;
TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ HƯNG
(Nguyên Trú Trì Tổ Đình Kim Huê đời thứ 8) Sinh năm Đinh Tỵ-1917. Viên tịch năm 1990-Canh Ngọ Trưởng Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN, Trưởng Ban Phật Giáo Chuyên Môn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt nam, Phó Ban Trị Sự Thành Hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh, Hiệu Phó Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh, Tổng Lý Hội Đồng Quản Trị Tổ Đình Ấn Quang Chứng minh và cố vấn Tổ Đình Kim Huê, Sa đéc, Chứng minh và cố vấn Chùa Tuyền Lâm, quận 6, Chứng minh và cố vấn Chùa Sơn Bửu, Vũng Tàu, Viện chủ Tu Viện Huệ Quang, quận Tân Bình
Hỡi ơi! Đàn truyền giới thiếu thầy Hòa thượng Chùa Huệ Quang vắng bóng tôn sư
Mây trắng phủ đầy trăng
Bát nhã Hoa đàm rơi rụng cả lối về
I.Thân Thế:Hòa thượng pháp húy Ngộ Trí, đạo hiệu Thích Huệ Hưng, thế danh Nguyễn Thành Chẩm, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39, là đệ tử sư tổChánh Thành, chùa Vạn An, tỉnh Sa-đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp.Ngài sinh năm Đinh Tỵ-1917 tại làng Mỹ Thọ, Quận Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong, nay là tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ Nguyễn Minh Biện, pháp danh Minh Chiếu, thân mẫu là cụ Trần Thị Mậu, pháp danh Diệu Thiệt. Năm 62 tuổi, cụ bà xuất gia thọ giới Sa di ni với Hòa thượng.Ngài là con trưởng trong gia đình gồm bảy anh em. Ngài hướng dẫn dìu dắt các em bước vào lộ trình giải thoát sau này như:
1.Hòa Thượng Thích Huệ Viên, trú trì chùa Sơn Bửu, Tp Vũng Tàu.
2. Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, trú trì Tu Viện Huệ Quang, Nguyên Chánh đại diện Phật giáo quận Tân Bình. Nguyên giảng viên trường Cao Cấp Phật Học Việt nam cơ sở II.
3. Cố Ni sư Thích Nữ Như Trí viên tịch năm 1978 tại Tu viện Diệu Đức, quận Bình Thạnh, Sài gòn.
4. Ni sư Thích Nữ Như Diệu, đương kiêm trú trì Tu Viện Diệu Đức, quận Bình Thạnh, Sài gòn.
II.Xuất Gia Tu Học: Vốn sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tin ngôi Tam bảo, Ngài sớm nhận thức trần gian mộng ảo, cuộc thế giả tạm vô thường. Sau khi tham phương các thắng tích danh lam, Ngài chọn núi Sập làm nơi tu dưỡng, phát nguyện quyết chí trường chay, hằng ngày chuyên tâm tụng kinh niệm Phật.-Năm Mậu Dần, 1938, cơ duyênhội đủ, Ngài đến cửa Phật Vạn An, xin được thế phát xuất gia, năm đó vừa tròn 21 tuổi. Từ đó, Ngài yên phận tu trì, trau giồi kinh luật, gần gũi Thầy hiền bạn tốt, mong chờ ngày dự tuyển Phật trường.
-Năm Nhâm Ngọ, 1942, sư tổ Vạn An khai đàn trao giới, Ngài chính thức thọ giới Sa di và được ban pháp danh là Huệ Hưng, pháp húy là Ngộ Trí.
-NămQuý Mùi, 1943, sư tổ Vạn An biết Ngài là bậc Pháp khí đại thừa, xứng đáng ngôi Long tượng trong nhà Phật pháp bèn quyết định cho thọ Tỳ kheo Bồ Tát Giới tại Giới Đàn chùa Viên Giác,tỉnh Vĩnh Long, trong Đại Giới Đàn này, sư tổ Chánh Quả chùa Kim Huê đương vi Hòa thượng đàn đầu. Sau đó, Ngài ở lại chùa này an cư tu học kinh luật trong mười tháng, rồi đến chùa Phước Duyên, Mỹ tho.
-Năm Ất Dậu, 1945, Ngài đến Phật học đường Lưỡng Xuyên-Trà Vinh thọ học. Được 6 tháng, vì tình hình chiến sự xảy ra, Ngài trở về học với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại Chùa Long An, tỉnh Sa đéc. -Năm Bính Tuất, 1946, Ngài đến cầu học Luật Tứ Phần, kinh Phạm Võng Hiệp Chú với sư tổ Chánh Quả tại chùa Kim Huê, Sa-đéc và đắc pháp với sư tổ.
-Cuối mùa đông năm Đinh Hợi, 1947, Ngài thọ học với Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Giám Đốc Phật học Đường Liên Hải, tại chùa Vạn Phước, Bình Trị Đông, Sài gòn.
III. Hành Đạo:
-Năm Canh Dần, 1950, Ngài được Hòa thượng Thích Thiện Hòa đích thân mời tham gia giảng dạy tại Phật Học Đường Nam Việt, chùa Sùng Đức, quận 11, Sài gòn.
-Năm Tân Mão, 1951, vì thân tứ đại có phần bì quyện, Ngàiđến dưỡng bệnh tại chùa Giác Nguyên, Khánh Hội, Sài gòn, đồng thời tiếp tục giảng dạy kinh luật cho Tăng chúng nơi đây. Cũng tại chùa này, Ngài vừa điều trị bệnh tình vừa phiên dịch kinh Duy Ma Cật và Kim Cang Giảng Lục hoàn chỉnh.
-Năm Giáp Ngọ, 1954, với hoài bão “hoằng pháp là nhà ở, lợi sinh là sự nghiệp”, Ngàihoan hỷ phụ giúp Hòa thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ chùa Ấn Quang giảng dạy các bộ kinh Đại thừa.-Năm Ất Mùi, 1955, Ngài được Hòa thượng Thích Trí Tịnh mời làm Phó Liên Trưởng Hội Cực Lạc Liên Hữu tại chùa Liên Trì, tỉnh Phước Tuy-Bà Rịa, còn Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chánh Liên Trưởng.
-Năm Bính Thân, 1956, Ngài sang Nam Vang giảng dạy khóa hạ tại chùa Chuẩn Đề. Sau khi trở về nước, Ngài được Tăng-Ni tứ chúng Chùa Kim Huê, tỉnh Sa đéc cung thỉnh ngôi vị trú trì
.-Năm Đinh Dậu, 1957, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mở Khóa Huấn Luyện Trụ Trì Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội, quận 10. Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Trưởng ban và Ngài được thỉnh cử Phó Ban kiêm Chánh Thư Ký.
-Năm Mậu Tuất-1958, Ngài tham gia giảng dạy tại Phật Học Đường Phước Hòa, tỉnh Trà Vinh.
-Năm Canh Tý, 1960, Ngài và Hòa thượng Thích Trí Tịnh đồng tâm mời Thượng tọa Thích Huệ Phát đang trú trì chùa Tân Uyên, Biên Hòa trở về thay thế ngôi vị trú trì chùa Kim Huê, Sa đéc, còn phần Ngài quyết tâm bế quan thiền định và trở thành Cố Vấn Chùa Kim Huê từ đây cho đến ngày viên tịch.
-Năm Nhâm Dần, 1962, Ngài phát tâm xây dựng Thiền viện Tập Thành ở Bà Chiểu và làm giới sư Đại Giới Đàn Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang.
-Năm Giáp Thìn, 1964, Ngài được thỉnh cử Giới Sư tại Đại Giới Đàn Việt Nam Quốc Tự, do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức.
-Năm Bính Ngọ, 1966, Ngài được thỉnh cử trong thành phần Ban giảng huấn Phật Học Viện Cao Đẳng Huệ Nghiêm, Sài gòn.
-Năm Kỷ Dậu, 1969, Ngài được cung thỉnh giảng kinh Viên Giác và Luật Tứ Phần tại chùa Tuyền Lâm, Chợ Lớn. Trong thời gian này, Ngài vẫntiếp tục tham gia giảng dạy tại Phật học viện Cao Đẳng Huệ Nghiêm, Sài gòn.
-Năm Canh Tuất, 1970, Ngài khai sơn Tu Viện Huệ Quang, quận Tân Bình rồi thường trú và hành đạo nơi đây cho đến ngày viên tịch.
-Năm Nhâm Tý, 1972, Ngài được thỉnh cử Giới sư tại đại Giới Đàn Huệ Quang, Mỹ tho.
-Năm Quý Sửu, 1973, Ngài được thỉnh cử Giới sư tại Đại Giới Đàn Phước Huệ, Nha Trang. Trong năm này, Ngài được Hòa thượng Thích Trí Tịnh mời vào thành viên Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng, thuộc Viện Tăng Thống GHPGVN Thống Nhất.
-Năm Giáp Dần, 1974, Ngài được thỉnh cử Giới sư tại Đại Giới Đàn chùa Quảng Đức, Long Xuyên do Hòa thượng Thích Tắc Phước làm Trưởng Ban Kiến Đàn. Đồng thời, Ngài được thỉnh cử làm thành viên Hội đồng giáo phẩm Trung Ương GHPGVN Thống Nhất.Cũng trong năm này, sư tổ Thiện Hòa lâm trọng bệnh, Ngài được thỉnh cử Tổng Lý Hội Đồng Quản Trị Tổ Đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc.
-Năm Ất Mão, 1975, Ngài được thỉnh cử Giới sư tại Đại giới Đàn Thiện Hoa chùa Ấn Quang.
-Năm Nhâm Tuất, 1982, trong nhiệm kỳ I Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Ngài được đề cử Phó Ban Trị Sự kiêm Ủy Viên Giáo Dục Tăng-Ni.
-Năm Quý Hợi, 1983, Ngài là giảng sư Trường Hạ chùa Xá Lợi, quận 3 do Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
-NămGiáp Tý, 1984, Ngài được thỉnh cử Giới sư Đại Giới Đàn Thiện Hòa tại chùa Ấn Quang,do Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ chí Minh tổ chức.Cần nói thêm, suốt thời gian từ năm 1984 đến ngày viên tịch, Ngài thường tham gia giảng dạy tại các trường hạ do Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, cũng như đảm nhiệm Hiệu Phó kiêm Giám Luật Trường Cao Cấp Phật học Việt nam cơ sở II.
-Năm Đinh Mão, 1987, Đại hội Phật giáo Thành phố nhiệm kỳ II, Ngài được tiếp tục thỉnh cử Phó Ban Trị Sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Mùa an cư năm này, Ngài được chư tôn đức thỉnh cử Thiền chủ Trường hạ Vĩnh Nghiêm do Thành hội Phật giáo tổ chức. Tháng 10 năm Đinh Mão, 1987, Ngài được thỉnh mời tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ II tại Hà nội. Ngài được tấn phong Hòa thượng và được đề cử làm Trưởng Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN cho đến ngày viên tịch.
-Năm Mậu Thìn, 1988, Ngài được thỉnh cử là Giới sư Đại Giới Đàn Ấn Quang do Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
-Năm Kỷ Tỵ, 1989, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam thành lập, Ngài được đề cử Trưởng Ban Phật Giáo Chuyên Môn cho đến ngày viên tịch.
IV. Sự Nghiệp Phiên Dịch:
Ngoài công tác giảng dạy kinh-luật, Ngài đã dành thời gian phiên dịch và xuất bản: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Lược Sử Đức Lục Tổ, Pháp Môn Tu Chứng Lăng Nghiêm Đại Định.
Những tác phẩm đã dịch xong nhưng chưa đủ cơ duyên xuất bản gồm: Kinh Phật Thuyết Đương Lai Biến. Kinh Phật Thuyết Diệt Tận. Tập Tri Kiến Giải Thoát. Ngoài ra, Ngài còn đang soạn dịch dang dở Kinh Phạm Võng Hiệp Chú.
V. Tâm Nguyện Cuối Đời:
a. Tổ chức tang lễ: Vì sợ nhọc lòng chư tôn đức Tăng Ni cũng như hao tốn của đàn na tín thí, Ngài mong muốn Lễ Tang của Ngài thật ngắn gọn và đơn giản. Nơi an nghỉ cuối cùng nơi khu đất cao ráo ngoài Đại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu.
b. Đối với Tu Viện Huệ Quang: Từ trước, Thầy Thích Minh Cảnh trú trì, nay vẫn tiếp tục giao công việc trọng đại thiêng liêng này cho Thầy gánh vác.
c. Đối với môn nhân đệ tử: Ngài khuyên mọi người nên nỗ lực tinh tấn tu hành dựa trên tinh thần Giới Định Tuệ và thâm sâu vào thiền định.
d. Đối với Giáo Hội: Ban Hoằng Pháp và Ban Giáo Dục Trung Ương nên kết hợp thành lập Lớp Hoằng Giới để đào tạo một số Luật sư tinh thông Luật Tạng, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu giới học cho Phật giáo và làm căn bản cho việc tu hành giải thoát giác ngộ. Song song, Giáo hội nên thành lập Viện Chuyên Tu dành cho những vị xuất gia quyết tâm đạt ngộ chân tâm, để người đời nhìn vào phát khởi niềm tin sâu sắc với Tam bảo. Ngoài ra, Giáo hội cần quan tâm tổ chức Khóa tu nghiệp Trụ trì liên tục, nhằm giúp đỡ và đào tạo Tăng-Ni có đủ kiến thức, đức độ trở thành những vị trụ trì gương mẫu trong tương lai.
VI. Viên Tịch:
Thời gian năm tháng trôi qua, bốn đại theo duyên tăng giảm. Cuối năm 1989, Ngài ngã bệnh tại thiền sàng.Như biết trước được ngày giờ ra đi của mình, Ngài đã tự viết Lời Di Chúc cho môn nhân tứ chúng rất chi tiết. Cũng cần ghi lại một trong những điều quan trọng là, trong thời gian điều trị tại Bệnh Viện Chợ Rẫy, vào một buổi sáng, Ngài bảo thị giả Thiện Hữu đưa giấy viết cho Ngài và đích thân Ngài ngồi kiết già trên giường bệnh, thanh thản cảm tác hai bài kệ như lời dặn dò cuối cùng với Tứ chúng đệ tử:
Đường qua bỉ ngạn chẳng đâu xa
Rời khỏi chân tâm chính đó mà
Một niệm chẳng sinh chân thể hiện
Rõ ràng trước mặt-Mật-ba-la.
và bài thơ ngũ ngôn bằng Hán tự:
Chư pháp tùng bổn lai
Như thị diệc như thị
Phương tiện tùy ứng hóa
Như huyễn phục như huyễn
Xin tạm dịch:
Các pháp từ xưa nay
Như vậy vốn như vậy
Phương tiện tùy duyên hiện
Như huyễn lại như huyễn
Hai bài thơ cảm tác này, phần nào nói lên tinh thần liễu đạo của bậc chân tu và là món quà tinh thần động viên nhắc nhở tứ chúng môn nhân.
Mặc dù đã được tứ chúng đệ tử và y-bác sĩ khắp nơi tận tình chữa trị, nhưng chẳng bao lâu, bệnh duyên của Ngài càng lúc càng nặng. Sáng ngày 28 tháng giêng, Ngài bảo thị giả Thiện Hữu dìu đỡ Ngài lên Tổ đường để đảnh lễ tổ sư lần cuối, sau đó trở về tịnh thất ngồi thiền.
Vì Ngài muốn an tịch trong tư thế tĩnh tọa, nên thị giả Thiện Hữu đã đỡ Ngài ngồi và cùng ngồi sau lưng Ngài. Đến khoảng 10 giờ 40, như có linh tính trong lòng, thị giả Thiện Hữu mở mắt nhìn Ngài và thấy Ngài vẫn an nhiên bất động. Thị giả Thiện Hữu bèn đứng dậy lặng lẽ bước ra ngoài, báo cho Thầy Trú Trì tin Ngài đã viên tịch. Khi Thầy Trú Trì vào, thì Ngài đã thu thần thị tịch vào 10 giờ 45 sáng ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ -1990 tại Tu Viện Huệ Quang.
Hưởng thọ 74 tuổi đời. Pháp tuế 46 mùa kiết hạ.
Cuộc đời hành đạo của Ngài vô cùng bình dị, nhưng đã để lại hình ảnh thiêng liêng thánh thiện trong lòng mọi người. Ngài là bậc chân tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng cả con tim và trí tuệ. Ngài thật xứng đáng là một Luật sư Giáo thọ của Tăng-Ni Phật tử khắp nơi!Quả thật: Từ chơn như Ngài đến ba miền.Nay viên tịch trở về chín phẩm Tông phong tổ ấn gởi lại non sông
Giáo hội môn đồ nghìn thu vĩnh biệt
Bảo tháp của Ngài được tôn trí trong khuôn viên Đại Tòng Lâm-Bà Rịa Vũng Tàu và là bảo tháp đầu tiên tại đây. Từ đó chư tôn đức liệt vị trong Tổ Đình Ấn Quang cũng lần lượt được cung thỉnh tôn trí tại đây.
Phụng vì Việt nam Phật giáo, Giáo Hội Tăng sự Ban Trưởng, tự Lâm Tế Gia Phổ, Tam thập cửu thế, thượng Huệ hạ Hưng, húy Ngộ Trí, Nguyễn Công Hòa thượng giác linh!
Ngày 15 tháng 01 năm Bính Thân, nhằm 22-02-2016
Đệ tử thị giả Tỳ kheo Thiện Hữu phụng soạn