phật ra đời là do vua Sravasta, con vua Yuvanasva thuộc chủng tộc Thái Dương (Solar race) kiến lập đầu tiên cho nên thành phố này được đặt tên Sravasti. Vào lúc ấy, Sravasti (hay Savatthi) là một phần đất của Ayodhya. Ngày nay Ayodhya là quận Oudh nằm về phía đông bắc tiểu bang Uttar Pradesh. Các học giả cho rằng Ayodhya thời cổ Ấn Độ là vương quốc của Rama theo Ấn Độ giáo (Hinduism).
Theo tài liệu ghi chép trong kinh sách của đạo Kỳ Na (Jainism), Ayodhya bấy giờ có diện tích chiều dài khoảng 12 yojanas hay do tuần (bằng 84 dặm) và rộng 9 do tuần (63 dặm). Ayodhya cũng được biết là kinh đô đầu tiên và Savatthi là kinh đô thứ ba và sau cùng của nước Kiều Tát La (Kosala).
III. XÁ VỆ VÀO THỜI ĐỨC PHẬT TẠI THẾ (623-543 TRƯỚC T. L.)
A. KINH ĐÔ CỦA VƯƠNG QUỐC KIỀU TÁT LA (KOSALA)
Trong hầu hết các kinh điển Phật giáo Nam tông (chép bằng tiếng Pali) hay Bắc tông (chép bằng tiếng Sanskrit), chúng ta thấy danh từ Pali “Savatthi” hay Sanskrit “Sravasti” được nhắc tới rất nhiều lần. Vào thời đức Phật tại thế, Xá Vệ (Savatthi) là kinh đô của nước Kiều Tát La (Kosala) dưới quyền trị vì của vua Pasenadi (Skt.:Prasenajit) hay Ba Tư Nặc. Vương quốc Kosala bấy giờ nằm về phía tây nam thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), kinh đô tiểu quốc Thích Ca (Sakya) – quê hương của đức Phật và hướng bắc của hai nước Ca Di (Kasi) và Ma Kiệt Đà (Magadha). Kosala cũng được sắp hạng thứ tư trong 16 tiểu quốc của Ấn Độ: 1. Ương Già (Anga); 2.Ma Kiệt Ðà (Magadha); 3.Ca Di (Kasi); 4.Kiều Tát La (Kosala); 5.Vajji; 6.Mạt La (Malla); 7.Ceti; 8.Vamsa; 9.Kuri;
10.Pancala; 11.Maccha; 12.Surasena; 13.Assaka; 14.Avanti; 15.Kiện Ðà La (Gandhara) và 16.Cam Bồ Quốc (Kamboja).
Sau này, Kiều Tát La (Kosala) gồm cà Kasi bị đánh chiếm sát nhập vào, là một trong những vương quốc hùng mạnh nhất Ấn độ, có chiều dài khoảng 300 yojanas hay do tuần (bằng 2,100 dặm) với 80.000 ngôi làng vừa lớn nhỏ. Riêng thủ đô Xá Vệ (Savatthi) của Kosala có 157.000 gia đình với dân số 70 triệu trên tổng số dân toàn vương quốc Kasi – Kosala là 180 triệu người. Vào thời ấy, Ca Tỳ La Vệ được biết cũng thuộc dưới quyền bảo hộ của Kosala (Xem “Kings Of Buddha’s Time” của Dr.Amritananda, trang 65, 66).
B. THỊ TRẤN KINH TẾ VÀ TRỤC GIAO THƯƠNG TRỌNG YẾU
Thời đức Phật tại thế, Xá Vệ (Savatthi) trở thành một trong 6 thị trấn kinh tế lớn và quan trọng nhất. Năm thành phố kia là: 1.Chiêm Bà (Campa), thủ đô của Ương Già (Anga - nay gần thị trấn Bhagalpur) thuộc tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ; 2.Vương Xá (Rajagriha), thủ đô của Ma Kiệt Đà (Magadha - nay là thành phố Rajir) quận Patna, tiểu bang Bihar; 3.Saketa, cách Savatthi 49 dặm trong nước Kiều Tát La (Kosala -nay thuộc quận Oudh) tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn; 4.Câu Đàm Di (Kausambi), kinh đô của Vamsa (tức làng Kosam ngày nay) cách 30 dặm hướng tây thị trấn Allahabad, tiểu bang Uttar Pradesh và 5.Baranasi, thủ đô của Ca Di (Kasi - nay là thị trấn Varanasi hay Ba La Nại) cách xa 6 dặm vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật thuyết pháp đầu tiên, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn.
Thời ấy, Xá Vệ (Savatthi) còn nổi tiếng là nơi quy tụ các thương gia giàu có với nhiều hãng xưởng kỹ nghệ phát triển khắp nơi. Nằm trên trục lộ giao thương chính, Xá Vệ trở thành một trung tâm xuất và nhập cảng trọng yếu nhất trong nước. Dưới đây chúng tôi ghi khoảng cách đường bộ từ Xá Vệ đến các thành phố chính khác trong và ngoài nước Kiều Tát La (Kosala) bấy giờ:
Xá Vệ (Savatthi) cách xa thị trấn Saketa khoảng 7 yojanas hay do tuần (bằng 49 dặm); Vương Xá (Rajagriha) 45 do tuần (315 dặm) và Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) 15 do tuần (105 dặm) v.v…
C. CÁC THIỆN NAM TÍN NỮ ĐƯỢC ĐỨC PHẬT HÓA ĐỘ TẠI THÀNH XÁ VỆ
Trong thời gian đức Thế Tôn trú tại chùa Kỳ Viên ở thành Xá Vệ, Ngài đã hóa độ rất nhiều người. Dưới đây là một số nhân vật trong các vị đó.
1. Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi)
Vua Ba Tư Nặc sinh cùng thời với đức Phật vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch, là con vua Mahakosala. Thuở nhỏ, ông ăn học ở Taxila (nay là thị trấn Rawalpindi thuộc Hồi quốc – Pakistan), một trung tâm giáo dục nổi tiếng thời xưa. Sau khi phụ hoàng mất, ông lên ngôi trị vì vương quốc Kiều Tát La (Kosala), đóng đô tại thành Xá Vệ (Savatthi). Một hôm, vua Ba Tư Nặc đến yết kiến, hỏi đức Phật về đạo lý, nhưng nhà vua thấy Ngài còn quá trẻ so với các vị giáo chủ khác, nên tỏ vẻ nghi ngờ rằng Ngài chưa hoàn toàn giác ngộ. Đức Phật hiểu ý đó bèn thuyết cho nhà vua nghe kinh Dahara trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-Nikaya) đại ý nói về tuổi trẻ như sau:
- “Tâu Đại Vương! Trên thế gian có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường và miệt thị. Một là hoàng tử mới sinh; hai là con rắn nhỏ; ba là tàn lửa cỏn con và bốn là vị Tỳ kheo còn trẻ”.
Ý đức Phật dạy rằng, tuy hoàng tử nay là hài nhi, nhưng ngày mai khôn lớn có thể trở thành đại vương thống trị thiên hạ; con rắn dù nhỏ hay lớn, người đi vô ý đạp phải có thể bị nó cắn chết; tàn lửa tuy cỏn con nhưng gặp gió to có thể bùng cháy lớn, thiêu trụi nhà cửa xóm làng; và vị Tỳ kheo tuy còn trẻ, nhưng biết tinh tấn tu hành, nghiêm trì giới luật, có thể chứng dắc Thánh quả. Nghe xong, vua Ba Tư Nặc liền giác ngộ bài pháp cao siêu của đức Thế Tôn và Ngài đã phát tâm xin quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng kể từ hôm đó. Sau này chính nhà vua là người đã hết lòng ủng hộ đức Phật trong việc truyền bá, phát triển Phật giáo cùng khắp vương quốc Kiều Tát La (Kosala).
2. Nàng Kisa Gotami
Kisa Gotami lập gia đình với con của một nhà triệu phú tại Xá Vệ. Nàng chỉ có duy nhất một đứa con nhưng không may, đứa trẻ đau bệnh chết sớm khi nó vừa tròn một tuổi. Quá khổ đau, nàng ẳm em bé chết lạnh trên tay đến gặp đức Phật và thưa rằng:
-“Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài từ bi cứu sống giùm đứa con thân yêu của con”.
Đức Phật bảo cô ta đi vào thành Xá Vệ xin một ít hạt cải nơi nhà nào xưa nay chưa có ai chết bao giờ và với nắm hạt cải đó Ngài sẽ có thể cứu sống lại đứa con của cô. Kisa Gotami vâng lời đi suốt ngày khắp thành Xá Vệ gõ cửa từng nhà để xin hạt cải, nhưng rồi cô ta thất vọng không xin được gì hết vì không có gia đình nào từ trước nay mà không có người thân qua đời. Cuối cùng, cô nhận thức được rằng mọi người ở thế gian hễ có sinh là có tử, không ai tránh khỏi được điều đó. Cô liền mang xác đứa nhỏ ra bỏ ngoài nghĩa trang và trở về gặp đức Phật để xin xuất gia làm Tỳ kheo ni. Đức Phật chấp thuận. Về sau, cô tinh tấn tu hành và chứng đắc Thánh quả.
3. Tên Cướp Ương Quật Ma La (Angulimala)
Angulimala là con ông Bhaggava và bà Mantani theo đạo Bà La Môn. Thời ấy, Bhaggava làm quốc sư cho vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La (Kosala). Vào đêm ông ra đời, tất cả những binh khí khắp nơi trong thành phố đều tự nhiên sáng rực lên nhưng không gây tổn hại cho ai; do đó, ông được cha mẹ đặt tên là “Ahimsaha” có nghĩa là “vô hại”. Lúc nhỏ, ông theo học trường ở Taxila (nay thuộc Hồi quốc). Vì quá thông minh, học hành xuất sắc được thầy tin cẩn nên bị chúng bạn ganh ghét muốn hại ông bằng cách gièm pha nói xấu Ương Quật Ma La với thầy dạy ông. Ông thầy tin lời đâm tức giận; và để trả thù, ông bảo Ương Quật Ma La phải đi giết người, mang đến nạp cho ông một ngàn ngón tay út ở bàn tay mặt của các nạn nhân để làm học phí trả tiền cho thầy. Mặc dù không vui, Ương Quật Ma La vẫn nghe lời thầy, đi vào rừng Jalini ở Kosala bắt đầu thực hiện việc sát nhân. Ông xâu ngón tay của những người bị giết làm thành chuỗi đeo trên cổ, vì vậy ông được người đời bấy giờ đặt tên “Angulimala” có nghĩa là “người mang vòng ngón tay”.
Dân chúng khắp nơi nghe tin sợ hãi bỏ xóm làng chạy trốn. Vua Ba Tư Nặc ra lệnh cho quân lính đi lùng bắt, nhưng không rõ Ương Quật Ma La ở đâu. Bà mẹ vì quá thương con nên đã đi tìm báo cho tên sát nhân biết. Vào lúc ấy, ông chỉ thiếu một ngón tay nữa là đủ số một ngàn. Thấy mẹ xuất hiện, tên cướp quyết tâm cầm dao đuổi theo để giết. Đức Phật muốn cứu độ Ương Quật Ma La khỏi phạm tội giết mẹ nên đã một mình đi vào rừng nơi tên cướp đang sống. Vừa nhìn thấy đức Phật đàng xa, ông dùng hết sức rượt đuổi theo nhưng vẫn không bắt kịp, mặc dù Ngài vẫn đi chậm rãi. Tức giận, tên cướp dừng lại và hét lớn:
- “Hãy dừng lại ông Sa Môn!”
Đức Phật từ tốn đáp:
- “Như Lai đã dừng bước còn Angulimala, con đã dừng bước chưa?”.
Tên sát nhân ngạc nhiên hỏi thêm:
- “Này ông Sa Môn, ông còn đi; chính tôi đã dừng. Ông lại bảo tôi đi ông dừng là nghĩa làm sao?”.
Đức Phật dịu dàng đáp:
- “Đúng vậy, Angulimala, Như Lai đã dừng bước, dừng mãi mãi. Như Lai đã dứt bỏ không còn gây tổn thương cho bất cứ sinh vật nào; còn chính ngươi vẫn đang tiếp tục sát hại đồng loại. Vậy Như Lai đã dừng còn ngươi thì chưa”.
Nghe xong, Ương Quật Ma La tức thì giác ngộ, liền quăng dao vào bụi, đến gần đảnh lễ, xin đức Phật quy y; và sau đó, theo Ngài xuất gia làm Tỳ kheo. Hay tin, vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La (Kosala) vui mừng như vừa thoát khỏi cơn đại nạn. Ông đến chùa Kỳ Viên tìm gặp thăm Tỳ kheo Angulimala để cúng dường y bát và mọi thứ. Nhà vua cũng đảnh lễ, tri ân đức Phật đã dùng đức độ từ bi cảm hóa được tên sát nhân khủng khiếp và mang lại sự an bình cho toàn dân trong nước. Sau này, Đại đức Angulimala rất tinh tấn tu hành và đã chứng đắc quả A La Hán.
D. ĐỨC PHẬT ĐẤU PHÉP THẦN THÔNG, HÀNG PHỤC LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO
Trong thời gian đức Thế Tôn trú tại Xá Vệ, một điều xảy ra khiến cho không những vua Ba Tư Nặc và dân chúng Kiều Tát La (Kosala) mà cả vua và nhân dân các nước lân bang đều khâm phục, xem như trọng đại nhất là việc đức Phật đã đấu phép thần thông, chiến thắng lục sư ngoại đạo mà sau này các học giả gọi biến cố ấy là “Miracle of Sravasti” (Việc kỳ diệu tại Xá Vệ).
Sử liệu chép rằng vua Ba Tư Nặc sau khi quy y Tam Bảo, hàng ngày thường đến viếng thăm đức Phật và thính pháp tại chùa Kỳ Viên. Một hôm do sự yêu cầu của nhóm lục sư ngoại đạo gồm các ông Phú Lan Na Ca Diếp (Purana Kassapa), Mạt Già Lê Câu Xá Ly Tử (Makkhali Gosala) v.v…, vua Ba Tư Nặc đến cầu thỉnh đức Phật nên đấu phép thần thông với bọn chúng. Ngài hoan hỷ nhận lời. Nhà vua ra lệnh sửa sang, treo cờ đèn, kết hoa, trang hoàng rực rỡ hội trường nơi diễn ra cuộc đấu phép.
Đến ngày khai diễn cuộc đấu, đức Phật và Lục Sư ra nơi ấy. Vua Ba Tư Nặc cùng vua các nước và dân chúng khắp nơi kéo về dự xem vô cùng đông đảo. Trong cuộc thi tài kéo dài đến hơn tuần lễ, đức Phật cuối cùng đã đánh bại hoàn toàn bọn lục sư ngoại đạo với nhiều phép thần thông mầu nhiệm.
Chẳng hạn, trong ngày đầu khi vua Ba Tư Nặc buổi sớm tinh sương dâng đức Phật một cành dương, Ngài dùng nó để đánh răng. Đánh xong, đức Phật nhổ nước miếng xuống đất, tự nhiên từ đất mọc lên cây cối xanh tươi rậm mát cao đến 500 do tuần (hay 3.500 dặm), sinh ra nhiều bông hoa to lớn bằng bánh xe và những trái cây hoàn toàn bằng thất bảo, vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não v.v… Từ nơi cây lại phát ra ánh sáng che khuất cả mặt trời, mặt trăng với hương thơm tỏa ngát cùng khắp. Mọi người đi dự đại hội lòng cảm thấy vui tươi nhẹ nhàng, ngồi im lặng để nghe từ những cành lá cây phát ra lời thuyết pháp và kết quả là tất cả ai nấy đều phát tâm tin kính ngôi Tam Bảo.
Ngày thứ hai, vua Ưu Điền (Udayana) thỉnh đức Phật cúng dường. Hôm ấy, đức Phật hóa ra đứng hai bên quả núi báu bằng vàng bạc có màu năm sắc rực rỡ. Trên núi cây cối mọc thành từng hàng, hoa quả tốt tươi và từ núi phát ra hương thơm ngào ngạt. Mọi người đi dự xem đại hội dùng trái cây cảm thấy thân thể an vui, tinh thần minh mẫn, dứt sạch khổ đau phiền não nên đã phát tâm tin kính Phật, Pháp, Tăng.
Có hôm, đức Phật dùng thần thông tạo ra giữa trời một con đường lớn và theo đường ấy Ngài từ từ đi xuống. Bữa nọ, đức Phật dùng thần thông dựng nên một cây xoài to lớn giữa hư không và đức Thế Tôn đã biến hóa tạo ra dưới gốc cây ấy có vô số chư Phật đang ngồi trên tòa sen với nước và lửa phun ra từ kim thân của các Ngài.
Đến ngày thứ tám, vua Đế Thích (Sakra) thỉnh Phật ngự trên tòa sư tử làm bằng bảo vật ở thiên cung và đem các món ăn ngon quý dâng cúng Phật giữa tiếng nhạc trời, tạo nên một bầu không khí khác hẳn trần gian. Đến nơi, Phật thăng tòa ngồi yên tĩnh, có vua Đế Thích và Phạm Vương (Brahma) đứng hầu hai bên tả hữu. Tất cả đại chúng yên lặng ngồi chờ đức Thế Tôn thuyết pháp và hiện thần biến cho xem. Lúc ấy, đức Phật dung nhan như vầng nhật nguyệt, hào quang sáng chói như núi vàng, miệng tươi cười như hoa nở, thuyết giảng âm thanh vang xa khắp thế giới đại thiên, muôn loài chúng sanh đều thấm nhuần chánh pháp.
Trong khi đức Phật cất cánh tay vàng, vịn xuống tòa ngồi, tự nhiên phát ra tiếng gầm lớn, vang động như sét đánh, mọi người đều giật mình run sợ. Bấy giờ, ở dưới tòa sư tử của Ngài nhảy ra năm vị Đại Thần Quỷ có mặt sắt da đồng với tiếng gầm như muôn sư tử thét, chạy xông lại kéo bọn Lục Sư xuống đất và đạp tòa ngồi gãy tan nát; tiếp đến thần Kim Cang Mật Tích (Vajrapani) tay cầm chày kim cương, trên đầu đầy lửa bốc cháy ngùn ngụt, xông lại đánh bổ vào đầu bọn Lục Sư. Lục Sư hoảng hồn vừa thẹn, vừa nhục bỏ chạy tán loạn bị thần Kim Cương rượt đuổi, cùng đường nên chúng đâm đầu xuống sông chết cả. Còn chín ức đồ chúng của nhóm Lục Sư trở lại theo Phật cầu xin làm đệ tử. Ngài từ bi dung thứ và thâu nhận. Đức Phật nói: “Thiện Lai Tỳ Kheo”. Nói xong, những người ấy đầu rụng hết tóc, áo trên mình biến thành áo cà sa, trở thành các vị Sa môn theo đức Thế Tôn tu hành, không bao lâu đều đắc quả A La Hán.
E. NHỮNG NGÔI CHÙA ĐẦU TIÊN THÀNH LẬP TẠI XÁ VỆ
1. Chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara)
Có thể nói rằng Xá Vệ thật sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến lúc bấy giờ là do bởi đức Phật đã chọn thị trấn này làm nơi thường trú hoằng pháp trong suốt 24 năm (từ 21-44) sau cùng trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Người đã góp phần công đức to lớn trong việc ủng hộ đức Phật truyền bá chánh pháp tại đây là cư sĩ Tu Đạt (Sudatta) một thương gia triệu phú giàu có và thường hay giúp đỡ cho những kẻ cô đơn nghèo khổ nên dân chúng địa phương tặng cho ông ta cái tên đặc biệt “Anathapindika” có nghĩa là “Cấp Cô Độc”. Sudatta là con ông phú hộ Sumana. Ông lập gia đình với bà Punnalakkhana có bốn con: một trai và ba gái.
Ông Cấp Cô Độc có phước được gặp đức Phật lần đầu tại thành Vương Xá (Rajagriha). Vương Xá lúc ấy là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) dưới quyền trị
vì của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) là nơi ông Cấp Cô Độc thường lui tới buôn bán. Một hôm, sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, ông phát tâm quy y Tam Bảo và liền đắc quả Tu Đà Hoàn (quả thứ nhất trong bốn quả Thánh). Hôm sau, ông Cấp Cô Độc thỉnh Phật và chư Tăng về nhà người bà con em vợ của ông, cũng là nhà triệu phú ở thành Vương Xá để cúng dường. Sau khi đức Phật thọ trai xong, ông Cấp Cô Độc ngõ ý muốn cung thỉnh Ngài cùng chúng Tăng năm tới về an cư kiết hạ tại thành Xá Vệ (Savatthi) và đức Phật hoan hỷ nhận lời.
Sau khi hoàn tất công chuyện làm ăn tại thành Vương Xá, ông Cấp Cô Độc liền trở về Xá Vệ để cùng với các bạn bè lo việc tổ chức đón rước đức Phật. Đầu tiên, ông đi tìm chỗ mua đất xây cất một ngôi chùa cúng dường cho đức Phật và chư Tăng khi đến có nơi thường trú để lo việc hoằng pháp. Sau khi đi thăm hỏi nhiều nơi, cuối cùng, ông Cấp Cô Độc chọn mua khu vườn rộng 32 mẫu Anh (acres) của thái tử Kỳ Đà (Jeta) con vua Ba Tư Nặc (Pasenadi). Ông đến gặp thái tử Kỳ Đà hỏi về giá cả. Thái tử bằng lòng bán với điều kiện tiền vàng của ông Cấp Cô Độc mang ra lát đến đâu thì nhận đất tới đó. Ông Cấp Cô Độc đồng ý như vậy. Khi khắp cả khu vườn trừ một khoảnh nhỏ, được ông Cấp Cô Độc lát hết bằng tiền vàng thì thái tử Kỳ Đà yêu cầu ông ngừng lại, vì thái tử muốn được góp phần công đức bằng cách tự mình xây cất một tinh xá trên mảnh đất ấy để cúng dường cho đức Phật hầu kết thiện duyên với Ngài. Theo kinh sách ghi chép, ông Cấp Cô Độc đã lấy hết tiền vàng trong kho ra trị giá đến 180 triệu (18 crores) đồng để mua khu vườn của thái tử Kỳ Đà (Jetavana) nói trên. Ông còn chi ra 180 triệu nữa cho công tác xây dựng ngôi chùa và 180 triệu đồng tiền vàng khác cho việc tổ chức lễ khánh thành. Ngôi chùa, sau khi hoàn tất dưới sự hướng dẫn kiến tạo của ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) được đặt tên là “Chùa Kỳ Viên” hay “Jetavana Vihara”.
Ngôi chùa ngoài hai tịnh thất chính Kosambakuti và Gandhakuti (Hương Thất), là nơi thường trú của đức Phật, còn có các phòng ở của chư Tăng, thiền đường, phòng họp, nhà bếp, nhà kho, buồng tắm, cầu tiêu, giếng nước, ao hồ, v.v… Có thể nói đây là ngôi chùa lớn, đầy đủ tiện nghi nhất đầu tiên được thiết lập tại kinh đô Xá Vệ (Savatthi). Thật vậy, chùa Kỳ Viên với nhiệt tâm tích cực hộ pháp của ông Cấp Cô Độc thời ấy đã góp phần to lớn vào công cuộc hoằng truyền chánh pháp của đức Phật tại vương quốc Kiều Tát La (Kosala). Đức Thế Tôn đã sống ở chùa này suốt 24 năm với hàng ngàn Tăng chúng và Ngài đã thuyết tại đây hàng nghìn bài kinh thuộc Nam lẫn Bắc tông quan trọng. Theo tài liệu ghi chép ở các kinh sách cho biết ngài Cấp Cô Độc (Anatthapindika) đã qua đời trước đức Phật và sau khi mất, nhờ phước lành xây cất ngôi chùa Kỳ Viên dâng cúng cho đức Thế Tôn mà ông được thác sanh lên cõi trời Đâu Suất (Tusita).
2. Chùa Ðông Phương (Pubbàrama)
Chùa Pubbàrama do tín nữ Visàkha giàu có thiết lập tại phía đông bắc chùa Kỳ Viên dưới sự hướng dẫn cố vấn của Đại đức Mục Kiền Liên. Visàkha sinh tại thành phố Bhaddiya xứ Anga (nay gần thị trấn Bhalgapur, tiểu bang Bihar, đông bắc Ấn Độ). Cô ta là con của ông Dhananjaya và bà Sumanà. Khi lên bảy tuổi, nhân một hôm nghe tin đức Phật đến Bhaddiya hoằng pháp, Visàkha cùng với đoàn người tháp tùng đông đảo đi trên 500 cổ xe ngựa đến yết kiến đức Phật. Lúc còn cách xa Ngài một khoảng, Visàkha đã xuống xe đi bộ đến đảnh lễ đức Thế Tôn và sau khi nghe Ngài thuyết pháp, Visàkha liền chứng quả Tu Đà Hoàn (Sotapanna).
Về sau, Visàkha theo cha mẹ đến lập nghiệp sinh sống tại Saketa (cách Xá Vệ 49 dặm) thuộc vương quốc Kiều Tát La (Kosala). Lớn lên, nàng lập gia đình với Pannavaddhana, con ông Migàra, một nhà triệu phú ở Xá Vệ theo đạo Kỳ Na (Jainism). Visàkha có tất cả 20 người con: mười trai và mười gái. Cô ta là một Phật tử rất có đạo tâm. Chiều nào cô cũng đến chùa Kỳ Viên viếng thăm đức Phật để nghe pháp. Mỗi ngày tại nhà cô thường cúng dường thọ trai cho ít nhất 500 vị Tăng. Ngoài ra, cô cũng phát tâm cúng dường y áo cho chư Tăng trong mùa an cư, thức ăn cho quý thầy từ xa đến tu học ở chùa Kỳ Viên, thuốc men cho các Tỳ kheo ốm bệnh, và giặt y áo cho các Sư Cô v.v…
Một hôm nọ, Visàkha từ chùa Kỳ Viên trở về nhà, cô ta sực nhớ bỏ quên chuỗi hạt ngọc quý trên chùa. Sau đó, Visàkha đến chùa tìm lại được chuỗi hạt nhưng cô không muốn giữ nó để dùng và cô đã phát tâm mang chuỗi hạt đi bán lấy một số tiền lớn mong có thêm tài chánh dùng vào việc xây cất chùa Ðông Phương (Pubbàrama) để dâng cúng cho đức Phật. Đây là ngôi chùa lớn thứ nhì sau chùa Kỳ Viên được xây cất hai tầng bằng gỗ và đá, gồm có 1,000 phòng, mỗi phòng đều có chạm trổ rất đẹp. Kinh sách ghi chép cho biết Visàkha đã bỏ ra 90 triệu đồng tiền vàng (9 crores) để mua đất và 90 triệu đồng khác cho việc kiến tạo ngôi chùa này. Đức Phật đã trải qua sáu mùa an cư tại đây và đôi khi ban ngày Ngài ở Kỳ Viên còn ban đêm Ngài về nghỉ ở chùa Pubbàrama hay ngược lại.
3. Chùa Salalagara và Ràjakàrama
Chùa Salalagara do vua Ba Tư Nặc thiết lập trong vườn của ông Cấp Cô Độc dùng làm phòng ở cho chư Tăng. Và theo lời khuyên của đức Phật, vua Ba Tư Nặc cũng đã truyền lệnh xây cất chùa Ràjakàrama tại phía đông nam thành Xá Vệ để làm nơi cư trú cho các Tỳ kheo ni do Ni sư Sumanà, chị của nhà vua lãnh đạo. Nhưng theo lời chú giải trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya) thì nguyên nhân thành lập ngôi chùa này được kể như sau:
“Các nhà sư ngoại đạo vì ganh ghét đức Phật có đông đảo quần chúng theo Ngài nên họ muốn xây dựng một ngôi chùa sát cạnh chùa Kỳ Viên để chia bớt ảnh hưởng. Vì sợ vua Ba Tư Nặc sẽ ngăn cấm việc làm đen tối này, họ mang 100.000 đồng đến biếu tặng cho nhà vua. Khi đức Phật hay biết ý đồ bất chính của họ và thấy họ đang chuẩn bị bắt đầu công việc xây cất, Ngài liền phái Đại đức A Nan đến gặp và yêu cầu vua Ba Tư Nặc ra lệnh cho các nhà sư ngoại đạo đình chỉ ngay việc kiến thiết ngôi chùa trên. Nhưng nhà vua đã từ chối không tiếp Đại đức A Nan cũng như các Đại đức Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất. Cuối cùng, đức Phật cùng với 500 Tỳ kheo vào cung điện gặp nhà vua. Vua Ba Tư Nặc cung kính đón tiếp Ngài và sau khi thọ trai do nhà vua cúng dường, đức Phật thuyết cho vua nghe mẩu chuyện tiền thân Bharu – Jataka (số 213) nói về tội lỗi và quả báo xấu xa đối với những ai sống ở đời thường hay nhận của hối lộ và tạo cơ hội gây gỗ tranh chấp giữa các nhóm người đạo đức tu hành. Nghe xong, vua Ba Tư Nặc hối hận về hành động sai quấy của mình nên đã ra lệnh trục xuất các nhà sư ngoại đạo kia đi nơi khác. Nhân dịp này, vua Ba Tư Nặc đã chỉ thị cho xây cất chùa Ràjakàrama ngay trên khu vực mà các tu sĩ ngoại đạo định thiết lập chùa trước kia”.
4. Chùa Andhavana
Chùa này nằm không xa hướng tây bắc chùa Kỳ Viên, nhưng không rõ ai đã kiến tạo nên, vì thiếu tài liệu. chỉ biết đây là nơi thường lui tới cư trú tu hành của các Sư cô (Tỳ kheo ni) ở thành phố Alavi, cách Xá Vệ (Savatthi) khoảng 30 do tuần (hay 210 dặm) và thị trấn Ba La Nại (Baranasi) 12 do tuần hay 84 dặm. Theo tập chú giải về “Phật
Chủng Thánh Kinh” (Buddhavamsa Commentary) thời ấy, Alavi là nơi quy tụ thường trú của rất đông chư Tăng, đệ tử của đức Phật. Vào năm thứ 16 sau khi Thành Đạo, đức Thế Tôn cũng đã nhập hạ an cư tại thành phố này và thuyết pháp cho 84.000 người nghe. (Theo A.Cunningham, ngày nay Alavi được xác nhận là thị trấn Newal trong quận Urao, tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ). Ngoài ra, chùa Andhavana cũng là nơi dành cho chư Tăng Ni tại Xá Vệ đến tu niệm hay ngồi thiền v.v…
5. Chùa Mallikàràma
Chùa này do Mạt Lợi Phu Nhân (Mallika), chánh hậu của vua Ba Tư Nặc thiết lập với mục đích giúp phương tiện có chỗ cho các Tăng sĩ, đạo sư đến hội họp trao đổi ý kiến, thảo luận về giáo lý đức Phật với học thuyết của các đạo giáo khác đương thời.
F. NHỮNG BÀI KINH VÀ LUẬT GIỚI DO ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA KỲ VIÊN Ở XÁ VỆ
Theo các học giả Ấn Độ và Tây phương, về phương diện lịch sử truyền bá Phật giáo thời đức Phật còn tại thế, Xá Vệ (Savatthi) của nước Kiều Tát La (Kosala) chiếm một vị thế quan trọng thứ nhì sau vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) với thủ đô đóng tại thành Vương Xá (Rajagriha). Thực vậy, phần lớn các bộ kinh, giới luật của chư Tăng Ni quan trọng thuộc Nam và Bắc tông Phật giáo đã được đức Phật thuyết giảng tại chùa Kỳ Viên ở Xá Vệ. Trong khuôn khổ giới hạn của bài này không cho phép chúng tôi viết đầy đủ chi tiết nội dung tất cả các kinh điển và giới luật ấy, mà chỉ trình bày lược tóm đại cương một số các kinh hay luật giới căn bản đã do đức Thế Tôn nói hay chế đặt ra trong thời gian suốt 24 năm Ngài sống hoằng pháp tại chùa Kỳ Viên, thành Xá Vệ.
Theo “The Book of Kindred Saying” (Tương Ưng Bộ Kinh) bản dịch Pali ra Anh văn của học giả F.L.Woodward (1871-1952) ghi chép cho biết đại khái là trong số hàng ngàn bài kinh mà đức Phật thuyết giảng thì hết 871 kinh đã được Ngài thuyết ở Xá Vệ: 844 kinh tại chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara); 23 kinh tại chùa Pubbàrama và 4 kinh tại các nơi lân cận. Những kinh này được chia ra như sau: 6 kinh thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya); 75 kinh thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya); 736 kinh thuộc Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya) và 54 kinh thuộc Tăng Nhất Bộ Kinh (Anguttara Nikaya). Theo học giả Ấn Độ D.Kumar Barua, đức Phật đã thuyết tại chùa Kỳ Viên 416 mẩu chuyện tiền thân (Jatakas), thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) nói về những kiếp quá khứ khi Ngài còn tu hạnh Bồ Tát bố thí cũng như hàng trăm câu chuyện đạo lý trong kinh Pháp Cú (Dhammapada), thuộc Tiểu Bộ Kinh. Thêm nữa, phần lớn những giới luật của Tỳ Kheo trong tập Giới Bổn (Patimokkha) đã do đức Phật thuyết giảng chế đặt ra khi Ngài ở chùa Kỳ Viên và Ðông Phương (Pubbàrama) tại Xá Vệ.
IV. XÁ VỆ QUA CÁC THỜI ĐẠI SAU NGÀY ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN (543 TRƯỚC T. L.)
Sử liệu về Xá Vệ sau ngày đức Thế Tôn diệt độ rất thiếu sót nên chúng ta không biết nhiều về sinh hoạt của Phật tích này vào các thế kỷ sau đó cho đến thời đại của vua A Dục, thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch.
A. XÁ VỆ THỜI VUA A DỤC- ASOKA (273-232 TRƯỚC T. L.) THUỘC VƯƠNG TRIỀU MAURYA (322-185 TRƯỚC T. L.)
Sau khi quy y Phật giáo, vua A Dục đã đi chiêm bái hầu hết các Phật tích trong đó có chùa Kỳ Viên ở Xá Vệ vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Sách Tây Du Ký (Si Yu Ki) của ngài Huyền Trang, danh tăng Trung Hoa, đến viếng Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7 sau Tây lịch, ghi chép rằng vua A Dục đã cho xây hai trụ đá, mỗi trụ cao 70 feet ở hai bên phải và trái nơi cổng vào phía đông của chùa Kỳ Viên. Một trụ trên đó có xây bánh xe pháp và trụ kia tượng hình con bò. Nhà vua cũng cho dựng tại đây một ngọn tháp để thờ xá lợi đức Phật sát cạnh cái giếng xưa kia đức Thế Tôn thường đến múc nước dùng và những nơi Ngài ngồi thuyết pháp hoặc đi kinh hành. Kinh sách còn ghi chép vua A Dục đã cung kính lễ bái trước những tháp xá lợi của các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp và A Nan.
B. XÁ VỆ DƯỚI TRIỀU ĐẠI SUNGA (185-73 TRƯỚC T. L.)
Brihadratha, vị vua cuối cùng thuộc vương triều Maurya trị vì xứ Magadha- Ma Kiệt Đà (nay gồm hai quận Gaya và Patna, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ), bị tướng Pushyamitra sát hại năm 185 trước Tây lịch dẫn đến sự cáo chung của triều đại Maurya (322-185 trước T. L.). Sau đó Pushyamitra lên ngôi (trị vì: 185-147 trước T. L.) lập nên vương triều Sunga kéo dài 112 năm (185-73 trước T. L.).
Theo tài liệu ghi chép ở tập Mahavamsa (Đại Sử của Tích Lan, do Đại đức Mahanama viết vào thế kỷ thứ 5 hay 6 sau tây lịch) cho biết vào thời kỳ này, sinh hoạt Phật giáo tại Xá Vệ (Savatthi) vẫn còn tiếp tục. Bấy giờ, Thượng tọa Piyadassi đã hướng dẫn một phái đoàn gồm 1.000 chư Tăng (có sách nói 60.000) từ chùa Kỳ Viên sang Tích Lan dưới triều vua Duttha- Gamani (101-77 trước T. L.) để dự lễ khánh thành một ngôi đại tháp (Mahathupa).
C. XÁ VỆ DƯỚI VƯƠNG TRIỀU KUSHANS (48-220)
Sử liệu ghi chép các vua đầu tiên của triều đại Kushans như Kanishka (Ca Nị Sắc Ca, trị vì 78-101); Vasishka (102-106) và Huvishka (106-138) đều ủng hộ Phật giáo nên các chùa tháp tại vườn ông Cấp Cô Độc vào thời kỳ này đã được trùng tu. Một số chùa tháp mới được xây cất thêm mà di tích của chúng hiện còn đến ngày nay. Nhà khảo cổ A.Cunningham cũng đã tìm thấy tại đây một pho tượng Phật rất lớn được tạc làm ra ở Mathura (miền tây tiểu bang Uttar Pradesh, phía bắc Ấn Độ) do Đại đức Bala dâng cúng. Trên pho tượng này có khắc mấy dòng chữ Brahmi, cổ ngữ Ấn Độ, cho chúng ta biết giáo phái Nam Tông Phật Giáo Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin) rất được thịnh hành, phát triển tại Xá Vệ vào thế kỷ thứ nhất sau tây lịch. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy trong vườn ông Cấp Cô Độc (Jetavana) một tượng Bồ tát đứng thuộc triều vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka) hoặc Huvishka nói trên và một pho tượng Phật, Ngài ngồi trên tòa sư tử với tay bắt ấn Vô Úy (Abhaya-mudra) do Sihadeva ở thị trấn Saketa (cách Xá Vệ 49 dặm) dâng cúng.
D. XÁ VỆ DƯỚI VƯƠNG TRIỀU GUPTAS (320-570)
Sử liệu ghi chép cho thấy rằng sinh hoạt Phật giáo tại Xá Vệ bắt đầu suy thoái dưới triều Guptas. Một số đền chùa Bà la môn đã mọc lên thay thế cho các chùa tháp Phật giáo bị đổ nát. Trong thời kỳ này, danh Tăng Trung Hoa đầu tiên sang Ấn Độ hành hương chiêm bái vào những năm 399-414 là ngài Pháp Hiển (Fa Hien) dưới các triều vua Guptas như Chandragupta II (375-413) và Kumara Gupta (413-455). Ngài đến thăm chùa Kỳ Viên ở Xá Vệ khoảng vào năm 407 sau tây lịch và đã diễn tả trong tập ký sự của Ngài về sinh hoạt Phật giáo ở thánh địa này bấy giờ như sau:
“Từ nơi đây đi về hướng nam sáu do tuần (hay 42 dặm), chúng tôi đến thành Xá Vệ (Sravasti) trong vương quốc Kiều Tát La (Kosala); tại đây, dân chúng ở cách xa nhau và thưa thớt, tổng cộng có khoảng 200 gia đình. Chúng tôi thấy các di tích: kinh thành xưa kia vua Ba Tư Nặc trị vì, ngôi chùa của bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Maha-Prajapati); cái giếng cũng như bức tường ngôi nhà của ông trưởng giả Cấp Cô Độc (Sudatta); nơi Đại đức Ương Quật Ma La (Angulimala) đắc quả A la hán và thân thể Ngài được hỏa thiêu khi nhập diệt. Những ngôi chùa xây dựng ngày xưa hiện nay vẫn còn. Các tu sĩ Bà la môn vì khác tôn giáo nên sanh lòng ganh ghét và muốn phá hủy các chùa trên…nhưng họ không thể thực hiện được.
“Từ trong thành đi ra theo hướng cổng phía nam và không xa đó, chúng tôi thấy ngôi chùa Kỳ Viên do ông Cấp Cô Độc xây cất, mặt quay về hướng nam. Khi chùa mở cửa nhìn ra sẽ thấy hai trụ đá hai bên, trên đỉnh trụ đá bên trái có một bánh xe pháp luân, và tượng hình con bò trên đỉnh trụ đá bên phải. Chúng tôi cũng thấy hai bên phải và trái ngôi chùa có những ao nước sạch và trong, với các lùm cây luôn luôn xanh tươi và nhiều hoa đủ loại, tạo thành một cảnh trí thật đáng yêu…
“Chùa Kỳ Viên nguyên thỉ có bảy tầng. Các vua chúa và dân chúng thi đua đến cúng bái, treo cờ, phướng bằng lụa, kết hoa, đốt hương và thắp đèn tạo cho cảnh chùa về đêm cũng sáng sủa rực rỡ như ban ngày. Họ làm như vậy liên tục ngày nọ qua ngày kia. Hình như bữa nọ, có một con chuột ngậm nơi miệng cái tiêm bấc đèn còn đỏ chạy vướng mấy lá cờ và phướng gây hỏa hoạn thiêu rụi cả ngôi chùa bảy tầng. Các vua quan và dân chúng tất cả đều buồn rầu, đau khổ nghĩ rằng pho tượng Phật bằng gỗ trầm cũng cháy luôn; nhưng bốn năm ngày sau, khi mở cửa ngôi chùa nhỏ ở phía đông người ta lại thấy pho tượng còn trong đó. Mọi người ai nấy đều vui mừng, chung nhau lo tu bổ lại chùa Kỳ Viên. Khi chùa sửa chữa xong được hai tầng, người ta thỉnh pho tượng Phật nơi chùa nhỏ nói trên về lại chỗ cũ ở chùa Kỳ Viên.
“Khi ngài Pháp Hiển và Tao Ching đầu tiên đến thăm chùa Kỳ Viên, họ tưởng nghĩ tới đức Thế Tôn xưa kia đã sống tại đây 25 năm, tâm trí họ cảm thấy đau buồn. Sinh ra ở một nước láng giềng, họ cùng với những người bạn khác đã du hành qua nhiều vương quốc; vài người trong số đó đã trở về bổn xứ quê hương, có người đã qua đời, cho thấy cuộc sống thế gian là không chắc thực và vô thường; và ngày nay họ được nhìn thấy nơi xưa kia đức Phật đã sống, nhưng bây giờ thì Ngài không còn. Lòng họ cảm thấy xót xa và một số đông chư Tăng chạy đến hỏi họ từ đâu đến. Họ trả lời: Từ nước Hán. Các vị Sư ngạc nhiên nói: Kỳ lạ, quý vị từ nước láng giềng lại có thể đến đây để tìm cầu học Đạo. Rồi họ nói với nhau: ‘Từ trước nay, chúng ta, giáo sư lẫn chư Tăng chưa bao giờ thấy những người nước Hán theo Phật giáo đến đây’.
Cách xa khoảng bốn lý (hay 12 dặm) về phía tây bắc chùa Kỳ Viên, chúng tôi đến một khu rừng gọi là ‘Con mắt sáng lại’ (Getting of Eyes). Trước kia có 500 người mù muốn sống ở đây để được gần chùa. Nhờ tin tưởng nghe đức Phật thuyết pháp mà mắt họ được sáng lại. Với lòng tràn ngập niềm vui, họ cắm những chiếc gậy dò đường của họ xuống đất và cúi xuống nền đất lạy Phật. Những cây gậy này tức thì bắt đầu mọc lên và trở thành to lớn. Dân chúng không ai dám đốn hạ, khiến chúng cao thành rừng. Bằng vào sự việc xảy ra như thế, người ta đã đặt tên cho khu rừng; và phần đông chư Tăng chùa Kỳ Viên, sau khi thọ trai buổi trưa xong, họ vào trong rừng ấy để ngồi thiền.
“Khoảng sáu lý (18 dặm) hay bảy lý (21 dặm) cách xa hướng đông bắc khu vườn của thái tử Kỳ Đà (Jetavana) bà Visàkha dựng một ngôi chùa khác và cung thỉnh đức Phật cùng chư Tăng về trú tại đó, hiện nay ngôi chùa vẫn còn thấy. Tại mỗi tinh xá lớn dành cho chư Tăng ở chùa Kỳ Viên có hai cái cổng vào, một cái đối diện hướng đông, còn cái kia quay ra phía bắc. Toàn thể khu vườn mà ông Cấp Cô Độc đã trả mua bằng cách lát tiền vàng trên mặt đất, chùa Kỳ Viên được xây ngay chính giữa. Tại đây, đức Phật đã thường trú lâu hơn các nơi khác để thuyết pháp và hóa độ cho mọi người. Bên ngoài cổng phía đông của chùa Kỳ Viên cách xa khoảng 175 feet về hướng bắc là nơi đức Phật đã tổ chức một cuộc tranh biện với 96 đạo sư chấp theo tà kiến với đông đảo người đến dự nghe gồm có nhà vua, các đại thần và dân chúng. Khi ấy, một phụ nữ tín đồ của một trong các giáo phái ngoại đạo nói trên tên Chiến Già (Cinca-manavika) do lòng ganh ghét xúi giục, cô ta lấy nhiều vải độn nơi bụng giả giống như người đàn bà mang thai đến phỉ báng mạt sát đức Phật trước mặt toàn thể đại chúng bảo rằng Ngài đã lấy cô ta. Thấy vậy, Đế Thích, vua các cõi Trời cùng với các vị Thiên Thần khác cải dạng hóa thành mấy con chuột trắng đến cắn sợi giây quanh lưng, tức thì những mảnh giẻ nơi bụng cô rơi xuống đất. Lúc bấy giờ mặt đất nứt ra, cô ta bị đọa vào cảnh địa ngục. Về sau, người ta dựng tháp tại đây để ghi dấu nơi đã xảy ra sự việc này…”
Trích “Fa Hien’s Record of Buddhistic Kingdoms”, Translate of Chinese Text by Jame Legg, San Francisco, 1975 (“Ký sự về các vương quốc Phật giáo” của ngài Pháp Hiển) Chương XX, trang 55, 56, 57, 58, 59 và 60.
E. XÁ VỆ DƯỚI TRIỀU ĐẠI VUA HARSHA – VARDHANA (606-647)
Ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang), dang Tăng Trung Hoa thứ hai sang hành hương Ấn Độ vào nhưng năm 629-645 dưới triều vua Harsha-Vardhana (606-647) đóng đô tại Kanauj (nay thuộc quận Farrakhabad, tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn). Ngài đến thăm Xá Vệ khoảng vào năm 637-638 và qua tài liệu ghi chép trong Tây Du Ký (Si Yu Ki) của ngài Huyền Trang cho chúng ta thấy tổng quát cảnh trí điêu tàn ở Xá Vệ cũng như sự sa sút của Phật giáo bấy giờ tại đây như sau:
“Vương quốc Xá Vệ (Sravasti) có chu vi rộng khoảng 6,000 lý (hay 18,000 dặm). Thành phố chính trông vắng vẻ và điêu tàn… Di tích các bức tường bao quanh hoàng cung có chu vi rộng 20 lý (60 dặm). Mặc dù hầu hết đã đổ nát, nhưng vẫn còn có một ít dân cư sinh sống. Ngũ cốc trồng dồi dào. Khí hậu mát mẻ và dễ chịu; tính tình dân chúng hiền lành và ngay thẳng. Họ thích học hỏi và hâm mộ tôn giáo. Có hàng trăm Tăng xá, phần lớn đã đổ nát với rất ít tín đồ, họ nghiên cứu về giáo phái Tiểu Thừa Chánh Lượng Bộ (Samatiya). Chúng tôi cũng thấy có 100 ngôi đền Ấn Độ giáo với nhiều đạo sĩ. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, đây là thủ đô của vương quốc do vua Ba Tư Nặc trị vì.
Bên trong nội thành của thủ đô này, chúng tôi thấy một nền gạch cũ, đây là di tích cung điện của vua Ba Tư Nặc. Không xa nơi này về hướng đông là một cái nền đổ nát khác, trên đó xây một ngọn tháp nhỏ ghi dấu di tích ngôi đại giảng đường do vua Ba Tư Nặc thiết lập để dâng cúng cho đức Phật. Không xa cạnh đó là một ngọn tháp ghi dấu chỗ xưa kia vua Ba Tư Nặc đã xây một ngôi chùa dành cho Ni Sư Ba Xà Ba Đề (Prajapati), di mẫu của đức Phật. Về hướng đông của chùa này là ngọn tháp ghi dấu di
tích ngôi nhà của ông Cấp Cô Độc. Cạnh đó là một đại tháp ghi dấu nơi đức Phật đã cứu độ cho tên sát nhân Ương Quật Ma La (Angulimala).
… “Về phía nam kinh thành cách xa 5 lý (15 dặm) hay 6 lý (18 dặm) là khu vườn của thái tử Kỳ Đà (Jetavana). Đây là nơi ông Cấp Cô Độc, đại thần của vua Ba Tư Nặc xây cất chùa Kỳ Viên cho đức Phật. Trước kia tại đây có nhiều tinh xá nhưng hiện nay tất cả đều suy tàn. Tại mỗi bên phải và trái cổng thành phía nam, chúng tôi thấy một trụ đá cao 70 feet, phần dưới của trụ đá bên trái có khắc một bánh xe pháp và trên đỉnh của trụ đá bên mặt có tạc hình tượng một con bò. Cả hai trụ đá này do vua A Dục dựng nên. Những phòng ở của chư Tăng hầu hết đã bị tàn phá; chỉ còn lại duy nhất có một cơ sở bằng gạch đứng trơ trọi một mình giữa cảnh đổ nát bên trong có đặt một pho tượng Phật.
Xưa kia vào lúc đức Thế Tôn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu (hoàng hậu Ma Gia), sau khi được tin vua Ưu Điền (Udayana) ra lệnh cho thợ khắc một pho tượng Phật bằng gỗ trầm nên vua Ba Tư Nặc đã cho làm pho tượng Phật nói trên… Ngài Cấp Cô Độc, khi nhận biết đức Phật là đấng có nhiều phước đức, ông ta hết lòng tôn kính đã phát tâm kiến lập ngôi chùa Kỳ Viên để dâng cúng cho Ngài… Đức Phật dạy Đại đức A Nan: Đất đai trong vườn ông Cấp Cô Độc mua, cây cối thì của thái tử Kỳ Đà dâng cúng. Cả hai đều có đạo tâm, đáng được tán dương công đức. Vậy từ nay, chỗ này nên đặt tên là rừng cây của thái tử Kỳ Đà và vườn của ông Cấp Cô Độc.
“Về hướng đông bắc khu vườn của ông Cấp Cô Độc, chúng tôi thấy có một ngọn tháp ghi dấu nơi đức Phật đã tắm rửa cho một Tỳ kheo bị ốm đau. Xưa kia, khi đức Thế Tôn còn tại thế, có một Tỳ kheo sống biệt lập một nơi vắng vẻ. Ngài gặp thấy và hỏi: Con có việc gì buồn phiền không mà sống như vậy. Ông ta đáp: Bản tánh con biếng nhác, ít khi nghĩ tưởng đến ai và không thích giúp đỡ người đau ốm cho nên giờ đây con bị bệnh, không ai chăm sóc cho con cả. Đức Phật động lòng từ bi, an ủi vị Tỳ kheo và nói: Này con, Như Lai sẽ chăm sóc cho con. Và Ngài cúi xuống lấy bàn tay sờ vào thân thể vị Tăng, tức thì ông ta lành bệnh. Xong, đức Phật dắt nhà Sư ra ngoài cửa, lấy chiếu sạch trải ra và tự tay Ngài tắm rửa, thay quần áo mới cho vị Tăng. Đức Phật lại khuyên: Từ nay con hãy siêng năng, tinh tấn tu hành. Nghe vậy, vị Tỳ kheo hối hận về sự giải đãi biếng nhác của mình, lòng vô cùng xúc động, vui sướng cám ơn đức Phật và đi theo Ngài.
… Không xa nơi trên là một giếng nước, khi đức Phật còn tại thế, Ngài thường múc nước này để dùng. Cạnh đó là nơi đức Thế Tôn thường đi kinh hành và ngồi thuyết pháp. Để ghi dấu hai chỗ này, vua A Dục đã cho dựng một trụ đá và ngọn tháp… Không xa phía sau chùa Kỳ Viên là nơi các tu sĩ ngoại đạo đã ám sát một cô gái giang hồ để vu oan giá họa cho đức Phật là thủ phạm đã giết cô ta. Vào thời ấy, vì thấy đức Phật có mười phép thần thông, đầy đủ trí tuệ, được người, Trời, các bậc Thánh Hiền tôn kính nên các đạo sĩ theo tà giáo này đã bàn bạc với nhau: Chúng ta nên tìm cách bôi xấu, vu khống đức Phật trước đại chúng. Họ âm mưu mua chuộc cho tiền cô gái điếm, bảo cô ta đến chùa Kỳ Viên nghe đức Phật thuyết pháp để Tăng chúng biết sự có mặt của cô. Sau đó họ mang cô đi giết bí mật và chôn xác cô cạnh một gốc cây rồi giả vờ tức giận về biến cố đã xảy ra và đi báo cáo cho vua Ba Tư Nặc biết. Nhà vua ra lệnh cho người đi điều tra và tìm thấy xác chết của cô gái chôn sau vườn của ông Cấp Cô Độc. Vừa lúc ấy, các đạo sĩ theo tà giáo hô hoán lên rằng: Ông Sa môn Cồ Đàm xưa nay thuyết giảng khuyên mọi người sống đạo đức và tu hành, giờ đây ông ta lén lút ăn nằm với cô gái điếm rồi giết cô ta để bịt miệng thế gian. Rõ ràng ông Cồ Đàm đã phạm tội thông dâm và giết người như vậy thì đạo đức và thanh tịnh cái nỗi gì!. Tức thì chư Thiên ở các cõi Trời đồng thanh phát biểu và nói lớn: Đó là âm mưu vu khống đức Phật của các đạo sĩ theo tà giáo.
“Cách xa chùa Kỳ Viên 250 feet về hướng đông có một cái rảnh lớn và sâu, đây là chỗ Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) âm mưu dùng thuốc độc ám hại đức Phật, bị rơi xuống địa ngục… Một hôm, Đề Bà Đạt Đa ganh ghét đức Phật, lấy thuốc độc bôi vào các móng tay với ý định ám sát đức Thế Tôn khi ông đến gần đảnh lễ Ngài. Nhằm thực hiện âm mưu này, Đề Bà đã vượt một khoảng đường xa để tới nơi trên; nhưng khi Đề Bà đến, mặt đất nứt ra và ông ta liền bị đọa vào địa ngục… Cách 175 feet về phía đông chùa Kỳ Viên là một ngôi chùa khác cao 60 feet bên trong có thờ một pho tượng Phật với tư thế Ngài ngồi kiết già và mặt nhìn ra hướng đông. Đây là nơi khi xưa đức Thế Tôn còn tại thế thường hay ngồi thuyết giảng tranh luận với hàng tu sĩ ngoại đạo”.
Trích “Buddhist Record of the Western World (Si Yu Ki)”, Translated from the Chinese of Hiuen Tsang by Samuel Beal, Delhi 1969 (“Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang), Quyển VI, trang 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10.
F. XÁ VỆ TỪ THẾ KỶ THỨ 8 ĐẾN VƯƠNG TRIỀU GAHADAVALA (1104-1194)
Không lâu sau thời kỳ ngài Huyền Trang đến chiêm bái Ấn Độ, sinh hoạt Phật giáo tại Xá Vệ (Savatthi) bắt đầu có phần phục hưng. Nhiều con dấu, hình tượng đức Phật và Bồ tát Quán Thế Âm trên đó có khắc cổ ngữ Ấn Độ thuộc hai thế kỷ thứ 8 và 9 sau tây lịch đã được tìm thấy tại khu vực Xá Vệ. Các hoạt động tại đây vẫn tiếp tục được duy trì mãi đến giữa thế kỷ 12 nhờ sự ủng hộ của vương triều Gahadavala (1104-1194) gồm các vua Madanapala và con ông ta là Govinda Chandra (1114-1154) trị vì xứ Kanauj (nay gồm phần lớn của hai tiểu bang Uttar Pradesh thuộc miền bắc, và Bihar, đông bắc Ấn Độ). Nhiều tấm chữ khắc tạo tác dưới các triều vua này đã được tìm thấy tại khu vực chùa Kỳ Viên.
Một bản khắc đề năm 1119 cho biết rằng ông Vidyadhara đại thần của vua Madanapala thời ấy đã cúng tiền để thiết lập một cảnh chùa tại vườn ông Cấp Cô Độc. Một bản khắc khác có đóng dấu của vua Govinda Chandra đề ngày 23-06-1130 ghi nhận rằng do sự phát tâm thúc đẩy của hoàng hậu Kumaradevi, một Phật tử nhiệt thành, vợ vua Govinda Chandra, triều đình bấy giờ đã hiến cúng 6 ngôi làng xung quanh Xá Vệ cho Đại đức Buddhabhattaraka và chư Tăng đang trú ở chùa Kỳ Viên.
G. XÁ VỆ TỪ THẾ KỶ 13 ĐẾN 18
Sau thế kỷ thứ 12 kể từ khi Ấn Độ bị quân Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ sang xâm lăng vào những năm 1193-1203 các thánh tích như Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), vườn Lộc Uyển (Sarnath) v.v…đã bị quân Hồi giáo tàn phá. Xá Vệ (Savatthi) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì chiến tranh và chính sách cai trị khắc nghiệt tàn ác của ngoại nhân. Xá Vệ bắt đầu trên đà suy thoái; dân chúng và chư Tăng vì sự an toàn, lần lượt đã rời bỏ nơi đây, di tản tìm đến sinh sống tại các vùng bình yên xa xôi khác. Vì thế, Xá Vệ ngày càng vắng vẻ, ít người lui tới thăm viếng lâu ngày trở thành cảnh hoang tàn; các di tích chùa tháp theo thời gian biến đổi bị vùi lấp chôn sâu trong rừng rậm bao la trùng điệp. Từ đó, lịch sử Xá Vệ cũng bắt đầu đi vào lãng quên không còn ai nhắc tới.
H. XÁ VỆ TỪ THẾ KỶ 19 ĐẾN NGÀY NAY
1. Công tác nghiên cứu Xá Vệ đầu tiên
Sau một thời gian dài 6 thế kỷ (từ 13 đến 18) bị thế nhân quên lãng đến hậu bán thế kỷ 19, di tích thành phố cũ Xá Vệ (Savatthi) của vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), nay có tên ghép là Sahet-Mahet, đầu tiên được khám phá bởi nhà khảo cổ Anh quốc, ông Alexander Cunningham (1814-1893). Ông ta đào bới một vài gò đất và phát hiện ra di tích vườn ông Cấp Cô Độc (Jetavana) tức làng Sahet hiện nay vào năm 1863. Trong khi khai quật di tích ở Sahet, ông tìm thấy một pho tượng Phật lớn do Đại đức Bala dâng cúng (đã nói đến trước kia) tại nơi tịnh thất Kosambakuti trong khu vực chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara). Ông cũng tìm ra gần tịnh thất Kosambakuti về hướng bắc, tịnh thất Gandhakuti (hay Hương Thất) của đức Phật. Đây là tịnh thất nổi tiếng và quan trọng nhất, vì chính nơi này đức Thế Tôn xưa kia đã thường trú 24 năm tại Xá Vệ. Năm 1876, ông Cunningham tổng kết những công tác đào bới và ghi nhận tìm thấy được tất cả 16 di tích chùa tháp trong vườn của ông Cấp Cô Độc.
2. Những công trình khám phá Xá Vệ của các nhà khảo cổ Anh quốc và chính phủ Ấn Độ
Năm 1875-1876, Dr.Hoey hướng dẫn công cuộc đào bới kinh thành Xá Vệ (nay tức làng Mahet) với sự tài trợ của chính quyền quận Balrampur (thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn). Ông tìm ra nhiều tượng của Kỳ Na Giáo (Jainism) và các di tích khác vì Xá Vệ (Savatthi) vào thời Trung Cổ cũng là trung tâm của đạo Kỳ Na. Dr, Hoey tiếp tục công cuộc khảo cứu đến năm 1875-1876, ông phát hiện tìm được 34 di tích chùa tháp tại đây. Ngoài ra, ông cũng đào thấy nhiều cổ vật gồm có tượng Phật, những tấm chữ khắc (inscriptions), con dấu và đồng tiền bằng đất nung; tất cả những cổ vật này hiện trưng bày tại bảo tàng viện ở Lucknow, thủ đô của tiểu bang Uttar Pradesh.
Sau đó, chương trình khai quật di tích Xá Vệ được tiếp nối bởi các nhân viên Viện Khảo Cổ của chính phủ Ấn Độ như J.Ph.Vogel, John Marshall (1870-1958) và Daya Ram Sahni vào những năm 1907-1908 và 1910-1911. Người ta đã tìm thấy tại Mahet hơn 300 bức tượng nhỏ bằng đất nung thuộc triều đại Guptas (320-570).
3. Những đóng góp trùng tu, phát triển thánh tích Xá Vệ của chư Tăng, Phật tử Trung Hoa, Tích Lan và Miến Điện
Trong vòng gần 50 năm trở lại đây, các Phật tử đầu tiên nghĩ đến công tác trùng tu và phát triển Phật tích Xá Vệ là người Trung Hoa và Miến Điện. Do đề nghị của Thượng tọa người Miến U.Chandramani ở Câu Thi Na (Kusinara), một ngôi chùa và lữ quán (Dharmasala) đầu tiên đã được xây cất tại Xá Vệ bởi hai nữ Phật tử người Miến. Tiếp đến Đại đức Ren Chen, người Trung Hoa thành lập một ngôi chùa Tàu với ngọn tháp chín tầng rất đẹp mà du khách hành hương có thể nhìn thấy từ xa khi vừa mới đặt chân tới đây.
Năm 1956, chính phủ tiểu bang Uttar Pradesh cho thiết lập tại Xá Vệ một lữ quán thứ hai nhằm giúp các du khách ngoại quốc có chỗ lưu trú khi họ đến chiêm bái thánh địa này. Đặc biệt kể từ khi có mặt của nhà sư Tích Lan, Thượng tọa M.Sangharatana vào năm 1969, thánh tích Xá Vệ có phần được chỉnh trang, phát triển nhiều hơn. T. T. Sangharatana đã sống tu nhiều năm ở vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật thuyết pháp đầu tiên, từng giữ chức vụ thư ký cho Hội Ma Ha Bồ Đề của Ấn Độ (Maha Bodhi Society of India). Thượng Tọa đã lập chùa Sri Lankaramaya và quán trọ (Rest House) tại Xá Vệ với sự giúp đỡ tài chánh của chính phủ và các Phật tử Tích Lan. Do nỗ lực vận động của T. T. Sangharatana, chính phủ Ấn đã thiết lập một vườn hoa và dựng hàng rào xung quanh chùa Kỳ Viên để ngăn ngừa các thú vật (trâu bò) khỏi đi lạc vào trong khuôn viên chùa làm mất vẻ trang nghiêm. Rất tiếc, Thượng tọa Sangharatana đã viên tịch tại Xá Vệ vào tháng 01 năm 1985. Gần đây, các Phật tử Thái Lan cũng đã đóng góp tài chánh để xây cất thêm một ngôi chùa tại Xá Vệ vào năm 1982.
V. CHÚNG TÔI ĐẾN CHIÊM BÁI THÀNH XÁ VỆ
Trong thời gian gần 12 năm tu học ở Ấn Độ, thánh tích Xá Vệ là nơi tôi đã đến viếng thăm nhiều lần. Địa điểm thuận lợi để quý vị có thể đến thăm Phật tích này là thành phố Balrampur, cách Xá Vệ (Sravasti hay Savatthi) gần 18 cây số thuộc tiểu bang Uttar Pradesh.
Sau khi đến Ấn Độ từ New Delhi hay Calcutta, quý vị dùng xe lửa, xe buýt (bus) hoặc máy bay để đi Varanasi. Từ Varanasi, quý vị đáp tàu lửa đi Gorakhpur và đổi tàu lửa khác để đi Balrampur. Đến Balrampur, quý vị lấy xe buýt đi Xá Vệ (Sravasti) tức thành phố nhỏ Sahet-Mahet ngày nay, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.
Lần cuối cùng, trước khi rời Ấn Độ qua Mỹ, tôi đi chiêm bái thánh địa này vào hạ tuần tháng 10 năm 1976. Lúc ấy, tôi đang trú tại Đại học Ma Kiệt Đà (Magadha) ởBodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi đức Phật thành Đạo. Từ Bodh Gaya, tôi lấy xe buýt đi Gaya mất nửa giờ. Tại Gaya tôi đáp chuyến tàu lửa tốc hành Doon Express lúc 6 giờ 35 sáng đi Varanasi (xa 216 cây số). Đến Varanasi, lúc gần 12 giờ trưa. Tôi chờ đến 4 giờ 30 chiều mới có tàu lửa đi Gorakhpur. Đến Gorakhpur gần 10 giờ khuya và tôi đã nghỉ đêm tại đây.
Hôm sau, tôi đáp chuyến tàu lửa 9 giờ 10 phút sáng đi Balrampur (xa 181 cây số) và tới nơi lúc 3 giờ 30 chiều. Sau khi nghỉ ngơi giây lát tại nhà ga Balrampur, khoảng 4 giờ 30 tôi lấy xe buýt đi vào Xá Vệ (Sravasti), tức thành phố Sahet-Mahet và tới nơi vào lúc gần 5 giờ 30 chiều. Vì có quen trước với Thượng tọa M.Sangharatana, người Tích Lan, trụ trì chùa Sri Lankaramaya nên tôi đã xin vào trú ở đây trong thời gian một tuần lễ viếng thăm Phật tích này. Trải qua những chuyến đi dài xe lửa, xe buýt mệt mỏi, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái sau một đêm nghỉ ngơi yên tĩnh tại chùa Tích Lan.
Sáng hôm sau, tôi bắt đầu đi thăm các di tích ở Xá Vệ. Có thể chia di tích tại đây ra làm hai khu vực chính:
- Vườn ông Cấp Cô Độc (Jetavana) và Chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara) tức làng Sahet ngày nay thuộc quận Gonda, tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, nơi xưa kia đức Phật thường trú 24 năm.
- Kinh thành Xá Vệ (Sravasti City) tức làng Mahet, nay thuộc quận Bahraich, tiểu bang Uttar Pradesh, nơi vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) nước Kiều Tát La (Kosala) đóng đô ngày trước.
A. DI TÍCH VƯỜN ÔNG CẤP CÔ ĐỘC (JETAVANA)
Vườn ông Cấp Cô Độc nằm cách khoảng hơn 200 mét về hướng bắc con đường xe buýt chạy từ thành phố Balrampur đi Bahraich và có một con đường nhỏ khác nối liền đường xe buýt trên với vườn ông Cấp Cô Độc. Du khách Phật tử đi theo con đường này để vào thăm các di tích bên trong. Quý vị có thể bắt đầu cuộc chiêm bái từ hướng nam vườn ông Cấp Cô Độc đi lần lên, và sau khi viếng xong di tích các chùa tháp ở phía bắc, tiếp liền nơi ấy có một con đường khác đưa quý vị đến thăm cổ thành Xá Vệ (Sravasti City).
Di tích còn thấy hiện nay trong vườn ông Cấp Cô Độc gồm có các chùa, tinh xá và bảo tháp như: Tinh xá số 1, 2, 3, 6, 7, 11 và 12; chùa số 19, G và F; các bảo tháp số 5, 8, 9, 17 và 18. Di tích từ số 1 đến 16 do nhà khảo cổ Anh quốc, ông A.Cunningham (1814-1893) tìm thấy lần đầu tiên năm 1863. Ngoài ra những di tích khác còn lại được khám phá bởi các ông Ph.Vogel, John Marshall (1870-1958) và Daya Ram Sahni vào những năm 1907-1908 và 1910-1911.
Giờ đây, xin quý vị theo thứ tự từ ngoài (gần đường xe buýt) đi lần vào để chiêm bái di tích các chùa, tinh xá và bảo tháp v.v…trong vườn ông Cấp Cô Độc (Jetavana) như dưới đây:
1. Tinh xá (Temples) Số 11 và 12
Hai tinh xá này không rõ được xây cất vào lúc nào, đều có kiến trúc giống nhau, mặt nhìn ra hướng bắc. Mỗi tinh xá có một phòng ở giữa rộng 7 feet vuông và hai phòng bên cạnh, mỗi phòng dài 10 feet, rộng 9 feet. Những phòng này được thiết lập trên cùng một dãy từ đông qua tây với cửa vào nhìn ra hướng bắc. Phòng giữa có một đường hành lang đi xung quanh, và bên trong người ta tin rằng trước kia có đặt một pho tượng Phật. Các phòng kế bên được dùng làm điện thờ, hoặc phòng ở của chư Tăng.
2. Tinh Xá và Chùa (Temple and Monastery) Số 19
Không xa hai tinh xá trên về hướng tây là tinh xá và chùa số 19, có cửa vào nhìn ra hướng đông. Đây là tinh xá và chùa lớn nhất trong vườn ông Cấp Cô Độc (Jetavana) gồm có một điện Phật, một cái giếng giữa sân, 21 tịnh thất nhỏ của chư Tăng và một dãy cột. Hình như tinh xá và chùa này được xây đi dựng lại đến ba lần trên một nền móng.
Ngôi xưa nhất, nay chỉ còn thấy một phần của bức tường thuộc thế kỷ thứ 6 sau tây lịch. Tường chùa xây theo lối kiến trúc thời Gupta (320-510). Người ta đã tìm thấy trong tịnh thất nhỏ của ngôi chùa này một tấm gạch bằng đất nung trên đó có khắc hình đức Phật ngồi và tay Ngài bắt ấn chuyển pháp luân (dharmachakra-mudra) cùng với ba hàng chữ thời Gupta nói về Phật giáo.
Ngôi thứ hai được xây trên cùng một cái nền của tinh xá thứ nhất, thuộc thế kỷ thứ 10 sau tây lịch. Tại đây, người ta đã tìm thấy nhiều tượng Phật trong đó có một tượng Ngài bắt thủ ấn Bhumisparsa-mudra với đức Quán Thế Âm và đức Di Lặc (Maitreya) hầu hai bên; một bức chạm khắc diễn tả sự tích con vượn dâng mật ong cúng Phật trong khi Ngài ở thành Tỳ Xá Ly (Vaisali). Cả hai bức chạm này đều có khắc chữ cho biết thuộc thế kỷ thứ 9 và 10 sau tây lịch.
Ngôi sau cùng được xây dựng vào thế kỷ thứ 11 và 12 với nền móng hình vuông vẫn còn thấy mỗi bề dài độ 118 feet. Cách kiến trúc được trình bày theo kiểu mẫu của những ngôi chùa: một sân trong ở chính giữa, xung quanh là tịnh thất của chư Tăng, có hành lang chạy dài phía trước. Phòng giữa dùng làm điện Phật quay mặt ra phía cửa chính cho nên du khách nào mới tới đi ngang qua sân đều thấy ngay tượng Phật thờ bên trong.
Chùa có tất cả 24 phòng, trong mỗi phòng có một giường nhỏ bằng gạch cao 4 feet được xây dọc theo bức tường phía tây. Trong một tịnh thất của chùa này người ta đào thấy một tấm đồng trên đó ghi khắc rằng, vua Govindachandra (1114-1154) xứ Kanauj năm 1130 sau tây lịch đã lấy một vài ngôi làng quanh thành Xá Vệ để cung cấp cho chư Tăng ở chùa Kỳ Viên. Nhờ tấm đồng này mà người ta biết đích xác làng Sahet ngày nay là vườn của ông Cấp Cô Độc (Jetavana) xưa kia và nó cũng chứng tỏ rằng Phật giáo vẫn còn thịnh hành tại Xá Vệ ít nhất cho đến thế kỷ thứ 12 tây lịch.
3. Tám Ngôi Bảo Tháp (The Eight Stupas)
Tám ngọn tháp này hiện còn thấy, nằm sát cạnh về hướng đông bắc ngôi chùa 19 trên. Một trong những tháp náy đã được người ta sửa chữa làm lớn bằng cách xây thêm một lớp gạch bao quanh bên ngoài. Nơi tháp tôi thấy có khắc một con dấu mang tên Buddhadeva thuộc thế kỷ thứ 5 sau tây lịch.
4. Giếng Nước Hình Bát Giác (An Octagonal Well)
Giếng này nằm không xa về hướng tây bắc của tám ngọn tháp trên. Khi đức Phật còn tại thế ở chùa Kỳ Viên, Ngài thường ra múc nước giếng này để dùng, và ngày xưa, du khách hành hương đến đây ai cũng thích uống, vì nước rất mát và ngọt. Hiện nay, nước chỉ dùng để tưới cây.
5. Tinh Xá (Temples) Số 6 và 7
Không xa về hướng bắc của giếng nước trên chúng tôi thấy di tích hai ngôi tinh xá: số 6 quay mặt ra phía bắc và số 7 có cửa vào nhìn ra hướng đông. Tinh xá số 7 lớn hơn số 6 và có một điện Phật rộng 12 feet vuông, hiện còn bảo trì tốt đẹp. Bên trong điện thờ này có một bệ gạch thấp rộng 4 feet 6 inches đối diện với cửa vào và chiếm hết khoảng rộng của điện thờ kéo dài sát đến vách tường.
6. Tháp (Stupas) Số 17 và 18
Tháp số 17 nằm về hướng đông của hai tinh xá 6 và 7. Ngôi tháp phần trên giống hình chiếc trống tròn bằng gạch có đường kính 19 feet và nền tháp có hình vuông mỗi bề dài 21 feet rưỡi. Phần tháp hiện còn trông thấy có lẽ được tái thiết xây cất thêm về sau vào thời Trung Cổ, trong đó phần kiến tạo xưa nhất gồm có bệ tháp cao 2 feet. Cái nền xung quanh tháp được đúc bằng bê tông. Phần tháp nằm ở dưới mặt nền đúc bê tông này chưa được khám phá. Tuy nhiên, để biết chiều sâu của ngọn tháp, người ta đã đào bới trên đỉnh tháp và đục một đường từ giữa tháp xuống sâu tới 7 feet dưới nền bê tông. Tại đây, nhân viên viện khảo cổ đã tìm thấy một bình đựng xá lợi bằng đất bên trong có hai mẩu dây bằng vàng mỏng cùng với các đồ vật bằng pha lê khác. Vì những cổ vật đào thấy này thuộc triều đại Kushan (48-220) nên người ta tin rằng các phần của ngọn tháp ở phía dưới mặt đất cũng được kiến tạo cùng thời kỳ Kushan, nghĩa là thế kỷ thứ nhất sau tây lịch.
Ngay cạnh tháp trên, ngôi tháp 18 nhỏ hơn, rộng 14 feet vuông với một phần trồi lên cao 2 feet ở phía đông. Từ đỉnh tháp ngay giữa người ta đào một đường xuống sâu 5 feet và đã tìm thấy một bình bát đựng xá lợi gồm có những mẩu xương, những hạt bằng vàng, đá quý và ngọc trai lớn. Trên bình bát này có khắc tên Bhadanta Buddhadeva bằng chữ viết thuộc triều đại Kushan (48-220).
7. Tháp (Stùpa) Số 5
Theo các nhà khảo cổ, đầu tiên có một ngôi tháp được xây cất tại đây, sau này người ta thiết lập trên đó một điện thờ, rồi cuối cùng điện thờ này được sửa đổi trở lại thành ngọn tháp. Ngôi tháp xưa nhất được kiến tạo vào thời đại Kushan. Người ta đã tìm thấy trên đỉnh tháp nhiều con dấu bằng đất nung thuộc nhiều thời đại khác nhau từ thế kỷ thứ 8 đến thứ 10 sau tây lịch.
8. Ngôi Tháp Đôi (The Double Stùpas)
Ngôi tháp đôi hiện còn thấy gồm có hai phòng hình chữ nhật nằm cách xa độ hơn 50 mét hướng đông bắc tháp số 5. Tháp cao khoảng 4 feet có hình chữ thập với những phòng chứa cất xá lợi rộng 6 feet rưỡi vuông. Về hướng đông của ngôi tháp này gần đó là một kiến trúc với bức tường cao 5 feet được xây cất bằng những viên gạch lớn và tô hồ rất kỷ. Tại đây người ta đã tìm thấy một thỏi vàng tinh trong một cái nồi nấu kim loại bằng đất và nhiều tro chứng tỏ rằng có thể chỗ này xưa kia là một tiệm kim hoàn.
9. Cây Bồ Đề A Nan (Ananda Bodhi Tree)
Về hướng tây sát cạnh ngôi tháp đôi trên là cây Bồ Đề A Nan. Phía dưới xung quanh gốc cây có một cái nền gạch. Cây Bồ Đề nguyên thủy được trồng khi đức Phật còn tại thế ở Xá Vệ, nhưng người ta không rõ cái cây hiện nay có tuổi thọ bao nhiêu. Vào năm 1976 chúng tôi đến viếng thăm thì cây Bồ Đề này còn xanh tốt, cành lá sum suê. Theo tài liệu ghi chép trong tập Cổ Sử Pujavaliya của Tích Lan thì lịch sử trồng cây Bồ Đề được kể như sau:
“Mặc dù ở chùa Kỳ Viên có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, nhưng mỗi năm đức Phật chỉ sống tại đây có ba tháng trong mùa an cư kiết hạ, còn chín tháng khác Ngài thường đi đây đó hoằng pháp khắp nơi trong nước Ấn Độ bao la. Hàng đệ tử của đức Phật ở Xá Vệ mong muốn Ngài thường trú tại đây, nhưng vì không làm được việc ấy nên họ đã thỉnh cầu Ngài cho họ được thiết lập một biểu tượng gì tại chùa Kỳ Viên để hàng đệ tử của Phật có thể kính lễ bảo vật ấy trong thời gian Ngài vắng mặt. Nhằm đáp ứng nguyện ước đó, Đại đức A Nan (Ananda) đã xin phép đức Thế Tôn trồng một cây Bồ Đề con chiết nhánh từ cây Bồ Đề gốc ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya).
“Đại đức Mục Kiền Liên, người có thần thông bậc nhất đã tình nguyện đi thỉnh cây con Bồ Đề. Và theo ý muốn của mọi người, vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) sẽ đích thân trồng cây Bồ Đề ấy, song nhà vua đã từ khước cái vinh hạnh đó, bảo rằng quyền lực của vua chúa không có gì chắc chắn, cho nên tốt hơn hết là nên mời một đại thí chủ trồng cây ấy để ông ta và con cháu của ông tương lai có thể chăm sóc cây Bồ Đề lâu dài nhiều đời về sau. Cuối cùng, trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika) được chọn lựa, và trong một buổi lễ trang nghiêm, ông đã trồng cây Bồ Đề ngay trước ngôi chùa Kỳ Viên do chính ông ta xây cất nên. Để cầu nguyện và thánh hóa cây Bồ Đề, đức Phật đã trải qua một đêm ngồi thiền bên cạnh gốc cây. Từ đó, cây Bồ Đề thay thế đức Phật trong khi Ngài đi vắng để cho hàng đệ tử đến lễ lạy dâng cúng”.
10) Tinh Xá (Temple) Số 3
Tinh xá nằm cách khoảng 250 feet hướng bắc cây Bồ Đề và nhìn ra hướng đông. Đây là một trong những di tích thiêng liêng nhất tại chùa Kỳ Viên trong vườn ông Cấp Cô Độc (Jetavana), bởi lẽ người ta tin rằng chính tại nơi này xưa kia lúc đức Phật còn tại thế, ông Cấp Cô Độc đã dựng nên tinh xá nguyên thủy đầu tiên Kosambakuti dâng cúng cho đức Thế Tôn và Ngài đã thường trú 24 năm ở đây. Phía trước tinh xá có hai nền gạch cao được xây ngay chỗ xưa kia đức Phật thường đi kinh hành. Gần tinh xá người ta đã tìm thấy một pho tượng Bồ tát lớn, trên đó có mang bản khắc thuộc thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, ghi chép rằng pho tượng đã do Đại đức Bala dựng nên vào triều đại Kushan (98-220) ngay chỗ đức Phật thường đi kinh hành ở tinh xá Kosambakuti ngày trước. Ngài Huyền Trang (Hiuen Tsiang), danh tăng Trung Hoa đến chiêm bái Xá Vệ vào thế kỷ thứ 7 sau tây lịch có nhìn thấy pho tượng này được tôn trí thờ trong một ngôi tinh xá nhỏ bằng gạch.
Ngôi tinh xá số 3 có chiều dài 19 feet, rộng 18 feet và hiện chỉ còn thấy có cái nền và bức tường của điện thờ ở giữa mà thôi. Hình như trước khi tinh xá trên được xây lên, tại chỗ này đã có một điện thờ rồi. Bằng chứng là người ta đã tìm thấy di tích của một bức tường đổ nát tại phía bắc và tây nam dưới đất thấp hơn mặt nền ngôi tinh xá hiện nay. Về hướng tây bắc cạnh tinh xá có một ngọn tháp hình trống tròn với nền tháp hình vuông. Phía trước tinh xá về phía đông nam và đông bắc có hai nền gạch chắc chắn. Nền hướng đông nam rộng 10 feet, cao 4 feet và chạy dài theo hướng đông đến 53 feet. Cái nền kia nằm ở hướng đối nghịch dài 61 feet và rộng 5 feet, chạy từ tây sang đông. Người ta tin rằng các nền gạch này được xây trên chỗ cũ của tinh xá Kosambakuti và con đường kinh hành xưa kia đức Phật đã sống và thường đi qua như lời ghi chép ở tấm chữ khắc trên pho tượng Bồ tát được tìm thấy ngay chính tại khu vực này.
11. Tinh Xá (Temple) Số 2
Tinh xá số 2 nằm cách độ 200 feet về hướng bắc của tinh xá số 3. Tinh xá này được xây ngay trên tinh xá cũ xưa kia, nơi đức Phật đã thường trú 24 năm tại chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara), tiếng Pali gọi là “Gandhakuti” (Gandha: