;
1) Phật chế giới "không sát sanh" vì lý do gì ?,
Phật chế giới "không sát sanh" nhằm tôn trọng sự công bằng, nuôi dưỡng lòng từ bi cũng như tránh được nhân quả báo ứng.
24) Trong đêm thành đạo Sa môn Cù Đàm đã chứng ngộ được điều gì?
Trong đêm thứ 49,
- Vào canh hai, Ngài chứng được quả "Túc mệnh minh", thấy rõ được tất cả khoảng đời quá khứ của mình trong tam giới.
- Đến nửa đêm, ngài chứng quả "Thiên nhãn minh", thấy được bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó.
- Đến canh tư, Ngài chứng quả "Lậu tận minh", biết nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
- Vào lúc sao mai vừa mọc Ngài được Đạo vô thượng, thành bậc "Chánh đẳng Chánh giác", hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
25) Bổn phận của người phật tử tại gia đối với tự thân như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
- Ngoài bổn phận làm người cho xứng đáng với danh nghĩa con người, cho tròn nhân cách, người phật tử cũng luôn luôn cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh, bằng việc giữ đúng Tam quy, Ngũ giới để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh, để được làm người tốt trong đời này và đời sau.
- Người phật tử phải luôn tinh tấn tu tập để thoát khỏi sinh tử luân hồi, tiến dần đến bến bờ giải thoát trong tương lai.
26) Bổn phận làm con đối với cha mẹ như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
Bổn phận làm con đối với cha mẹ phải đủ 5 điều:
1. Hết lòng hiếu kính, chăm lo việc ngủ nghĩ của cha mẹ tùy theo thời tiết.
2. Chăm lo miếng ăn thức uống cho cha mẹ vừa lòng.
3. Gánh vác công việc nặng nhọc để cha mẹ được thư thái, vui vẻ tuổi già.
4. Luôn luôn nhớ nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục để lo báo đáp kịp thời lúc cha mẹ khi sinh tiền
5. Hết lòng thuốc thang chăm sóc khi cha mẹ đau ốm không nề khó nhọc, không sợ hao tốn.
27) Bổn phận cha mẹ đối với con cái như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
Bổn phận cha mẹ đối với con phải đủ 5 điều:
1. Dạy dỗ con bỏ ác làm lành
2. Khuyên răn con cái nên gần gủi bạn tốt, người có trí tuệ.
3. Luôn nhắc nhở con cái cần mẫn học hành.
4. Định liệu việc cưới gả con cái kịp thời.
5. Phải cho con cái bàn tính tham dự việc nhà, góp công góp sức trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
28) Người phật tử đã có gia đình phải ứng xử thế nào với người bạn đời của mình cho hợp đạo lý?
1. Thương yêu, hòa thuận, kính trọng lẫn nhau.
2. Nhẫn nhịn khi có người nóng giận.
3. Tin tưởng lẫn nhau.
4. Tuyệt đối trung thành, chung thủy, giữ gìn tiết hạnh.
5. Hết lòng chăm sóc, an ủi lẫn nhau khi có người ốm đau bệnh tật hoặc khi gặp khó khăn, đau khổ.
29) Bổn phận của người phật tử đối với bà con thân thích?
1. Khuyên can, nhắc nhở bỏ ác làm lành.
2. Hết lòng giúp đỡ khi có người bị ốm đau, bệnh tật.
3. Không tiết lộ những việc kín đáo, riêng tư của người này cho người khác.
4. Năng lui tới hăm viếng nhau. Hỷ xả cho nhau, không cố chấp giận hờn.
5. Giúp đỡ người nghèo khổ, thiếu hụt hơn mình.
30) Bổn phận của học trị đối với thầy như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
1. Phải kính mến thầy như cha mẹ.
2. Phải vâng lời thầy dạy bảo.
3. Phải giúp đở thầy trong cơn hoạn nạn.
4. Phải siêng năng học tập cho vui lòng thầy.
5. Khi thôi học rồi cũng phải năng lui tới thăm viếng thầy.
31) Bổn phận của thầy đối với học trị như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
1. Phải cần mẫn dạy dỗ.
2. Phải cố gắng làm cho học trò tiến bộ cả về tài năng và đức hạnh.
3. Phải để ý những điều cần yếu giúp học trị in sâu vào tâm trí.
4. Phải giảng giải rõ ràng, kỷ lưỡng những điều khó khăn, mắc mỏ.
5. Phải có lòng rộng rãi, mong muốn cho học trò giỏi hơn mình.
32) Bổn phận của phật tử đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
1. Hết lòng thành thật đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức.
2. Cung kính vâng lời các vị minh sư và các thiện hữu.
3. Chăm chỉ nghe lời giảng dạy, thẩm xét kỹ lưỡng rồi như pháp tu hành.
4. Phải cầu học những bí yếu về đạo lý mà mình chưa hiểu.
5. Phải cầu thỉnh các vị minh sư chỉ dạy những pháp môn cần yếu, phù hợp với căn để ngày đêm chuyên tâm tu trì.
33) Định nghĩa "vô thường". Dẫn chứng ngay bản thân mình.
- Vô thường nghĩa là không thường, không có sự vật nào mãi mãi ở yên trong một trang thái nhất định mà luôn luôn thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành đến biến dị rồi tan rã. Các giai đoạn thay đổi đó gọi là: Thành, trụ, hoại, không hay sanh, trụ, dị, diệt. Tất cả các sự vật trong vũ trụ từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo bốn giai đoạn ấy cả, nên gọi là Vô thường.
- Khoa học đã chứng minh rằng, trong thân thể ta, các tế bào thay đổi luôn, và trong mỗi thời kỳ 7 năm, là các tế bào cũ hoàn toàn đổi mới. Sự thay đổi ấy làm cho thân người chóng lớn, chóng già và chóng chết. Thân năm trước không phải là thân năm nay, thân ban mai không phải là thân buổi chiều, mỗi phút giây trong thân ta đều có sanh và có chết.
34) Thế nào là "Tâm vô thường"?
- Những suy nghĩ lăng xăng lộn xộn mà ta cho là tâm mình thực ra đó chỉ là tâm hư vọng, không phải là tâm chân thật.
- Vì là hư vọng nên nó cũng bị luật vô thường chi phối, sanh diệt trong từng sát na. Tâm niệm của chúng ta thay đổi trong từng phút giây, theo với ngoại cảnh. Chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện này phút sau đã quay sang chuyện khác. Hôm qua tinh tiến tu hành, hôm nay đã ưu phiền thối chuyển. Cho nên trong kinh nói "tâm viên, ý mã":
35) Hoàn cảnh chung quanh ta có vô thường không? Hãy dẫn chứng.
- Luật vô thường chi phối tất cả. Chẳng những thân, tâm là vô thường mà hoàn cảnh chung quanh ta như ruộng vườn, nhà cửa, lâu đài thành quách cho đến sơn hà đại địa cũng vô thường.
- Chúng ta thường nghe câu: "Thương hải biến vi tang điền" (Bãi bể biến thành ruộng dâu). Đọc trong sử sách chúng thấy biết bao cảnh "vật đổi, sao dời" hay những câu thơ như "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền củ lâu đài bóng tịch dương" đã đủ nói lên sự vô thường của hoàn cảnh.
36) Vô thường có phải là chân lý tuyệt đối không?
- Đứng về mặt hiện tượng vật chất thì hoàn toàn chính xác. Khơng có sự vật nào thoát khỏi sự chi phối của luật vô thường, vì thế trong kinh nói "vô thường thị thường".
- Đứng về mặt bản thể, thì "Vô thường" của đạo Phật chỉ là một phương pháp chỉ rõ mặt trái của đời, để bài trừ những sư mê lầm, ngăn chặn người chạy theo vật dục, nó chưa phải là thuyết tuyệt đối.
Đức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bịnh mà cho thuốc. Với bịnh "chấp thường còn không mất" thì dùng phương thuốc "vô thường" để đối trị, khi lành bịnh thì Phật lại cho thứ thuốc bổ khc quí báu hơn, là "thuyết chơn thường bất biến". Trong kinh Lăng nghiêm đức Phật đã dùng tiếng chuông để chỉ bày cho ngài A Nan phân biệt cái "biến đổi tiêu diệt" với cái "thường còn không thay đổi" đó là Tính Giác của chúng sanh.
37) Thiểu dục, tri túc là gì? Nguyên do nào Phật dạy người Phật tử phải "thiểu dục, tri túc"?
- Ít tham muốn và biết đủ.
- Vì tính tham không đáy nên càng tham lại thấy càng thiếu, càng khổ. Phật dạy: "Càng tham muốn, càng thấy khổ sở". Tục ngữ thường nói: "Được voi đòi tiên". Để đối trị lòng tham vô độ Phật dạy chúng ta phải "Biết đủ". Muốn thoát khỏi sự khổ não phải biết đủ. Hễ biết đủ thì ở hoàn cảnh nào cũng yên vui. Nhờ ít tham dục nên con ma dục vọng không sao xui khiến được mình; nhờ biết đủ nên con quỷ tham lam chẳng còn quyền hành sai sử mình nữa.
Nhờ "ít tham muốn" và "biết đủ" mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon vật lạ của ai nữa.
38) Nhân quả là gì? Kể những đặc tính của luật nhân quả?
- "Nhân" là nguyên nhân, "Quả" là kết quả. Nhân là mầm là hạt, quả là cây là trái. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái nối tiếp nhau, tương quan mật thiết với nhau. Nếu không có nhân thì không thể có quả.
- Bốn đặc tính của luật nhân quả:
1. Nhân nào quả nấy.
2. Một nhân không thể sanh ra quả.
3. Trong nhân có quả, trong quả có nhân.
4. Sự phát triển nhanh và chậm từ nhân đến quả là có sự can thiệp của duyên.
39) Hiểu biết và áp dụng luật nhân quả đem lại cho người Phật tử lợi ích gì?
1. Luật nhân quả tránh cho chúng ta nhưng mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền.
2. Luật nhân quả đem lại lòng tin vào chính con người.
3. Luật nhân quả giúp chúng ta không chán nản, trách móc.
40) Luật nhân quả là đúng đắn và công bằng, vậy thì tại sao người hiền lành lại gặp nạn, mà người ác vẫn được an bình?
- Thời gian tiến triển từ nhân đến quả có khi nhanh khi chậm chứ không phải khi nào cũng đồng nhau. Có cái nhân dẫn đến quả ngay, có cái nhân từ đời này đến đời sau mới hình thành quả.
- Vậy nếu có người trong đời hiện tại làm việc hung ác mà được an lành là do kiếp trước họ đã tạo nhân hiền từ. Cũng có những người hung ác mới tạo trong đời này thì trong tương lai hay qua đời sau họ sẽ chịu quả báo. Cũng như có người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ là nhờ năm rồi họ có làm có để dành. Cũng có những người ăn chơi năm nay thì sang năm họ sẽ chịu quả thiếu hụt, đói rách.
Và ngược lại, đối với người đời nay hiền từ nhưng hay gặp tai nạn, đau khổ là do đời trước đã tạo nhân không tốt. Có những người hiền từ đời nay, trong tương lai hay qua đời sau họ sẽ được hưởng quả vui. Cũng như người tuy năm nay siêng năng làm lụng nhưng vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay thì sang năm họ sẽ được hưởng quả sung túc.
41) Luân hồi là gì? Hãy nói về sự luân hồi của "thân" và"tâm" con người.
- Luân hồi dịch từ chữ "Samsara" trong tiếng Phạn. Luân là bánh xe, Hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rỏ ràng mà Phật đã dùng để hình dung sự xoay chuyển lên xuống, xuất hiện của mỗi chúng sanh trong lục đạo khi đầu thai chỗ này, khi ở chỗ khác, luôn luôn tiếp nối sanh tử không ngừng.
- Thân người luân hồi: Thân người là do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Chúng ta đã biết tứ đại đều luân hồi, thì thân người do tứ đại mà có cũng luân hồi theo. Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng trả về cho đất, chất lỏng trả về cho nước, hơi nóng trả về cho lửa, hơi thở trả về cho gió. Rồi bốn chất này tùy duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Khi thành thân người, khi thành thân súc sinh, năm nay tụ họp ở đây, sang năm đã dời đi nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn, mà là luân hồi.
- Tinh thần luân hồi: Tinh thần của con người gồm: Thọ, tưởng, hành, thức. Phần thể xác gồm tứ đại, đạo Phật gọi là Sắc. Sắc đã không tiêu diệt mà chỉ biến hoại luân hồi thì phần Tâm hay Tinh thần cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi. Tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho chúng ta một cái nghiệp. cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lớp này, khi mang hình dáng khác, quanh quẩn, trôi lăn trong lục đạo mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi.
42) Hiểu rõ lý luân hồi có ích lợi gì cho người học Phật?
Giáo lý luân hồi đem lại cho chúng ta nhiều điều lợi ích:
- Phá "đoạn kiến" sai lầm, cho rằng chết là hết nên không cần quan tâm đến thiện ác.
- Phá "thường kiến" sai lầm làm cho con người tin rằng loài người chết rồi vẫn giữ địa vị mình, do có làm phước hay tội cũng vậy.
- Với giáo lý luân hồi, chúng ta phấn khởi mà tin rằng: chết rồi không phải là mất hẳn. Nếu cố gắng tu tập, vun trồng cội phước thì đời sau sẽ sinh vào cảnh giới an vui sung sướng; trái lại nếu làm những điều xấu xa, tội lỗi thì đời sau sẽ bị đọa vào cảnh giới xấu xa, đen tối.
43) Giải thích sơ lược mười nghiệp lành.
- Không sát sinh: Không làm tổn hại đến người và vật.
- Không trộm cướp: Không lén lấy hay dùng sức mạnh cướp đoạt những gì không thuộc sở hữu của mình nếu người không cho.
- Không tà dục: Vợ chồng chính thức mới được ăn ở nhưng phải có tiết độ, không lang chạ, ngoại tình.
- Không nói dối: Nói đúng sự thật.
- Không nói thêu dệt: Không trau chuốt lời nói, không thêu hoa dệt gấm, không ngọt ngào đường mật để lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ họ làm những điều sai quấy.
- Không nói lưỡi hai chiều: Không có ác tâm, không dùng lời trái ngược để gây chia rẽ giữa những người bạn, người thân.
- Không nói lời hung ác: Không nói những lời hung dữ ác độc, cộc cằn thô tục làm cho người nghe khó chịu; không mắng nhiếc làm cho người nghe hổ thẹn, tủi đau…
- Không tham muốn: Không tham muốn năm món dục lạc: Tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.
- Không giận hờn: Luôn giữ sự bình tỉnh, điềm đạm, nhu hòa trước những cảnh trái ý, nghịch lòng.
- Không si mê: Biết phán đoán rành rẽ, nhân định rõ ràng đúng đắn, không cố chấp theo sự hiểu biết riêng của mình, không tin tà thuyết, không mê tín, dị đoan.
44) Ích lợi của việc tu tập mười nghiệp lành?
1. Cải tạo thân tâm: Hoán cải thân tâm con người trở nên tốt đẹp hơn.
2. Cải tạo hồn cảnh: Hoàn cảnh cũng như tấm gương lớn phản ảnh tất cả những cử chỉ, hành động, đời sống của mỗi người. Nếu ta cười thì tấm gương cười lại; Nếu ta khóc thì tấm gương khóc lại. Cũng thế, nếu ta làm việc lành giúp ích đồng loại, cứu vớt chúng sanh, thì hồn cảnh đối với ta sẽ trở thành cảnh giới tốt đẹp.
3. Chánh nhân thiên giới: Gieo nhân tốt để được sanh lên cõi trời hưởng phước lạc đầy đủ.
4. Căn bản Phật quả: Mười nghiệp lành có công năng ngăn ngừa các hành vi độc ác, làm cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh nhờ đó con người mới thoát ly sanh tử, chứng quả Niết bàn. Nếu đem công đức này hồi hướng cho toàn thể chúng sanh, thì sẽ được Phật quả.
45) Bố thí nhiếp là gì? Có mấy loại bố thí?
- Bố thí nhiếp: Dùng sự bố thí để nhiếp phục những người chung quanh, để họ cảm phục mà gần gủi mình để mong cầu học đạo giải thoát.
- Bố thí có 3 loại:
1. Tài thí: Đem tiền của mà bố thí, giúp đỡ đồng loại, giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình thoát khỏi khổ đau vật chất như đói ăn, thiếu mặc, không nơi nương tựa.
2. Pháp thí: Đem giáo pháp quý báu của Phật ra giảng dạy cho mọi người tùy theo sự hiểu biết của mình, để đem lại lợi lạc cho người. Phát tâm in kinh ấn tống, sang chép băng giảng cho mọi người cũng được xem là bố thí pháp.
3. Vô úy thí: Đem cái không sợ mà bố thí cho chúng sinh, giúp cho những người quanh ta có được sự bình tỉnh, an ổn về tinh thần, không hoang mang lo lắng, sợ hãi bởi sự tác động của tự thân hay do từ bên ngoài đem đến.
46) Ái ngữ nhiếp là gì?
Ái ngữ nhiếp là tùy theo căn tánh của chúng sanh dùng lời hòa nhã, êm dịu mà khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn khiến họ sinh lòng cảm mến rồi từ đó theo ta mà học đạo.
Người Phật tử muốn cảm hóa, dẫn dắt người chung quanh về con đường chánh, trước tiên phải áp dụng cho được pháp "ái ngữ", nghĩa là luôn luôn và trong mọi trường hợp, phải dùng lời dịu dàng, êm ái trong khi tiếp xúc với mọi người. Nhất là khi người đang ở trong cảnh khổ, thì những lời khuyên giải, vỗ về lại càng vô cùng quý báu, vì có thể thoa dịu được nỗi đau và làm cho người sinh lòng cảm kích khó quên.
47) Lợi ích của việc thực hành "Tứ nhiếp pháp"?
Người Phật tử thực hành đúng "Tứ nhiếp pháp" sẽ đem đến những kết quả tốt đẹp:
1. Về phương diện cá nhân: Trở thành người gương mẫu. Những gì ta nói, ta làm đều được thông cảm, tán thành. Do đó ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.
2. Về phương diện gia đình: Được mọi người quý mến. Do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của ta mà mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ tạo thành một gia đình ấm êm, hạnh phúc.
3. Về phương diên xã hội: Người tu "Tứ nhiếp pháp" càng nhiều thì xã hội càng được cải tiến và trở thành thuần lương, thiện mỹ.
48) Lục hòa là gì? Kể ra và giải thích sơ lược.
- Lục hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
- Lục hòa gồm có :
1. Thân hòa đồng trú (Thân hòa cùng ở): Cùng nhau ở dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, cùng nhau tu tập dưới một mái chùa, hôm sớm có nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học hành. Khi đã chung đụng hằng ngày như thế thì phải hòa thuận với nhau, không được chia phe phái, ỷ mạnh hiếp yếu, mạnh ai nấy được.
2. Khẩu hòa vô tránh (Lời nói hòa hợp không tranh cãi nhau): Giữ gìn lời nói cho được ôn hòa, nhã nhặn; trong mọi trường hợp không được rầy rà, cãi cọ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn cãi cho ra lẽ, thì tuyệt đối phải dùng lời lẽ ôn tồn, hòa nhã mà bàn luận.
3. Ý hòa đồng duyệt (Ý hòa cùng vui): Phải có tâm ý vui vẻ hòa hiệp trong khi giao tiếp, chung sống với nhau. Trong một tập thể, mọi ý kiến phải được bàn bạc, thống nhất trên tinh thần hòa hợp, vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau. Muốn được vậy phải thực hành hạnh hỷ xả.
4. Giới hòa đồng tu (Giới hòa cùng nhau tu tập): Trong bất cứ tổ chức, đoàn thể nào cũng đều phải có kỷ luật, qui củ hẳn hoi. Trong đạo Phật, mổi người tùy theo cấp bậc của mình mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật để tu tập. Khi cùng chung sống để tu hành mọi người phải tuyệt đối giữ gìn giới luật mà mình đang lãnh thọ. Cùng một cấp bậc thì thọ giới và giữ giới như nhau.
5. Kiến hòa đồng giải (Thấy biết giải bày cho nhau cùng hiểu): Trong khi cùng nhau học hành, tu tập mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điều gì, phải giải ầy, chỉ bảo cho người khác cũng được hiểu như mình.
6. Lợi hòa đồng quân (Lợi lộc cùng chia đều cho nhau): Những người cùng ở chung nhau, cùng tu tập trong một nơi chốn thì tài lợi, vật thực phải cùng nhau chung hưởng, không được chiếm làm của riêng , hay giành phần nhiều về mình. Đối với người Phật tử còn ở ngồi thế tục thì có tài lợi nên "tùy phận chia sớt cho nhau".
49) Ích lợi thiết thực của việc tu tập theo "Lục hòa" là gì?
- Lục hòa nếu được áp dụng triệt để thì trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, anh em đều được hòa thuận yên vui, gia nghiệp mỗi ngày một thịnh đạt; quốc gia được thái bình thịnh trị, thế giới được hòa bình an lạc.
- Người Phật tử nếu áp dụng đúng đắn pháp "Lục hòa" thì sự tu học mau được tiến bộ, con đường giác ngộ, giải thoát sẽ đến gần hơn.
50) Ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu theo quan niệm đạo Phật?
Để việc báo hiếu được đầy đủ, trọn vẹn, người Phật tử cần phải chú ý đến cả hai phương diện: vật chất và tinh thần.
1. Báo hiếu về vật chất: Chăm lo cho cha mẹ được đầy đủ các nhu cầu ăn uống, áo quần, giường chiếu, chỗ nghĩ ngơi, không để cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ theo khả năng tốt nhất của mình. Song người Phật tử phải sáng suốt, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ như sát sanh, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ được sung sướng trong vật chất.
Báo hiếu về vật chất dù có đầy đủ đến mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ làm cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong kiếp này mà thôi. Cái vui vật chất là vui giả tạm, vui trong sanh tử luân hồi. Vì vậy chỉ báo hiếu về vật chất thôi thì chưa đủ.
2. Báo hiếu về tinh thần: Là làm cho tinh thần cha mẹ đươc nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Phật tử phải khuyên cha mẹ tin nhân quả tội phước và quy y Tam bảo, bố thí phóng sinh, làm các việc lành, giữ gìn ngũ giới và tu nhân giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh mà đời sau cũng được nhiều phước báo và sanh trong cảnh giới an lành tốt đẹp.
51) Người đời thường tham muốn những gì?
Người đời thường tham đắm năm món dục lạc là:
1. Tài: tiền tài, của cải vật chất.
2. Sắc: sắc đẹp.
3. Danh: danh vọng
4. Thực: ăn ngon
5. Thùy: ngủ nghỉ
52) Giải thích "Tam tự quy y"?
Tự nghĩa là mình đối với tự tâm mình.
- Tự quy y Phật: Là trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình.
- Tự quy y Pháp: Trong tâm ta có đủ các pháp: Từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục, tinh tấn ….Chúng ta cần phát huy những đức tính ấy, hành động theo chúng, tuân theo chúng; như thế là tự quy y Pháp.
- Tự quy y Tăng: Vâng theo vị thầy trong tâm mình. Thầy trong tâm mình là đức tánh thanh tịnh hòa hợp của mình, như Tăng già là hiện thân của sự thanh tịnh, hòa hợp bên ngoài.
Nguồn: Thiền viện Sùng Phúc