;
Có một nhà sư nọ vì muốn tìm cầu chân lý nên không quản ngại ngày đêm khổ nhọc, suốt một chặng đường dài ông mới đến được một ngôi làng thì bầu trời đã tối om. Vừa bước chân vào làng ông đã thấy một chiếc đèn lồng sáng choang, từ phía con hẻm vắng do ai đó cầm đi. Chợt có tiếng người la lên: “Hôm nay có anh bạn mù vừa thăm bạn về!”. Nhà sư nghe nói thế trong lòng nghĩ thầm, mù mà xách đèn lồng đi đâu vậy?
Mắt thấy tai nghe nhưng vẫn còn bán tín bán nghi nên vị tu sĩ mới hỏi lại anh bạn khi nãy, phải thật anh ta mù chăng? Người kia trả lời: Dạ đúng thật anh ta đã mù!
Rồi nhà sư và gã mù chạm mặt nhau bởi ánh sáng của chiếc đèn lồng, nhà sư liền hỏi: “Dạ thưa thí chủ, cậu có thật là một người mù không?”. Chàng trai mù liền trả lời: “Vâng đúng như vậy nhà sư ạ, tôi từ khi có mặt ở thế gian này đã mất đi đôi mắt sáng. Nhà sư hỏi tiếp: “Cậu đã không thấy đường, tại sao lại xách theo chiếc đèn lồng?”. Chàng trai mù đáp: “Bây giờ là buổi tối, nếu không có ánh đèn chiếu sáng, mọi người trên thế gian này cũng đều sẽ giống như tôi, không trông thấy gì cả, chính vì vậy tôi phải thắp một ngọn đèn”.
Nhà sư dường như có phần hiểu ra, nên nói: “Thì ra cậu muốn chiếu sáng cho những người khác?”. Chàng trai mù liền đính chính: “Không ạ, tôi chỉ vì chính mình”. Nhà sư hỏi: Tại sao phải vì chính mình chứ? Chàng trai mù hỏi lại nhà sư, ông có bao giờ đi trong đêm tối, mà bị những người đi đường khác đụng phải chưa?”. Nhà sư trả lời: Cũng có đôi lúc bị người khác đụng phải. Chàng trai mù nghe xong, liền nói tiếp: Nhưng tôi thì chưa bao giờ bị người khác đụng phải, vì tôi xách theo chiếc đèn lồng mỗi khi trời tối, vừa để soi sáng đường cho nhiều người khác và để họ trông thấy tôi.
Ngay câu nói này, nhà sư lập tức ngộ ra chân lý có sẵn ngay nơi thân này chẳng phải tìm cầu nơi khác mà ngửa mặt lên trời than rằng: “Ta đã hành cước trên 20 năm đi khắp chân trời góc biển, bôn ba nghìn dặm để tìm Phật, thật không ngờ Phật là chính mình.
Con đường thiết lập hạnh phúc, dẫn đến bình yên lâu dài phải được chính mỗi cá nhân thực hiện, không ai có thể làm giúp cho ta, ta làm ác cũng từ thân miệng ý và ta làm tốt cũng từ đó mà ra, người khôn ngoan sáng suốt sẽ chọn điều tốt, điều lành để làm. Cuộc sống thế gian nếu nhiều người thiếu đạo đức, thì xã hội sẽ dễ dàng bị loạn lạc và sẽ sống trong đau khổ lầm mê.
Khi chúng ta đạt được một cái gì như ý muốn thì ngay đó, có sự ganh ghét tật đố, có sự lo lắng sợ hãi, và có tham lam ích kỷ. Đức Phật bảo hãy đến đây và tu tập để giải thoát! Dĩ nhiên chúng ta không phải dễ dàng sống theo tuệ giác của Thế tôn, chúng ta phải chịu khó, chịu khổ và bằng lòng với hiện tại, sống trong ít muốn biết đủ và có sự điều độ hài hòa.
Như chúng ta đã biết, cuộc đời đức Phật trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn một là đắm mê dục lạc ở thế gian, giai đoạn hai là thấy rõ được sự tác hại của nó mà bỏ hết tất cả để vượt thành xuất gia, giai đoạn ba là do Ngài biết cách điều hòa thân tâm và siêng năng tinh tấn tu hành mà giác ngộ thành Phật viên mãn.
Phật tính sáng suốt cũng giống như một ngọn đèn, chỉ cần ta thắp sáng nó lên thì bao nhiêu bóng tối đều tan biến mất. Thế cho nên, chúng ta hãy vì người khác, để thắp sáng ngọn đèn của chính mình! Như vậy, trong bóng tối vô minh của đời người, chúng ta mới cảm nhận được sự bình yên hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ mà chẳng tìm cầu đâu xa….Phật dạy: Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp.