nguoiphattu.com Bậc hiền đức, thấy việc phải thì làm mà không mong cầu, không vụ lợi; bậc hiền trí thì luôn tránh những lỗi nhỏ nhặt nơi lời nói và việc làm của mình, khiến không tổn hại người và vật, và họ luôn luôn biết tránh những bất giác ở nơi tâm mình.
Sống với bậc hiền trí thì ai cũng thích, nhưng làm sao để bảo vệ họ? Họ hiền trí thì cứ để cho họ hiền trí theo cách sống hiền trí của họ là ta đã bảo vệ được họ. Ta hãy bảo vệ họ bằng những hành động và tâm ý không bảo vệ gì cả, đó mới là cách bảo vệ chân thực đối với họ.
Nếu ta khen và trọng dụng họ là vô tình ta làm cho nhiều người cạnh tranh với họ và ghét họ. Vì sao? Vì tâm cạnh tranh và ganh tỵ tài năng nơi mỗi người đối với mọi người nhiều hơn cát bụi.
Nhưng, có người lại bảo, nếu có nhiều người cạnh tranh với người hiền trí, để trở thành bậc hiền trí, thì xã hội sẽ có được nhiều người hiền trí để phục vụ chứ sao?
Hiền trí không phải do cạnh tranh mà được, nếu hiền trí do cạnh tranh mà được thì không phải là hiền trí, ấy chỉ là thủ thuật và trí xảo. Cạnh tranh đã tạo nên nỗi bất hạnh của thế giới con người. Cạnh tranh là bất hạnh.
Thủ thuật thì không phải là hiền trí mà nó giết hiền trí và hại hiền đức. Thủ thuật chỉ có giá trị tạm thời mà không phải là giá trị vĩnh cửu. Hiền trí có giá trị vĩnh cửu là vì hiền trí có mặt ngay nơi tự thân hiền đức của nó.
Muốn cạnh tranh để hơn người khác thì phải có thủ thuật, phải có trí xảo. Càng sử dụng thủ thuật và trí xảo là người khiếm đức, và tự thân của họ đã làm tổn thương hiền đức. Đức đã tổn thì làm gì có hiền. Hiền đã không có, thì hiền trí do đâu mà có?
Không có hiền đức, thì không thể có hiền trí. Không có hiền trí thì làm gì có đại dụng? Không có đại dụng, thì tiểu dụng cũng mất luôn. Xã hội mà không có đại dụng của bậc hiền đức và không có tiểu dụng của bậc hiền trí, mà chỉ có đại dụng là những kẻ khiếm đức và tiểu dụng là những kẻ trí xảo, thì khuôn mặt của xã hội là cái gì, xin mời mỗi người hãy tự soi gương để thấy mình, trước khi trả lời. Vì sao? Vì hình ảnh xã hội, chỉ là hình ảnh của nhiều con người phóng đại.
Bậc có hiền trí, thì đã có hiền đức của họ bảo vệ, mà không cần ai bảo vệ và đã có hiền đức của họ bảo chứng mà không cần phải thêm bất cứ một sự bảo chứng nào. Nếu ta thêm cho họ một bảo chứng, thì chẳng khác nào ta vẽ thêm một mặt trăng cho một mặt trăng giữa đêm rằm.
Người nào manh tâm hại bậc hiền đức, người ấy chẳng khác nào đi ngược gió mà dính bụi, và người nào manh tâm ganh tỵ với bậc hiền trí, thì chẳng khác nào người lãng trí lấy chất dơ bôi vào mặt mình.
Bậc hiền đức, thấy việc phải thì làm mà không mong cầu, không vụ lợi; bậc hiền trí thì luôn tránh những lỗi nhỏ nhặt nơi lời nói và việc làm của mình, khiến không tổn hại người và vật, và họ luôn luôn biết tránh những bất giác ở nơi tâm mình. Họ thấy việc phải thì bắt tay mà không cần ai mời gọi, họ làm xong việc thì buông tay mà không cần nắm bắt bất cứ một cái gì. Cần việc thì họ đến, ta không biết họ đến từ đâu; việc xong họ đi, ta không biết họ đi về đâu.
Họ là vậy, nên họ chỉ mỉm cười và bất động trước những thịnh suy, tán tụ, vinh nhục hay khen chê nơi trần thế.
Vậy, họ là ai? Họ hoàn toàn không có tên gọi. Họ là những hoạt khởi từ biển tâm tĩnh lặng không có danh ngôn. Nhưng, nếu cần gọi, thì ta cứ gọi họ bằng bất cứ tên gì cũng được. Ta gọi là quyền của chúng ta, nhưng bất động là quyền của những người đang hoạt dụng từ biển tâm tĩnh lặng ấy!