;
Chùa Viên Minh
Đặt chân vào chùa chợt nghe thấy tiếng bầy chó sủa lao xao báo có người khách lạ, tôi như người chợt tỉnh giữa cơn mê khi nhận ra mình đang đứng trong sân một ngôi chùa nhỏ đơn sơ ở giữa miền thôn quê thảo dã. Đưa mắt nhìn quanh không thấy cảnh chuông vàng tượng ngọc, chỉ có mấy nếp nhà nhỏ lợp ngói đỏ đơn sơ, vườn rau ao cá, bến nước cầu ao… đúng với cảnh của một ngôi chùa làng xứ Bắc. Nhìn cảnh chùa đơn sơ thực lòng tôi không dám nghĩ đó lại là nơi ở của một vị tăng già đức cao đạo trọng như Hoà thượng Thích Phổ Tuệ.
Trong lúc lòng đang nghĩ vẩn vơ, tôi chợt thấy Hoà thượng bước ra trong bóng áo cà sa rực vàng như nắng sớm. Ngài nhẹ nhàng ngồi xuống trước mặt tôi, thân xác gầy khô như tượng mộc nhưng thần khí vẫn tinh anh, miệng niệm Bồ Tát, tay lần tràng hạt với dáng điệu thảnh thơi siêu thoát.
Hoà thượng vốn là người ở làng Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnhnbsp;Ninh Bình. Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1917), lên 5 tuổi vì có duyên với Phật nên đã sớm xuống tóc quy y, sau lớn lên bôn ba tìm thầy học đạo khắp các chốn Tổ đình ở miền Bắc, mãi đến năm 1936 mới về chùa Viên Minh nhận sư tổ Thích Quảng Tốn - trụ trì đời thứ hai của chùa Viên Minh - làm sư phụ. Năm 1961, sư tổ Quảng Tốn viên tịch, Hoà thượng kế nghiệp thầy trở thành trụ trì đời thứ ba và tu hành ở đấy suốt hơn 70 năm qua cho đến tận bây giờ.
Đức Pháp chủ, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tháng 3/2008
Hầu chuyện Hoà thượng một hồi lâu tôi ngỏ ý muốn được cùng Ngài dạo bước thăm cảnh vườn chùa, nơi có bóng tre xanh và những cây nhãn cổ thụ tròn xoe bóng mát. Ngài mỉm cười gật đầu rồi bước vào trong thay chiếc áo cà sa bằng bộ nâu sồng giản dị. Lúc này trông Ngài chẳng khác mấy một lão nông luôn quen việc cấy cày.
Tìm hiểu tôi mới biết Ngài cũng là người thạo việc đồng áng. Dân trong vùng cho biết trước đây khi sức khoẻ còn tốt, ngoài việc sớm hôm đèn hương kinh sách hầu Phật, ngài còn tự chăm lo cày cấy nuôi thân. Đến năm 80 tuổi mới chịu thôi cày ruộng, nhưng vẫn liên tục làm vườn cho đến tận ngày nay. Chính vì vậy Ngài vẫn thường tự trào mình là một lão “nông tăng”. Và có lẽ vì thế mà Ngài thường dạynbsp;đệ tử rằng: “Sống ở đời phải biết lao động, nếu chúng sinh tất thảy đều lười biếng thì biết lấy gì để nuôi nhau. Và khi không có ăn thì đời tất sinh biến, mọi lỗi lầm u chướng rồi cũng từ đó mà ra”.
Không chỉ giỏi việc nhà nông, Ngài còn là người thâm sâu, uyên bác, Phật pháp tinh thông. Cả cuộc đời Ngài đã cống hiến hết mình cho Phật sự và chúng sinh. Bên cạnh đó, Hoà thượng còn tham gia trước tác, dịch thuật và hiệu đính nhiều công trình Phật học có quy mô, cũng như làm giảng sư cho nhiều trường Phật học lớn trong cả nước. Nói đến chuyện học của giới tăng ni, Ngài bảo thời nay ai nấy đều có cơ hội được học hành tốt hơn trước. Tuy nhiên, cuộc sống bây giờ có quá nhiều điều cám dỗ cho nên nhiều lúc nó cũng dễ làm cho con người ta sai lạc đường tu, vì vậy hơn ai hết chúng tăng ni sinh phải biết phấn đấu phát huy tinh thần tu học để bồi bổ tâm hồn và trí tuệ.
Khi được hỏi về chuyện Phật sự thời nay Ngài cho biết, Phật giáo đời nào cũng vậy, thịnh suy tuỳ thời. Ngày nay Phật giáo được chấn hưng vì nhờ có quốc gia hưng thịnh. Lòng người Phật tử hân hoan tự do tu hành, lấy phương châm “đạo pháp – dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để cùng nhau đoàn kết phụng đạo giúp đời. Âu đó cũng là cái hồng phúc của Giáo hội thời nay vậy.
Trong câu chuyện với Hoà thượng, tôi thường thấy Ngài nhắc nhiều tới hai chữ “tứ đức”, tức bốn điều ân nghĩa lớn ở đời là “ơn cha mẹ, ơn thầy cô, ơn Tổ quốc, ơn xã hội”. Bởi theo Ngài, thân thể của con người ta không thể tự sinh ra, lớn lên và trưởng thành, cho nên ta phải biết ơn những người đã vì ta mà cống hiến. Lấy ví dụ như chuyện ăn bát cơm phải nhớ người cày ruộng, có được cuộc sống ấm êm trong cảnh hoà bình phải biết đến công lao của tổ quốc… Thế mới biết cái tâm của Ngài dung dị mà cao cả đến nhường nào.
Càng đi với Ngài, tôi lại càng phát hiện ra nhiều điều thú vị. Ngắm bóng Ngài liêu xiêu in trên nền gạch đỏ, nhìn tấm áo nâu sồng đơn sơ giản dị mà Ngài đang khoác trên mình tôi chợt nghĩ không biết 2500 năm trước Đức Phật Thích Ca ăn mặc như thế nào, và trên thế giới này không biết ở đâu có vị Pháp chủ nào giản dị mà uyên bác đến thế hay không.
92 tuổi đời, 87 năm gửi mình nơi cửa Phật, sáng kinh tối kệ, ngày đôi bữa rau dưa, tu đạo nhưng không quên đời, gần đời mà không để tầm thường đạo. Bây giờ dẫu đã ở trên ngôi cao nhưng Ngài vẫn giữ một lòng thanh bạch, rạng ngời. Ấy là cái đức sáng của một bậc chân tu, cái phúc lớn cho Giáo hội.
|
Bài: Thanh Hoà - Ảnh: Trọng Chính, Lê Minh
Nguồn:https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/vi-tang-gia-duoi-bong-chua-vien-minh/17805.html