;
Nơi sinh của bà là thị trấn Dnipro, thuộc lãnh thổ của xứ Ukraina ngày nay, nơi đang xảy ra các trận chiến đẫm máu. Thế nhưng bài viết này không mang chủ đích nhắc đến những cảnh đau thương trên quê hương bà mà chỉ là để nêu lên vài vần thơ đầy thương cảm, trích từ quyển The Voice of the Silence của bà:
Tiếng nói của Yên lặng
Em sẽ chẳng bao giờ
Có thể ngao du trên Con đường,
Cho đến khi nào,
Em trở thành chính Con đường ấy.
Em hãy để tâm hồn em lắng nghe
Từng tiếng réo gọi của đau thương,
Như đóa hoa sen nở rộ,
Hé mở tim mình uống ánh nắng ban mai.
Em chớ để ánh mặt trời gay gắt
Làm khô đi một giọt nước mắt đớn đau nào,
Trước khi em đưa tay lau đi những giọt đau thương ấy,
Ứa ra từ khóe mắt của những kẻ khổ đau.
Em cứ để từng giọt nước mắt nóng bỏng của con người
Rơi vào con tim em và nằm im trong đó,
Chớ lau đi em nhé, cho đến khi nào
Niềm đau làm rơi xuống những giọt nước mắt ấy chưa tan.
Các câu này trên đây chỉ là các câu phỏng dịch, trong nguyên bản tiếng Anh (tr. 10 và 11) các câu này là:
Thou canst not travel
on the Path
before thou hast become
that Path itself.
Let thy Soul lend its ear
To every cry of pain
Like as the lotus bares its heart
To drink the morning sun.
Let not the fierce Sun dry
One tear of pain before
Thyself hast wiped it
From the sufferer’s eye.
But let each burning human tear
Drop on thy heart and there remain;
Nor ever brush it off, until
The pain that caused it is removed.
Chúng ta hãy tìm hiểu vài nét về bà Helena Blavatsky. Bà và một người Mỹ là Henry Steel Olcott (1832-1907), cựu sĩ quan, luật gia và học giả rất quan tâm đến các vấn đề tâm linh, cùng với một người thứ ba là William Quan Juge (1851-1896) đứng ra thành lập Hội Thông Thiên Học (Theosophy) năm 1875, một trào lưu triết học và tôn giáo dựa vào sự kết hợp giữa nền tảng Ấn giáo và Phật Giáo.
Ông Henry Steel Olcott là người đã nhiều lần đến Tích Lan để học hỏi về Phật giáo. Năm 1880, ông Henry Steel Olcott và bà Helena Blavatsky cùng từ Mỹ đến Tích Lan để quy y Phật giáo. Điều đáng lưu ý hơn nữa là ông Henry Steel Olcott là người đã thiết kế lá cờ Phật giáo trên đảo Tích Lan năm 1885, và cũng là người làm sống lại nền Phật giáo trên hòn đảo này sau nhiều thế kỷ cải đạo và tranh dành thuộc địa giữa các nước Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Anh quốc.
Trở lại với các câu thơ trên đây của bà Helena Blavatsky thì chúng ta sẽ thấy các câu thơ này nêu lên các hình ảnh hoàn toàn mang tính cách biểu trưng, vượt lên trên lý trí và sự hợp lý thông thường, phản ảnh một sự nghịch lý hay phi lý nào đó.
Trên phương diện tổng quát, nếu văn xuôi dựa vào sự diễn đạt hợp lý và quy ước , thì trái lại thi ca tìm một con đường khác là sự rung động của con tim. Sự rung động tạo ra bởi xúc cảm đôi khi có vẻ nghịch lý, thế nhưng dường như sâu sắc và trực tiếp hơn so với sự lý luận hợp lý và công thức của tri thức.
Sự nghịch lý giữa con tim và lý trí đó đã được nhà sư Sangharakshita (1925-2018) nhận thấy trong quyển The Voice of the Silence của bà Helena Blavatsky, và ông đã nêu lên sự nghịch lý này trong một bài khảo luận mang tựa "Paradox and Poetry in "The Voice of the Silence" / "Sự Nghịch lý và Thi phú trong quyển sách "Tiếng nói của Yên lặng", và bài khảo luận này cũng đã được Viện Nghiên cứu Văn hóa Thế giới của Ấn Độ (The Indian Institute of World Culture) xuất bản năm 1958.
Trong bài khảo luận này nhà sư Sangharakshita có trích ra các câu thơ trên đây. Các câu thơ này phản ảnh một sự phi lý nào đó, thế nhưng thật rõ ràng là phía sau sự phi lý đó còn ẩn chứa một cái gì khác hơn, sâu xa và rộng lớn hơn. Nếu bên trong chính mình không có một hạt giống thì chúng ta sẽ không thể nào lớn lên như một cây cổ thụ.
Nếu cánh cửa của con tim khép kín, thì chúng ta không thể nào bước vào Con đường. Nếu không lắng nghe được những tiếng đau thương réo gọi, thì con tim nào có biết đau nhói là gì. Những giọt nước mắt nóng bỏng của con người không rơi vào đáy tim ta mà chính con tim ta phải đưa hai tay để hứng lấy những giọt đau thương ấy. Cánh sen hé mở để uống ánh mặt trời, từ bi hé mở để sưởi ấm đáy tim ta. Khi nào chúng ta chưa trở thành chính Con đường, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể thật sự ngao du trên Con đường đó.
Thi ca là một sự nghịch lý, xúc cảm là một sự nghịch lý, thế nhưng chỉ có sự nghịch lý của thi ca thì mới nói lên được sự nghịch lý của xúc cảm mà thôi. Nói một cách khác mở rộng hơn, thì thi ca cũng như mọi hình thức nghệ thuật khác - âm nhạc, hội họa, điêu khắc, ca vũ... - là các phương tiện giúp con người biểu lộ một cái gì đó, một xúc cảm nào đó vượt lên trên sự hợp lý và quy ước, mang lại một cái gì mới lạ hơn, sâu xa và cao cả hơn, mà ngôn từ và chữ nghĩa không sao mô tả được một cách đúng mức.
Vào thời kỳ cực thịnh của nền văn minh Trung quốc dưới triều đại nhà Đường, có một thi sĩ rất lỗi lạc là Lý Bạch (李白, 701-762). Chúng ta hãy tìm hiểu một bài thơ của ông dưới đây:
月下獨酌 Nguyệt hạ độc chước Uống rượu một mình dưới trăng
花間一壺酒, Hoa gian nhất hồ tữu, Giữa hoa một bầu rượu,
獨酌無相親。 Độc chước vô tương thân. Ngồi uống một mình ta.
舉杯要明月, Cử bôi yêu minh nguyệt, Nâng chén mời trăng sáng,
對影成三人。 Đối ảnh thành tam nhân. Với bóng là cả ba.
月既不解飲, Nguyệt ký bất giải ẩm, Con trăng nào biết uống,
影徒隨我身。 Ảnh đồ tùy ngã thân. Lẽo đẽo bóng theo ta.
暫伴月將影, Tam bạn nguyệt tương ảnh, Cả ba cùng làm bạn,
行樂須及春。 Hành lạc tu cập xuân. Cùng vui chờ xuân đến.
我歌月徘徊, Ngả ca nguyệt bồi hồi, Ta hát, trăng ngậm ngùi,
我舞影零亂。 Ngã vũ ảnh linh loạn. Ta múa, bóng cuồng quay.
醒時同交歡, Tỉnh thì đồng giao hoan, Tỉnh rượu cùng bật cười,
醉後各分散。 Túy hậu các phân tán. Hết say ta chia tay.
永結無情遊, Vĩnh kết vô tình du, Đường đời luôn khắng khít.
相期邈雲漢。 Tương kỳ mạc Vân Hán. Cõi Ngân Hà hẹn nhau.
Bài thơ trên đây rất sâu sắc, dường như Lý Bạch dấu diếm một cái gì đó thật sâu kín phía sau chén rượu, con trăng trên bầu trời và bóng hình của mình trên các khóm hoa.
Có rất nhiều bản dịch sang tiếng Việt và cả các ngôn ngữ Tây phương, thế nhưng trong số các bản dịch đã được tham khảo, dường như không thấy có bản nào nói lên được nỗi niềm sâu kín đó của Lý Bạch, thậm chí có vài bản còn xem bài thơ này là một bài thơ khôi hài, điên loạn hay diễu cợt.
Điều đó có thể là vì Lý Bạch không trực tiếp nói lên niềm đau sâu kín bên trong tâm thức mình mà lại mượn tình bạn khắng khít giữa hình bóng của mình và con trăng sáng cùng với hơi men, để nói lên sự khắc khoải và ray rứt đó trong lòng mình.
Vậy sự khắc khoải và ray rứt ấy là gì? Đấy là nỗi niềm cô đơn sâu kín trong tâm hồn Lý Bạch, một sự cô đơn mang tính cách hiện sinh trong cuộc sống. Thế nhưng Lý Bạch lại diễn tả sự cô đơn đó bằng tình bạn thắm thiết giữa mình với con trăng trên bầu trời và bóng hình mình trên các khóm hoa. Đấy là sự nghịch lý của xúc cảm và thi ca. Sự cô đơn đó lại càng trở nên thấm thía hơn nữa khi Lý Bạch hiểu rằng con trăng không cùng chia sẻ với mình một chén rượu, và bóng hình mình cũng không biết say khướt với mình mà chỉ biết nhại lại mình, quay cuồng với mình mà thôi.
Trong những thời xa xưa, đêm tối là một cái gì đó thật mênh mông và huyền bí, phân cách cách con người với nhau, đi lại thì phải thắp đuốc hoặc cầm đèn lồng. Con trăng hiện lên vào những đêm trăng sáng biến cảnh vật trở thành huyền ảo và thơ mộng hơn. Trên cung trăng có chú cuội và cả một nàng tiên.
Ngày nay con người đông đúc, đèn điện sáng choang, không khí ô nhiễm, con trăng mờ đục, không mấy ai còn để ý đến nó nữa. Nhất là con người đã lên đến mặt trăng và trở về địa cầu, hình bóng chú cuội ngây thơ và bóng dáng xinh đẹp của cô tiên nữ không còn ám ảnh tâm trí của con người ngày nay nữa.
Thế nhưng đối với một thi nhân sống cách nay mười hai thế kỷ, thì con trăng là một cái gì đó thật sinh động và huyền diệu. Thế nhưng tiếc thay tiên nữ trên cung trăng lại không biết cùng với Lý Bạch say khướt giữa đêm thanh. Bóng hình mình thân thiết và gần gũi với mình hơn, cũng không biết cùng chia sẻ nỗi niềm cô đơn của mình qua chén rượu mà chỉ biết nhại lại các cử chỉ của một kẻ chếnh choáng hơi men:
Con trăng nào biết uống,
Bóng lẽo đẽo theo ta.
Tuy nhiên cũng có một sự khác biệt giữa con trăng và bóng hình của người thi nhân. Bóng hình chỉ là biết múa rối, trái lại con trăng biết ngậm ngùi khi nghe thấy tiếng hát của thi nhân vang vang trong đêm thanh vắng:
Ta hát, trăng ngậm ngùi,
Ta múa, bóng cuồng quay.
Khi tỉnh rượu, thì con trăng đã lặn, bóng hình cũng mất, tất cả trả lại cho thi nhân cái cô đơn của sự sống, cái vô tình và phũ phàng của thực tại. Lý Bạch nêu lên sự khắng khít giữa ba người bạn không phải là để ca ngợi sự tương kết mầu nhiệm giữa mình, hình bóng của mình và con trăng trong những đêm thanh vắng, mà là để nói lên cái cô đơn trong tâm hồn mình, cái lẻ loi của sự sống, cái khoảng trống không mênh mông của sự hiện hữu của chính mình giữa cảnh vật thiên nhiên. Đấy là sự nghịch lý trong bài thơ của Ly Bạch. Sự nghịch lý đó hiện lên khi cơn say chấm dứt, khiến cả ba cùng ngỡ ngàng:
Tỉnh rượu cùng bật cười,
Hết say ta chia tay.
Dù mỗi người một ngả, thế nhưng tình bạn vẫn thắm thiết, cả ba cùng hẹn nhau một đêm trăng sáng bên bờ nước sông Ngân:
Đường đời luôn khắng khít,
Bến Ngân Hà hẹn nhau.
Chúng ta chỉ biết hy vọng là bên bờ sông Ngân có một quán rượu để Lý Bạch tiếp tục say khướt giữa vũ trụ mênh mông và vắng lặng, và biết đâu Lý Bạch cũng có thể đập tay vào bầu rượu và hét lên giữa không trung: "Hoá ra cũng có một tên già ở một xó kẹt nào đó trong cõi nhân gian trên địa cầu xa tít dưới kia, cũng hiểu được nỗi cô đơn ray rứt trong lòng ta đã hơn mười hai thế kỷ: Ha! Ha!
Chúng ta hãy chọn một bài thơ khác, một bài thơ Haiku của Nhật Bản. Haiku là một thể loại thơ chỉ gồm một câu duy nhất. Chữ Haiku là một chữ có nguồn gốc tiếng Hán, chuyển sang tiếng Việt là Hài-cú, hài có nghĩa là hài hước, cú có nghĩa là câu thơ. Tóm lại "haiku" là một câu thơ khôi hài hay hài hước. Sau đây là một bài thơ hay đúng hơn là một câu thơ "hài hước" của một ni sư Nhật Bản là Chiyo-ni (1703-1775):
Cọng rau muống,
quấn vào chiếc gàu cạnh giếng,
khiến tôi phải xin láng giềng một ít nước.
Câu thơ thật ngắn, nói lên một sự nghịch lý gần như là cả một sự ngớ ngẩn hay đần độn, thế nhưng lại hàm chứa một cái gì đó thật sâu xa và rộng lớn. Cái gì đó chính là cảm tính thương yêu và kính trọng sự sống, kể cả đối với sự sống của một cọng rau muống đang quấn vào chiếc gàu bên cạnh một giếng nước.
Đến đây chúng ta hãy trở về với nền thi phú của Việt Nam với bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
Qua đèo Ngang
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Bà Huyện Thanh Quan là một thi sĩ tả cảnh thiên nhiên, thế nhưng nêu lên các cảnh vật thiên nhiên thật ra chỉ là cách gửi gắm tâm sự và các cảm nghĩ của bà. Bài thơ thất ngôn bát cú thật tuyệt vời trên đây nêu lên một khung cảnh thiên nhiên mênh mông và hoang vắng, thế nhưng phía sau sự mênh mông và hoang vắng đó dường như che dấu một cái gì đó, một xúc cảm nào đó bí hiểm và sâu sắc hơn:
Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc (cuốc cuốc),
Thương nhà, mọi miệng cái gia gia (da da).
Và nhất là câu kết:
Một mảnh tình riêng, ta với ta?
Trước cảnh bát ngát của đèo Ngang khi mặt trời ngả bóng, các xúc cảm gì và ý nghĩ gì đã hiện lên trong lòng người thi nhân qua những câu thơ đó? Có rất nhiều bài bình giải về bài thơ này của bà Huyện Thanh Quan, thế nhưng dường như không thấy có học giả nào tìm hiểu sâu xa hơn, hoặc ít nhất cũng giải đoán phần nào ý nghĩa ẩn chứa trong các câu thơ ấy của bà. Trước quang cảnh tuyệt vời đó của quê hương tại sao lại nhớ nước? Tại sao lại thương nhà? Cái mảnh tình riêng ấy là gì? Nếu muốn hiểu được tâm trậng ấy của bà thì thiết nghĩ phải hiểu hoàn cảnh của bà, và nhất là nguyên nhân nào đã khiến bà "bước tới đèo ngang" vào một buổi chiều khi ánh mặt trời sắp tắt. Thiết nghĩ bà không thể ngồi nhà tưởng tượng ra quang cảnh của đèo Ngang để sáng tác một bài thơ đẹp như vậy.
Quê quán của bà là ngôi làng Nghi tàm bên bờ Hồ Tây Hà-nội. Bà sinh khoảng năm 1805, mất khoảng năm 1848, ở tuổi 42-43. Chồng bà được bổ làm quan tại kinh đô Huế, bà theo chồng và sau đó cũng được bổ chức Cung Trung Giáo tập, giữ trọng trách dạy học cho các công chúa và cung phi. Hai vợ chồng có bốn con, thế nhưng sau đó thì chồng bà mất sớm. Sau khi an táng chồng tại kinh thành Huế, thì một tháng sau bà xin từ quan, dắt bốn con trở về quê quán bên bờ Hồ Tây. Đấy là nguyên nhân khiến bà:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà.
Thời bấy giờ, việc di chuyển trong nước chủ yếu là bằng thuyền dọc theo bờ biển. Từ Hà Nội muốn đến kinh đô Huế thì trước hết phải xuống Hải Phòng, sau đó dùng thuyền dọc theo bờ biển để đến kinh đô. Cuốc hành trình mất đến hàng tháng. Đường bộ thì phải dùng ngựa hay xe bò, hoặc đi bộ, và cũng phải mất hàng tháng hay hơn. Bà Huyện Thanh Quan và bốn con và gia nhân có thể là đi đường bộ, có những đoạn đường có xe bò, nhưng cũng có những đoạn phải đi bộ. Bà dắt bốn con thơ:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Từ đỉnh đèo nhìn xuống, vài người tiều phu lom khom vác củi về nhà khi chiều xuống. Đó đây một vài mái tranh của các dân tộc thiểu số, khói bếp bốc lên cao:
Lom khom dưới núi tiều và chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Bà bỏ lại sau lưng kinh thành Huế, chức phận chốn triều đình, và cả người chồng vừa mới mất. Tiếng kêu của con chim cuốc trong một bụi cây khiến bà giật mình:
Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc.
Nhìn ra trước mặt thì quê nhà xa tít, bà bỏ làng quê theo chồng đã từ bao năm rồi. Bà còn trẻ, có thể là cha mẹ mình vẫn còn sống tại quê nhà. Nghe tiếng kêu của con chim đa đa trong đám cỏ, bà chợt nhớ đến làng quê. Bà nôn nóng muốn sớm trở về làng quê để tìm sự an ủi bên cạnh cha mẹ và tiếp tục nuôi nấng đàn con bên bờ Hồ Tây:
Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.
Trước cảnh thiên nhiên mênh mông, đây đó vài mái nhà thở khói giữa một buổi chiều sắp tắt, vụt hiện lên ngổn ngang trong lòng bà những nỗi niềm và khắc khoải của nhớ thương. Tiếng kêu của chim cuốc và chim đa đa khiến bà đứng khựng lại, không còn bước thêm được nữa. Bóng dáng người chồng ngày nào nơi chốn kinh đô vụt hiện lên với bà:
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Trên đây là một bài thơ của tầng lớp văn gia và nho sĩ, nếu nhìn sâu hơn nữa vào ca dao, các điệu hò và tiếng hát dân gian, thì chúng ta cũng sẽ thấy những sự nghịch lý trong xúc cảm đại loại như trên đây. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu một bài hát ru con sau đây của miền đồng bằng sông nước miềm Nam:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi.
Khó đi, mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Bước ngang qua nhà má,
Tay tui xá,
Cẳng tui quỳ.
Vì thương con má sá gì thân tui.
Chiều chiều ong nữ đi đăng,
Cá tôm nhảy hết nhăn răng cười hoài.
Má ơi con vịt chết chìm,
Con thò tay con vớt,
Con cá lìm kìm nó đớp tay con.
Bài ru con trên đây được chép lại nguyên văn từ một bài viết gần đây được đưa lên một vài trang mạng trong nước và cả ngoài nước, và cũng đã được nhiều người chuyển cho nhau, nhưng có một câu chép sai, chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây. Thế nhưng chọn bài hát này không phải là để vạch cái sai mà là để nêu lên một sự nghịch lý và cả phi lý thật hiển nhiên và phũ phàng trong các câu cuối của bài hát:
Má ơi con vịt chết chìm,
Con thò tay con vớt,
Con cá lìm kìm nó đớp tay con.
Con vịt sống trong môi trường nước thì làm thế nào mà chết chìm được. Con cá lìm kìm bé tí xíu chỉ bằng một que tăm, sống thành đàn trên mặt nước, thoáng bóng người thì nó lặn mất hoặc lội tứ tán, cá lìm kìm có bao giờ cắn vào tay người đâu. Những hình ảnh nghịch lý và cả phi lý đó nói lên điều gì? Nếu muốn hiểu được "sự thật" ẩn chứa trong sự nghịch lý và phi lý đó, thiết nghĩ trước hết cũng phải hiểu được "ý nghĩa" của toàn bộ hài hát. Dù chỉ là một bài hát "ầu ơ", thế nhưng hàm chứa những nỗi niềm thật sâu sắc.
Tiếc thay dường như một số người không nắm bắt được các xúc cảm ẩn chứa trong bài hát ru con nên đã hiểu sai và chép sai. Thật vậy bài hát ru con nêu lên trong bài viết của một thi sĩ và nhạc sĩ rất thành thạo về văn chương và thí phú có một câu chép sai không có nghĩa gì cả. Thật cảm phục sự bén nhạy của tác giả đã cảm nhận được sự ý nhị và dí dỏm trong các câu "nghịch lý" trên đây, thế nhưng dường như không tìm hiểu cặn kẽ hơn ý nghĩa của toàn bộ bài hát: câu "Chiều chiều ong nữ đi đăng" không có nghĩa gì cả, "ong nữ" là ong gì? Câu này thật ra là: "Chiều chiều ông Lữ đi đăng". "Ông Lữ" ở đây có nghĩa là ông "Lữ Vọng" (呂望), một nhân vật huyền thoại trong lịch sử cổ đại của Trung quốc, thuộc thời Tây Chu và Chiến Quốc, tức vào thế kỷ XII trước Tây lịch. Ông Lữ Vọng cũng thường được gọi là ông Lã Vọng. Chúng ta thường thấy các tượng hay tranh vẻ trong nghệ thuật dân gian một ông cụ ngồi câu cá, thì đấy là ông Lữ Vọng hay Lã Vọng, chẳng hạn như tại Hà Nội có một quán ăn gọi là quán "Lã Vọng" với một món cá lăng rất đặc biệt. Tên của ông là Khương Tử Nha, sử sách cho biết ông cụ Tử Nha ngồi câu cá chờ thời, đến tám mươi tuổi thì mới gặp vận tốt. Tóm lại "ong nữ" là chữ chép sai, thế nhưng các trang mạng cứ thế mà đăng, không thấy có trang nào sửa giúp, hoặc có ai lên tiếng.
Trở lại với bài hát thì bốn câu đầu là cách nêu lên nội dung của toàn bộ bài hát ru con:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi.
Khó đi, mẹ dắt con đi.
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Cầu ván biểu trưng cho chốn giàu sang, thế nhưng cầu ván thì có thể bị đinh lồi lên mặt ván và đâm vào chân, cầu tre thì chòng chành khó đi. Con chập chững bước vào đời mẹ là người từng trải, mẹ hãy dắt con đi, thế nhưng:
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Câu thứ nhất có nghĩa là "Biết thế thì mẹ chớ gả con xa quê như thế này", chữ đừng trong ngôn ngữ dân gian cũng có nghĩa là không nên, nói lên một sự hối tiếc hay lỗi lầm, nhưng không nhất thiết là một sự khuyên bảo. "Các chữ chim kêu vượn hú" trong câu thứ hai có nghĩa là một nơi xa quê nhà, xa xóm làng, xa cha mẹ, nhưng không phải là cách nói lên một nơi hoang vắng không có người ở.
Bước ngang qua nhà má,
Tay tui xá, cẳng tui quỳ.
Đi ngang nhà má nhưng cũng không dám ghé. Tay tui xá, cẳng tui quỳ là một cách nói phóng đại, nêu lên lòng thương nhớ mẹ. Chữ con trong các câu đầu là cách nghĩ đến mẹ, nhớ thương mẹ, trách móc mẹ sao lại gả bán mình ở chốn xa quê. Chữ tui vụt hiện lên trong các câu trên đây là cách nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình: dù có dịp đi ngang nhà má thì cũng chỉ biết quỳ xuống chắp tay mà xá thế thôi.
Vì thương con, má sá gì thân tui.
Câu này là một câu trách mẹ: vì muốn gởi con vào nơi giàu có mà má gả con xa, má nào có nghĩ đến hạnh phúc của con đâu? Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Chiều chiều ông Lữ đi đăng,
Cá tôm nhảy hết nhăn răng cười hoài.
Đăng là một cái phên đan bằng tre dùng để chận một con lạch hay một dòng nước để bắt cá. Ông Lữ Vọng ngồì câu cá đến tám mươi tuổi mới gặp vận tốt, thế nhưng mẹ con mình thì chẳng bắt được con nào cả:
Cá tôm nhảy hết, nhăn răng cười hoài.
Ru con kẻo kẹt ầu ơi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Câu "Ru con kẻo kẹt ầu ơi" là một câu được người viết các dòng này ghép thêm vào hai câu trong bài hát ru con để biến thành ba câu lục bát, nêu lên sự nghịch lý về niềm đau của một thiếu phụ xa nhà, xa cha mẹ. Thế nhưng bài viết của vị nhạc sĩ và thi sĩ đã được nói đến trên đây thì lại cho rằng: "Nhưng chính từ những cái ngược đời ấy mà thể hiện đuợc hình ảnh một cô gái rõ là thơ ngây, đang nhõng nhẽo mẹ! (trích dẫn nguyên văn)". Phải chăng câu này cho thấy tác giả bài viết cho rằng bài hát ru con trên đây là lời của một người chị ru em? Nếu đúng là như vậy thì quả là cả một điều đáng tiếc. Độc giả có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm các chữ: "má ơi con vịt chết chìm" thì sẽ tìm thấy bài viết này trên nhiều trang mạng. Dầu sao thì những lời ru con trong bài viết trên đây cũng chỉ là để giới thiệu một bài thơ của một tác giả khác mượn hình ảnh con vịt chết chìm và các con cá lìm kìm trong một mương rạch để nói lên sự tiếc nuối một thời quá khứ của mình, bài thơ này rất khéo và ý nhị. Nói chung sự nghịch lý trong thi ca là một phương tiện, một kỹ thuật - nếu có thể nói như vậy - nhằm mục đích bộc lộ các xúc cảm quá khó, hoặc không thể nào diễn tả được bằng sự hợp lý của các ngôn từ quy ước và công thức.
Thi ca là một sự cảm nhận, một sự rung động, xoáy sâu vào tâm thức và con tim mình. Có những xúc cảm biến mình trở thành cao quý hơn, chẳng hạn như các vần thơ của bà Helena Blavatsky vẽ lên những giọt nước mắt đau thương, hoặc một câu thơ thật ngắn của ni sự Chiyo-ni nói đến một cọng rau muống quấn vào một chiếc gàu. Thế nhưng cũng có những câu thơ của một thi nhân say khướt với nỗi niềm cô đơn của mình giữa một đêm trăng thanh vắng; hoặc những câu thơ của một góa phụ dắt đàn con: bước tới đèo Ngang bóng xế tà, hoặc tiếng ru con kẽo kẹt: À ơi, cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi..., con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Phụ lục
Chúng ta chỉ có thể bước đi trên con đường khi nào chính mình đã trở thành con đường ấy. Chúng ta không thể chỉ biết nhìn vào một cánh diều lơ lửng giữa không trung, mà còn phải nhìn thấy đứa bé trên bờ đê giật sợi dây kéo con diều bốc cao trong một buổi chiều lộng gió. Nếu cùng đứng với đứa bé trên đê thì chúng ta cũng có thể ngửi thấy được cả hương thơm của những bông lúa mới từ các cánh đồng bên hai bờ đê, và nếu tạm cầm hộ sợi dây cho đứa bé để kéo con diều cao hơn, thì biết đâu chúng ta cũng có thể cảm thấy được những ước mơ sâu kín trong tâm hồn đứa bé đang cùng bốc cao với cánh diều, những ước mơ mà chính nó, với cái tuổi ngây thơ của nó, cũng không hề ý thức được. Mỗi người có một con đường, dù không phải là con đường của mình, thế nhưng chúng ta cũng có thể cảm thấy mình cùng bước đi bên cạnh họ trên con đường của họ trong thế giới thật nghịch lý này.
Cơn ác mộng
Giật mình, cơn ác mộng,
Tôi ra đời từ thuở nào?
Một buổi sáng hừng đông?
Hay một đêm tối không trăng sao?
Tôi ra đi một buổi chiều,
Bên vệ đường, gối đầu lên tảng đá,
Tôi nằm mơ trông thấy mẹ,
Một nụ cười.
Đưa tay cha kéo tôi đứng dậy.
Xa xa bóng anh, bóng chị và cả bóng em tôi,
Dường như đang vẫy gọi,
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.
Mẹ nhìn tôi, mỉm cười, hai dòng nước mắt.
Cha nắm tay, hắt hiu buồn trong mắt.
Gỡ tay cha, không nhìn vào mắt mẹ,
Úp mặt tôi lên đường.
Mắt không hồn,
Cùng đoàn người cất bước,
Âm thầm như những bóng ma đêm,
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.
Giữa đường một đứa bé đứng khóc,
Ngữa tay một bà lão ăn xin.
Bên vệ đường, một con chó nằm chết.
Tôi dừng lại hay cứ bước?
Tôi ra đi từ thuở nào?
Dăm con đường, trăm vạn nẻo?
Tôi cứ bước.
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.
Giật mình tôi đứng lại,
Sau lũy tre, tiếng súng nổ, viên đạn bay.
Một đám người ôm nhau,
Tiếng dậm chân, nghẹn ngào đôi tiếng nấc.
Tôi ra đi hay dừng lại?
Một con thuyền, muôn ngọn sóng.
Vài tên cướp, dăm tiếng cười,
Nghìn tiếng khóc.
Kìa hòn đảo nơi chân trời,
Hay tử thần đang lấp ló?
Nhấp nhô một con thuyền.
Bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.
Tôi đến đây từ thuở nào?
Một buổi sáng hừng đông?
Hay bơ vơ một buổi chiều xa lạ?
Chốn quê nhà, bữa cơm chiều, mẹ đã dọn sẵn lên mâm.
Bures-Sur-Yvette, 30.04.2005
Hoang Phong
Gối đầu trên tảng đá bên vệ đường, trong mơ cha tôi đưa tay kéo tôi đứng dậy; xa xa bóng anh, bóng chị và cả bóng em tôi đang vẫy gọi. Bóng cha tôi là tổ tiên tôi, bóng anh, bóng chị và bóng em tôi là dân tộc tôi. Mẹ tôi, người mẹ quê hương, đang ngồi chờ tôi bên mâm cơm dọn sẵn. Thế nhưng tại sao tôi ra đi? Tôi đến đây từ thuở nào? Đấy là sự nghịch lý của sự sống, sự nghịch lý của một dân tộc. Xác người trôi dạt trên ngọn sóng hay xác một con chó nằm chết bên vệ đường thì nào có gì khác nhau, và đấy cũng là một sự nghịch lý, thế nhưng không phải là một sự nghịch lý của thi ca mà là một sự nghịch lý điên rồ của con người.
Thế nhưng chúng ta hãy cứ để cho những sự nghịch lý đó, những giọt đau thương đó, se thắt đáy tim ta. Dù những sự nghịch lý đó, những giọt đau thương đó chỉ là những sự phũ phàng, chẳng có gì là sâu sắc hay thơ mộng cả, thế nhưng chúng ta hãy cứ hát lên những sự nghịch lý ấy, sự phũ phàng ấy, những giọt đau thương ấy bằng những lời yêu thương và từ bi vô biên. Phải chăng đấy là cách giúp chúng ta biết nắm chặt tay nhau, dìu nhau trên con đường nghịch lý đó trong thế giới đầy nghịch lý này.
Đôi khi chỉ cần nghe thấy tiếng ầu ơ nơi sông nước Hậu giang, hay tiếng hò mái đẩy trên giòng Hương giang, hoặc tiếng hát quan họ của một cô gái mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, thì cũng đủ mang chúng ta trở về một quá khứ thật êm ả, giữa những sự nghịch lý mênh mông. Cách nay vài hôm sau khi nghe bài hát Rất Huế của nhạc Nhạc sĩ Võ Tá Hân trên YouTube, tôi chợt nhớ lại cách nay khá lâu, trong một lúc ngẫu hứng, tôi có viết một bài thơ chẳng có gì là đặc biệt cả, thế nhưng lại được một nghệ sĩ gốc Huế có tiếng, ngâm lên với một giọng rất huế, huế rặc. Giọng ngâm đậm đà của người nghệ sĩ xứ Huế, biết đâu cũng có thể khiến chúng ta quên đi trong giây lát những sự nghịch lý to lớn hơn trong thế giới nghịch lý này. Bài viết mang tính cách tản mạn trên đây thật ra cũng chỉ nhằm vào một mục đích khiêm tốn mang lại cho các bạn đọc xa gần vài giây phút giải khuây trong những ngày đầu xuân, với hy vọng sẽ mở ra một năm mới ít nghịch lý hơn chăng?
Xem thêm
- Độc giả có thể nghe bài hát Rất Huế theo địa chỉ liên kết: https://www.youtube.com/watch?v=4SFuxHgmyZQ,
hoặc có thể gõ các chữ sau đây vào một công cụ tìm kiếm: rất huế nhạc võ tá hân ca sĩ long nhật.
- Bài thơ với giọng ngâm rất Huế của nghệ sĩ Bảo Cường được đính kèm với bài viết này (xem đính kèm).
- Ngoài ra độc giả cũng có thể xem quyển sách The Voice of the Silence của bà H. Blavatsky theo địa chỉ: http://www.phx-ult-lodge.org/avoice.htm. Hoặc xem bản dịch tiếng Pháp của quyển sách này theo địa chỉ:
https://www.filosofiaesoterica.com/wp-content/uploads/2019/07/HPB-Ed.-_-La-Voix-_PDF_-du-Silence-__.pdf
- Độc giả cũng có thể xem bài khảo luận của nhà sư Sangharakshita về quyển sách của bà H. Blavatsky theo địa chỉ: https://www.theosophical.org/files/resources/articles/ParadoxAndPoetry.pdf
- Đối với các bản dịch tiếng Việt về bài thơ của Lý Bạch thì độc giả có thể gõ vào một công cụ tìm kiếm các chữ: nguyệt hạ độc chước thơ lý bạch; đối với các bản dịch tiếng Pháp thì gõ các chữ: buvant seul sous la lune li po, hoặc tiếng Anh thì gõ các chữ: drinking alone under the moon li bai.
Bures-Sur-Yvette, 05.02.23
Hoang Phong