;
Nhiều người cho rằng, tu Tịnh Độ chỉ trông nhờ vào tha lực tiếp dẫn, đó là một thiếu sót. Tịnh Độ bao gồm cả tự lực lẫn tha lực, thiếu tự lực thì không thể được nhất tâm, không nhất tâm thì làm sao chiêu cảm được với chân tâm của chư Phật.
Còn một số người niệm Phật để cầu phước hay để xin xỏ này nọ đó là tham lam, mà đã tham lam thì làm sao có kết quả được! Người tu Tịnh Độ không cần xin gì khác ngoài việc vãng sanh về cõi Tây Phương. Mọi người phải nhớ rõ điều này. Và hôm nay, tôi trình bày chi tiết một phương pháp thực tập căn bản của Tịnh Độ về việc nghiêm trì sáu căn, ba nghiệp cho thanh tịnh, để được nhất tâm trong lúc niệm Phật.
- Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi hành lễ, phải biết giữ sao cho mắt đừng nhìn ngang nhìn dọc, vì ngoại cảnh lọt vào mắt dễ làm cho tâm sinh loạn tưởng. Phải làm chủ con mắt, chỉ chăm chú nhìn lên tượng Phật hoặc giữ gìn hình ảnh của đức Phật trong tâm mà thôi. Nhiều người tuy miệng niệm Phật mà mắt vẫn nhìn quanh, rồi sinh tâm vọng động, nghĩ ngợi, lo lắng đủ thứ thì làm sao có thể nhất tâm cho được!
Khi hành lễ, phải biết chú tâm vào những câu kinh, tai phải nghe thật rõ từng câu, từng chữ, từng danh hiệu Phật. Niệm đến đâu phải biết đến đó. Niệm một câu biết một câu, niệm mười câu biết mười câu, chứ không lẫn lộn hoặc lầm lạc. Phải biết chuyên chú niệm Phật, đừng để cho tai nghe những tiếng động khác chung quanh mà làm cho tâm ý vọng động.
Cũng tương tự như thế, phải hoàn toàn làm chủ các căn khác như mũi, lưỡi, thân, ý không cho chúng lọt ra ngoài sự kiểm soát của tâm. Không còn loạn tưởng, không còn vọng động thì đó chính là chánh niệm rồi. Chánh niệm khi tu Tịnh Độ có khác gì an tâm lúc tu Thiền đâu.
- Ba nghiệp là thân, khẩu và ý. Phải biết khắc phục thân nghiệp. Khi hành lễ, phải giữ thân thể ngay ngắn, ngồi thẳng lưng. Đứng lên ngồi xuống phải vững chắc, đừng xiêu vẹo. Khi lạy xuống, phải giữ cho đầu, hai tay, hai chân sát xuống đất (ngũ thể đầu địa) thật cung kính. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi công phu thực tập chuyên cần, không khác công phu thiền tọa của Thiền tông bao nhiêu.
Phải biết khắc phục khẩu nghiệp bằng cách sử dụng miệng lưỡi để tán thán công đức Tam Bảo, đọc tụng kinh chú một cách thành kính, nghiêm trang, không ngừng nghỉ. Phải tập thói quen chỉ dùng miệng lưỡi để nói những điều lành, lợi ích cho muôn loài chúng sanh mà thôi. Trong lúc hành lễ, không được nói chuyện gì khác mà chỉ chuyên tâm niệm Phật.
Phải biết khắc phục ý nghiệp. Phải tập trung tư tưởng, chí tâm chí thành, không vọng tưởng hay xin xỏ điều gì, mà chỉ thiết tha mong vãng sinh về Cực Lạc. Các bạn nên nhớ, các nghiệp chướng vẫn tích tụ trong tâm. Khi lễ Phật, tâm yên tĩnh nó sẽ phát động, nảy sinh biết bao ý tưởng triền miên, hết điều này đến điều khác, ngăn trở công phu luyện tập. Trong ba nghiệp thì ý nghiệp nặng nhất, ít ai có thể kiểm soát được, nên người hành lễ phải trông nhờ vào tha lực của chư Phật hộ trì cho.
Ngoài ra, không phải chỉ khi hành lễ ta mới giữ cho sáu căn, ba nghiệp được thanh tịnh, mà lúc nào ta cũng có thể ý thức và làm chủ được nó trong mọi hoàn cảnh. Phải làm sao để cử chỉ, lời nói đều trang nghiêm, thanh tịnh, giữ tâm sáng suốt để quán tưởng về cõi Tây Phương. Được thế thì có khác gì trạng thái ung dung tự tại của người tu Thiền đâu?
Nói một cách khác, trong Tịnh bao gồm cả Thiền lẫn Mật, bao gồm cả tự lực lẫn tha lực, vừa ý thức hành vi cử chỉ của mình, vừa tha thiết niệm hồng danh Phật để cầu vãng sanh. Thay vì để cho tâm điên đảo, vọng tưởng, nghĩ ngợi lung tung, người hành lễ phải chí tâm chí thành niệm danh hiệu Phật A-di-đà.
Oai lực của sáu chữ hồng danh rất lớn, bất khả tư nghì, nếu người tu nhất tâm trì tụng có thể khắc phục được ý nghiệp. Khi ba nghiệp thanh tịnh, sáu căn thâu nhiếp được nhất tâm thì trí tuệ sẽ sáng suốt và chắc chắn được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Đó chính là điểm then chốt mà mọi người cần phải để ý cho kỹ.
Nam mô A-di-đà Phật.
Tâm Thoại