;
“Steve đã xây dựng một công ty và nền văn hóa không giống như công ty nào khác trên thế giới và chúng ta sẽ giữ gìn nó. Nó đã ở trong gen của chúng ta”, Tim Cook, người kế thừa Steve Jobs vị trí CEO Apple đã viết như vậy trong một bản ghi chép sau khi Steve Jobs từ chức CEO Apple hồi tháng 8/2011.
Nhưng điều ít được nói đến là Steve Jobs có chứa trong mình động lực gì để làm nên một di sản lớn như vậy?
Như mọi người, các giá trị của Steve Jobs được định hình bởi sự nuôi dưỡng và trải nghiệm cuộc đời của ông. Ông sinh năm 1955 ở San Francisco và lớn lên trong thời văn hóa hippi thịnh hành nhất. Ca sĩ Bob Dylan và ban nhạc huyền thoại Beatles là hai biểu tượng âm nhạc ông yêu thích và thời ấy, ông cũng chia sẻ với họ khuynh hướng chính trị, trải nghiệm tuổi trẻ với sử dụng thuốc ảo giác.
Tên của công ty do Jobs đồng sáng lập được cho là ảnh hưởng bởi hãng Apple của ban nhạc Beatles. Như Beatles, Jobs học theo giáo lý thiền của Ấn Độ và thường xuyên đi chân không quanh hàng xóm và trong văn phòng.
Một lần đến Ấn Độ đã đưa Jobs đến với Phật giáo. Nhà sư Kobun Chino, học viên MBA ở đại học Stanford là người chủ trì hôn lễ của ông với Laurene Powell.
“Cuộc sống là một sự khôn ngoan”
Tái sinh là một triết lý của Phật giáo và Apple đã trải nghiệm sự tái sinh khi Jobs trở lại sau lần ông bị sa thải. Ông đã biến Apple từ một công ty bên bờ vực phá sản thành doanh nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay với các sản phẩm có thương hiệu chữ “i” đứng đầu được công chúng trên toàn thế giới ưa chuộng.
“Tôi tin cuộc sống là một sự khôn ngoan, rằng mọi thứ không phải là sự ngẫu nhiên”, ông Jobs nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Time năm 1997.
Nghiệp chướng là một giáo lý khác của Phật giáo, nhưng có vẻ nó không ảnh hưởng đến Jobs. Nếu ông sợ quả báo trở lại hành hạ ông, thì trong các phát biểu công khai về đối thủ và cựu đồng nghiệp, ông không gọi họ là “bozos” – những kẻ ngu ngốc – thiếu vị giác.
Những người đã làm việc cho Steve Jobs đã mô tả ông như một bạo chúa họ sợ gặp trong thang máy.
“Anh sẽ ngạc nhiên khi biết mọi người ở đây làm việc cực nhọc như thế nào”, Jobs trả lời phỏng vấn Tuần kinh doanh BusinessWeek năm 2004. “Họ làm việc đêm và cuối tuần, đôi khi không gặp gia đình trong một thời gian. Đôi khi mọi người làm việc qua Giáng sinh để đảm bảo con ốc lắp đúng vị trí trong một số nhà máy ở một góc nào đó của thế giới để sản phẩm của chúng tôi ra thị trường là tốt nhất có thể”.
Một số kỹ sư đã làm việc không mệt mỏi với bản Mac gốc đến khi tạm rời dự án thì đã bị vợ con hoặc bạn gái bỏ đi. Đạo đức làm việc không ngừng nghỉ của Jobs có lẽ cũng đã được định hình bởi một số vấn đề gia đình của chính bản thân.
“Tôi đã làm những thứ tôi không tự hào”
Jobs được vợ chồng ông bà Paul và Clara Jobs nhận nuôi. Hai người đã hứa với mẹ đẻ của ông, bà Joanne Simpson (sau đó ông đã lần ra dấu vết của mẹ đẻ nhờ sự giúp đỡ của một thám tử tư), rằng họ sẽ nuôi ông lớn khôn và cho ông vào đại học. Nhưng ông bỏ ngang đại học Reed College chỉ sau một học kỳ và có tin đưa ông không bao giờ muốn nói với cha đẻ mình.
Jobs có một con gái ngoài giá thú là Lisa. Ông phủ nhận là cha Lisa nhiều năm, thề thốt trong tài liệu của tòa án là ông không có khả năng sinh con. Sau đó, ông có thêm ba con với vợ chính thức, bà Laurene Powell.
“Tôi đã làm nhiều điều tôi không tự hào, như làm bạn gái tôi có mang khi tôi 23 tuổi và cách tôi xử lý vấn đề này”, ông viết trong một thông cáo năm 2011 để quảng bá cuốn sách về tiểu sử ông.
Đó là lối sống thiếu suy nghĩ thời trẻ trước khi ông đến với Phật giáo và biết về nghiệp chướng.
“Tất cả các giá trị cốt lõi đều giống nhau”
Theo truyền thống, kinh điển Phật giáo được truyền bí mật. Và bí mật cũng là điểm nổi trội của Apple và cá nhân Jobs. Mặc những bí mật hoang tưởng xung quanh việc phát triển sản phẩm ở Apple, ông Jobs hầu như lờ đi hầu hết các đề nghị phỏng vấn của phóng viên, “mị” họ trong các thông cáo ông đưa ra, từ chối tiết lộ thông tin về căn bệnh của mình cho các nhà đầu tư cho đến khi ông phải phẫu thuật và bị liên quan đến vụ bê bối quyền chọn cổ phiếu.
Theo đánh giá chung, ông chơi theo nguyên tắc của riêng ông.
Những người đã tiết lộ bí mật của ông hoặc thầm thì về công ty của ông đều bị trừng phạt hoặc đe dọa. Apple kiện và cuối cùng hòa giải với blogger trẻ nặc danh đứng sau Think Secret – blog đưa thông tin chính xác về các tin đồn Apple hồi đầu những năm 2000.
Sau đó là câu chuyện mẫu sản phẩm mẫu iPhone 4 mà blog công nghệ nổi tiếng Gizmodo mua rồi công bố lên mạng.
“Khi toàn bộ sự việc với Gizmodo xảy ra, tôi nhận được nhiều lời khuyên từ mọi người rằng “Anh hãy để cho qua đi”, Steve Jobs nói trên sân khấu tại một hội nghị công nghệ năm 2010. “Tôi đã suy nghĩ rất kỹ về điều này và tôi kết luận rằng điều tồi tề nhất có thể xảy ra khi Apple lớn hơn và chúng ta có thêm một chút ảnh hưởng trong thế giới thì chúng ta thay đổi các giá trị và bắt đầu bỏ qua. Tôi không thể làm điều đó. Tôi thà bỏ hết”.
Năm nay, quan điểm đó lại lặp lại với việc Jobs vẫn là CEO Apple dù ông phải nghỉ chữa bệnh, khi một nhân viên khác bỏ quên một mẫu iPhone 5 ở quán bar. Apple đã báo cảnh sát điều tra vụ mất cắp này.
“Chúng tôi hiện có các giá trị tương tự như trước đây chúng tôi có”, Jobs nói tại hội nghị AllThingsD của Wall Street Journal. “Chúng tôi có kinh nghiệm hơn một chút, chắc chắn đánh bại đối thủ nhưng các giá trị cốt lõi vẫn tương tự”.
“Chúng ta ở đây để đặt một vết lõm lên vũ trụ”
Có lẽ, giá trị nổi bật nhất của Apple, nói một cách đơn giản, là tạo ra tác động ngoại cỡ tới xã hội. “Chúng ta ở đây để đặt một vết lõm lên vũ trụ”. Tuy nhiên Apple và Jobs đã không làm được nhiều với vết lõm trong từ thiện.
“Chúng tôi làm những việc mà chúng ta cảm thấy có thể đem lại sự đóng góp đáng kể”, Jobs trả lời phỏng vấn BusinessWeek năm 2004, “Và mục tiêu chính của chúng tôi ở đây là… không phải là lớn nhất hay giàu nhất”.
Để đạt được mục tiêu đó, Jobs đã là một nhà quản lý vi mô ám ảnh. Một phần lý do DNA của Jobs ăn sâu trong Apple là bởi vì ông nhúng tay vào mọi công việc, nhiều nhất có thể. Cá nhân ông phản hồi một số đề nghị hỗ trợ dịch vụ của khách hàng gửi cho ông qua email; ông hoạt động trong thiết kế sản phẩm, đồng tác giả hơn 300 bằng sáng chế; có một tay trong những nỗ lực tiếp thị, bao gồm khẩu hiệu nổi tiếng Think Different và các chiến dịch Mac vs. PC.
“Rốt cuộc, Apple là gì?”, Jobs trầm ngâm nói với phóng viên Time. “Apple là về những người nghĩ “bên ngoài cái hộp”, những người muốn sử dụng máy tính để giúp họ thay đổi thế giới, để giúp họ tạo những thứ làm khác đi và không chỉ là để làm xong việc”.
“Tập trung và đơn giản”
Jobs nổi tiếng với vụ câu John Sculley, chủ tịch hãng nước giải khát PepsiCo, về điều hành Apple bằng câu nói: “Anh muốn sống hết phần đời còn lại để bán nước giải khát có đường, hay anh muốn có cơ hội thay đổi thế giới?”.
“Điều làm cho phương pháp của Steve khác với tất cả mọi người là ông luôn luôn tin rằng những quyết định quan trọng nhất bạn đưa ra không phải là điều bạn làm mà là những điều bạn quyết định không làm”, ông Sculley trả lời phóng viên BusinessWeek năm 2010. “Ông ấy là một người tối giản. Tôi nhớ đi vào nhà Steve hầu như không có đồ nội thất trong đó. Ông ấy chỉ có một bức ảnh của Einstein – người mà ông ngưỡng mộ rất nhiều – và ông một đèn Tiffany, một cái ghết và một chiếc giường. Ông ấy không chỉ không tin vào có rất nhiều thứ xung quanh mà còn cực kỳ thận trọng về những gì ông lựa chọn”.
Kiềm chế, ít nhất là trong thiết kế sản phẩm và trang trí nội thất, là một nguyên tắc chính của Jobs. Ngay sau khi trở lại Apple, ông đóng cửa nhiều bộ phận và chuyển sự chú ý vào đến một số sáng kiến quan trọng. Thậm chí ngày nay, các dòng sản phẩm của Apple và doanh thu được tập trung vào chỉ một số ngành công nghiệp trong đó công ty ông có thể thống lĩnh.
“Đó là một trong những triết lý của tôi: tập trung và đơn giản”, Jobs trả lời BusinessWeek năm 1998. “Đơn giản có thể khó hơn phức tạp: Bạn phải làm việc vất vả để suy nghĩ của bạn rõ ràng để làm mọi thứ đơn giản. Nhưng cuối cùng nó đáng giá bởi một khi anh đạt được sự đơn giản, anh có thể dịch chuyển cả ngọn núi”.
Sáu năm sau, ông giải thích trong một phỏng vấn rằng: “Chúng tôi phải nói không với 1000 thứ để đảm chúng tôi không đi trệch hướng hoặc không làm quá nhiều. Chúng tôi luôn nghĩ về các thị trường mới chúng tôi có thể đến nhưng chỉ bằng cách nói không, chúng tôi có thể tập trung vào những thứ thực sự quan trọng”.
“Hãy luôn đói khát. Luôn dại khờ”
Các thành viên của đội quản trị Apple đã áp dụng các phần đoạn mã này, tùy vào công việc.
Jonathan Ive, giám đốc thiết kế công nghiệp, áp dụng chuẩn đạo đức đơn giản của Steve Jobs.
Scott Forstall, phụ trách phần mềm di động, rõ ràng đã thừa hưởng một số nhiệt tình và khả năng trình diễn trước công chúng của ông.
Và Tim Cook, CEO Apple hiện nay, nhìn chung là người tham công tiếc việc và đang điều hành công ty như ông quản lý đời sống riêng tư của mình: trong vòng bí mật.
Song Cook đôi khi ra khỏi chiếc vỏ của mình để truyền đạt các bài học đạo đức cho các nhân viên mới. Ông cùng với các lãnh đạo khác của Apple dạy ở đại học Apple.
Đại học Apple đảm bảo rằng các nhân viên được giáo dục kỹ lưỡng về các nguyên tắc của công ty và rằng các lý tưởng của Jobs sống mãi. Jobs tin vào những người không bao giờ ngừng học hỏi và sẽ mở mang đầu óc với những ý tưởng mới.
Ngọc Hằng dịch
Nguồn : thegioiphatgiao.org