;
>Tác dụng của luân lý Phật giáo đối với giới trẻ hiện nay
Trong rất nhiều tôn giáo có nhận định: Sự kết thúc cũng là sự bắt đầu. Cái cũ khép lại thì cái mới sẽ mở ra; thời gian, vạn vật, con người… cứ xoay vần theo quy luật vĩnh hằng ấy. Năm cũ sắp trôi qua, năm mới đang đến gần; một mốc thời gian thay đổi dễ làm
người ta lặng xuống, ngẫm nghĩ nhiều hơn quá khứ và tương lai. Người ta thường điểm lại những việc đã làm, xác định những việc sẽ phải làm và chiêm nghiệm nhiều hơn về giá trị nhân sinh. Lúc này, ai cũng dễ nhận ra cái bản ngã bên trong con người mình, với những khát vọng tinh thần mà ngày thường dễ bị những ham muốn trần tục khác xóa mờ đi.
Ước mơ thay đổi theo thời gian.
Khi người ta còn trẻ và ít va đập, còn nhiều hoài bão và thời gian, thì hay hướng tới những mục đích lớn lao, muốn thay đổi được cả một cộng đồng xã hội; thích nhìn đến những giá trị to lớn được người khác ngưỡng mộ. Các bạn trẻ nghĩ nhiều về vật chất, muốn có cuộc sống sung túc, đầy đủ thậm chí là dư thừa. Họ thiết tha trở thành người nổi tiếng, để sau mỗi bước chân họ đi qua sẽ có người khác phải ngước mắt nhìn theo thèm khát. Họ làm gì cũng thường muốn in dấu ấn của mình lên đó, để mọi người biết đến. Không sai đâu những hoài bão tuổi trẻ ấy, có chăng, như một cặp song hành, nó sẽ đi cùng với sự ảo tưởng về danh vọng, khiến các bạn trẻ không hiểu được giá trị đích thực của đời người, dễ bị những thứ phù phiếm che khuất.
Cuộc sống luôn không được như nhiều người mong ước, nên con người lắm nỗi khổ đau. Từ xưa đến nay, người kêu ca buồn chán luôn nhiều hơn người vui cười bằng lòng với hiện tại. Ngay trong đời một con người, không nói được rằng người đó sướng hay khổ, chỉ có thể nói rằng, người đó buồn nhiều hơn vui. Thi ca, nhạc họa, các tác phẩm nổi tiếng của nhân loại cũng phần lớn lấy nguồn cảm hứng từ nỗi đau của con người. Như vậy, có thể thấy, con người khó mà thoát khỏi được nỗi buồn. Từ thất vọng buồn chán, người ta dễ đổ tội cho cuộc đời bất công và thế gian lắm nỗi đau buồn. Ít người có thể đủ tỉnh táo bình tĩnh mà suy xét ngược lại vấn đề, là những nỗi khổ ấy, phải chăng do chính mình tạo nên?
Khi người ta đã cứng cáp hơn, đã nếm đủ đòn đau của cuộc sống, mới hiểu được rằng sức lực của con người quá hạn hẹp so với ước mơ tuổi trẻ. Thế là ước mơ hoài bão ngày nào thu nhỏ lại, có thể chỉ vẻn vẹn quanh một tổ ấm, thậm chí chỉ là việc thay đổi chính con người mình. Nhưng lúc này, khó khăn mà con người đối diện, không hề giảm đi dù con người có co hẹp ước mơ của đời mình. Vì đối diện, thay đổi chính con người mình, là việc làm không hề đơn giản. Có chăng, nó chỉ dễ chủ động hơn việc thay đổi thế giới bên ngoài mà thôi.
Hạnh phúc ở đâu?
Một người khi sống trong một xã hội, thì không thể nào tách mình ra khỏi xã hội ấy, luôn có sự giao lưu ảnh hưởng qua lại giữa người đó với môi trường sống. Trong môi trường ấy, ai cũng phải có một nền tảng như nhau rồi mới có thể phát triển mỗi người mỗi khác. Cái nền tảng đó, trước tiên là một cuộc sống vật chất đủ giúp con người ta tồn tại và có cơ hội lĩnh ngộ tri thức. Đây là yêu cầu tối cơ bản để con người có thể hạnh phúc, không có nó thì con người còn luôn chìm đắm trong những nỗi khổ mưu sinh cùng cực. Vì vậy, nhiều người đã nảy sinh ra một sự nhầm lẫn, đó là họ cho rằng phải thỏa mãn tối đa những nhu cầu tối thiểu ấy.
Một người đang sống trong ngôi nhà dột nát thì chỉ cần một ngôi nhà vững chắc để vượt qua cơn mưa gió là anh ta đã có thể hạnh phúc rồi; nhưng khi đã có ngôi nhà vững chắc anh ấy lại mơ về một biệt thự xa hoa, rồi cho rằng biệt thự đó mới là mục tiêu cần hướng tới. Cứ như thế, mục tiêu càng ngày càng lên cao và anh ấy cứ phải tiến lên mãi. Sức vóc và thời gian có hạn, đến một ngày anh ta nhận ra mình đã có rất nhiều thứ mà vẫn không hạnh phúc, vậy chẳng hóa ra sự cố gắng bao năm của anh ta không có ý nghĩa gì sao? Chẳng nhẽ tất cả những gì anh ta cố gắng làm ra, cũng chẳng khác gì ngôi nhà rách nát thuở ban đầu?
Vấn đề nằm ở đâu? Chính là hạnh phúc của người ấy đã thay đổi, vì hạnh phúc ban đầu anh ta muốn có, chỉ là hạnh phúc tạm thời. Anh ta chưa tìm được hạnh phúc thật sự của đời mình. Những thứ anh ta có được mới chỉ nằm ở phần vật chất, chứ không phải là tinh thần. Mà vật chất chỉ đóng vai trò “nền tảng cơ bản”, chứ không phải thứ quyết định cuối cùng. Nếu anh ta chưa hạn chế được những ham muốn dục vọng bên trong con người mình, thì vật chất có tăng lên đến thế nào anh ta vẫn không thanh thản được. Trong xã hội hiện đại ngày nay, cuộc sống của con người được thay đổi rất nhiều nhờ khoa học kỹ thuật, vì vậy nhu cầu vật chất sẽ dễ dàng giải quyết hơn trước. Ngược lại, những vấn đề về tâm lý, đời sống tinh thần ngày một nhiều lên và khó giải quyết hơn.
Nhà vật lý nổi tiếng Acsimet đã nói “Hãy cho tôi một điểm tựa và tôi sẽ nhấc bổng cả trái đất lên”; câu nói này trở thành khẩu hiệu của rất nhiều người vì ý nghĩa sâu xa của nó; nhất là trong lúc cuộc sống hỗn loạn, họ không biết nượng tựa bám víu vào đâu. Cái “điểm tựa” ấy trở thành nỗi khát khao của biết bao nhiêu người, vì có người phải trải qua rất nhiều lần đi tìm chỗ dựa tinh thần của cuộc đời mình, và trả giá đắt cho niềm tin đặt không đúng chỗ.
Nhưng có nhiều người đã may mắn tìm được điểm tựa của mình, đồng thời biết cách tựa như thế nào cho đúng. Họ tìm đến cửa chùa, học cách tu tập để giải thoát chính bản thân mình khỏi những dục vọng đã từng làm họ mệt nhoài; cởi bỏ những trói buộc và bao lâu nay họ cứ giằng co mãi. Họ hướng tới một hạnh phúc mới, hạnh phúc không mang tên tiền bạc danh vọng, nó gần gũi và giản dị hơn rất nhiều, đó là sự tự do tinh thần, sự thanh thản trong tâm.
Mùa xuân nơi cửa Phật!
Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Có người đi vì niềm tin tôn giáo, có người đi để ngoạn cảnh, có người đi cầu xin những điều mình muốn có…, mỗi người mỗi lý do nhưng nhìn chung, họ đều muốn có một sự khởi đầu tốt đẹp cho cả năm. Nhiều người đến chùa để xin lộc cho năm mới, lộc có nhiều cách hiểu, lộc về may mắn tiền tài, lộc về con cái, lộc về công danh, lộc về sức khỏe dồi dào… Nhưng có người đã nói, cái lộc lớn nhất họ có được khi đến cửa chùa, chính là kiến thức để học hỏi Phật pháp, rồi từ đó tìm ra con đường đi cho mình.
Cửa chùa luôn chờ đón những con người đi tìm sự thanh thản. Phật pháp giúp con người hướng thiện, đối diện với những sai lầm của mình để chỉnh sửa tâm hồn, tu dưỡng đạo đức. Phật giáo là cầu nối để con người tìm lại và hoàn thiện Chân Thiện Mỹ của chính mình. Bất kể ở lứa tuổi nào, con người bắt đầu làm lại cuộc đời cũng không muộn. Quay đầu là bờ, làm mới cuộc sống, xây dựng tâm hồn trong sạch hơn….; nếu làm được như vậy, mùa xuân luôn đi suốt cuộc đời.
Mùa xuân, mùa nảy lộc, mùa mở ra cuộc sống mới.
Kiều Thị Vân Anh
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội