;
Năm 2013, khi thầy Tuệ Sỹ an cư ở suối Thạch Khê, Diên Lâm, Khánh Hòa. Chúng tôi may mắn thường xuyên gần thầy học hỏi giáo lý. Hạnh phúc nhất là những đêm rằm, cả núi rừng tắm dưới ánh trăng, thầy trò trà đạo, bàn đủ chuyện Đông-Tây kim cổ.
Lúc ấy thầy bảo chúng tôi: “Các thầy muốn hiểu triết học Phật giáo phải học triết học Ấn-độ, cả triết học phương Tây và phương Đông.” Tôi hỏi thầy, triết học là gì? Thầy trả lời vui, triết học là nói thứ gì đó mà khiến người khác không hiểu gọi là triết học.
Thầy trò phá lên cười… Sau này, tôi xem câu nói ấy như kiểu Thiền sư đưa ra công án thiền cho thiền sinh vận động trí não, phá hủy chủ nghĩa công thức sách vở, nhìn thực tại không bị bẻ cong bằng tuệ giản trạch, đó chính là triết học của Phật đạo.
Như các luận sư Hữu bộ nói: nhận thức nhìn thẳng vào yếu tính của tồn tại, tức nhận thức bằng trí tuệ vô nhiễm (prajñā amalā), đó là triết học. Từ “triết học” nói theo nghĩa gốc tiếng Hy Lạp cổ đại φιλοσοφία (philosophia) là “tình yêu đối với sự thông thái”. (1)
Sự thông thái bắt đầu từ sự thắc mắc. Vì sao chúng ta lại hiện hữu, hiện hữu để làm gì, và tồn sinh thế nào để cho có ý nghĩa trong cuộc đời... Biết đặt câu hỏi và biết đi tìm câu trả lời là người có “tư duy triết học”. Tư duy triết học để thay đổi vận mệnh, sống sao cho tự do và có trách nhiệm với bản thân, với tha nhân. Học Duy thức chính là tập “tư duy triết học”, tư duy chính là sự hoạt động của thức.
Một Phật tử hỏi rằng:
“Có phải Duy thức học cho chúng ta biết: mọi gốc rễ của cuộc sống hiện tại ở mỗi người, phần lớn do ý thức sống của con người mang lại không (không đổ lỗi hết cho nhân quả tiền kiếp)?”
Để trả lời cho câu hỏi này chúng tôi chia thành hai đề tài thảo luận ngắn: 1. Có đổ lỗi hay không đổ lỗi cho nhân quả tiền kiếp thì nó cũng can thiệp vào mỗi chúng sanh khi tất cả hiện hữu. 2. Cuộc sống do ý thức quyết định, bởi vì nghiệp của kiếp nào cũng từ ý thức mà ra. Giáo lý về thức rất phức tạp và rộng lớn, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm căn bản về thức để mọi người dễ lãnh hội.
1. Nhân quả tiền kiếp:
Trong bài trước chúng tôi đã nói, giáo lý nguyên thủy xem nghiệp là duyên khởi, còn Duy thức xem A-lại-da là duyên khởi. Vậy mối liên hệ giữa nghiệp và A-lại-da là như thế nào và thức đóng vai trò gì trong nhân quả?
Chữ “nghiệp” chỉ là nói đến kết quả của một hành động... nhưng “nghiệp” được lưu giữ và kết nối từ đời này sang đời khác bằng cách nào, thì chỉ có giáo nghĩa Duy thức mới giải thích cặn kẽ. Kỳ thực, nghiệp quá khứ chúng ta làm được lưu giữ trong tâm.
Tâm, chữ Phạn “citta” dịch nghĩa là tích lũy. “Tâm” còn có một tên khác là thức A-lại-da 阿賴耶, Phạn ngữ ālaya, nghĩa tương đương: nơi cất chứa các hạt giống (bīja, Hán: chủng tử 種子): thiện, ác, phàm phu, thánh nhân, tham, sân, si, …
Những “hạt giống” (chủng tử) cất chứa trong A-lại-da theo dạng năng lực (energy), hay công năng (śakti – samartha) tiềm tàng, chờ đủ điều kiện sẽ cho ra kết quả. Và năng lực ấy chính là thức. Năng lực này mắt thường và kể cả phương tiện khoa học cũng không thể thấy. Khi tái sanh đời sống mới, năng lực này cấu thành thân vật lý và tâm. Tóm lại, A-lại-da là chỗ lưu giữ năng lực nghiệp. Từ đó cho thấy giáo nghĩa Duy thức không phủ nhận nghiệp mà chỉ rộng bàn đến chỗ khúc chiết của nghiệp.
Về vấn đề tái sanh là một quá trình chín mùi của nghiệp và sự đổi khác, thuật ngữ Duy thức gọi là “dị thục” (異熟, vipāka). Nghĩa là khi luân hồi làm người hay làm thú, năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn) cũ đều thay đổi.
Như một người cực ác, chết đọa là con mèo thì năm uẩn của người đó tan rã rồi định hình năm uẩn của con mèo mới gá vào thai mèo được. Hay một người hiền tái sanh lại làm người, sắc thân cũ cũng phải biến đổi. Rộng bàn thêm, khi làm con người ở kiếp này, nghiệp quá khứ đã được xử lý xong (dị thục), thì mắt con người không thể thấy trong bóng đêm như con chim cú.
Hoặc thân thể con người chỉ chịu lạnh ở một mức độ giới hạn, lạnh quá sẽ chết, không như loài gấu Bắc cực có thể chịu lạnh dưới 30 độ C… Và giàu-nghèo, thọ-yểu, đẹp-xấu vân vân cũng chính kết quả của dị thục, từ dị thục này lại tạo thêm nghiệp mới, khiến cho vòng xoáy phiền não – nghiệp – khổ quay mãi không cùng, diệt rồi sinh, sinh rồi diệt, chỉ khi nào đạt đến niết-bàn thì vòng xoáy này mới chấm dứt.
Do đó mới nói, có đổ lỗi hay không đổ lỗi cho nhân quả tiền kiếp thì nghiệp dị thục cũng can thiệp là vậy.
2. Cuộc sống ý thức quyết định:
Hằng ngày chúng ta sống làm việc, thức (vijñāna) (có phụ trợ của ý chí [tư 思, cetanā – volition, will) hoạt động với ba hình thái: thiện, bất thiện, vô ký (avyākṛta). Hành động mà mang hạnh phúc đến cho người hay cho mình gọi là thiện, ngược lại là bất thiện (ác). Vô ký là trung dung, không thiện không ác, như ăn, uống, ngủ, nghỉ…
Hoặc vẽ một bức tranh, chơi một bản nhạc chỉ để thư giãn, tất cả đều là vô ký. Nếu vẽ để bán lấy tiền làm từ thiện, thì hành động đó mới là thiện. Cầm kiếm mà múa chơi là vô ký, cầm kiếm đi giết người thì đó là bất thiện. Nên hiểu hành động để lại kết quả thiện và ác mới tạo thành nghiệp quả “dị thục” như trước giải thích.
Còn vô ký không thể tạo nghiệp dị thục, trong Câu-xá nói vô ký như “hạt giống hư mục” (Vyākhyā: avyākṛtaṃ hi pūtibījavan na vipākadānāya samartham).
Nghiệp báo “dị thục” có ba loại (2):
1. Chín khác thời gian (dị thời nhi thục 異時而熟), ví dụ làm ác kiếp này chưa trả được, có thể đến kiếp sau trả. Hoặc làm thiện lúc thiếu thời, đến tuổi ngũ tuần mới hưởng.
2. Chín thay đổi loại (dị loại nhi thục 異類而熟), như ví dụ ở trước, nếu con người làm ác, đọa làm thú thì năm uẩn con người phải đổi thành năm uẩn của loài vật nào đó mà nghiệp lực dẫn đến.
3. Chín và biến đổi (biến dị nhi thục 變易而熟), ví dụ lúc sinh tiền mình giết người, chết tái sanh, vừa sinh ra không có tứ chi. Hoặc quá khứ mình từng đi xây cầu, làm đường ở những thôn nghèo; tái sanh lại đời này mình được giàu có không thiếu thứ gì. Chứ không hẳn hiểu theo giáo nghĩa nhân quả căn bản, là mình giết người thì người khác giết lại mình; hay mình xây cầu, làm đường, kiếp sau người khác làm lại cho mình...
Và ý thức quyết định số phận cuộc sống là thế nào? Giả như chúng ta mê mờ vô minh tạo nghiệp bất thiện, giết người, cướp của, trộm cắp..., nếu biết ăn năn sám hối, thì nghiệp vẫn trả mà trả nhẹ lại. Tôi có người cậu lúc trẻ cứ bệnh triền miên, về sau ông tham gia hội đoàn từ thiện, hoặc đi làm một mình, nhất là nghĩa cử thầm lặng của cậu, ông thường đến bệnh viện tìm những bệnh nhân nghèo không có khả năng điều trị, ông hỗ trợ, giúp theo khả năng mình. Từ đó sức khỏe của cậu cũng cải thiện lên nhiều. Đó là ý thức quyết định cuộc sống và có thể chuyển đổi nghiệp “dị thục”.
Những gì chúng tôi trình bày chỉ là giáo lý Duy thức căn bản, mang tính tương đối, không phải bài viết nghiên cứu học thuật cao. Và một đời sống “Duy thức” thiết thực và sống động còn tùy thuộc ở mỗi người tự thể nghiệm thêm.
Triết lý tư duy
(Duy thức trong cuộc sống)
Ngày 24 tháng 11, Nhâm dần
Tâm Nhãn
Chú thích:
1. Cf. Tuệ Sỹ, Giới thiệu A-tì-đạt-ma Câu-xá I & https://vi.wikipedia.org.
2. 成唯識論述記 卷2, T43, no. 1830, p. 300a16-17.