;
Thông tư số 005/2016/TT.HĐTS vừa được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phổ biến gần đây, tuy ở phần “Quy định chung (mục 1) có nói rõ “Những vấn đề liên quan đến Tự viện, Tăng ni đều phải áp dụng đầy đủ các quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần lần thứ V, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật.
Tuy nhiên, phần III của thông tư “Tự viện do gia tộc quản lý” lại không phù hợp với điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Đương nhiên, nếu áp dụng điều 670 Bộ Luật Dân sự 2005, thì điểm III thông tư nói trên sẽ bị vô hiệu hóa.
Điều 670. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Áp dụng điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005, Phần III thông tư 005/2016/TT. HĐTS của Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ bị vô hiệu vì các lẽ như sau:
Tự viện do gia tộc quản lý tất nhiên là bất động sản sở hữu tư nhân. Bất động sản tư nhân thì tất nhiên chủ sở hữu có quyền định đoạt theo pháp luật, cụ thể ở đây là điều 670 Bộ Luật Dân sự.
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo điều 670 Bộ Luật Dân sự thì “không được chia thừa kế”, tức là đã được đưa ra khỏi mọi giao dịch, không được mua bán, cho, tặng, thế chấp, cầm cố, không có người sở hữu, chỉ có người quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Người quản lý để thực hiện việc thờ cúng, theo điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005, sẽ do người để lại di sản chỉ định hoặc những người thừa kế cử ra.
Bộ Luật Dân sự năm 2005 chỉ dùng từ “thờ cúng”, không nói rõ thờ cúng gì, thờ cúng ai, thờ cúng theo hình thức nào, tôn giáo nào nên bất động sản dùng vào việc thờ cúng Phật và tổ tiên là một cách gọi khác tự viện do gia tộc quản lý (tất nhiên phải có chức năng thờ cúng).
Xin nhấn mạnh: Di sản dùng vào việc thờ cúng không được chia thừa kế, không còn có người sở hữu mà theo luật pháp, chỉ có người quản lý thực hiện việc thờ cúng. Do đó, mọi cố gắng xác lập quyền sở hữu của cá nhân hay tổ chức (như giáo hội) đều vô hiệu, không tác dụng và trái luật.
Tự viện do gia tộc quản lý (tức những người thừa kế quản lý) là tài sản dùng vào việc thờ cúng đã lâu năm, qua nhiều đời thừa kế chắc chắn đều được dễ dàng chứng minh tài sản dùng vào việc thờ cúng. Nếu là sở hữu riêng của một người thì người sở hữu có quyền định đoạt nó theo hướng di sản dùng vào việc thờ cúng, vô hiệu hóa mọi chuyển dịch quyền sở hữu theo điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005.
Vì trái ngược với điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005 như vậy, nên thông tư 005/2016/TT.HĐTS của Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mặc nhiên vô hiệu với những trường hợp do luật quy định. Công dân, căn cứ Bộ Luật Dân sự năm 2005, có quyền và nghĩa vụ từ chối thực hiện thông tư đó vì trái luật.
Đã là di sản dùng vào việc thờ cúng thì công dân có quyền tổ chức, thực hiện việc thờ cúng tại địa điểm di sản. Người theo đạo Phật thì thờ cúng theo nghi lễ đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa thì thờ cúng theo nghi lễ đạo Thiên Chúa. Làm sao mà cấm việc tổ chức hoạt động thờ cúng tại di sản dùng vào việc thờ cúng nếu cho đó là hoạt động tôn giáo.
Cũng như làm sao cấm người đến thực hiện việc thờ cúng, nếu người đến tham dự việc thờ cúng với tư cách thân, bằng, quyến thuộc?
Cụ thể, nếu thân bằng quyến thuộc của gia tộc đến di sản dùng vào việc thờ cúng thắp hương bàn Phật và bàn thờ gia tiên rồi tụng đọc Chú Đại Bi, Tâm Kinh chẳng hạn thì Giáo hội xử lý ra sao? Có xông vào để giải tán, cấm đoán, câu lưu? Rồi làm gì nếu người quản lý để thực hiện việc thờ cúng trưng dẫn điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005?
Mà có đăng ký hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì căn cứ Điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005, việc chỉ định người quản lý di sản thực hiện việc thờ cúng đối với di sản dùng vào việc thờ cúng không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của giáo hội, theo điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005.
Vậy thì có gì mà giải quyết?
Trong tình trạng bị vô hiệu hóa vì Điều 670 Bộ Luật Dân sự năm 2005 như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không nên duy trì thông tư nêu trên.
MT
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.
*Bài viết thể góc nhìn quan sát của tác giả, một cư sĩ sinh sống tại TPHCM.
Tải về Thông tư số 005/2016/TT.HĐTS