;
Trong bất cứ nghi lễ lớn hoặc nhỏ, câu kệ lễ Phật trên đều được xướng tụng để mở đầu cho khóa lễ, thường là hai thời khóa công phu chiều và sáng, và trong các nghi thức dâng y Kathina, khóa kinh phúc chúc đến Phật tử, nghi thức thuyết pháp, khi Phật tử cúng dường đến Tam Bảo, v.v. Các nước trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy trên thế giới đều cử hành nghi thức xướng câu kệ Namo...lễ Phật giống nhau. Thông thường, mọi người đều tụng câu kệ này đúng ba lần. Chư Tăng Ni và Phật tử Phật giáo Nguyên thủy đều biết đọc và tụng bài này. Thậm chí nếu ta muốn biết người nào đó có phải là Phật tử Nam tông (Theravada) hay không, ta chỉ cần hỏi xem người ấy có biết tụng bài kệ Namo...lễ Phật. Bài kệ này rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa và giá trị. Tuy nhiên, có lẽ có nhiều Phật tử vẫn chưa hiễu tường tận về xuất xứ, lợi ích và ý nghĩa của bài kệ. Do đó bài viết này nhằm trích dẫn và làm sáng tỏ một số vấn đề có liên quan đến bài kệ.
I. XUẤT XỨ
Có lẽ chúng ta thường thắc mắc, không biết bài kệ Namo...lễ Phật là do Đức Phật dạy hay do chư vị đệ tử của Ngài giảng dạy cho chúng ta tụng đọc để biết Ân Đức của Đức Phật Tổ. Nếu suy luận rằng bài kệ do chư vị đệ tử của Ngài dạy thì có lý hơn là do chính đức Phật. Nhưng thật ra, bài kệ là do chư Thiên thốt ra, không phải do đức Phật hay chư vị đệ tử của Ngài dạy.
Trong quyển "Kho Tàng Pháp Học" (của Thái Lan, do Đại Đức Ngộ Giới phiên dịch), chúng ta thấy ghi xuất xứ của nó từ bốn quyển Kinh: 1- Chú giải Trường Bộ Kinh Sumangalavilasinī, 2- Tiểu Tụng (Khuddakapadha), 3- Paramatthajotika và 4- Nidāsamyutta. Nguyên văn Pāli (Nam Phạn) là:
"NAMO sātāgirī yakkho
TASSA ca asurindako
BHAGHAVATO mahārājā
Sakko ARAHATO tathā
SAMMĀSAMBUDDHASSA mahā-brahmā
Ete pañca namassare".
Nghĩa:
Chúa loài Dạ Xoa, kính lễ Phật bằng tiếng Namo
Chúa A Tu La, kính lễ Phật bằng tiếng Tassa
Tứ Đại Thiên Vương, kính lễ Phật bằng tiếng Bhagavato
Vua Trời Đế Thích, kính lễ Phật bằng tiếng Arahato
Đại Phạm Thiên, kính lễ Phật bằng tiếng Sammāsammabuddhassa
Giải nghĩa theo từng từ ngữ:
- Namo = Thành kính
- Tassa = vị ấy
- Bhagavato = Thế Tôn. Nên chúng ta thường tụng: Đức Thế Tôn hiệu Bhaghavato bởi Ngài đã siêu xuất Tam giới tức là Ngài không còn luân hồi lại nữa.
- Arahato= Ứng Cúng. Nên chúng ta thường tụng: Đức Thế tôn hiệu Araham bởi Ngài đã xa lìa các tội lỗi nên tiền khiên tật thân và khẩu của Ngài đều được trọn lành.
- Sammāsammabuddhassa = Chánh Biến Tri. Nên chúng ta thường tụng: Đức Thế tôn hiệu Sammāsammabuddhassa bởi Ngài đã thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, tự Ngài ngộ lấy, không thầy chỉ dạy.
Bài kệ tán dương Đức Phật này được nói lên lúc nào? Đó là sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ Đề vào tuần lễ thứ nhất. Vừa lúc Ngài cảm thắng Ma Vương, vẹt màn lưới vô minh và ái dục, tâm Ngài bừng giác ngộ. Ánh sáng giác ngộ đó được lan tỏa khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới. Đầu tiên lan tỏa lên cõi Tứ Đại Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ Ma v.v. và lan lên cõi Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Nghe tin Đức Thế Tôn thành đạo, Dạ Xoa đại diện cho cõi trời Tứ Đại Thiên Vương, A Tu La đại diện cho phái Bất thiện, Vua trời Đế Thích đại diện cho cõi Đạo Lợi, Phạm Thiên đại diện cho 16 cõi trời Sắc giới và 4 cõi Vô Sắc, tất cả đều chúc tụng Ngài vừa thành đạt ngôi vị Thầy của Chư Thiên và Nhân loại (Satthādevamanussānam), bằng các lời chúc tụng nêu trên.
II. LỢI ÍCH KHI TỤNG ĐỌC
Thành đạt trong mọi lãnh vực, bắt đầu từ sự nỗ lực, kiên trì và cầu tiến không ngừng. Đánh mất những yếu tố đó sẽ dễ đưa đến thất bại. Trên phương diện huyền học, ngay cả những đạo sĩ chuyên luyện bùa phép, chú thuật, thần chú v.v... để thành đạt những phép lạ cũng phải kiên trì liên tục, không bị gián đoạn, nếu bị gián đoạn thì phép lạ bị giảm thiều và năng lực, hiệu nghiệm không còn tác dụng nữa. Trên phương diện tu tập và hành trì pháp môn giải thoát, chúng ta cũng phải nỗ lực không ngừng, ngăn ngừa pháp ác, thực hiện các hạnh lành, giữ tâm trong sạch. Nếu công phu tu luyện thực hành đúng, đều đặn, nhiều kiếp thì chắc chắn chúng ta sẽ được giác ngộ giải thoát. Về xuất xứ, bài kệ Namo...lễ Phật là do năm vị có quyền lực đại diện cho 31 cõi Ta-bà đến lễ lạy Phật khi Ngài mới vừa thành đạo. Do đó, chúng ta đọc tụng thường xuyên thì sẽ có những phép lạ xảy ra trong tâm thức của mình. Quyển Kho Tàng Pháp Học và những bộ Chú Giải có đề cập đến bốn lợi ích của những ai tụng đọc và hành trì:
1. Noi gương theo bậc thánh
Tụng đọc và hành trì bài kệ này có nghĩa là chúng ta huân tập pháp học và pháp hành theo gương của bậc thánh (chư Phật). Khi tụng đọc, tâm chúng ta hoan hỷ, tỏ tấm lòng tôn kính vô biên với Đức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Chánh Giác. Pháp cung kính là tâm đại thiện, tạo ra rất nhiều quả báu. Cụ thể là 7 cõi trời Dục Giới, xa hơn nữa là thành Chánh giác. Người tụng đọc bài kệ này chắc chắn là có duyên lành với Chánh pháp. Người có lòng tin thì mới đọc tụng bài kệ này. Mỗi ngày, khi tán dương và kính lễ Thế Tôn, A La Hán, Chánh Đẳng Chánh Giác, thì mỗi ngày chúng ta đều thực hành theo gương và hạnh của đức Phật.
2. Ngăn ngừa sự tai hại
Người tụng đọc thường xuyên bằng tâm trong sạch và tôn kính thì sẽ có quả đại thiện. Chính quả này có khả năng ngăn ngừa tại hại. Tuy nhiên, nếu đã lỡ tạo những ác nghiệp thì chúng ta phải gánh chịu. "Ta đi theo với nghiệp của ta; Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình", hai câu kệ đó giới thiệu chúng ta một khung trời Thiện và Ác do ta chọn lựa. Một khi lựa chọn thì chúng ta phải gánh hậu quả. Thiện và ác theo ta như bóng với hình.
Nếu thiện và ác là do ta tạo, như vậy cần gì phải đọc và tụng bài kệ Namo...lễ Phật để ngăn ngừa tai hại? Xin trả lời rằng trong nghiệp thiện và ác, nghiệp nào nhiều thì trổ quả lớn. Cho dù khi nghiệp ác đang trổ quả, nếu chúng ta thực hiện một trong 10 việc làm thiện sự như: Bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ, tuỳ hỷ, nghe pháp, thính pháp v.v.. thì sẽ cho tâm đại quả. Tâm đại quả này có khả năng ngăn ngừa những tai hại. Ngăn ngừa ở đây không có nghĩa là xóa hết những hành động bất thiện chúng ta đã tạo trong quá khứ, nhưng có thể hoá giải phần nào các hậu quả tai hại do các nghiệp ác đó. Vì thế, khi chúng ta đọc tụng bài kệ Namo...lễ Phật đề đặn, thường xuyên và lâu dài, chắc chắn chúng ta sẽ có phước báu vô lượng vô biên. Đức Phật dạy rằng phước báu là nơi nương nhờ của chúng sanh trong ngày vị lai, phước báu là nơi ẩn náo an toàn, che chở chúng sanh, ngăn ngừa tai hại.
3. Tẩy tâm trong sạch
Tâm chúng ta ô nhiễm do bởi những phiền não cấu uế như tham, sân, si v.v...Vì tâm chúng ta không thanh tịnh và trong sạch nên bị ô nhiễm bởi những thứ phiền não trên. Trong thiền tập, cụ thể là Thiền Định (samatha bhavana), đức Phật dạy có 40 đề mục thiền định như: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng v.v. Hành giả chọn một trong 40 đề mục thích hợp rồi chuyên tâm Niệm; nhờ phương pháp niệm này mà tâm hành giả được tập trung, đưa đến cận định, định, đạt sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền v.v., phiền não sẽ được vắng lặng trong thời gian khi hành giả đạt được những giai đoạn thiền đó.
Như vậy, chúng ta tụng đọc kệ Namo...lễ Phật cũng là một đề mục thiền định nhằm để giữ tâm trong sạch và thanh tịnh, không bị chao động bởi những ngọn gió thế gian như: được lợi, mất lợi, được danh, mất danh, hạnh phúc, đau khổ v.v.
4. Tạo đời sống cốt lõi
Cốt lõi của đời sống là thiện pháp. Người hành trì và đọc tụng kệ Namo...lễ Phật là người đang thực hành thiện pháp. Thiện pháp chính là bản chất đạo đức của Thiên nhân. Thiện pháp là nhịp cầu để chuyển mê khai ngộ, ly khổ, đắc lạc. Đức Phật khuyên chúng ta: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Ngài cũng dạy: "Attāhi attano nātho ko hi nātho paro siyā - Mỗi người là nơi nương tựa của chính mình, không ai có thể là đấng cứu rỗi của ai được". Qua lời dạy trên, chúng ta thấy đạo Phật là đạo của con người, lấy con người làm trung tâm. Hạnh phúc hay đau khổ là do chính chúng ta. Vậy thì chúng ta hãy nổ lực và chuyên tâm thực hành chánh pháp.
III. TẠI SAO PHẢI ĐỌC VÀ TỤNG BÀI KỆ NAMO... LỄ PHẬT BA LẦN?
Có người cho rằng tụng ba lần là tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và vị lai; hay tượng trưng cho ba quả vị Phật: Thinh Văn Giác, Duyên Giác và Chánh Đẳng Chánh Giác, v.v. Tuy nhiên, không phải như thế. Theo những bộ kinh Phật như Sumangalavilasinī, Khuddakapadha, Paramatthajotika và Nidāsamyutta, chúng ta phải tụng đọc ba lần không dư và không thừa. Đọc tụng bài kệ Namo...lễ Phật ba lần có ý nghĩa và ám chỉ cho ba hạng Bồ Tát thực hành 3 hạnh Pháp Độ (pāramī, ba-la-mật). Đó là: Bồ tát thực hành hạnh Trí Tuệ (paññā), Bồ tát thực hành hạnh Đức Tin (saddhā), và Bồ tát thực hành hạnh Tinh Tấn (viriya)
Mặc dù ba vị Bồ Tát này tu những hạnh nguyện khác nhau, nhưng đều hướng đến quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác (sammāsambuddhassa) giống nhau. Chư vị Chánh Đẳng Chánh Giác đều có Nhất Thiết Chủng Trí, Thần Thông, và 30 tục lệ của Chư Phật thì đều tương đồng. Tuy nhiên thời gian thực hành Pháp Độ thì khác biệt. Vị Bồ tát thực hành Pháp Độ hạnh Trí Tuệ thì phải mất thời gian 20 A Tăng Kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ tát thực hành Pháp Độ hạnh Đức Tin thì phải mất thời gian 40 A Tăng Kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Vị Bồ tát thực hành Pháp Độ hạnh Tinh Tấn thì phải mất thời gian 80 A Tăng Kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Theo bộ Chánh Giác Tông (Buddhavamsa), do Hoà Thượng Bửu Chơn phiên dịch, thì Phật Thích Ca tu hạnh Trí Tuệ, và Phật Di Lặc tu hạnh Tinh Tấn.
Tỳ khưu Thiện Minh