;
Cúng Dường - Tứ Nhiếp Pháp - Sám Hối
1. Khi đến chùa, chúng ta thường nghe nói Cúng dường Tam bảo, vậy Phật tử hiểu nghĩa như thế nào?
Cúng dường nghĩa là cung cấp và nuôi dưỡng. Chúng ta cung cấp và nuôi dưỡng Tam bảo để Tam bảo được trường tồn làm lợi ích cho chúng sanh. Phải cúng dường với lòng thành kính, tôn trọng, tuyệt đối tránh thái độ kiêu căng, cầu phước.
2. Mục đích của sự Cúng dường là gì?
Có 3 mục đích:
- Duy trì ngôi Tam bảo được tồn tại để tiếp tục giáo hóa chúng sanh.
- Phát triển ngôi Tam bảo cho phù hợp với thời đại mới, không bị mai một, lạc hậu
- Bảo vệ Tam bảo khỏi những thế lực quấy phá, mưu hại.
3. Cúng dường Tam bảo gồm những phần nào?
Cúng dường Tam bảo gồm có:
- Cúng dường Phật bảo
- Cúng dường Pháp bảo
- Cúng dường Tăng bảo
4. Hãy trình bày cúng dường Phật bảo như thế nào cho đúng ý nghĩa?
Tuy Phật đã nhập diệt, nhưng chúng ta vẫn cúng dường Phật những đồ ăn, thức uống để hình dung Đức Phật vẫn còn sống dạy dỗ chúng ta tu học.
Không nên bày biện linh đình, hoang phí. Những món cúng Phật đúng nghĩa là:
Đôi khi thêm cơm trắng là đủ.
Nhưng quý nhất để cúng dường lên Phật là 5 món diệu hương:
5. Hãy trình bày cúng dường Pháp bảo như thế nào cho đúng ý nghĩa?
Trước hết phải học và nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật để hiểu rõ sự cao quý của giáo pháp ấy.
Sau đó, nếu có tài chánh thì nên xuất tiền ấn tông kinh điển, phổ biến ra nhiều nơi.
Người có trình độ học thức thì nên diễn giảng giáo pháp cho mọi người cùng hiểu, hoặc sáng tác các thể loại văn chương, lý luận cho người đọc thấm nhuần, hoặc phiên dịch các bộ kinh từ ngoại ngữ sang tiếng Việt.
6. Hãy trình bày cúng dường Tăng bảo như thế nào cho đúng ý nghĩa?
Chư Tăng là những người thay thế Đức Phật mà truyền lại giáo pháp cho chúng ta, vì vậy chúng ta phải cung cấp và nuôi dưỡng chư Tăng.
Thái độ cúng dường phải thành kính, trân trọng, không tự cao, không phân biệt vị Tăng ở chùa nào, xứ nào cả; vị nào ở trong hàng ngũ Tăng đoàn thì chúng ta cứ cúng dường.
Nên chọn những món cần thiết cho đời sống tu học chân chánh của chư Tăng, không nên chiều theo những sở thích riêng tư của vị này vị kia mà cúng dường những món không đúng Chánh pháp, như vậy người cúng cũng không có phước báu mà người thọ nhận cũng mang tội.
7. Cúng dường có mấy cấp?
Cúng dường có 3 cấp:
Phẩm vật cúng dường: là dâng Phật, Bồ Tát và chư Tăng những vật chất như thực phẩm, hoa, áo quần, vật dụng...
Kính tín cúng dường: là dâng lên tấm lòng thành kính và niềm tin tuyệt đối vào Phật. Phần kính tín cao hơn phẩm vật cúng dường.
Hạnh cúng dường: là biến giáo lý của Phật thành hành động lợi ích cho chúng sanh. Đây là cúng dường cao nhất.
8. Định nghĩa Tứ Nhiếp Pháp là gì?
Tứ là 4. Nhiếp là thu phục. Pháp là phương pháp. Lợi tha là làm lợi ích cho người khác. Tứ Nhiếp Pháp là 4 phương pháp lợi tha để thu phục Chúng sanh quay về với Phật pháp.
9. Tứ Nhiếp Pháp gồm những phương pháp nào?
Tứ Nhiếp Pháp gồm 4 phương pháp là: Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp.
10. Bố thí nhiếp là gì?
Bố thí nhiếp là đem những gì mình có để cứu giúp người khác, cảm phục họ, để họ thân mến mình mà quay về với đạo.
Bố thí gồm có 3 phần: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí.
a. Tài thí (tài là tiền của, vật chất) là đem tiền của, vật chất mà bố thí, để cứu giúp người đang nghèo khổ, hoạn nạn. Trong tài thí nhiếp có 2 phần là:
- Ngoại tài là tiền bạc, vật chất mình sở hữu
- Nội tài là tài sản ngay nơi tự thân của chính mình, như thân thể, công sức. Người nghèo không có tiền bố thí thì vẫn giúp đỡ được người khác bằng công sức và thân thể của mình như hiến máu nhân đạo, hiến xác cho khoa học hoặc bỏ công ra đắp lại đoạn đường hư, dắt cụ già qua đường...
b. Pháp thí (pháp là giáo pháp của Đức Phật) là đem những giáo pháp quý báu của Đức Phật mà bố thí, giảng dạy cho chúng sanh. Hoặc đem những phương pháp làm ăn, nghề nghiệp dạy cho người khác, giúp họ sinh sống một cách ổn định.
c. Vô úy thí (vô úy là không sợ hãi) là mang đến sự không sợ hãi cho chúng sanh, che chở, bảo vệ, giúp họ được bình tĩnh, yên ổn.
11. Ái ngữ nhiếp là gì?
Ái ngữ nhiếp là khéo léo dùng lời hòa nhã, an ủi, khuyên lơn, làm cho chúng sanh mến phục, rồi từ đó họ mới theo ta về với đạo.
12. Lợi hành nhiếp là gì?
Lợi hành nhiếp là làm lợi ích cho người bằng ý nghĩ, lời nói, hay hành động, khiến người sinh lòng cảm mến mà theo ta học đạo.
Thí dụ: đắp đường, bắc cầu, đẩy giúp cỗ xe nặng, giới thiệu giúp công ăn việc làm, xây nhà mồ côi, viện dưỡng lão, nấu cơm từ thiện cho bệnh viện...
13. Đồng sự nhiếp là gì?
Đồng sự nhiếp là tạo điều kiện cùng làm chung một công việc, xem công việc như một phương tiện để gần gũi, giúp đỡ cho những người làm công việc ấy, để họ cảm phục ta mà về với đạo.
Đồng sự nhiếp là phương pháp hiệu quả nhất vì chúng ta có thể làm thường xuyên mỗi ngày, và nhờ ta chung đụng với họ trong cùng một môi trường công việc nên hiểu tâm tư, ước muốn của họ hơn, có thể giúp đỡ một cách thiết thực hơn. Và mỗi ngày ta đều nêu tấm gương tốt của người Phật tử cho họ nhìn thấy, họ sẽ rất cảm kích.
14. Tứ Nhiếp Pháp có những lợi ích gì?
- Về phương diện cá nhân: Ta sẽ gieo những hạt giống thiện lành cho chính ta sau này gặt hái kết quả tốt đẹp
- Về phương diện gia đình: mọi người đều vị tha, đức độ, thì gia đình sẽ trong ấm ngoài êm.
- Về phương diện xã hội: ta sẽ gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được phần nào hoàn cảnh xã hội. Số người tu tập Tứ Nhiếp Pháp càng nhiều thì xã hội càng thuần lương, thịnh trị.
15. Sám hối là gì?
Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa bỏ lỗi sau. Sám hối nghĩa là hối hận những lỗi lầm đã gây ra và nguyện không tái phạm nữa.
16. Những cách sám hối nào thường được áp dụng?
Có nhiều cách sám hối, nhưng hiện nay các chùa thường áp dụng phápHồng danh sám hối. Pháp này đọc tụng 88 danh hiệu Phật, cộng với bài kệ Phổ Hiền đại nguyện, thành 108 lạy, để hàm ý là đoạn trừ 108 phiền não.
Hồng danh chư Phật có công đức không thể nghĩ bàn. Người nào chí thành thực hiện nghi thức sám hối này sẽ diệt trừ được những tội lỗi đã tạo ra trong đời hiện tại và nhiều đời quá khứ, không bị đọa vào 3 đường ác.