;
Tiểu sử Thượng Tọa Thích Thanh Chương
Sóc Trăng: TT. Thích Thanh Chương viên tịch
Hôm nay có công việc Phật sự về vùng Santa Ana, Nam Cali gặp được Thầy Nhật Tồn. Sau vài câu chuyện hỏi thăm, Thầy Nhật Tồn chợt báo tin : “Thầy Thanh Chương đã ra đi rồi, Thầy hay chưa?”. Tôi lặng lẽ một hồi rồi đáp : “Chưa nghe, sao, tạ thế rồi à?”., “Vâng”.
Thế là hết, Tin này đến với tôi đột ngột và gây xúc cảm mạnh. Tôi vẫn biết Thầy Thanh Chương có mang bệnh nặng trong thời gian gần đây nhưng tôi không hình dung là nguy hại đến tánh mạnh, có lẽ là do tình cảm yêu thương nên tôi không tin, không muốn Thầy ra đi sớm, tôi còn dự định nhân dịp về thăm lại cha già mùa hè năm nay, sẽ đến miền Tây, thăm chùa và các pháp hữu đồng học thuở trước. Nhưng bây giờ thì …lẽ nào tất cả đã trở thành muộn màng, dĩ vãng và chỉ là ân tình kỷ niệm lắng đọng thôi sao? !
Tôi có duyên quen biết đến Thầy Thanh Chương vào năm 1993, lúc chuẩn bị vào Đại Học Vạn Hạnh, Saigon, khóa III, khi vào trú tại Thiền Viện Quảng Đức (đối diện với Chùa Vĩnh Nghiêm và kề Chùa Kiều Đàm), trong bữa ăn đầu tiên đã được giới thiệu nhau. So sánh với Thầy Thanh Chương lúc đó, tôi có một khoảng cách khá lớn : Thầy Thanh Chương được tín nhiệm và bầu cử làm Lớp trưởng lớp Tăng, trong Ban Điều Hành của Trường, của trú xứ Thiền Viện Quảng Đức, là người đang trụ trì Chùa Long Thiền Sóc Trăng, thành viên của Ban Trị Sự Tỉnh Hội, có nhiều người biết đến trong thời gian học Cơ Bản Phật Học, người đoạt thủ khoa, giải xuất sắc thuyết giảng hay nhất các tỉnh miền Tây trong một khóa thi diễn giảng trước khi vào Vạn Hạnh còn tôi chỉ là một chú Sa Di trẻ (cùng với “chú” Phước Lượng và Tín tại đó) vừa “nhảy cóc” vào Vạn Hạnh từ giữa năm 1 Trường Cơ Bản Phật Học Bình Định, một người quê mùa, vụng về trong giao tiếp, một thư sinh non trẻ không biết gì về hoạt động Phật sự. Tôi lúc ấy chỉ được mỗi một việc là ham học và hầu như không biết thêm việc gì nữa cả, hết học Trường Vạn Hạnh rồi đến học Tiếng Anh, Tiếng Hoa. Sáng đi học về rồi thọ trai, nghỉ trưa, đến 1:30 chiều lại đi học và gửi “cà mèn” cho các Sư Cô nhà bếp sớt phần ăn chiều vào đó, đến tối sau 9 giờ tôi về và mang cà mèn lên phòng vừa ăn vừa nghe đài VOA, BBC bằng tiếng Anh. Có những người “chọc quê” tôi vì là chú sa di trẻ lại lẩn thẩn đi học suốt ngày khá “lập dị” những lúc ấy tôi cảm nhận được từ Thầy Thanh Chương hình ảnh của một người anh tràn đầy từ ái, tùy hỷ, bao dung, che chở,…Thầy luôn luôn “nói đỡ” cho tôi khi bị ai châm chọc, khi đi gặp tôi ở cầu thang Thầy luôn vuốt ve vai tôi : “Thầy Đồng Trí siêng học quá, hay quá, tuổi trẻ tài cao !” Có lúc tôi mặc áo còn xốc xếch, Thầy ân cần vuốt sửa cổ áo ngay ngắn lại. Những lúc tôi đi học ngoại ngữ ban đêm về thấy Thầy đi tụng kinh, tiếp khách, đi cúng cầu an, cầu siêu bên ngoài cho các Phật tử, Mạnh Thường Quân của Thiền Viện Quảng Đức tôi chợt cảm thấy mình như có thiếu sót bổn phận gì đó đối với trú xứ Quảng Đức và lòng tri ân vô hạn đối với Chư Tôn Đức và các đàn anh sẵn sàng lo hết tất cả mọi việc, ăn uống, sinh hoạt, chỗ ở,… để cho một “đàn em” như tôi ung dung chỉ biết đến sách vở và học đường suốt 4 năm, quả thật cuộc sống này được đặt trong mối tương quan tương duyên, “trùng trùng duyên khởi” và “đức chúng như hải”. Thầy còn có đức tánh tốt nhu hòa, khiêm tốn tuỳ hỷ, Thầy có nhờ Thầy Quảng Thức và tôi giảng giúp về Tiếng Anh, Tiếng Hoa mà không tự ái, tôi lãnh giải thưởng của Đại Học Vạn Hạnh vả Đại Học Tổng Hợp mang về, Thầy không bao giờ có ý ganh tỵ, cho dù Thầy lớn hơn, trong ban lãnh đạo và có khả năng, ngược lại tôi còn nhận thấy Thầy vui lắm, bởi vì công lao bỏ ra làm việc của Thầy với nhà trường và Thiền Viện Quảng Đức giúp những đàn em như tôi an tâm học hành và tiến bộ nhanh chóng, với Thầy, đó là xứng đáng, không quản ngại, không tiếc nuối. Tôi hiểu theo cách : “Làm anh khó lắm” và phải chịu thiệt thòi.
Thời gian tu học tại Ấn Độ cũng thế, Thầy vẫn hòa hợp và hết mình với huynh đệ : bao lần tổ chức chuyến xe đưa đón huynh đệ tại phi trường Delhi, tặng quà chia vui trong dịp sinh nhật, cùng tham gia đi bố tát, tổ chức đón Tết chung tại trú xứ của Sư Cô Thích Nữ Hương Nhũ, lúc đó tôi tích cực đặt ra 2 câu liễn và nhờ Thầy Đức Trường cắt chữ giùm. Là lưu học sinh nơi đất khách, xa quê hương, người thân, Thầy Tổ, không có duyên sống trong Thiền môn, tình cảm huynh đệ là động lực rất lớn giúp mỗi người vượt qua bao nhiêu thử thách khó khăn, để thăng hoa trên đường tu học.
Dạo ấy tôi rất đồng cảm với nỗi niềm tâm tư của Thầy gói ghém trong bài thơ ; Xuân Viễn Xứ :
“Quê hương ơi có bao giờ tôi nghĩ đến
Đón mừng xuân nơi đất khách quê người
Không người thân không bánh mứt, không nụ cười
Không lời chúc, không người may áo mới
Mà chỉ có một nỗi lòng mong đợi
Nhưng quê hương sao vời vợi muôn trùng
Thời gian ơi trôi nhanh có được không
Cho viễn khách sớm về thăm quê mẹ…”
Đến năm 1999, nối bước theo Hòa Thượng Viện Trưởng Vạn Hạnh, tôi về học tại Nalanda, còn Thầy tiếp tục tu học tại Delhi nên xa cách nhau cho đến ngày tôi du học và hoạt động Phật sự tại Hoa Kỳ.
Cho đến mùa hè năm trước, khi nhập Hạ và tham dự Lễ Phật Đản tại Tu Viện Khánh An tại thành phố Galt, Cali tôi gặp lại những pháp huynh, pháp hữu đồng học Vạn Hạnh năm xưa : Thầy Thanh Chương, Nhật Tồn, Phổ Hòa, Sư Cô Huệ Hướng. Thầy Thanh Chương đóng góp một phần quan trọng cho Đại Lễ với vai trò MC (xướng ngôn viên). Tôi lại có dịp chiêm ngưỡng hình ảnh của một pháp huynh ngày nào : tuy mảnh khảnh nhưng linh hoạt, văn chương bay bổng, uyển chuyển dẫn chương trình, mô tả được tâm trạng của những người con Phật và khiến cho tất cả đều hoan hỷ. Tôi tán thán : “Chà, quả nhiên gừng càng già càng cay, thời gian không khiến cho Sư Huynh lụt đi, trái lại, càng khiến thêm nhuần nhuyễn, kinh nghiệm và chói sáng hơn xưa, âm thanh nay vang vọng liên lục địa từ Đông sang Tây trải suốt hoàn cầu”. Sau đó tôi lái xe chở Thầy đi thăm các chùa : Diệu Quang, Phổ Minh, Ngọc An Sacramento, chúng tôi có dịp ôn lại kỷ niệm xưa và hỏi thăm tình hình sinh hoạt Phật sự sau thời gian dài xa cách. Chúng tôi tạm biệt nhau với lời hẹn hò sẽ gặp lại ở Sóc Trăng, Miền Tây, Vạn Hạnh, Quy Nhơn và Lễ Phật Đản năm sau. Mọi việc như mới vừa xảy ra, nay Thầy Nhật Tồn, Chùa Khánh An cũng đang sắp xếp khóa an cư, Phật đản, ấy thế mà, Thầy không đến được nữa rồi, chúng ta không phải cách nhau 2 nửa địa cầu mà cách nhau với cõi âm dương. Vậy là chúng ta còn nợ nhau một lời hẹn ước…
Sư Huynh Thanh Chương !
Duyên trần đã mãn, “người từ cuộc mộng vừa tan”, Huynh đã tạ thế ra đi. Bao nhiêu con tim xót xa thương tiếc, bao nhiêu dòng lệ nức nở nghẹn ngào khóc tiễn đưa. Đó quả nhiên là một tổn thất lớn : Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mất đi Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni, Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế, GHPGVN tỉnh Sóc Trăng mất đi vị Phó Trưởng ban Trị sự; Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni, Trường Trung Cấp Phật học tỉnh Sóc Trăng mất đi Vị Hiệu Trưởng, chùa Vĩnh Hưng, chùa Long Thiền mất đi Vị Trụ trì, nơi nương tựa, Tăng Ni bao lớp mất đi một người sư huynh, pháp hữu thân thương đáng kính. Thế nhưng trần gian là quán trọ, chúng ta là lữ khách, đến rồi tất ra đi, phải có một ngày chấm dứt hành trình. Lẽ hợp tan, sanh diệt vốn là lẽ thường, vận hành xưa nay. “Khi ra đi bao nhiêu người khóc, Ta cười”, Đệ tin rằng, thấu hiểu sâu xa về lẽ vô thường duyên sinh, huyễn hóa, Huynh tự tại ung dung trút bỏ chiếc áo ngủ uẩn này, sau “một cuộc vi hành vi diệu” như là đại nguyện hóa thân vào đời của Bồ Tát Tất Đạt Đa mà Huynh đã mô tả trong bài tham luận đọc trong Lễ Phật Thành Đạo năm 2000 tại Chùa Việt Nam, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Người đã trở về nguồn cội như bài giảng của Huynh tại Chùa Hoằng Pháp, Saigon, trở về với tự tánh thanh tịnh, quê hương tịnh độ.
Người đi dấu vết chưa nhòa, người đã ra đi nhưng vẫn còn ở lại, hoa đàm tuy rụng vẫn còn hương : nụ cười hiền hòa ấy, cử chỉ thân thương ấy, lời chia sẻ tâm tình ấy, pháp âm vang dội ấy, hoạt động tích cực ấy,… khiến cho cuộc trụ sinh hơn 50 năm dệt nên một vần thơ đẹp, một tặng phẩm dâng đời, điểm tô làm tốt Đạo đẹp Đời. Người đã xứng đáng với tâm nguyện phụ mẫu thân sinh kế thừa dòng họ nhà Trần oanh liệt và phái Thiền Trúc Lâm Việt Nam, là con người hiền lành đạo đức, xứng với phương danh : Trần Đức Lành, người lưu lại thanh danh trong sử sách văn chương về một hình ảnh Tu Sỹ trong thời hiện đại mang hạnh nguyện Bồ Tát vào đời như bài tham luận trên mà Huynh đã chia sẻ, dấn thân cho hạnh phúc, bình an, giác ngộ giải thoát cho mình và mọi người như Sư Phụ đã ủy thác cho Người với pháp danh : Thích Thanh Chương, như tâm sự của một chí sỹ trước giờ vĩnh biệt :
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
(Người tự ngàn xưa ai chẳng chết
Lưu một lòng son với sử xanh)
Đêm nay, Đệ thắp nén hương hướng về quê hương dấu yêu, tưởng nhớ một người vừa nằm xuống – Thôi từ nay khép lại hẹn hò, chúng ta không còn thấy mặt nhau sao? Một thời học đường cắp sách ấy đã qua đi, Huynh mãi không còn “…Suy Nghĩ Về Bài " “Đôi Điều Trăn Trở Về Thực Trạng Du Học" …. Có lẽ Đệ đã trưởng thành, không còn ngây ngô và nương cậy sự chở che bảo bọc của Huynh như 20 năm trước nữa, thế nhưng Đệ vẫn mãi chắt chiu những kỷ niệm ban sơ thuở Ta tương ngộ, đó là hành trang tâm linh, một phần dưỡng chất hun đúc Đệ được như hôm nay. Hẳn là Người sẽ không nỡ phụ tình và dứt khoát dứt áo ra đi, Người sẽ còn trở lại đây với những hình hài, hóa thân khác, nhưng trong cái tang tóc biệt ly ấy, Đệ có nguồn an ủi và tri ân Huynh đã đi ngang qua đời Đệ với tấm gương và món quà vô giá. Lời nhắc nhủ cuối cùng như đang vang vọng :Chúng ta rồi ai cũng sẽ ra đi thôi - kẻ trước người sau, cái quý giá nhất chính là cuộc sống, hãy sống như chỉ sống được ngày hôm nay thôi và hãy làm, hãy ban tặng, hãy hiến dâng tất cả những gì có thể, để đến phút giây nhắm mắt xuôi tay Ta không còn gì để nuối tiếc ân hận vì những việc cần làm đã làm xong. Hãy chánh niệm tỉnh giác, sống một cách xứng đáng nhất, ý nghĩa nhất vì thời gian qua đi sẽ không còn trở lại, cơn vô thường là khách bất chợt, không hẹn, không mời,…
Chắc hẳn Huynh đã nhân được những lời tâm tình tiễn biệt này trước bước đăng trình trở về nguồn cội và còn chỉ còn chút tình này dành cho nhau, Đệ xin gửi đến Sư Huynh 4 câu thơ cuối cùng :
Ta dệt cho nhau bao mộng thắm
Ta nợ với nhau cuộc tương phùng
Bóng nhạn qua trời nay biệt dạng
Ai nặng ân tình với thủy chung?
Kính bái biệt Sư Huynh
Đệ : Thích Đồng Trí - Thích Minh Tuệ