;
Nguồn sáng tâm linh: Hầu hết các nhà tâm linh, các hành giả chứng đắc, các minh sư đều xác định nguồn cội tâm linh là một nguồn sáng vô tận. Từ nguồn sáng đó, một linh thức chiết xuất nhập vào thai tạng có ba dạng – thể trí – thế vía – thể xác. Nguồn sáng gốc là quang năng tự tánh, nhập vào thể xác, khi cởi trói mọi ô trược, thoát khỏi vô minh, được gọi là tuệ giác, là trí tuệ giác ngộ, là bản lai diện mục…
Thể xác được nuôi dưỡng bởi vật chất, kết hợp với năng lượng vũ trụ, tạo thành một năng lượng sinh học. Năng lượng sinh học luân lưu trong cơ thể là nguồn sinh lực tự tồn, được kích hoạt bởi bảy đại huyệt. Những đám rối thái dương nầy chuyển động liên tục tiếp thu năng lượng ngoại biên, có lúc cũng phóng xuất năng lượng nội tại khi một sinh thể tự làm tiêu hao năng lượng bởi tư tưởng, hành động xấu ác; Do sự phóng xuất liên tục mà năng lượng nội tạng thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến bệnh hoạn. Những bệnh tật do hậu quả cấp thời hoặc do tích tụ tiền nghiệp được biết là “Tiên thiên bất túc, hậu thiên thất nghi”. Trong việc phục hồi năng lượng để chữa trị bệnh thân, trước tiên phải tự điều chỉnh tâm thức theo hướng tích cực, trong sáng thánh thiện, vị tha, thành khẩn sám hối nghiệp nhân, song song là vấn đề thực dưỡng hợp lý để cân bằng âm dương thích hợp với cơ thể; Không thể bồi bổ cơ thể bằng những trược khí của sinh mạng động vật, nó làm năng lượng trì trệ thêm , u tối thêm, tác động đến những cơ phận đang mang bệnh, dẫn đến ung thư, u nang ung bướu…Những loại âm trược đó làm u trệ năng lượng sinh thức. Ánh sáng quanh cơ thể của một sinh vật biểu hiện một nội tạng bên trong. Nội tạng khỏe thì ánh sáng trong tỏ, nội tạng bệnh hoạn thì màu tăm tối thâm u nặng nề. Chính vì vậy, một số nhà tâm linh thành đạt, có thể điều chỉnh năng lượng sinh học thiếu hụt của một cơ thể, không cần dùng thuốc, không cần bùa chú phù phép mà chỉ cần dùng nhãn lực đưa năng lượng bù đắp vào chỗ thâm thủng, hóa giải trược khí tích tụ trong nhân thể của người bệnh, tự động bệnh tật lui dần, với điều kiện bệnh nhân phải trường trai thanh khiết và tâm hồn thanh cao trong sáng, độ lượng, hướng đến tâm linh. Một số hành giả chuyên luyện thanh điển, tuy chưa thành đạt tâm linh, cũng có thể dùng đôi tay điều chỉnh năng lượng bệnh nhân qua thể phách của thân bệnh mà không cần phải đụng đến cơ thể bệnh nhân. Dĩ nhiên tác động của một năng lượng sinh thức từ một hành giả có hiệu quả nhất định, nếu bệnh nhân không tự điều chỉnh tư tưởng, tâm linh,và chế độ thực dưỡng, thì bệnh tật không thuyên giảm, hoặc thuyên giảm giới hạn, hoặc nghiệp lực sẽ chuyển sang một dạng bệnh khác…
Đời sống đạo đức và thành khẩn sám hối, làm lợi ích cho tha nhân, quyết định nghiệp quả đang thọ nhận của chính mình. Ngày xưa, một lương y không chỉ có nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân, còn phải khuyến khích thân chủ về chế độ ăn uống và cung cách hành xử thánh thiện. Ngày nay vì ảnh hưởng kinh tế, thầy thuốc chạy đua theo lượng số bệnh nhân mà không nghĩ đến căn nguyên tâm thức đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị của thân chủ. Một danh y xa xưa, nhìn sắc diện, giọng nói của thân chủ biết được trên 50% bệnh lý. Ngày nay thầy thuốc phần lớn y cứ vào lời khai của bệnh nhân mà cho thuốc, ngoại trừ vài căn bệnh cần xét nghiệm, chụp soi.. Hoặc khá hơn một chút, nhìn các hiện tượng bệnh thân mà tiên đoán nguyên nhân để cho thuốc, dĩ nhiên hiệu quả rất khiêm tốn. Các Lạt ma y sĩ, không chỉ xử dụng phương tiện y học mà còn kết hợp tâm linh; Những y sĩ tâm linh như thế, họ nắm bắt được nguồn gốc của bệnh thân qua ánh sáng của thể phách. Chẳng những thế, các Lạt Ma đạo sư còn dùng cả năng lượng sinh thức để hướng dẫn cho một linh thức thoát khỏi cảnh giới xấu ác khi rời bỏ xác thân. Chẳng những năng lượng sinh thức mà còn có khả năng dùng năng lượng siêu thức của bậc chứng ngộ điều hướng linh thức đến cỏi tịnh” đới nghiệp vãng sanh”.
Như thế, mọi sinh động vật đều mang một ánh sáng nhất định, tùy đẳng cấp từng loại động vật mà ánh sáng mạnh yếu khác nhau; thậm chí cây cỏ cũng mang thân ánh sáng của năng lượng sinh học. Con người là động vật thượng đẳng, vì vậy năng lượng sinh thức do quá trình trao đổi, giao thoa, quy nạp nhiều chủng tử thiện – ác xen tạp vào hàm tàng thức biến thành một khối bản ngã lầm tưởng là linh hồn. Một khi các tạp chủng tử được loại bỏ thì nguồn sáng tâm linh sẽ hiển lộ.
Cởi trói tinh thần
Video “Spiritual Truths Unveiled by Spiritual Master of” cũng đề cập đến việc hành thiền, cần thả lỏng tinh thần, chỉ theo dỏi hơi thở mà không dùng ý thức xét đoán. Bởi vọng tưởng ngăn cản nguồn năng lượng ngoại biên. Thường ngày do sinh hoạt cơ thể và ý tưởng đã làm cho nguồn năng lượng ngoại biên thâm nhập vào các đại huyệt một cách giới hạn, thêm nữa, việc thực dưỡng thiếu cân nhắc, mang nhiều trược khí vào cơ thể cũng gây trở ngại cho nguồn năng lượng vũ trụ thanh khiết nuôi dưỡng cơ thể. Khi ngồi thiền, thân và tâm ổn định, thư thái, nguồn năng lượng thanh khiết ngoại biên kết hợp với năng lượng sinh học của cơ thể luân lưu tạo thành một lực lượng hỗ trợ cho nội thể cũng như thần kinh não bộ. Từ cơ năng tinh khiết và tư tưởng thanh tịnh giúp cho hệ thàn kinh nhạy bén, năng lượng sinh thức phát triển trên con đường tiến hóa tâm linh. Một khi tư tưởng lắng đọng, bắt đầu những chủng tử trong alaida thức xuất hiện mãnh liệt. Sinh hoạt hàng ngày do tạp niệm nhiều nên không ý thức được giòng hoạt động của tiềm thức. Trong giấc ngủ do ý thức vắng mặt, những tạp thức xuất hiện, cho đó là mộng mị. Nguồn năng lượng ngoại biên cũng thâm nhập vào cơ thể rất giới hạn trong lúc ngủ, nó chỉ giải quyết được phục hồi sức khỏe sau những lúc làm việc mệt mỏi. Nhưng trong lúc nhập định, ngưng đọng mọi tạp niệm, năng lượng sinh thức hoạt động theo hơi thở, năng lượng vũ trụ thẩm thấu vào cơ thể và phủ trùm mọi ngõ ngách trong kinh mạch qua luân xa 7, hóa giải các trược khí, nguồn sinh lực nội tại hội tụ trên luân xa 6, tức con mắt thứ ba giữa hai chân mày, hành giả nhập định thâm sâu, quang năng tự tánh sẽ hiển lộ, trí tuệ dần dần khai sáng, mà video “ Sự thật về linh hồn” gọi là tắm mình trong thanh điển, tức là loại năng lượng ngoại biên thẩm thấu qua luân xa 7 kết hợp với năng lượng sinh học hỗ trợ cho năng lượng sinh thức. Nguồn thanh điển vũ trụ tối kỵ tạp niệm và trược khí. Vì thế, để tiếp nhận được nguồn thanh điển vũ trụ, hành giả phải lắng đọng mọi tạp niệm và thể chất được nuôi dưỡng bởi thực phẩm thảo mộc thanh khiết. Đây là lý do tại sao người tu thiền thường an lạc, khỏe mạnh, hồng hào; Nhà Phật gọi là Thiền duyệt vi thực. Bởi vì năng lượng thanh khiết thâm nhập vào cơ thể, đẩy lùi các trược khí từng làm bế tắt ống dẫn khí đến các cơ phận mà từ đó đã sanh ra bệnh tật. Thiền định tiếp nhận một số năng lượng thanh khiết làm sạch các đường kinh mạch của cơ thể, nguồn sinh lực nội tại luân lưu thông suốt thì cơ thể được cường tráng chứ không phải do vật thực đem lại sự cường tráng. Một cơ thể cường tráng thì sẽ có một tinh thần minh mẫn. Hành giả thâm nhập định sâu, năng lượng sinh thức hòa nhập với năng lượng ngoại biên ở tần số điển quang cao, bắt nhịp tần số rung động vũ trụ và thanh thức sẽ cho một trí tuệ thông suốt vượt không gian và thời gian, hành giả hiểu biết cao hơn về các cảnh giới của từng trạng thức. Do vậy, trong không gian, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thấy cả tam thiên đại thiên và sinh vật tinh tế như vi trùng, nhân quả ba đường sáu nẻo của chúng sanh trãi qua thời gian quá khứ, vị lai. Sự thấu đạt của huệ nhãn vượt mọi chướng ngại để thấy biết một cách thông suốt. Sự thấy biết đó, các nhà tâm linh gọi là thể vía, một dạng linh thức mang hạt giống trí tuệ của năng lượng siêu thức. thể vía, hay gọi là linh thức mang hình ảnh của một sinh thể thăng hoa. Vượt qua khỏi thể vía sẽ là thể trí của bậc đại giác. Theo chiêm tin gia Sudeih Babu của xứ Ấn Ðộ trong sách “Hành trình về Phương Đông” lại tiết lộ về một thể trí, như sau:
“Con người có ba thể chính là thể xác, thể vía và thể trí tương ứng với ba cõi, hạ giới, trung giới và thượng giới. Thượng Ðế cũng thế, tất cả vật chất cõi trung giới hợp thành thể vía của Ngài và tất cả vật chất cõi thượng giới hợp thành thể trí của Ngài. Tóm lại, tất cả đều là thành phần của Thượng Ðế từ hạt bụi đến các giải thiên hà. Mọi vật chất cấu tạo nên chúng ta đều là một thành phần của Thượng Ðế xuyên qua bảy cung - khi qua đây nó bị thay đổi ít nhiều tùy ảnh hưởng của các cung”
Theo Tiên giáo Cao Đài, một linh thức tu luyện phải vượt qua 7 giai tầng để đến thượng giới. Mỗi cõi phải cởi bỏ một phần tính thể tương ứng mới lên cõi trên, Tuy đạt Kim thân nhưng cũng chưa qua được tuyến tính thứ 5 là vòng Thái cực nếu chưa cởi bỏ thể Hạ trí. Thái cực là vòng lửa, vượt qua được chỉ có kim thân.
Theo Sant Mat, cảnh giới thứ năm là bức tường kiên cố, một hành giả vượt thoát mới giải thoát đến được các cảnh giới trên. Trong Thập địa Bồ Tát cũng thế, “Nan Thắng địa” của địa thứ năm cũng thiên nan vạn nan mới tiến đến thập địa.
Xin lược qua lý thuyết Đạo học: Vô cực là cõi hỗn mang chưa phân định đất trời, đó là cỏi uyên nguyên, từ Vô cực sanh Thái cực, tức đã móng khởi vọng niệm,Thái cực là khối nguyên khí vận hành thời gian vô cùng, do vận hành mà sanh nhiệt (lửa). như vọng niệm tác động hành xử sanh thân nhiệt. Từ vọng niệm nẩy sanh nhị nguyên đối đãi, tức Thái cực mới có phân định âm dương (lưỡng nghi) rồi tứ tượng, bát quái, Tam tài…
Theo Big Bang, do khối đặc cầu lửa vận hành nổ ra, lực ly tâm phân tán các tinh vân mà thành thiên hà vũ trụ. Cùng lúc nổ ra tạo âm thanh và phát ánh sáng. Phải chăng khối cầu lửa đó là Thái cực? “ Nhất bản tán vạn thù” là đây? Trên nguyên lý của lực ly tâm thì các tinh vân mỗi ngày một xa điểm xuất phát mà các khoa học gia gọi là vũ trụ giãn nở theo thuyết Hubble. Cũng có thuyết cho rằng có thời kỳ co lại để đến thời kỳ giãn nở thì Richard Tolman gọi như thế là vũ trụ dao động, mà đã là dao động thì không thể tồn tại vĩnh viễn, đó là quy luật vô thường của vật thể cũng như tâm thể. Một khi tâm phóng xuất ở một trương độ cực đỉnh, buộc lòng phải quy hướng trở lại; càng trầm luân tội lỗi càng dễ giác ngộ ăn năn; đó là sự phản bổn huờn nguyên, nói một cách văn hoa: - đứa con đi hoang đã trở về!
Trở về với chơn như nguyên thủy phải vượt qua bức tường vô minh vọng niệm mà chỉ có trí tuệ Bát nhã ( kim thân) mới đủ lực xuyên thủng vô minh. Một khi nguồn sinh lực nội thể kinh qua các đại huyệt, bổ sung sinh lực toàn thân đưa đến cường tráng để sanh trí tuệ thì nguồn sinh lực đó phải xuyên thấu kẽ xương đỉnh đầu như qua một đường hầm hẹp tăm tối, thoát ra ngoài hòa nhập với nguồn thanh điển vũ trụ, vạn thù đã quy nhất bản. Bất cứ pháp huyền môn nào cũng phải trãi qua nhiều công đoạn mà yêu cầu chung là cần một thân thể thanh khiết do ăn uống thanh khiết và tâm hồn thanh khiết ( khử trược lưu thanh), kế đến là loại trừ các tạp niệm để đi vào định. Khi nhập định cũng phải đối đầu với nhiều chướng ma từ tâm thức xuất hiện. Con đường tu tập là một quá trình phấn đấu gian nan với chính nghiệp chướng của mình. Ngay cả “kiết sử” và “triền cái” của nhà Phật cũng là những đoạn đường gian truân cho hành giả: Tham-Sân-Si-Mạn-Nghi là 5 triền cái cũng đủ che đậy tâm con người, huống nữa là thập kiết sử, hành giả không vượt qua thì khó đạt thành đạo quả.
Mười kiết sử là:
- thân kiến (sakkàya-ditthi),
- hoài nghi (vicikicchà),
- giới cấm thủ (silabata-paràmàsa)
- tham đắm vào cõi dục (kàma-ràga)
- sân hận (vyàpàda),
- tham đắm vào cõi sắc (rùpa-ràga),
- tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa-ràga),
- mạn (màna),
- trạo cử vi tế (uddhacca),
- si vi tế (avijjà)
.
Đức Phật trình bày lộ trình đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.
Ở đây, vị Tỳ kheo do viễn ly các sanh y (upadhi), do đoạn trừ các pháp bất thiện, do làm cho an tịnh thân thể ác hạnh một cách toàn diện, vị này ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, mọi thọ pháp, mọi tưởng pháp, mọi hành pháp, mọi thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bịnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã... Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy (tức năm hạ phần kiết sử). Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung vào bất tử giới (amata dhàtu) và nghĩ rằng: "Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, đây là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn diệt các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn diệt các lậu hoặc, thời do tham pháp và hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Đây là lộ trình, đây là con đường đưa đến đoạn tận năm hạ phần kiết sử.
Cũng vậy vị Tỳ kheo diệt tầm diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai... chứng và trú Thiền thứ ba,... chứng và trú Thiền thứ tư. Vượt lên mọi sắc tưởng, chứng và trú Không vô biên xứ,... chứng và trú Thức vô biên xứ,... chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, mọi thọ pháp, mọi tưởng pháp, mọi hành pháp, mọi thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chứng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới, và nghĩ rằng: "Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết bàn". Nếu an trú vững chắc ở đây, vị ấy đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp và sự hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Đây là lộ trình, đây là con đường đưa đến đoạn tận năm hạ phần kiết sử.
Cuối cùng, Tôn giả A Nan hỏi đức Phật rằng đây là con đường đưa đến sự đoạn trừ các năm hạ phần kiết sử, thời do hành trì như thế nào mà một số Tỳ kheo chứng tâm giải thoát, một số chứng tuệ giải thoát. Thế Tôn trả lời là do sự sai khác về căn tính.
KINH MALUNKYAPUTTA
Kinh điển Nam truyền cho ta thầy thiền pháp y cứ trên căn bản quán xét, loại trừ và hóa giải. Dùng trí để diệt trừ căn bản phiền não và vi tế vô minh. Để diệt lòng tham dục, hành giả quán sát xác chết, xương khô và những yếu tố giả hợp.
Theo Bắc truyền, quá trình tu tập đưa đến quả vị toàn thiện, phải kinh qua “Thập địa Bồ Tát”. Một hành giả không còn vi tế phiền não nữa mới đạt được năng lượng siêu thức, phải ở đẳng cấp bát địa, tức “Bất Động địa”.Tâm hành giả phải đạt đến “Nhân không” “pháp không” mới sanh tâm cực hỷ là “hoan Hỷ địa”. Quả vị thứ ba của Thập địa, hành giả đã khai phát tuệ giác, gọi là “Phát quang địa”, lúc bấy giờ năng lượng siêu thức đồng dạng với thanh điển vũ tụ.
Bất cứ pháp hành nào đưa đến tâm linh giải thoát toàn tiệt, cũng phải hàm chứa tính chất của thập địa.
_ “Ngũ đình tâm quán” - “Tứ niệm xứ”…là những pháp hành chuyển tâm.
– “Hiện pháp lạc trú”- “công án”- “trì danh”…là pháp hành quán và tuệ”.
– Tri vọng chỉ vọng” “ xả tâm” – “ly dục, ly ác pháp”…là pháp loại trừ.
– “quán tưởng âm thanh, ánh sáng, tôn tượng…” là định và tuệ.
– “Kim cang thừa” – “mật pháp”…là niệm, định và lực.
_ “Hồi quang phản chiếu” – “phản văn văn tự tánh”…là định và tuệ
Còn vô số pháp hành giúp hành giả không ngoài “chỉ” và “quán” cọng thêm tha lực từ niềm tin. Một pháp hành, ngoài yếu tố “tam pháp ấn” để xác định tính giải thoát, hiệu quả của một pháp còn tùy thuộc căn cơ, lòng nhiệt hành và tính miên tục của hành giả.
Đạo Phật tuy không chấp nhận một linh hồn tồn tại, bởi lẽ, những tập khí vô minh biến thành một khối mà gọi là bản ngã, một khi tiến vào hành trì, hành giả lần lượt cởi trói tất cả những thứ đó, như lột từng bẹ của thân cây chuối, để tiến đến giải thoát, những thứ ấy, những yếu tố cấu thành bản ngã ấy, không phải là một linh hồn. Một khi năng lượng sinh học cống hiến nguồn sinh lực cho cơ thể, năng lượng sinh thức bắt đầu có mặt; một khi năng lượng sinh thức loại trừ tạp niệm, tập khí, kết hợp với một năng lượng sinh học thuần khiết, nguồn sinh lực từ cỏi hạ giới đi lên thông qua trung và thượng giới, giúp tuệ nhãn khai mở; tùy mức độ khai mở mà hành giả thăng hoa. Điểm đích cuối cùng là năng lượng siêu thức, quang năng tự tánh, vượt khỏi tuyến tính thời gian và không gian, trở về mái nhà xưa, có thể gọi là Như lai tạng tánh, Bản lai diện mục, điển quang vũ trụ hay bất cứ ngôn ngữ hồng danh nào biểu thị cho “không vô biên xứ”, “thức vô biên xứ”…phải chăng, đó không còn là một linh hồn cá biệt theo quan niệm thường tục.
Theo “Sụ thật về linh hồn” – con người trở về với bản lai diện mục thật đơn giản, chỉ cần ngồi thư giãn, buông xả, không dùng đầu óc thì năng lượng vũ trụ thâm nhập vào toàn thân, nuôi dưỡng các kinh mạch, tế bào, dần dần trí năng phát sáng nhờ nguồn sinh lực kundalini vận hành từ dưới đưa lên khai mở trí tuệ.…Yoga là một pháp hành tối cổ, luyện thân đi vào luyện tâm một cách công phu. Các pháp thiền của Phật giáo dùng quán tưởng, quán xét để hóa giải các tập khí đưa đến định và tuệ thông qua giới luật và thực dưỡng. Như vậy, các pháp luyện lấy thân làm cơ bản để tiến vào tâm như Yoga, Tiên gia, Phật giáo lại dùng trí để hóa giải vọng tâm và nhục thể. Các pháp hành Đạo gia dùng tư tưởng dẫn khí giống Yoga để kết tinh Tam bửu ( Tinh-khí-thần). Kim Cang thừa dùng sắc tướng (Mandala) và âm lực (mật chú ) để nâng tâm thức vào tần số sóng thức siêu nhiên. Cho dù bất cứ pháp hành tâm linh nào, đều kinh qua chấn động lực của tâm thức và sóng từ của ánh sáng tuệ giác. Một số hành giả pháp: “quan âm – ánh sáng” đều lầm tưởng “ánh sáng và âm thanh” là đích để đến. Đó chỉ là hiện tượng tiến triển của tâm thức. Do sức chấn động của nguồn sinh lực mà năng lượng sinh thức bị tác động thể hiện qua âm lực nội thân hay ánh sáng của năng lượng sinh thức. Đây là loại ánh sáng đặc biệt, một Bioplasma không có “bóng”. Một ánh sáng vật chất truyền nhiệt lượng vào một vật sẽ tùy thuộc vào màu sắc của vật tiếp nhận. Vật tiếp nhận có màu sáng sẽ tiếp nhiệt ít hơn vật có màu sắc sậm tối. Khi ánh sáng truyền qua tinh thể trong suốt, ánh sáng đó sẽ phân tán thành nhiều màu sắc khác nhau. Ánh sáng tia cực tím và tia hồng ngoại có bước sóng cực ngắn hoặc cực dài nên mắt thường không thấy. Khi ánh sáng vật chất truyền qua hai môi trường không đồng nhất thì ánh sáng bị bức xạ bẻ cong hoặc lệch hướng do vận tốc di chuyển của ánh sáng… Nhưng ánh sáng của năng lượng siêu thức không bị tác động như thế, cho dù ánh sáng phát ra cực độ bằng ánh sáng của hàng ngàn ánh sáng mặt trời, cũng không bị tùy thuộc vào nhiệt lượng của chính cá thể. Ánh sáng đó là một “từ điển” có lực thu hút và lan tỏa, đi vào cảnh giới hiện tượng nó biến thành “tình thương”, lòng “từ bi” – “bác ái”…vô điều kiện. Các giáo chủ, các minh sư, các đạo sư, chân sư thuộc đẳng cấp tâm linh cao đều bao phủ một điển lành, lòng từ vô hạn đủ cảm hóa mọi thành phần xấu ác và quy ngưỡng các loài sinh vật cầm thú. Như vậy, năng lượng siêu thức hàm tàng cả “Trí tuệ và Từ bi”, đó là bản chất của quang năng tự tánh của bất cứ một giáo chủ tâm linh nào, và là tánh thể của mọi chúng sanh sẽ thành tựu trong tương lai trên con đướng thăng hoa tâm linh.
Tóm lại, ánh sáng tâm linh là một nguồn năng lượng từ bi phủ trùm vũ trụ, khi hành giả lột thoát mọi vi tế vô minh, nghĩa là năng lượng siêu thức hiện diện khi năng lượng sinh thức thoát khỏi mọi hệ lụy tâm lý, vật lý. Năng lực vận chuyển của năng lượng siêu thức thoát khỏi mọi ràng buộc của vật chất một khi “khí động lực” tương tác. Một vật thể vận hành tùy thuộc tính tương tác của “khí động lực” nội biên và ngoại biên. Năng lượng siêu thức vượt thoát mọi tương tác vật lý. Đó là quang năng tự tánh vốn tiềm tàng trong mọi sinh vật. Tình thương yêu của thế tục mang tính luyến ái, vì thế đó là tình thương có điều kiện và có đối tượng, có hạn chế, sanh ra hậu quả phiền não vì thiếu trí tuệ; Tình thương yêu có trí tuệ của những hành giả, của bậc chân sư, của Thánh nhân.. phủ trùm năng lượng siêu thức, hòa đồng cùng thanh điển vũ trụ, vì vậy, không có đối tượng cá biệt, không có tuyến tính thì không có điều kiện, không sở hữu, không sanh phiền não, không trầm luân đọa lạc.
Ánh sáng của năng lượng sinh học, năng lượng sinh thức và năng lượng siêu thức.Ánh sáng phát sanh từ năng lượng sinh học là sự giao thoa, vận hành, ma sát của các nguyên tố, các sóng hạt điện tích âm-dương tỏa một nhiệt lượng mang ánh sáng đơn cực của các vật thể thực vật, khoáng vật còn chất sống. Ví dụ đá, nếu biến thành chất vôi, dễ tan vữa, gọi là đá chết; đá xanh, mỗi ngày một phát triển khối lượng rắn chắc, tức là đá sống. Cỏ cây cũng thế, khô chết thì không còn năng lượng sinh học, cây còn năng lượng sinh học là cây còn xanh tươi, từ thân đến lá đều tỏa một dạng sóng năng lượng và có khả năng tiếp nhận năng lượng ngoại biên để nuôi sống.
Năng lượng sinh thức là một nhiệt lượng tổng hợp bởi năng lượng sinh học, sự vận hành của các tế bào não bộ để phán đoán, tư duy, hướng thượng, hướng nội, tha hóa…của một linh thức, nó phát ra một lượng sáng quanh cơ thể gồm nhiều tầng, khác với năng lượng sinh học của thực vật và khoáng vật. Nó hàm chứa thông tin của nội thể và nhân quả của cá thể qua lớp ánh sáng đó. Nó có khả năng chủ động phát quang không giới hạn. Loại ánh sáng của năng lượng sinh thức là loại quang năng đa tạp và bát định.
Năng lượng siêu thức là loại ánh sáng thuần tịnh sau quá trình thanh lọc thăng hoa của năng lượng sinh thức. Mọi nhiễm ô hoàn toàn được chuyển hóa. Nói theo Duy Thức học thì Thức biến thành Trí, ngũ quan gọi là “Tiền trần thức” khi đã chứng thực ngã không-pháp không, không lệ thuộc vào “Biến kế sở chấp” của “Liễu biệt cảnh” thì gọi “Thành sở tác trí” biến thức thứ 6 biến thành “Diệu quan sát trí”- thức thứ bảy, Mạt na thức chuyển thành “Bình đẳng tánh trí”- Thức thứ tám là A lại ya thức chuyển thành “Đại viên cảnh trí”. Luận Đại Thừa Khởi Tín gọi đây là chuyển Sanh Diệt Môn thành Chơn Như Môn. Dưới ánh sáng Bát Nhã thì đây là giả tướng biến thành “Tánh không”. Theo Kim Cang Thừa thì bát thức quay về Ánh sáng căn bản, bardo, nền tảng của tâm thức. Cho dù danh xưng thé nào, cũng đều quy về tịnh hóa căn bản, biến tướng thành tánh.
Khi Thức biến thành Trí, Tướng biến thành Tánh, ngã không-pháp không…thì quang năng tự tánh phủ trùm vạn loại, năng lượng siêu thức trở thành một lực lượng bất khả tư nghì, đó là điểm đến của bất cứ pháp hành tâm linh nào. Thuật ngữ gọi là: “việc cần làm đã làm xong” của một bậc giải thoát.
Tự Tánh Di Đà, ánh sáng tuệ giác, Chơn như Phật tánh đều là dụng ngữ làm phương tiện để diễn đạt.
( còn tiếp)