;
Vãng sinh Tịnh Độ luận giảng ký (Phần3)
Thế nên pháp môn Tịnh Độ Cực Lạc là pháp môn tin tưởng và vãng sinh, chứ không hề phải là pháp môn tôi luyện cho cá nhân Ấn Thuận Đại sư trình bày ở trên.
LÀM SAO QUÁN? LÀM SAO SINH TÍN TÂM? NẾU THIỆN NAM TỬ, THIỆN NỮ NHÂN, NGƯỜI NÀO TU “NĂM MIỆM MÔN” THÀNH TỰU, RỐT CUỘC SẼ SINH VỀ NƯỚC AN LẠC, GẶP PHẬT A DI ĐÀ KIA.
Tu “ngũ niệm môn” là tu năm thứ pháp môn niệm Phật. “Tín” chính là tin (và) nguyện, “quán” chính là trí tuệ. “Biển lớn Phật pháp, tín mới có thể vào, trí mới có thể qua” (1). Tu năm niệm môn này chính là phương tiện để tu quán và sinh tín tâm vậy. Song cần phải tu cho được thành tựu, mới được sinh (về nước) kia, không phải vừa tu là sinh ngay vậy. Niệm Phật là dùng tâm mà niệm, nay có người cho (niệm) là đọc ra chữ là lầm. Niệm có nghĩa là tâm chuyển động nơi một cảnh (mà thôi). Có nghĩa như khi niệm Phật thời tâm ở nơi Phật, khi niệm pháp thời không quên “tất
cả các pháp không sinh không diệt” chẳng hạn, (đó là) trói niệm (lại để) không quên vậy. Có thể niệm đến “nhất tâm bất loạn” tức đắc thiền định, thành tựu trí huệ, ngoài ra không có pháp nào khác. Niệm niệm tiếp nhau không ngoài một niệm này (2), (nếu) có thể được như thế, tức có thể vãng sinh gặp Phật A Di Đà (3).
CHÚ THÍCH 6:
(1) Trích theo Đại Trí Độ Luận của Long Thụ Bồ Tát, mở đầu phần “Thích Sơ phẩm trung như thị ngã văn nhất thời”. Nguyên văn: “Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập, trí vi năng độ”.
(2) Nghĩa là bao nhiêu niệm đi nữa cũng chỉ là niệm Phật.
(3) Theo ý của Ấn Thuận thì dường như phải tu cho thành tựu “ngũ niệm môn” này mới được vãng sinh. Nhưng theo chín phẩm vãng sinh của Quán Kinh thì không có chút gì khó khăn trong việc vãng sinh và tín tâm mới là căn bản cho việc vãng sinh. Như vậy phải chăng “tu ngũ niệm môn thành tựu” ở đây không hề phải là sự thành tựu cho cá nhân về niệm và quán (như Ấn Thuận hiểu), mà thật ra phải là sự thành tựu của tín tâm vậy. Nếu tu niệm tu quán
thành tựu mà không có lòng tin, thì cũng không được vãng sinh, do đó vẫn bị hạn cuộc trong cái thật tại của cá nhân, và như vậy không thể thật chứng được thật tướng viên mãn, vừa vô hạn vừa bao trùm mọi không và thời gian. Do đó tu “ngũ niệm môn” ở đây là cách thức khơi dậy một lòng tin tương ưng với Tịnh Độ, mục tiêu là để vãng sinh về Cực Lạc và gặp Phật A Di Đà. Và vì tính chất hoàn toàn chân thật của Cực Lạc thế giới tương ưng với chính lý của Đại thừa, nên lòng tin vào Tịnh Độ này tự nó có đủ tính chất trí huệ, thiền định và từ bi của Đại thừa vậy.
Theo quan điểm này, những gì Ấn Thuận Đại sư giảng giải ở trên không thích đáng chút nào. Cách thức tu ngũ niệm môn hết sức giản dị như bổn luận đây trình bày, và trung tâm điểm chính là tín tâm.
NGHĨA GÌ LÀ “NĂM NIỆM MÔN”? MỘT LÀ LỄ BÁI MÔN, HAI LÀ TÁN THÁN MÔN, BA LÀ TÁC NGUYỆN MÔN, BỐN LÀ QUÁN SÁT MÔN, NĂM LÀ HỒI HƯỚNG MÔN.
Trên đây là lược đưa ra tên của năm môn. (Môn) một là than nghiệp, (môn) hai là khẩu nghiệp, (môn) ba, bốn, năm là ý nghiệp. Tác nguyện môn có thể đắc định. Quán sát môn có thể đắc huệ. Hồi hướng môn đắc công đức đại bi. (Còn phân làm năm) là (để) phân từ nông vào sâu, nếu như tổng trì (được) cả năm, chắc chắn được vãng sinh. Lại năm môn này luận chủ vốn y theo “nguyện sinh kệ” mà thành lập: y theo hai bài kệ đầu lập lễ bái môn, tán thán môn (và) tác nguyện môn. Y theo 21 bài kệ kế tiếp thành lập quán sát môn. Y theo bài kệ sau cùng lập nên hồi hướng môn. Dưới đây là lược thích năm môn.
THẾ NÀO LÀ LỄ BÁI? THÂN NGHIỆP LỄ BÁI A DI ĐÀ NHƯ LAI ỨNG CÚNG CHÍNH BIẾN TRI, DO VÌ Ý MUỐN SINH VỀ NƯỚC KIA.
Dùng thân kính lễ, hoặc chắp tay, hoặc hỏi han, hoặc đảnh lễ (1). Song lễ Phật phải như là (đang) có Phật tại đó. Ứng cúng tức là A La Hán (2), đáng được người, trời cúng dường. Chính Biến Tri tức Tam Miệu Tam Bồ Đề, hoặc Tam Miệu Tam Phật Đà (3), nghĩa là biết chân chính và biết khắp hết. Như Lai, Ứng Cúng (và) Chính Biến Tri là ba loại đức hiệu của Phật. Dùng thân nghiệp kính lễ Như Lai, vì có ý một lòng nguyện sinh về nước kia.
CHÚ THÍCH 7:
(1) Đảnh lễ là cuối lạy sát xuống, đưa đỉnh đầu sát xuống để lễ lậy.
(2) Arhat từ động từ gốc Arh có nghĩa là xứng đáng, đáng được. Hán dịch là Ứng (đáng được) hoặc ứng cúng (đáng được cúng dường), phiên âm Hán Việt là A La Hán.
(3) Samyak-Sambuddha: Samyak phiên âm là “tam miệu”, có nghĩa là chính thật, chính xác… Sambuddha phiên âm là “tam bồ đề”, Sam (tam) dịch là đẳng, bình đẳng, và buddha (Bồ Đề hay Phật Đà) dịch là giác. Ngoài ra Sam còn dịch là “biến” và Buddha là “tri”, tức “chính biến tri”.
THẾ NÀO LÀ TÁN THÁN? XƯNG DANH CỦA NHƯ LAI KIA, (ĐÚNG) NHƯ TRÍ TƯỚNG QUANG MINH CỦA NHƯ LAI KIA, (ĐÚNG) NHƯ DANH (VÀ) NGHĨA KIA, VÌ MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH (CHO ĐƯỢC) TƯƠNG ƯNG.
Thông thường (người ta) dùng miệng (để) trì danh niệm Phật, tức thuộc tán thán môn. Tại sao vậy? (Và có) giống như trẻ nhỏ gọi mẹ chăng? Không phải vậy. Bởi Phật danh là hồng danh (1) (bao gồm) vạn đức, xưng danh (ngài) là đồng với tán thán công đức của ngài. Như A Di Đà Bà Gia tức Vô Lượng Quang, tiêu biểu cho trí tướng quang minh của Như Lai. Chiếu theo danh để suy về nghĩa là ý nghĩa chân chính của tán thán. Vì Phật danh vô lượng, (nên) công đức của Ngài cũng vô lượng, (cũng) không thể suy lường, cho nên xưng danh tức là dùng khẩu nghiệp xưng tụng công đức của Phật này. Tựa theo người đời sùng bái một nhân vật nào đó, khi xưng danh người đó lên, ắt phải biết trước cái chỗ vĩ đại của nhân vật mà danh đó đại biểu, nếu không thì đâu có thể nói là sùng bái được. Xưng danh như thế tức đồng với tán thán. Đối với việc tu hành, thì cứ tất cả mọi thứ trong quá trình học Phật, đều là tu hành, hoặc tu phúc hoặc tu huệ. Song như Phật tu hành tức là tu hành tương ưng với định huệ. Đối với Phật danh có được sự hiểu rõ thâm sâu, trì danh như thế (mới) có thể y theo niệm mà tiến tu định huệ, theo đó mà cảm được Phật lực gia bị (mà) vãng sinh Cực Lạc.
Vả như cầu (tu) định (thời) phương tiện có nhiều môn, như trì chú, cột tâm vào dưới rốn v.v… tuy được định song không thể sinh Cực Lạc. Chỉ có niệm Phật, đối với công đức của A Di Đà Phật, thấu hiểu sâu xa, đầy đủ tín nguyện mới có thể tương ưng (2) mà sinh về nước kia.
CHÚ THÍCH 8:
(1) Hồng có nghĩa là to lớn, tràn trụa. Danh hiệu của Phật là để chỉ cho các công đức bao la vô lượng của Phật nên gọi là “hồng danh”.
(2) Nguyên văn của chính văn dục như thật tu hành tương ưng. Theo Ấn Thuận Đại sư thì tương ưng ở đây là đúng lý, đủ điều kiện, để sinh về Cực Lạc. Nhưng vấn đề sinh về cõi nước kia là thuộc về lễ bái môn ở trên. Như vậy ở môn tán thán này tương ưng là tương ưng với danh và nghĩa của quang minh trí tướng của A Di Đà Phật.
Thế Thân Bồ Tát xác định vấn đề vãng sinh thuộc về thân nghiệp, vấn đề tu hành chân chính thuộc về khẩu nghiệp (và ý nghiệp).
Muốn vãng sinh về Cực Lạc thì hãy lễ bái A Di Đà Phật, muốn tương ưng tu hành như thật thì hãy xưng danh A Di Đà Phật. Rõ ràng ở đây cho thấy công năng vi diệu của A Di Đà Phật, hơn là năng lực tu tập của cá nhân hành giả, đã biến chuyển các hành nghiệp lễ bái, tán thán thông thường, trở thành sự tu hành chân thật. Có nghĩa là tự danh hiệu của A Di Đà có công năng chân thật hóa như thế, chứ không phải là do nỗ lực tu hành tạo tác của cá nhân. Tu vãng sinh như thế trở thành một mặt triệt tiêu cá nhân tính tức bản ngã của chính mình, mặt khác hiển lộ ra một thật tại chân thật công đức viên mãn của Phật A Di Đà (và cõi nước kia). Cá nhân vẫn tác nghiệp qua thân (lễ bái) và khẩu (tán thán), song nhờ danh hiệu A Di Đà Phật mà vượt ra được cái cá nhân tính hạn hẹp của chính mình, chuẩn bị “hòa” mình vào Cực Lạc thế giới qua hai môn sau
THẾ NÀO LÀ TÁC NGUYỆN? TÂM THƯỜNG TÁC NGUYỆN: MỘT LÒNG CHUYÊN NIỆM RỐT CUỘC (SẼ) VÃNG SINH VỀ CÕI NƯỚC AN LẠC, BỞI MUỐN NHƯ THẬT TU HÀNH SA MA THA VẬY.
Tác nguyện là phát nguyện vậy. Tâm thường tác nguyện là cần phải thường thường tác nguyện. Một lòng chuyên niệm quyết định vãng sinh về (nước) An Dưỡng. Tác nguyện như thế là bởi muốn như thật tu hành Sa ma tha. Sa ma tiếng tàu là chỉ (1). Tâm của phàm phu tán loạn bay nhẩy, chỉ là dừng tâm vào một cảnh, không để cho bay bổng vậy. Niệm (so) với chỉ thì niệm như giây cột (chặt) không cho động, đến khi tâm tĩnh chỉ, thì đó là chỉ, nên còn tên là tâm trụ. Cho nên tu định thật ra là tu niệm. Nếu có thể niệm niệm nối tiếp nhau, chính niệm (trở nên) rõ ràng, ắt có thể đắc chỉ. Đắc chỉ (mới) chính là tu hành chân thật (2).
CHÚ THÍCH 9:
(1) Samatha phiên âm là Sa ma tha, dịch là “chỉ” tức dừng đ<