nguoiphattu.com Từ xưa đến nay trong lịch sử Việt Nam cũng như các nước theo đạo Phật, chưa khi nào thần quyền được đặt lên trên pháp quyền. Bởi vậy, việc tồn tại một pho tượng Phật ngồi trên lưng vua đang phủ phục là một điều hiếm có.
Hư thực xung quanh pho tượng
Pho tượng này hiện đang được lưu giữ tại chùa Hòe Nhai. Tượng thể hiện
một vị vua quỳ gối phủ phục mang trên lưng một pho tượng khác, tay kết
ấn, vẻ mặt từ bi, thoát tục. Theo lời kể của vị sư trụ trì chùa, vào
khoảng cuối thời Lê Trung Hưng, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí
quốc giáo, thay vào đó là Nho giáo. Đến thời vua Lê Hy Tông (1663-1716),
vị vua này đã ra sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ
bị trừng phạt. Vào đúng lúc tăng chúng phải chịu sắc lệnh rời chùa lên
rừng, hòa thượng Tông Diễn đã tìm cách trở lại kinh thành Thăng Long,
nhằm giáo hóa vua Lê Hy Tông.
Để trở lại khi vừa nhận sắc lệnh đã khó, lại tìm gặp vua càng là việc
khó khăn. Cuối cùng Hòa thượng Tông Diễn đã phải dùng biện pháp, ông gửi
tặng nhà vua chiếc hộp, trong đó nói có viên ngọc quý. Tuy nhiên thực
chất trong hộp chỉ có một tờ biểu ghi lại những điều lợi mà Phật giáo
mang lại cho xã hội. “Đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo
Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống
đúng mực, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc
gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi
ích gì cho xã hội...”, tờ biểu phân tích. Sau sự việc này, vua Lê Hy
Tông đã hồi tâm chuyển ý mà ngộ ra sự vi diệu trong Phật pháp. Sắc lệnh
đã ban bị xóa bỏ và bức tượng vua phủ phục đội Phật trên lưng ra đời từ
đó.
Tất cả những câu truyện trên đều do dân gian truyền lại, sử sách cũng
không xác nhận việc một nhà vua cho đúc tượng quỳ gối dưới chân phật. Có
thể coi đây chỉ là một truyền thuyết để giải thích cho sự ra đời của
pho tượng kỳ bí. Lời giải thích này cũng nhận được nhiều sự chấp nhận
của những nhà nghiên cứu, song cũng không ít những ý kiến bất đồng.
Những quan điểm trái chiều
Những người cùng chung quan điểm ủng hộ thuyết này cho rằng, “Dáng nằm
như gãy đó thể hiện một sự quy phục tuyệt đối, dáng mẫu mực của sự thuần
phục. Đó là sự chân thành, một sự thay đổi xuất phát sâu sắc trong trái
tim chứ không gượng ép và do đó đây không phải là một sự trừng phạt”.
Như vậy có thể lý giải được sự mâu thuẫn khi Phật giáo luôn đề cao từ
bi, bác ái. Không thể có chuyện đi trừng phạt sai lầm của người khác,
nhất là một vị vua. Thoạt nhìn thì thấy một người ngồi trên lưng một
người, có vẻ như dữ tợn, như thể đây là một sự trừng phạt đáng thương
xót. Tuy nhiên, pho tượng này nằm ở một tầng cao về trí tuệ, một sự sửa
mình để sống. Sự ngự trị trong cõi này còn có một cõi ngự trị siêu hùng
ưu việt hơn, đó là lực lượng của trí tuệ, một sự tự thân, của bản thể
duy nhất.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Lâm Biền: “Pho tượng trên không thể có từ
thời Lê, có thể, khi đó vua có cho tạc tượng nhưng là một pho tượng
khác, không phải pho tượng đang nằm trong chùa Hòe Nhai. Bởi dấu khóa
trên vai trái của tượng cũng như những nếp hoa văn lượn sóng ở vạt áo
thường được sử dụng phổ biến ở thời Nguyễn. Thêm nữa, đạo Phật chủ
trương sự giác ngộ và đề cao sự nhẫn. Pho tượng này đã đi ngược tôn chỉ
đó, làm hoen ố sự cao sang, thanh thoát vốn có của Phật giáo.
Dù cho pho tượng này được tạo tác từ thời Lê hay thời Nguyễn thì đây vẫn
là một trong những bức tượng độc đáo số 1 Việt Nam. Câu chuyện về “vua
hối lỗi” ở đây có bao nhiêu phần trăm là sự thật thì nó cũng như một
lời răn dạy mà những người đời sau cần ghi nhớ, đó là sự sám hối một
cách chân thành. Câu chuyện này, bài học này, muôn năm không bao giờ cũ.Theo Quỳnh Vân - Đỗ Nguyễn - ANTĐ