;
Thị phi gát bỏ ngoài tai
Chăm lo giáo dục tương lai đạo vàng.
Tin Ôn mất Đạo, Đời đều bâng khuâng nuối tiếc, nuối tiếc một bậc tòng lâm thạch trụ vắng bóng thế gian, nuối tiếc một nhà đại giáo dục có tầm nhìn xa rộng, không có Ôn nền giáo dục Phật giáo Việt Nam không được như ngày hôm nay. Xây dựng một đất nước vững mạnh, phải đầu tư cho giáo dục thích đáng. Xây dựng một Đạo Phật vững bền cũng phải để tâm rất nhiều vào ngành giáo dục. Hai ngàn năm đạo Phật có mặt ở đất nước này, hòa quyện như nước với sữa, thời đại Lý Trần, nền giáo dục Phật giáo chính là nền giáo dục dân tộc.
Thiền sư Vạn Hạnh đời Lý cũng là một nhà đại giáo dục, có tầm nhìn xa rộng đã thấy được chân mệnh đế vương của chú tiểu Lý Công Uẩn, hết lòng đầu tư giáo dục để sau này trở thành một đấng minh quân lo cho trăm họ thái bình. Thiền sư Vạn Hạnh là một nhân cách lớn của Phật giáo thời Lý, vua Lý Nhân Tông ( 1072-1127) có bài kệ truy tán Thiền Sư rằng:
Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua
(Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ)
Theo gương Thiền sư Vạn Hạnh, các chư tôn đức đồng thời với Ôn sáng lập Viện Đại Học Phật giáo đầu tiên và đặt tên Viện Đại Học Vạn Hạnh và Ôn là Viện trưởng đầu tiên ( giấy phép hoạt động ngày 17/10/1964). Một nền giáo dục nhân bản sẽ đào tạo nhiều thế hệ biết ưu tư về vận nước thịnh suy, an nguy của dân tộc. Biết lo lắng cho sự mất còn của đạo pháp, biết đem đạo Phật vào đời chia sẻ ngọt bùi, đắng cay với bá tánh, giáo dục mà làm tròn chức năng đó tức là dùng cây tích trượng của nhà Phật cùng chống đỡ với triều đình ( trụ tích trấn vương kỳ)
Với nụ cười trầm lặng thường trực trên môi trên mắt, với tâm hỷ xả buông bỏ vạn duyên, với nguyện ước trọn đời dâng hiến cho ngành giáo dục, Ôn đã làm nên kỳ tích ( trụ tích trấn vương kỳ).
Thích Giác Tâm