;
Tâm là vô hình, không thể dùng ngôn ngữ mà biết được, tâm liên kết với thân xuất xa bảy cửa ngõ là mắt thấy biết, tai nghe được, ý nghĩ suy, mũi biết mùi, lưỡi biết vị, thân hành động có tay cầm nắm và chân đi lại chạy nhảy, khẩu nói năng. Để tâm không vọng thì thân tuy hành mà không phân biệt, khẩu nói mà không chấp, ý nghĩ mà không động.
Vạn pháp vốn không liên hệ với tâm, chỉ vì vọng động chấp trước mới có cái ngã, cái tôi, cái tri kiến vọng tâm hiển hiện. Vạn pháp mà tùy duyên là ở nơi vạn pháp tùy duyên khởi tâm nhưng không bám chấp vào các pháp. Các pháp vốn uyên nguyên không tịch, chỉ vì tâm phân biệt mới có pháp lành hay pháp dữ, pháp thiện hay pháp bất thiện mà tạo nghiệp vô minh trong sự phân biệt chấp trước mà tạo ra.
Trong cuộc sống lúc bình thì tâm ít khởi chấp, khi có sự cản trở hay có nguồn cơn, nguyên nhân, hay nghiệp quả không thuận không tốt thì tâm thường theo đó mà khởi lên cái vọng chấp từ đó mà có phiền não, khổ đau. Phiền não do tâm khởi mà hết phiền não cũng do tâm định. Để không phiền não hay khổ đau, người hành đạo quán chiếu quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô ngã, quán pháp vô thường. Quán để biết, để soi chiếu thấy được thực tại của khổ đau hay phiền não từ đâu mà ra, tìm nguồn cơn sinh khởi hay quán để trừ đi vọng tâm, vọng thức, vọng tình, vọng sự hay vọng pháp.
Để an nhiên thì phải tùy duyên, để tùy duyên thì trong tâm có định, để trong tâm có định thì hãy thực hành hạnh buông xả vọng niệm, để làm được điều đó thì chú tâm niệm phật để định tâm, chú tâm thiền định để định ý, chú tâm hành đạo để định nghiệp, chuyển nghiệp. Hãy tự bật đèn trí huệ để chiếu sáng phá tan màn vô minh tăm tối của nghiệp thức hay nghiệp lực, của bản ngã hay chấp trước để từ đó tâm được rộng lớn, tâm rộng lớn chính là hòa nhập thể đại đạo của vũ trụ, đạo là tâm và tâm là gốc đạo. Chỉ khi nào tâm an thì đạo bình, tâm tịnh thì đạo sáng vậy.