;
Chùa Tượng Sơn - Tượng Sơn tự, có tên gọi khác là chùa Hầm Hầm (hoặc Ầm Ầm, theo kiểu tượng thanh), xưa tọa lạc tại làng Yên Hạ, xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ý tưởng xây chùa do bà ngoại Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đề xuất, và được bà Bùi Thị Thưởng, thân mẫu của ông trực tiếp xây dựng vào thời Hậu Lê (đầu thế kỷ XVIII), tương truyền có sự tham gia của chính Lê Hữu Trác. Chùa có diện tích khoảng 1 héc ta, ngoảnh mặt ra dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, tựa lưng vào núi Voi (vì vậy mới có tên gọi Tượng Sơn), xung quanh là làng mạc, cánh đồng trù phú.
Trong mấy trăm nay kể từ khi xây dựng, chùa Tượng Sơn nổi tiếng linh thiêng, thu hút rất đông Phật tử và người dân đến chiêm bái. Lịch sử của chùa cho đến đầu thế kỷ XX có 6 vị sư trụ trì, và có thể nói đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của vùng Nghệ - Tĩnh. Hiện nay chùa Tượng Sơn nằm trong quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông gồm: Khu lưu niệm, nhà thờ tại xã Sơn Quang; Khu mộ, tượng đài tại xã Sơn Trung và Di tích chùa Tượng Sơn ở làng Yên Hạ xã Sơn Giang. Một điều trùng hợp khá thú vị là các công trình nói trên do Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, mà Giám đốc là GS- TS, Thiếu tướng Lê Năm, người con của quê hương Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Với trách nhiệm và tâm huyết với quê hương, trong hàng chục năm trời, GS - TS Lê Năm đã đi về, bám sát, lăn lộn tại vùng đất nắng lửa mưa dầm để hoàn thành các công trình xây dựng trong quần thể di tích về đại danh y hàng đầu của dân tộc.
GS - TS, Thiếu tướng Lê Năm rất buồn về sự cố liên quan đến di tích quốc gia có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt của quê hương Hà Tĩnh. Ông cho biết, vào ngày 30/6/2012, Viện Bỏng quốc gia sẽ làm việc với UBND huyện Hương Sơn cùng các đơn vị liên quan, đồng thời mời một đơn vị chuyên môn về làm việc độc lập, tiến hành khoan thăm dò kỹ thuật để có kết luận, đánh giá khách quan về sự cố sập "Lầu Phật bà", triển khai các biện pháp thi công, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ xây dựng.
Chùa Tượng Sơn sau sự cố đổ lầu Phật Bà trong khi thi công.
Đông đảo người dân khi chứng kiến rất kinh ngạc trước sự cố sập lầu Phật Bà, và cùng nhau cầu nguyện khấn vái Đức Phật. Người dân cho rằng đây không chỉ là sự vụ đơn thuần về kĩ thuật, mà còn có yếu tố tâm linh. Điều đó khó lòng kiểm chứng, nhưng khiến những ai quan tâm đến di tích không khỏi bận lòng, cảm thấy như mất mát một điều gì quý giá. Kết quả kiểm tra sẽ cho biết nguyên nhân cụ thể, nhưng khó có thể loại trừ yếu tố tiêu cực trong khâu thi công. Hiện tượng "rút ruột" các công trình xây dựng đang là chuyện "biết rồi, khổ lắm…", nhưng "ăn" cả vào chốn tâm linh thì thật là quá đáng! Người Việt coi việc công đức cho chùa chiền là gieo nhân lành, không chỉ cho bản thân, mà cho con cháu mai sau, cho quê hương, dân tộc. Vì vậy, tiêu cực trong khâu xây dựng các công trình tâm linh là ăn lạm vào đức tin của cộng đồng, vào gốc thiện của dân tộc.
Một điều đáng suy nghĩ nữa, nhìn các công trình mới, dang dở của chùa Tượng Sơn hôm nay, chúng tôi đang băn khoăn liệu những công trình mới mẻ này có được phục dựng đúng nguyên gốc, có tái hiện được thần thái linh thiêng, cổ kính vốn có của di tích hay không? Việc trùng tu, tôn tạo các di tích tâm linh hiện nay được tiến hành khá ồ ạt, theo kiểu phong trào, thiếu sự cẩn trọng, nghiên cứu cần thiết. Hậu quả là di tích được làm mới, trông rực rỡ hơn, hoành tráng hơn nhưng đã đánh mất cái thần, cái hồn của di tích. Việc xây dựng chùa Bái Đính là ví dụ. Chùa Bái Đính xưa quy mô nhỏ, thâm nghiêm cổ kính như bao ngôi chùa khác của làng quê Việt, nơi mà mỗi người dân đặt chân đến đều cảm nhận được không khí linh thiêng mà giản dị, gần gũi, bao dung. Còn chùa Bái Đính hiện nay, theo một số chuyên gia, nó quá đồ sộ, hoành tráng, không phù hợp với phong cách kiến trúc truyền thống của dân tộc, làm người ta có cảm giác nhỏ bé, sợ hãi, xa lạ. Chùa xưa vừa là nơi thờ Phật, vừa là trường học, vừa là nơi bốc thuốc cứu dân nghèo, nơi lắng đọng hồn quê, hồn sông núi. Còn hiện nay, chúng tôi có cảm giác trong việc xây dựng, phục dựng một số di tích tâm linh, người ta như đang chạy đua để lập kỷ lục, theo kiểu "cao nhất, to nhất, nhiều nhất, "độc" nhất…". Đó không phải là cách làm đúng, tốt cho văn hóa, vì văn hóa.
Đến Tượng Sơn tự hôm nay, trước những công trình còn dang dở, trước mặt là sông Ngàn Phố nước cạn, lòng sông bị đào bới nham nhở, sau lưng núi Voi cây cối cũng đã lưa thưa, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, trăn trở. Cần làm gì, làm như thế nào để những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc không những được bảo tồn, mà còn được phát huy đúng mức trong thời buổi hôm nay quả là câu hỏi không dễ trả lời.
Theo Quang Đại - Minh Lý - VNCA