;
TIỂU SỬ
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH
-Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh
-Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
-Trưởng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN
-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN
-Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN Tp. Hồ Chí Minh
-Viện chủ Chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
-Chùa Vạn Linh, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
I. THÂN THẾ:
Đại lão Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Cân và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Truyện. Đại lão Hòa thượng có 7 anh em, 2 trai, 5 gái và Đại lão Hòa thượng là người con thứ 7 trong gia đình.
Đại lão Hòa thượng được trưởng thành trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nhơn từ, có nề nếp đạo đức vững chắc và kính tin Tam bảo. Khi lớn lên, Đại lão Hòa thượng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với các anh chị và học hết chương trình Trung học Pháp tại tỉnh nhà.
II. THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Nhờ đã gieo căn lành từ nhiều kiếp, sớm giác ngộ cõi đời là huyễn, thế sự phù du, nên sau một thời gian đi chiêm bái khắp chốn Thiền môn trong tỉnh. Năm 1937, Đại lão Hòa thượng lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu xin Hòa thượng Trụ trì Pháp húy Hồng Xứng cầu thế độ xuất gia, khi trông thấy Hòa thượng, Tổ liền ấn chứng: "Các ông đừng khinh ông này, đời trước ổng đã từng làm Hòa thượng…”.Sau khi được Tổ cho phép xuất gia, ban Pháp húy là Nhựt Bình, hiệu Thiện Chánh tiếp nối dòng pháp Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Sau khi xuất gia, Đại lão Hòa thượng đã đi tham học Phật pháp với chư sơn Thiền đức ở trong và ngoài tỉnh, và lần lượt nghiên cứu tài liệu Phật học in trong Tạp chí Từ Bi Âm, do Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, chùa Linh Sơn – Sài gòn ấn hành và tham học tại chùa Bích Liên, Liên Tôn – Bình Định.
Năm 1940, Đại lão Hòa thượng cùng với quý Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa tiếp tục ra Huế học. Trước tiên, Đại lão Hòa thượng theo học Lớp Trung đẳng tại Phật học đường Tây Thiên, do Ngài Thiền Tôn làm Giám đốc. Sau đó học lớp Cao đẳng tại Phật học đường Báo Quốc, do Ngài Tường Vân làm Giám đốc, Hòa thượng Thích Trí Độ là Đốc giáo.
Năm 1941, Đại lão Hòa thượng đăng đàn thọ Sa di giới tại chùa Quốc Ân và được Sư cụ Trí Độ đặt cho Pháp hiệu là Trí Tịnh.
Sau khi mãn khóa Cao đẳng Phật học năm 1945, Đại lão Hòa thượng trở về miền Nam để tiếp tục tu học và hành đạo.
III. THỜI GIAN HÀNH ĐẠO:
Năm 1945, Đại lão Hòa thượng đã cùng với Hòa thượng Thích Thiện Hoa, thành lập Phật học đường Phật Quang, Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long), do Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Giám đốc, Hòa thượng làm Đốc giáo kiêm Giáo thọ.
Để viên mãn tam đàn Giới Pháp, năm 1945, Đại lão Hòa thượng được đăng đàn thọ Tỳ kheo và Bồ tát Giới tại chùa Long An, Sa Đéc, do Hòa thượng Chánh Quả làm Đàn đầu Hòa thượng.
Năm 1948, Đại lão Hòa thượng về Sài gòn và thành lập Phật học đường Liên Hải, tại chùa Vạn Phuớc, xã Bình Trị Đông, huyện Long Hưng Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh), do Hòa thượng làm Giám đốc, Hòa thượng Thích Huyền Dung làm Đốc giáo.
Năm 1950, Đại lão Hòa thượng nhập thất tịnh tu tại chùa Linh Sơn – Vũng Tàu.
Năm 1951, Đại lão Hòa thượng cùng Hòa thượng Thích Thiện Hòa sáp nhập 03 Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, quận 10, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận 10, Tp. Hồ Chí Minh). Từ năm 1951 – 1956, Đại lão Hòa thượng tham gia Ban Giảng huấn và giảng dạy cho Lớp Cao Đẳng Phật học.
Năm 1953, Đại lão Hòa thượng khởi công xây dựng chùa Vạn Đức, Thủ Đức.
Năm 1955, Đại lão Hòa thượng sáng kiến thành lập Hội Cực Lạc Liên hữu tại chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức do Đại lão Hòa thượng làm Liên trưởng, Thượng tọa Thích Huệ Hưng làm Liên phó.
Năm 1957, Đại lão Hòa thượng được Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm Trị sự phó và kiêm Trưởng ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt. Đồng thời, hợp tác với Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Hòa mở các khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội, chùa Tuyền Lâm, chùa Dược Sư… để đào tạo cán bộ Trụ trì và Giảng sư cho Giáo hội.
Năm 1959, trong Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam kỳ II, vào 02 ngày 10, 11/9/1959 tại chùa Ấn Quang, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy cử làm Trị sự Phó Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam.
Năm 1960 - 1962, Đại lão Hòa thượng làm Giới Luật sư trong các Đại Giới đàn, tổ chức tại chùa Ấn Quang, Pháp Hội… để truyền trao giới pháp cụ túc cho chư Tăng.
Năm 1962, Đại lão Hòa thượng được Giáo hội Phật giáo Trung phần cung thỉnh vào cương vị Phó Viện trưởng Phật học Viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang.
Năm 1964, Đại lão Hòa thượng làm Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, được tổ chức tại chùa Xá Lợi trong những ngày 30, 31/12/1963 và 01/01/1964 để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tại Đại hội này, Đại lão Hòa thượng được suy cử vào cương vị Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Tăng sự.
Năm 1964, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị làm Tuyên Luật sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức, tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự – Sài gòn.
Năm 1965, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Yết ma Tiểu giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm – Gia Định và Tuyên Luật sư Đại Giới đàn Từ Hiếu – Thừa Thiên Huế.
Năm 1966, Đại lão Hòa thượng là Tuyên Luật sư Đại Giới đàn Quảng Đức, tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
Năm 1966 - 1968, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Đại lão Hòa thượng được suy cử vào cương vị Chánh Thư ký Viện Tăng Thống.
Năm 1968 – 1971, Đại lão Hòa thượng tham gia Ban Giảng huấn Phật học viện Huệ Nghiêm và giảng dạy Phật pháp cho lớp Chuyên khoa Phật học trong ba năm.
Năm 1969, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật Sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức, tổ chức tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
Năm 1970, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Khoa trưởng Phân Khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh – Sài gòn đến năm 1975.
Năm 1971, sau khi Giáo hội thành lập Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm – Gia Định, Đại lão Hòa thượng được cử làm Viện trưởng từ năm 1971 đến năm 1991.
Năm 1973, trong phiên họp của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Đại lão Hòa thượng được cử làm Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương. Vào ngày 05.7.1973, Đại lão Hòa thượng được cử làm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng Thống, GHPGVNTN.
Cũng trong năm 1973, tại Đại hội Giáo hội Trung ương kỳ 4, Đại lão Hòa thượng được tấn phong Hòa thượng và được suy cử đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Cuối năm 1974, Đại lão Hòa thượng được cố Hòa thượng Thích Thiện Hòa cử làm Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc Tổ đình.
Năm 1975, Đại lão Hòa thượng được Hội đồng Giáo phẩm Trung ương cử làm Trưởng ban Kiến thiết Pháp Bảo Viện tại xã Linh Xuân Thôn, Thủ Đức – Gia Định.
Năm 1976, Đại lão Hòa thượng được mời làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 1980, Đại lão Hòa thượng được cử làm Tuyên Luật Sư và Chánh Chủ khảo trong Đại Giới đàn Thiện Hòa, tổ chức tại chùa Ấn Quang.
Đặc biệt, vào đầu xuân Canh Thân năm 1980, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, giang sơn nối liền một dãy, Bắc Nam sum họp một nhà, tất cả sự sinh hoạt, từ phương diện kinh tế, chính trị, xã hội… đều thống nhất trong phạm vi cả nước, và đấy cũng là một thuận duyên cho Phật giáo Việt Nam có đầy đủ cơ duyên thống nhứt thành một mối, trong phạm vi cả nước. Do đó, trong phiên họp hiệp thương của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Cư sĩ của các Tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận chương trình thống nhất Phật giáo nước nhà. Kết quả một Ban Vận động Thống nhất Phật giáo ra đời, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban và Đại lão Hòa thượng được cử làm Phó ban Vận động kiêm Trưởng Tiểu ban Nội dung.
Tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 04 – 07/11/1981, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1982, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ I, Đại lão Hòa thượng được cử làm Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đến năm 1987.
Năm 1984, sau khi Hòa thượng Trí Thủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch vào tháng 4/1984, Đại lão Hòa thượng được suy cử Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo cho đến ngày về cõi Phật.
Từ năm 1984 đến năm 2013, Đại lão Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn Đầu Hòa thượng Đại Giới đàn đầu tiên và những Giới đàn tiếp theo của Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức tại chùa Ấn Quang.
Tháng 12/1984, tại Đại hội UBMTQVN Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 4, Đại lão Hòa thượng được Đại hội cử làm Phó Chủ tịch UBMTTQVN Tp. HCM.
Tại Đại hội Kỳ III – 1992, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Từ Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ II (1983) cho đến Đại hội VII, Đại lão Hòa thượng được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và tại Đại hội VI, VII (2009), Đại lão Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 2004, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Trí Tấn do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương tổ chức.
Đặc biệt, Đại lão Hòa thượng đã được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa – Vũng Tàu cung thỉnh đảm nhiệm cương vị Hòa thượng Đàn đầu truyền giới Tỳ kheo tại các Đại giới đàn Thiện Hòa I (1993), Thiện Hòa III (2000), Thiện Hòa IV (2003), Thiện Hòa V (2006), Thiện Hòa VII (2013). Ngoài ra, Đại lão Hòa thượng còn chứng minh các Đại giới đàn của các tỉnh lân cận Tp. Hồ Chí Minh.
+ BIÊN SOẠN VÀ PHIÊN DỊCH:
Mặc dù bận rộn nhiều công việc cho Giáo hội, Đại lão Hòa thượng vẫn dành thời gian để dịch kinh và giảng kinh. Những tác phẩm Hòa thượng đã biên soạn, phiên dịch và phổ biến như:
1. Kinh Pháp Hoa : 08 quyển
2. Kinh Hoa Nghiêm : 08 quyển
3. Kính Đại Bát Niết Bàn : 02 quyển
4. Kinh Đại Bát Nhã : 03 quyển
5. Kinh Đại Bảo Tích + Đại Tập : 12 quyển
6. Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện : 01 quyển
7. Kinh Địa Tạng bổn nguyện : 01 quyển
8. Kinh Tam Bảo : 01 quyển
9. Tỳ kheo giới bổn : 01 quyển
10. Bồ Tát giới bổn : 01 quyển
11. Kinh Pháp Hoa cương yếu : Tóm tắt
12. Kinh Pháp Hoa thông nghĩa : Tóm tắt
13. Cực Lạc liên hữu tập : 01 quyển
14. Đường về Cực Lạc : Trọn bộ
15. Ngộ tánh luận : 01 quyển
+ XÂY DỰNG:
Năm 1995, Đại lão Hòa thượng đã khởi công xây dựng lại chùa Vạn Linh và Tháp Tổ Hồng Xứng – Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Năm 2000, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Đại lão Hòa thượng Hòa thượng đã ký quyết định thông qua dự án và bổ nhiệm Ban Trùng tu cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – Thiền viện Quảng Đức, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.
Năm 2001, Đại lão Hòa thượng trùng tu Giảng đường chùa Vạn Đức, Phật đài Quan Âm, Thư viện, Thiền thất, phòng sách v.v…
Năm 2002, Đại lão Hòa thượng là Chủ đầu tư xây dựng lại cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – Thiền viện Quảng Đức, quận 3.
Năm 2004, Đại lão Hòa thượng khởi công xây dựng lại Chánh điện, Nhà Tổ chùa Vạn Đức với quy mô lớn, trang nghiêm tú lệ, đã thành tựu viên mãn, xứng đáng là cơ sở Giáo hội tại địa phương.
Với những công đức mà Đại lão Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo Pháp và Dân Tộc, nên Hòa thượng đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng:
-Huân chương Hồ Chí Minh
-Huân chương Độc Lập hạng nhất
-Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân.
-Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.
IV. THỜI GIAN VIÊN TỊCH:
Là một trong những cao tăng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Đại lão Hòa thượng đã có những đóng góp, những công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước. Đại lão Hòa thượng là một bậc Tôn sư khả kính đã có nhiều công lao súc dưỡng và dìu dắt hàng trăm môn đồ đệ tử đã trưởng thành, noi gương từ bi hỷ xả, tự giác giác tha của Hòa thượng để bền vững đạo tâm và trang nghiêm Giáo hội.
Ngày nay, khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, tế độ chúng sinh của Đại lão Hòa thượng đã viên mãn, thì cũng chính là lúc luật vô thường đưa Đại lão Hòa thượng Hòa thượng trở về Tây phương kiến Phật vào lúc 09 giờ 15 phút, ngày 28 tháng 3 năm 2014 (nhằm ngày 28 tháng 02 năm Giáp Ngọ). Trụ thế 98 năm, hạ lạp 69 năm.
Thế là Đại lão Hòa thượng đã viên thành đại nguyện, Giác linh Đại lão Hòa thượng Hòa thượng đã trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng mãi mãi lưu lại trong tâm tư, trong ký ức của hàng Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Nam Mô Từ Lâm Tế Gia Phổ, Tứ thập nhất thế, Pháp húy thượng Nhựt hạ Bình, tự Trí Tịnh, hiệu Thiện Chánh, Nguyễn công Đại lão Hòa thượng Giác linh.
Nguồn: GHPGVN