;
Ba trăm năm sau có còn ai thương tưởng ngấn lệ Tố Như?! Cảm xúc lãng mạn của thi hào nước Việt làm người ta liên tưởng đến ba trăm năm Thiền sư Liễu Quán; người đã phát huy bản hạnh dung thông những nguồn thiền muôn phương, đậm nét nhất là từ Trung Hoa, thành một dòng thiền thuần Việt chảy vào nguồn sống tinh thần của nhiều thế hệ Việt Nam trên quê mẹ cũng như quê người.
Chân dung Thiền sư Liễu Quán (1670-1742)
Sự tương quan và tương tác giữa Đạo và Đời, giữa nếp sống tâm linh và cuộc sống đời thường là một dòng lịch sử trải qua nhiều thăng trầm, trôi nổi do nếp văn hóa sinh hoạt không đồng bộ và mang nhiều tần số khác nhau. Quá trình tạo ra nếp dung thông văn hóa, khuynh hướng tâm linh và hài hòa điệu sống chẳng phải là sự kiện một sớm một chiều mà thường là một dòng chảy dài hạn của sự chuyển tải và kế thừa qua nhiều thế hệ, vượt thắng rào cản của nếp cũ và lối mòn của văn hóa Đông – Tây.
Từ hơn nghìn năm trước, các Thiền sư Trung Hoa sang Việt Nam hành đạo, như Viên Văn Chuyết Công (1590-1644), Nguyên Thiều - Siêu Bạch (1648-1728), Minh Hải - Pháp Bảo (1670-1746), Minh Hành… Thiền sư Chuyết Công truyền bá tông Lâm Tế, Thiền sư Thủy Nguyệt xiển dương tông Tào Động nhưng tất cả đều ở Đàng Ngoài. Trên đường tiến về phương Nam của dân tộc, Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung truyền cho Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán cái căn cơ bản hạnh để lập nên dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán về sau này.
Những thiền phái Trung Hoa nhập vào Việt Nam sớm và có ảnh hưởng đối với Phật giáo Việt Nam là:
Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
Thiền phái Vô Ngôn Thông
Thiền phái Thảo Đường
Thiền phái Trúc Lâm
Thiền phái Lâm Tế
Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến sự hội nhập vào nếp sống tinh thần và tâm linh của người bản xứ thiếu sự dung thông vì ba nguyên nhân: (1) khác biệt ngôn ngữ, văn tự; (2) khuynh hướng xuất thế và tinh thần cũng như phương tiện hoằng pháp thường nhắm vào đối tượng vua quan và kẻ sĩ; (3) khó thẩm nhập rộng và sâu vào đại chúng bình dân.
Đàng Trong và Đàng Ngoài trong tình trạng phân tranh, người dân hai đàng không có sự giao lưu bình thường. Tâm lý người Đàng Trong chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh lưu dân: “Đến nơi đây đất nước lạ lùng. Nghe con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng run!”
Lần giở lại lịch sử Nam tiến gian nan mà hiển hách của dân tộc… Năm 1307, từ khi nhận đất châu Ô, châu Rí của Champa (còn gọi là Chiêm Thành, Chiêm hay Chàm hoặc Chăm), nhà Trần đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa của Đại Việt. Lúc này người dân vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã lần lượt từ Bắc vào Nam xây dựng cuộc sống mới.
Lịch sử di dân Nam tiến nước ta kéo dài cả 5 thế kỷ. Cuộc di dân lịch sử sau cùng tiến hành từ năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông đánh bại quân Chiêm Thành, chiếm được Kinh đô Đồ Bàn (hay Bồ Đàn), đất nước được mở rộng đến vùng Bình Định, Phú Yên ngày nay.
Dấu ấn tâm linh tôn giáo của người Chiêm còn để lại ở Huế là những tháp Chàm và phế tích bái vật giáo, Hồi giáo. Người dân Việt tiến về Nam mang theo nếp sống tâm linh thiên nhiên và phong phú ở ba cấp độ: Bái vọng Trời đất, thiên nhiên; thờ cúng tổ tiên, ông bà; kính ngưỡng thần linh bản địa và anh linh bốn phương mà những nhà tham cứu tâm linh và tôn giáo học thường gọi một cách trang trọng và hình thức là “Tín ngưỡng Dân gian”.
Đây là một hình thái tâm linh tự phát và mặc nhiên thành tín ngưỡng quần chúng của buổi đầu xa lạ nương thân ở vùng ô châu lạc địa như châu Ô, châu Rí thuở đương thời; tất cả dựa trên sự mặc khải của đức tin vô điều kiện ngoài tầm lý luận đời thường với hình thức và phương tiện mật ngôn, thần chú rất gần với Mật Tông hay Kim Cang Thừa của Tây Tạng.
Song song với nếp tâm linh, tôn giáo bản địa, nhu cầu trị quốc an dân và thế đứng tuyệt đối của vương quyền nên các đời chúa Nguyễn vẫn dựa trên nguyên tắc “Tam Cương, Ngũ Thường…” của Nho giáo. Vô hình chung, Phật giáo Đàng Trong mà tụ điểm là Thừa Thiên Huế đã minh nhiên hay mặc nhiên phát triển một khuynh hướng “dung thông tôn giáo” với sự kết hợp hài hòa tinh thần ưu việt nhất của cả ba tôn giáo (Phật giáo – Nho giáo – Tín ngưỡng Dân gian). Hình thức kết hợp thuần Việt nầy, về hình thức hơi khác với Tam giáo đồng nguyên truyền thống (Nho - Phật - Lão) nhưng cốt lõi nguyên lý vẫn là sự hội nhập nhiều dòng chảy tâm linh khác nhau hòa làm một.
Từ thiền phái Lâm Tế đầu nguồn mang đậm bản sắc triết lý tuyệt đối phá chấp, triệt phá tận cùng kiến chấp, ngã chấp… Thế rồi qua bao năm tháng và hoàn cảnh địa lý thay đổi, không còn giữ nguyên trạng phong cách mãnh liệt nguyên sơ của nó mà uyển chuyển dung hóa sự khác biệt để trở thành một phái Thiền thuần Việt: Thiền - Tịnh - Mật hòa đồng.
Theo dòng giáo sử hơn 300 năm qua, những hình thái và tư tưởng phân biệt Tiểu Thừa, Đại Thừa; hòa thượng, thiền sư… chỉ còn là “sự” được ứng dụng tùy nghi chứ không còn là “lý” theo quy ước cứng nhắc của hình thức văn tự máy móc mà bất chấp thực tế sinh động.
Trăm sông về biển, biển chảy về đâu?
Xuôi dòng giáo sử khi ôn quán về đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán, hậu sinh học Phật vẫn thường nhắc đến câu “vạn pháp quy nhất - nhất quy hà xứ” (mọi sự trở về một - một trở về đâu) và cho rằng đây là một công án đã giúp Sư liễu ngộ.
Công Án (公案, Kōan): nguyên nghĩa được ghi trong Thiền Lâm Bảo Huấn Âm Nghĩa (禪林寳訓音義) là "văn thư của công phủ" (公府之案牘). Đó là công văn phải tuân thủ không thể thay đổi linh động. Chùa viện Phật giáo sử dụng khái niệm Công án theo ý nghĩa là một nguyên lý Phật pháp mà chư Tổ đã khai thị cho hành giả phải y cứ vào đó để tham cứu, quan niệm hành trì cho đến khi liễu ngộ.
Công án có Cổ Tắc Công Án và Hiện Thành Công Án. Cổ Tắc Công Án là những câu nói đã được truyền thừa từ ngàn xưa với ý nghĩa vi diệu để hành giả tuân thủ quán niệm tu trì như một chân lý không thể nào thay đổi và Hiện Thành Công Án là những gì hiển hiện và hình thành ngay trước mắt, linh hoạt biến dời chứ không phải như chân lý bất di bất dịch; nhưng vẫn có khả năng dẫn dắt hành giả đến giác ngộ chân lý.
Những Cổ Tắc Công Án nổi tiếng như Bích Nham Lục, Vô Môn Quan, Tùng Dung Lục… có đến hàng nghìn còn ghi trong các pho Tông Lục cho đến ngày nay. Nhưng sinh động và ứng hợp với hiện thực là Hiện Thành Công Án theo Đạo Nguyên thì công án không giới hạn. Tất cả những gì trong dòng sống từ hiện tượng đến vạn pháp diễn ra ngay trước mắt đều có thể trở thành đối tượng quán niệm cho hành giả tìm cầu giác ngộ chân lý.
Như thế, ý niệm “Vạn pháp quy nhất - Nhất quy hà xứ” mà thiền sư Minh Hoằng Tử Dung – là Sư truyền bá pháp Thiền thoại đầu của Tông Lâm Tế – đã trao truyền cho sư Liễu Quán như một công án để tham cứu là một công án vừa mang tính chất Hiện Thành, vừa Cổ Tắc.
Nhưng qua nhiều năm miên mật tư duy quán niệm và tu trì để tìm về cái MỘT chân lý, sư Liễu Quán đã liễu ngộ “một tức là không, không tức là một” của tinh lý Kim Cang Bát Nhã. Nhìn đèn không phải là đèn mà là lửa và nhìn lửa không phải là lửa mà là đèn thì khái niệm mang tính định kiến nhị nguyên ta và người, đèn và lửa thành hư huyễn giai không: “Nếu biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi!” Nguyên lý tinh yếu “Năng lễ sở lễ tánh không tịch; cảm ứng đạo giao nan tư nghì…” đã thành nẻo đạo cho thiền Lâm Tế Trung Hoa hòa quyện với Tịnh Độ Dân Gian Việt Nam thành một dòng thiền nhập thế mới: Dòng thiền LÂM TẾ LIỄU QUÁN thuần Việt.
Muôn Một về đâu
Lý thuyết tâm linh và tôn giáo về khái niệm “Vạn pháp quy nhất” (Muôn sự đều quy về một mối) là một nguồn lý thuyết cổ điển kể từ khi nhân loại bắt đầu chiêm bái thần linh. Thuyết vạn pháp quy nhất (Nondualism – Oneness) hình thành kể từ khi con người suy niệm và chiêm bái về một đấng Toàn Năng cao cả mà các tôn giáo gọi đó là Ông Trời, Thượng Đế, Phạm Thiên, Brahman, Allah… Nhưng phần kết luận là “Nhất quy hà xứ” (Một mối về đâu) mới chính là tác ngôn, lời vàng, thiên thư cho đối tượng được giao tìm đáp án.
Từ “vạn pháp quy nhất”, nhất quy về đâu thì quan điểm nhị nguyên, phân định Ta và Người, Ngã và Pháp thường kéo Một về mê cung “tùy nhiệm, tùy duyên”, điểm đến được xác định là: Nhất quy Thượng Đế, nhất quy Phạm Thiên, nhất quy Đại Ngã nhất quy Tịnh Độ, nhất quy Chánh Niệm… nghĩa là điểm đến tận cùng tuyệt đối sẽ về một thế lực toàn năng, mầu nhiệm nào đó.
Trong những năm dài suy niệm, thiền sư Liễu Quán vẫn trên đường tìm liễu ngộ chân lý bản lai diện mục của vạn pháp bởi Sư không muốn đi theo lối mòn siêu việt của chư tổ Lâm Tế để tìm lẽ Đạo trong thế giới siêu phàm “giải mã tâm linh”. Sư Liễu Quán cất bước đi vào cuộc đời, nhập thế độ sanh và đắc đạo ngay giữa gió bụi đời thường.
Sư không phải là một vị thánh tăng đầy huyềnhư cán thoại c tổ sư Thiền Trung Hoa thường tìm đạo, hành đạo và ngộ đạo qua những tiếng sét tâm linh huyền nhiệm; Sư là một bậc chân tăng đối diện với sự thách thức u minh mà hiện thực giữa đời thường. Sư ghi dấu lời thoại đầu của tổ Tử Dung như một Nẻo Đạo có thể truy tìm và tu chứng chứ không phải là một công án đốn ngộ qua tiếng hét, gậy đập, pháp lôi bùng vỡ…
Sư đã qua cuộc hành trình tâm lý, tâm linh và tâm tưởng với những chặng đường quán niệm, hành đạo rạch ròi và khả chứng.
Ba chặng đường Sư Liễu Quán đã đi qua đã khai sáng một dòng Thiền Việt mà đại chúng vô luận giai cấp hay xuất thân từ cảnh giới đặc thù đều có thể dụng tâm mà chứng ngộ:
- Tâm vật tương quan: Chỉ vật truyền tâm, người không hiểu rõ được (Chỉ vật truyền tâm nhân bất hội xứ).
- Ngã pháp bất nhị: Hố thẳm buông tay, một mình cam chịu - Chết rồi sống lại, ai dám chê mình (Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa dương - Tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc).
- Bản lai diện mục: Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi (Tảo tri đăng thị hỏa, thực thục dĩ đa thì).
Bản hạnh dung thông của thiền phái Lâm Tế Liễu Quán
Thiền sư Liễu Quán khởi đạo nghiệp từ dòng Lâm Tế đời thứ 35 phát nguyên từ Trung Hoa nhưng là Tổ sư khai sáng dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán Việt Nam ngay trên quê hương yêu dấu. Suốt hơn 300 năm qua, thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán đã hoằng thừa pháp môn Thiền-Tịnh-Việt dung thông (Phật giáo là Thiền- Tịnh- Mật tam phái đồng tu; Trung Hoa là Nho- Phật- Lão, tam giáo đồng nguyên).
Phật tử thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán đã nương theo dòng lịch sử, căn cơ thời đại với sự kế thừa có chọn lọc, khai sáng linh động và dung thông tâm linh để vận dụng vào hoàn cảnh đặc thù của dân tộc Việt Nam đương thời nhằm duy trì và phát huy phương hướng tu trì và hành đạo khế hợp với thực tế nhân sinh và xã hội.
Khi Thiền Lâm Tế truyền vào Việt Nam thì không còn những nét mang đặc chất táo bạo, triệt phá tận cùng kiến chấp, ngã chấp theo những phong cách mãnh liệt nguyên sơ của nó. Phật giáo Việt Nam nói chung và phái thiền Lâm Tế - Liễu Quán Việt Nam nói riêng chưa bao giờ là bản sao cứng nhắc của Phật giáo hay Thiền Lâm Tế Trung Quốc mà là sự kế thừa có chọn lọc, có sáng tạo cho phù hợp với văn hóa, truyền thống và tư tưởng của dân tộc. Chính vì thế mà đã có sự dung hòa giữa Thiền Lâm Tế cùng tư tưởng Lão, Nho và truyền thống thờ cúng tổ tiên một cách uyển chuyển.
Trong hoàn cảnh chiến tranh và nghèo đói khắc nghiệt nhất của người dân Việt Nam, đặc biệt là 90 phần trăm đại chúng bình dân sống ở vùng nông thôn, đã tiếp cận với đạo Phật như là một nguồn suối tinh thần và tâm linh tự nhiên. Từ hàng trí thức, kẻ sĩ, thân hào nhân sĩ đến tầng lớp nông dân thợ thuyền lao động không có cơ hội tiếp cận với “chữ nghĩa thánh hiền” đều có truyền thống thờ phụng tổ tiên, ông bà cha mẹ và người thân quá vãng.
Trong văn hóa Làng Xã Việt Nam, những cơ sở thờ cúng thiêng liêng luôn luôn có sự gắn kết của Đình, Chùa, Miếu, Vũ. Trong các dịp quan, hôn, tang, tế… nhiều hình thức lễ nghi Phật giáo và chư Tăng Ni được đại chúng thỉnh giáo và nương tựa. Đạo Phật, cửa Thiền đã dung thông với hồn thiêng dân tộc như dòng thơ đẹp của Mãn Giác Huyền Không: “Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Các tu sĩ của dòng Lâm Tế - Liễu Quán Huế vừa là Ôn, vừa là Thầy, vừa là nhân vật khai sơn hay gắn liền đạo nghiệp với ngôi chùa (Ôn Từ Đàm, Ôn Từ Hiếu, Ôn Linh Mụ, Ôn Tây Thiên…).
Cái biên giới vụ hình thức và câu nệ phương tiện tu hành như tách bạch rạch ròi giữa Thiền Sư, Hòa Thượng, Tỳ Kheo… truyền Thừa (Tiểu Thừa, Đại Thừa) xuất hiện càng ngày càng mờ nhạt trong dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán. Các Thiền sư dòng Lâm Tế đến xứ Việt Đàng Trong hơn 300 năm trước và truyền thừa cho đến phái Lâm Tế - Liễu Quán thời hiện đại đã không chấp nhất hình thức phân biệt pháp môn phương tiện máy móc, phân hóa. Những hình thức tu trì theo Công án, Thoại đầu và giáo pháp đốn ngộ với tiếng thét, tiếng la, vung gậy… của Tổ sư vang danh một thời dần vắng bóng.
Chư vị Thiền sư, Hòa thượng, Ôn, Thầy, Tỳ Kheo… Dịch giả, tác giả, diễn giả, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đều chỉ là những phương tiện tùy nghi của hành giả nên thường một tu sĩ Phật giáo mang bóng dáng của tất cả hình tượng ấy. Trong lễ nghi thường nhật, những thời công phu của chư tăng ni và cư sĩ theo thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán thì sớm Lăng Nghiêm, chiều Di Đà; sớm chiều trì kinh niệm chú, tọa thiền định niệm hay hồi hướng Tịnh Độ là một quá trình hành đạo dung thông cả Thiền - Tịnh - Mật; Hòa thượng là Thiền sư, Pháp sư; là Thầy từ nơi kinh đô đén thôn cùng xóm vắng.
Lần đầu tiên trong trong sách vở thuộc tầm hàn lâm Phật học là bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (Nhất Hạnh - Lá Bối in lần thứ nhất năm 1973 tại Sài Gòn) dùng danh xưng THIỀN SƯ cho tất cả các tu sĩ Phật giáo không phân biệt tông phái hay pháp vị như Hòa thượng, Thượng tọa, Sư ông… Các bậc xuất gia và giới cư sĩ mặc nhiên chấp nhận khuynh hướng sử dụng danh xưng trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận như tùy nghi phương tiện.
Đông Tây Tiếp Cận
Từ sau năm 1975, tu sĩ và cư sĩ Phật giáo Việt Nam “đem đạo vào đời” với xã hội phương Tây nhưng đây là bước chuyển mình với muôn vàn khó khăn trong khung cảnh các tôn giáo phương Tây, Trung Đông và ngay cả đạo Phật Á Đông đã bao năm xây thành đắp lũy kiên cố về cả hai mặt cơ sở vật chất và tín lý tâm linh.
Đây là một xã hội thực dụng nên tôn giáo và những hình thức cầu nguyện tâm linh cần phải có tác dụng tương đối cụ thể, không phải để cạnh tranh cải đạo mà để lý giải những vấn nạn xã hội còn nằm trong nhiều góc khuất của cuộc sống. Đạo Phật đã đến với châu Mỹ theo bước chân người Trung Hoa đến Tân Thế Giới để sung công vào các đội thương thuyền, tìm vàng và làm đường rầy xe lửa từ những năm đầu thế kỷ 19, nhưng bị chìm khuất sau những tôn phái Thiên Chúa giáo nhập nội từ châu Âu.
Chỉ đến thời cận đại, khi nền khoa học kỹ thuật phát triển đến thời kỳ rực rỡ, nhu cầu tâm linh - tôn giáo trở thành bức thiết bởi hệ lụy tinh thần căng thẳng do tác dụng trực tiếp của đời sống vật chất và phương tiện thực dụng đến máy móc thì tinh thần bản tịnh của Đạo Phật mới là một luồng gió mát cần thiết để cân bằng những chao đảo bất tịnh của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Đã bao nhiêu thế kỷ trôi qua, câu hỏi lớn nhất đã có vô số cách trả lời nhưng vẫn chưa ai trả lời được vì đó là một vấn nạn không thể trả lời, rằng: “Ta từ đâu trước khi sinh ra và về đâu sau khi chết?” Thần học, triết học, khoa học… đã lần lượt ra đời và đều mong cống hiến một câu trả lời xác đáng và rạch ròi nhất nhưng thảy đều rơi vào vòng giới hạn trước thực tế rành rành là sự vô giới hạn của thời gian và không gian.
Tác giả bên Tháp Tổ Liễu Quán - chùa Thuyền Tôn
Từng bước một hay bay vút theo hành trình cứ tiến mãi về đằng trước và ngoái lại đằng sau thì lịch sử nhân loại chỉ là một cái chấm nhỏ như hạt cát trong chuỗi dài vô tận từ cõi “không trước, không sau” (vô thủy, vô chung) giữa sa mạc hoang vu vô biên xứ của thời gian và không gian.
Thần học đã đưa ra Ông Trời hay Thượng Đế để lý giải bằng cách “giao khoán” hết thảy sơn hà đại địa và thân phận con người cũng như sinh linh vào quyền lực vạn năng và bàn tay sáng tạo của… Ngài. Nhưng cách trả lời buông tay như thế cũng chỉ là một cố gắng tuyệt vọng để tìm cách “trả lời một câu hỏi không thể trả lời” (an answer for an unanswerable question) như chuyện thần tiên giả tưởng chắp cánh, thêm vi cho người bay lên thiên giới hay bay xuống thủy cung.
Triết học Đông Tây từ thời Cổ đại đến hiện đại đã có quá nhiều trường phái bàn đến nguồn gốc loài người. Có thuyết cho con người là do người hành tinh để lại từ loài sinh vật nhân giả trải qua quá trình tiến hóa (evolution) hàng triệu năm mà thành. Tiến xa và xa mãi về phía quá khứ hay tương lai thì triết học cũng buông tay “kính nhi viễn chi” mà thôi.
Đén lượt gã khổng lồ tri thức của nhân loại là Khoa Học thì cũng chỉ thuyết giải (đúng hơn là nêu giả thuyết) về lịch sử vũ trụ từ thời Big Bang – tiếng nổ ánh chớp tung hê sơn hà vũ trụ – cách đây chừng 13.8 tỷ năm. Trái đất loài người đang ở là một mảnh nhỏ của mặt trời tách ra cách nay chừng 4 tỷ năm mà thành.
Cũng theo quan điểm của khoa học thì dấu vết sinh vật loài người ló dạng cách nay 300 nghìn năm. Và tương lai của trái đất, vũ trụ nầy cuối cùng sẽ chui vào Lỗ Đen (Black Hole) biến tướng và mất dạng. Cho dẫu những giải thuyết và giả thuyết nầy có hợp lý phần nào chăng nữa thì khoa học cũng như triết học đều lặng lẽ buông tay khi viễn tưởng về trước Big Bang và sau Lỗ Đen!
Tất cả các tôn giáo đều xuôi tay dựa vào một Đấng Sáng Tạo để làm câu trả lời cho một câu hỏi không thể trả lời như đã trưng dẫn ở trên. Chỉ có duy nhất Phật lý trực chỉ nhìn thẳng vào Tánh Thật – bản lai diện mục – của đối thể để trả lời cho câu hỏi tưởng chừng như không thể có câu trả lời nầy của tri thức nhân loại.
Đó là Dấu Ấn của Thuyết mà cũng là Thật: Tánh Không! Vạn vật thường được diễn dịch như vạn pháp, tam thiên đại thiên thế giới, vô lượng pháp môn… đều bắt đầu từ Không và trở lại hoàn không.
Đạo Phật đã chinh phục thế giới phương Tây không bằng lễ nghi và đức tin mà bằng nguyên lý sống thật.
Tuy Việt Nam đã làm quen với xã hội phương Tây từ thời thuộc Pháp nhưng cho đến nửa sau thế kỷ 20, đạo Phật phương Đông từ Tây Tạng, Siri Lanka, Thái, Việt Nam, Nhật, Trung Hoa… mới thật sự vào Mỹ.
Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên bước chân vào xứ Mỹ bằng đôi hài cỏ của thiền sư thuộc phái Lâm Tế - Liễu Quán Thích Thiên Ân.
Có thể nói rằng, Thiền sư Thích Thiên Ân là tu sĩ khai sơn của Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Thầy sinh ra ở Huế năm 1926, xuất gia năm 13 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Văn học Đông phương học tại Đại học Nhật Bản năm 1962. Trở về Việt Nam năm 1962, Thầy là người đồng sáng lập Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn.
Năm 1966, Thầy tới Hoa Kỳ với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về Ngôn ngữ và Triết học tại Đại học UC Los Angeles.
Năm 1970, Thầy đã thành lập ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ là Trung tâm Thiền Phật giáo Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) và Cao đẳng Đông phương học tại Los Angeles, California. Tuy công phu hoằng pháp qua phương tiện giáo dục chỉ hơn thập niên, nhưng Thầy đã để lại dấu ấn thiền Phật giáo Việt Nam sâu đậm qua các chương trình giảng dạy, sinh hoạt thiền tập và tác phẩm đậm tính hàn lâm: Thiền Học, Thiền Tập (Zen Philosophy, Zen Practice: ISBN 0-913546-33-X); Phật giáo và Thiền tại Việt Nam (Buddhism and Zen in Vietnam: ISBN 0-8048-1144-X). Thầy viên tịch quá sớm (năm 1980, 54 tuổi) nên đạo nghiệp hoằng dương chánh pháp của Thầy tại Hoa Kỳ chỉ mới được xây dựng cơ bản bước đầu.
Nhân vật cùng thời, cùng xuất thân từ thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, cùng chung khuynh hướng xiển dương và hiện đại hóa đạo Phật Việt Nam từ trong nước đến phương Tây và thế giới như thiền sư Thích Thiên Ân là thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thầy là một thiền sư, giáo sư đại học, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam vang danh từ trong nước, lan tỏa tới các nước phương Tây và trên trường Quốc tế.
Thầy đồng thời là Sư Ông sáng lập tông phái Làng Mai tại Pháp năm 1982 và cho đến nay các trung tâm Làng Mai đã mở rộng nhiều nơi ở Mỹ cũng như lan xa tới các nước Canada, Đức, Úc, Thái Lan…
Có 3 nét chính mà báo chí phương Tây đều nhận định giống nhau khi nói về Thiền sư Nhất Hạnh là: (1) Người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân. (2) Người có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Phật giáo phương Tây. (3) Nhân vật được đa số báo chí và các phương tiện thông tin hiện đại đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. (4) Năm 1967, Martin Luther King Jr. đề cử Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa Bình. (5) Tác giả đã viết hơn 100 cuốn sách có giá trị, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh.
Theo Wynn Tran trong tài liệu khảo chứng cho luận án Tiến Sĩ năm 2019 (EW UNIV.) thì có khoảng 1500 tu sĩ và 500 ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam hiện đang có mặt tại các nước hải ngoại trên toàn thế giới; so với 55.000 tăng ni và 18.500 chùa viện (Giác Ngộ July, 2020) trong nước.
Trong đó, khuynh hướng thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán chiếm một đa số đáng kể. Trong khi các bộ phái Phật giáo của nhiều nước giới thiệu và hành hoạt Phật giáo theo nhiều khuynh hướng đậm tính triết lý, lễ nghi, cầu nguyện, thờ phụng riêng thì đạo Phật Việt Nam đã giới thiệu hướng tìm một nếp sống tịnh lạc ngay trong cuộc sống đời thường.
Thiền sư Thích Thiên Ân, Thích Nhất Hạnh và nhiều tôn đức Tăng Ni Việt Nam đã hoằng pháp lợi sanh bằng giáo lý, thực hành theo tinh thần Thiền tông, Tịnh Độ và Mật Tông trong cộng đồng đại chúng tại nước ngoài không phân biệt. Đặc biệt là giáo pháp và thực hành nguyên lý Chánh Niệm (Mindfullness) như là trái tim của sự sống thông qua những hình thức thiền tịnh, sinh hoạt đời thường, các khóa tu học, giảng tập dành riêng cho người ngoại quốc và thế hệ tuổi trẻ tại các nước ngoài đang được phát huy đầy nhiệt tình đã mang đến nhiều lợi lạc được ghi nhận và tán thán.
Đặc biệt Hội đồng Hoằng Pháp được thành lập cách đây vài năm tại Hoa Kỳ được thiền sư Thích Tuệ Sỹ từ trong nước chứng minh và chỉ đạo đã thực hiện những bước tiến đầy khích lệ trong công phu mang đạo Phật vào nhà trường, nhà tù và nhà tu… của người Mỹ được giới trí thức, doanh nhân, tôn giáo, học đường tham gia và khen tặng.
Ngưỡng vọng chân dung
Quy y với Ôn Châu Lâm khi mười tuổi, được Ôn đặt pháp danh là Nguyên Thọ nhưng mãi đến sau này tôi mới tìm hiểu ra là mình thuộc thế hệ thứ 10 thiền phái Lâm Tế Liễu Quán (Thầy Nhất Hạnh pháp danh Trừng Quang nên thuộc thế hệ thứ 8 là hàng Sư Ông) khi được đọc bài kệ truyền pháp của Tổ sư Liễu Quán:
Thiệt Tế Đại Đạo
Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận,
Đức Bổn Từ Phong…
Nghĩa:
Đường lớn thực tại
Biển thể tính trong
Nguồn tâm thấm khắp
Gốc đức vun trồng…
Tìm hiểu về vị Tổ sư của thiền phái mình theo, cảm xúc dâng trào trong tôi khi hình dung con người và hoàn cảnh xuất thân của ngài Liễu Quán. Sư sinh ra trong cảnh gia đình thanh bạch, mẹ mất khi mới lên 6, xuất gia từ năm 12 tuổi, tu được 8 năm thì cha lâm bệnh nặng phải trở về quê hương vào rừng đốn củi kiếm tiền để lo phụng dưỡng suốt 4 năm cho đến khi cha qua đời mới trở lại đường tu.
Qua bao năm dài tu hành miên mật với công hạnh tròn đầy ngài vẫn giữ đạo hạnh quang minh, tâm bồ đề bất thối chuyển, thanh tịnh vô cầu trước mọi sự thỉnh mời cung dưỡng của vua chúa đương quyền.
Để khắc hoạ chân dung Tổ sư Liễu Quán, biểu tượng tâm linh để lại dấu ấn tinh thần xa xăm mà huyền nhiệm trong tôi khi những lần được gần gũi viếng bảo tháp của Ngài ở chùa Thuyền Tôn Huế hay những năm tha hương ở Mỹ, tôi đã miệt mài trong vòng 3 năm để viết tác phẩm Tu Bụi (Tu Giữa Bụi Trần) (xin kính mời độc giả bấm vào tên sách in đậm để đọc trên online).
Sách được viết theo thể “sáng tạo dựa trên dữ kiện thực tế” (creative non-fiction). Hình ảnh và hành trạng của Tổ sư Liễu Quán qua phản ánh sáng tạo, đã hình tượng hóa thành nhân vật Thầy Tiều trong tập sách Tu Bụi.
Sách viết xong năm 2005, in và xuất bản: Thuận Hóa (Việt Nam 2007); tái bản lần thứ 5. Titan (Hoa Kỳ 2006) tái bản lần thứ 4. Phát hành theo tiêu chuẩn sách giấy bình thường và trên mạng lưới Amazon (Tu Bụi Amazon).