;
Đến hẹn lại lên, cứ sau những ngày tết nguyên đán là đến mùa lễ hội. Thế là sau những ngày vui đón tết, ăn tết, chơi tết, tiêu pha thả ga vì vui tết là người Việt mình lại tiếp tục lao vào hội hè. Theo thống kê thì trong một năm nước ta có khoảng 8000 lễ hội, trong đó khoảng 7000 lễ hội dân gian, hơn 300 lễ hội lịch sử, hơn 500 lễ hội tôn giáo, còn lại các lễ hội ngoại nhập và các loại lễ hội linh tinh khác. Đói nghèo, lạc hậu đâu không biết chứ về cái khoản hội hè thì thế giới chắc phải ngả nón bái phục nước mình!
Lễ hội là một nét văn hóa truyền thống mang nặng bản sắc văn hóa dân tộc với những nét đẹp đặc thù tùy theo thể loại của lễ hội, nhưng cho dù đó là lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử hay lễ hội tôn giáo… đi chăng nữa thì cũng có chung một bản chất là một sự kiện được tổ chức để thể hiện sự tri ân, uống nước nhớ nguồn đối với tiền nhân và tôn vinh những giá trị văn hóa tâm linh mang tính nhân văn cao đẹp và thiêng liêng, đáp ứng nhu cầu tinh thần - tình cảm của đông đảo nhân dân.
Thế nhưng hiện nay các lễ hội ngày càng biến tướng theo chiều hướng dung tục hóa, thương mại hóa và bộc lộ những hình ảnh phản cảm xấu xí, xa dần ý nghĩa cao đẹp ban đầu của lễ hội.
Hầu như tại các lễ hội đa số đều xảy ra cảnh chen lấn, giẫm đạp, xô đẩy nhau để tranh giành, cướp lộc, cướp ấn, cướp phù…Qua những hành vi “cướp, giật” nơi lễ hội thiêng liêng như thế người tham gia đã bộc lộ tính tham lam, ích kỷ của mình một cách cao độ. Điều đáng buồn là hiện tượng trên hầu như có sức lan tỏa đến hầu hết những người tham gia lễ hội không phân biệt, già trẻ, trai gái, nam thanh nữ tú, lịch sự trí thức..
Chuyện lễ hội dân gian thì bát nháo như thế ta có thể biện minh cho ý thức của quần chúng tham gia không được trang bị về văn hóa ứng xử hoặc đức tin thiêng liêng nên bản năng được tự do bộc phát, lòng tham vị kỷ được tha hồ biểu hiện. Thế nhưng các lễ hội tôn giáo (cụ thể là Phật giáo) được xem là lễ hội mang nặng tính thiêng liêng với giá trị tâm linh được đặc biệt chú trọng thì sao?
Chúng ta chỉ lấy hai lễ hội tôn giáo tiêu biểu đó là lễ hội chùa Hương và lễ hội Yên Tử để tìm hiểu xem sao.
Tại lễ hội chùa Hương được tổ chức từ ngày mùng 6 tháng Giêng cho đến hết tháng Ba hằng năm và đón hàng triệu khách hành hương. Đây là một lễ hội tâm linh, khách hành hương tham gia lễ hội đa số đều có đức tin vào giáo lý đạo Phật nhưng khi hành hương Phật tích thay vì cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người người hạnh phúc, nhà nhà ấm no, cuộc sống an lạc và chuyển hóa tâm thức bỏ ác làm lành theo lời Phật dạy để có một đời sống tốt đẹp, cao thượng hơn, thì người ta lại chỉ biết đến để cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức… cho bản thân và gia đình mình. Thế là bằng mọi giá người ta quyết chen lấn, chà đạp lên nhau, giành giựt nhau để được nhận lộc. Tại lễ hội chùa Hương năm nay hình ảnh một vị sư phát lộc Phật bằng cách quăng vào đám đông và mọi người chen lấn xô đẩy, tranh giành nhau gây nên cảnh hổn loạn nơi một góc chùa để giành lộc là một điều phản cảm, một hành vi không đẹp nơi chốn thiền môn mà cả người phát cũng như người nhận đều không nên làm.
Lễ hội chùa Hương là một hành trình tâm linh về nơi Phật tích thì đã thế, còn lễ hội Yên Tử thì sao? Đa số những người tham gia lễ hội Yên Tử đều biết đây là một vùng đất Phật, một nơi chốn thiêng liêng ghi dấu nơi mà ngày xưa vua Tràn Nhân Tông đã dũng cảm lìa bỏ cung vàng điện ngọc, lìa bỏ sự hưởng thụ của một vị đế vương để lên đây ẩn thân, tu hành thành chánh quả và được hậu thế tôn xưng là Phật Hoàng.
Đáng ra những khách hành hương đến đây lễ bái đều lắng đọng tâm tư thành tâm hướng về tấm gương cao cả, sáng chóí của Phật Hoàng-Trần Nhân Tông, một vị vua đã xem ngai vàng như đôi dép rách nên rủ bỏ không thương tiếc, ngài đã lìa bỏ những dục lạc thế gian mà bao người mơ ước không có được để lên chốn non cao, cảnh vắng làm bạn với muông thú, sống đời đạm bạc muối dưa, rau rừng qua bữa, an nhiên tự tại tỉnh tâm tu hành để rồi từ đó tự thân mình học tập, noi theo tấm gương sáng của ngài để chuyển hóa thân tâm, buông bỏ bớt những tham muốn thế gian, lìa xa điều ác thực hành điều thiện, bớt đi tính vị kỷ, chỉ biết vun quén cho bản thân, gia đình mình hướng đến cuộc sống cao thượng, phụng sự tha nhân để tìm thấy sự an lạc trong hiện tại thì người ta lại đến để cầu xin tài lộc, người ta lại chen nhau trèo lên chù Đồng, dùng tiền lẻ... chà xát vào thân chùa với quan niệm lấy may, một số người còn giắt tiền lẻ lên nóc mái chùa. Thậm chí có không ít đại biểu khách mời cũng ra sức cầm tiền “đánh bóng” chùa Đồng tại đỉnh thiêng Yên Tử cầu may.
Tại sao các lễ hội truyền thống dân tộc càng ngày càng bị biến tướng theo chiều hướng xầu đi như thế?. Kinh tế ngày càng được nâng cao, đời sống người dân ngày càng cải thiện, đa số người dân đều đủ ăn đủ mặc chưa nói là một bộ phần không nhỏ dân chúng rất giàu, có của ăn của để nhưng vì sao tại các lễ hội người ta lại bộc lộ tình tham lam vô độ đến như vậy?!
Lý do để những lễ hội văn hóa truyền thống biến thành lễ hội phi văn hóa thì có nhiều nguyên nhân và bị tác động từ nhiều phía.
Đời sống người dân ngày càng được cải thiện nhưng rõ ràng là dân chúng đang sống trong một xã hội luôn xảy ra nhiều bất trắc, vì thế lòng người luôn bất an, bên cạnh đó chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ lên ngôi làm cho nhận thức về của người dân thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Người ta đã thế tục hóa, thương mại hóa các lễ hội, đánh đồng thần thánh với phàm phu. Ở ngoài đời người ta có thể dùng tiền để mua tất cả mọi thứ vì thế họ mang tiền đến để mua sự ủng hộ của thần thánh cho họ được phát tài, phát lộc, mua may bán đắt hoặc thăng quan tiến chức hoặc học hành đổ đạt v.v…,. Ở ngoài đời họ bon chen, đấu đá, tranh dành nhau bằng mọi thủ đoạn để vun quén sự lợi ích cho mình, thì khi đến lễ hội họ cũng theo thói quen bon chen, dành giựt, dùng mọi hành động kể cả đạp người khác xuống chân để dành cho được tài lộc cho mình. Thế cho nên gọi là lễ hội văn hóa mà hành xử một cách kém văn hóa, thiếu sự tự trọng và tôn trọng người khác trong văn hóa ứng xử một cách tối thiểu!
Lễ hội chùa là một truyền thống văn hóa của dân tộc, của tín đồ Phật giáo, là nơi để người tham gia thể hiện đức tin cao cả, thể hiện nét đẹp của văn hóa tâm linh. Thế nhưng những gì đã xảy ra ở lễ hôi chùa Hương, lễ hội Yên Tử đã chứng minh ngược lại. Tinh thần Phật giáo là từ bi, hỷ xã, vô ngã, vị tha, diệt trừ tham dục, bỏ ác làm lành để chuyển hóa tâm thức, tích lũy phước báu, gieo nhân lành, làm lợi lạc quần sanh để đạt sự an lạc trong cuộc sống hiện tiền và thăng tiến lên cảnh giới cao hơn ở các kiếp sống kế tiếp. Giáo lý Đức Phật dạy chúng sanh hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, con người phải chịu trách nhiệm về hành vi mà mình gây ra, luật tắc nhân quả, nghiệp báo công bằng với tất cả chúng sanh, ai gieo gì thì gặt đó. Đức Phật chỉ là bậc đạo sư chỉ đường cho chúng ta đi chứ ngài không phải là thần linh ban ơn giáng họa. Thế nhưng những gì đã xảy ra ở lễ hội chùa Hương và Yên Tử cũng như một số chùa chiền khác thì hoàn toàn ngược lại với tinh thần đó. Người ta đi đến chùa để cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, cầu mua may bán đắt, cầu phú quý vinh hoa, cầu học hành đổ đạt…và họ đã cụ thể hóa ước mong đó bằng cách lấy tiền chà vào chùa Đồng để lấy may, giắt tiền vào tay Phật, Bồ-tát để xin chứng giám lời cầu xin…Những gì đã xảy ra tại các lễ hội tâm linh hoàn toàn trái với giáo lý đạo Phật, thay vì phát triển tinh thần vô ngã, vị tha thì người ta lại chỉ cầu xin cho mình, giành giựt tài lộc cho mình bằng mọi cách kể cả việc xô ngã người khác để tiến lên phía trước. Giáo lý đạo Phật xem THAM-SÂN-SI là tam độc cần phải đoạn diệt khỏi tâm thức, thì ở đây lại biểu hiện đầy đủ cả ba thứ độc này. Vì THAM cho nên người ta làm tất cả mọi thứ để dành cho được quyền lợi về phần mình, vì SÂN cho nên người ta sẵn sàng tranh giành, giẫm đạp, gây gổ với người khác, vì SI nên bằng mọi cách quyết dành cho được các thứ gọi là “lộc” mà không biết đến hiệu quả thực sự của nó như thế nào!
Vì đâu nên nỗi khi mà xã hội càng văn minh hiện đại thì tâm người ta càng bị nhấn chìm trong niềm tin mê muội, mơ hồ, mù quáng?! Như đã nói ở trên ngoài yếu tố chủ quan từ nhận thức của người tham gia lễ hội ra còn có động cơ từ những yếu tố khách quan khác, trong đó có sự chủ động góp phần của người tổ chức lễ hội vì món lợi thu về quá cao nên đã vẽ vời ra những hình thức ru ngủ quần chúng theo dạng “vẻ rắn thêm chân”, tạo những tin đồn về sự linh ứng, thổi phù lên những điều linh thiêng và những hiệu quả mơ hồ nào đó nhằm đánh vào tư tưởng hám lợi, hám danh của người dân (Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, nhà khảo cổ học đã nói lễ hội khai ấn nhà Trần là một sự xuyên tạc lịch sử và chẳng hề có giá trị tâm linh nào cả, ông đã khẳng định: “Cá nhân tôi với tư cách một người làm khảo cổ học khẳng định: không có một cái ấn nào, không có một lễ khai ấn nào có được bất kỳ một căn cứ lịch sử và khoa học nào”. Và “Người ta đã không ngần ngại xuyên tạc lịch sử, dựng lên các huyền tích hoàn toàn mới, mạo danh việc phục hồi lễ hội truyền thống. Người ta thổi phồng các lễ hội của làng/cấp làng thành lễ hội quốc gia, trong đó có việc mời bằng được các lãnh đạo cấp cao của tỉnh, của trung ương về khai ấn.”
Thế là quần chúng bị sụp bẩy, cướp ấn, cướp phù, cướp hoa tre, cướp trau cầu, cướp lộc để làm gì? Để đem về cho mình mọi điều may măn, để mong ước của mình được thỏa nguyện ư?
-Không có thần linh nào mà lại đi phù hộ cho những kẻ cướp được lộc cả, vì thần linh nào mà mê muội đến thế, ai lại đi phù hộ cho kẻ dùng hành vi bạo lực để cướp đoạt lộc bằng cách giày xéo lên người khác bao giờ !
Lễ hội dân gian thì có thể có nhiều lý do để biện minh cho các hành vi trên, trong đó có phần đổ lỗi cho người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, riêng lễ hội Phật giáo tại các chùa chiền thì sao lại để xảy ra những chuyện như thế nhỉ? Quý Tăng, Ni là những người truyền bá giáo lý của Phật thì cũng phải tìm cách để hướng dẫn phật tử đi chùa lễ Phật, đi hành hương thánh địa Phật tích thực hiện đúng tinh thần lời Phật dạy mới mang lại lợi ích thiết thực cho hàng tín đồ chứ? Nếu đổ lỗi cho người tham gia lễ hội không hiểu giáo lý thì cũng phải có biện pháp ngăn chặn những tệ nạn xãy ra nơi cửa Phật chứ? Phải tìm cách để hướng dẫn cho người đi lễ hội biết cho dù có dùng hàng triệu đồng chà xát cho mòn chùa Đồng thì cũng chẳng có mảy may lợi ích, cho dù có nhét tiền triệu vào tay Phật, Bồ-tát thì chẳng có tý công đức mà chỉ tạo thêm nghiệp ác!. Phật tử thể hiện đức tin vào Tam Bảo có tâm cúng dường với sự thành kính thì chỉ cần để tịnh tài vào một hòm công đức là được rồi, tại sao phải tạo ra hàng chục hòm công đức trong một ngôi chùa như thế để rồi xảy ra nạn đổi tiền lẻ và phải chịu mất phần trăm?
Không riêng gì các lễ hội, mà mùa xuân tất cả các chùa đều tổ chức lễ cầu an đầu năm cho tín đồ. Với mục đích xiễn dương đạo pháp và hướng dẫn cho Phật tử tu học đúng chánh pháp thì các chùa (không phải là tất cả) lại sa vào xin xăm bói toán, dương sao giải hạn, đẩy niềm tin của phật tử đến chổ mê muội, cuồng tín. Có thể quý ngài cho rằng đây là pháp phương tiện đã ăn sâu trong tâm thức từ nhiều đời của Phật tử nên tùy duyên mà hóa độ, nhưng đáng ra dùng pháp phương tiện để rồi khai thị cứu cánh, “dĩ huyển độ chơn” chứ, sao lại ngày càng lún sâu vào mê tín như thế?!
Tham lam, ích kỷ, mê muội dẫn đến cuồng tín của một số người đã bị những kẻ đầu cơ mua thần bán thánh lợi dụng để trục lợi. Thế là những lễ hội văn hóa của dân tộc biến thành những lễ hội phi văn hóa.
Những hồi chuông cảnh tỉnh đã được dóng lên, đã đến lúc những giới chức thẩm quyền, những nhà đạo đức, những nhà văn hóa cần có giải pháp đồng bộ để trả lại giá trị cao đẹp của lễ hội. Cũng đã đến lúc những người tham gia lễ hội cũng cần nhìn nhận lại hành vi ứng xử của mình, cũng cần nhìn nhận lại niềm tin của mình theo hướng chánh tín đừng tiếp tục cuồng tín một cách mê muội như thế để rồi sa vào cảm bẩy của những kẻ buôn thành bán thánh lợi dụng sự mê muội của mình để trục lợi nữa.