;
Lời người ghi: Trước khi làm lễ tuyên thệ cho các Phật tử tham dự trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp Lộc Uyễn - Cấp I A Dục của Liên miền Khánh Hòa & Quảng Đức được tổ chức tại Chùa Như Lai. Denver. Colorado. Vào các ngày 8-11 tháng 08- 2002; Hòa Thượng Như Lai ( thượng Chánh hạ Lạc) đã khai thị cho các anh chị H.Tr. về ý nghĩa bài kệ phát nguyện của Ngài A Nan trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Ngoài những lời khai thị của H.T. Như Lai người ghi xin được ghi thêm phần khảo cứu khác để cho quý Phật tử tiện việc tham học.
Hoạt Tử Nhân
Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh quý báu vô cùng, vì trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy hết sức rành rõ đường lối tu hành,nào là Giáo, Lý, Hạnh và Quả mỗi mỗi đều rõ ràng. Người tu phải trải qua bao nhiêu địa vị, trong khi tu tập gặp những điều nguy hiểm như thế nào và làm sao mới tránh khỏi những điều nguy hiểm ấy.
Các kinh điển của Phật Giáo đều trọng yếu cả. Kinh Lăng Nghiêm lại càng đặc biệt. Nơi nào có kinh Lăng Nghiêm tức nơi đó có Chánh Pháp. Khi kinh Lăng Nghiêm không còn thì lúc đó là Mạt Pháp. Kinh Pháp Diệt Tận có nói: “Tới thời mạt pháp kinh Lăng Nghiêm bị diệt đầu tiên, sau đến các kinh khác.”
Tại sao lại nói rằng kinh Lăng Nghiêm bị diệt đầu tiên? Bởi kinh này giảng đạo lý rất chân thật. Thiên ma ngoại đạo chịu không nỗi mới tìm đủ mọi cách để phá hoại, tiêu diệt cho được kinh này. Kinh Lăng Nghiêm là Pháp thân của Phật, là Xá lợi của Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm có bốn loại giáo huấn thanh tịnh, có hai mươi lăm vị Thánh thuật lại kinh nghiệm viên thông và có nói tới năm mươi cảnh giới ấm ma. Những Pháp trong kinh này có thể ví như cái kính chiếu yêu, khiến cho bàng môn ngoại đạo phải lộ hết nguyên hình, yêu ma quỷ quái hết chỗ ẩn náu, do đó để tự vệ chúng phải rêu rao rằng kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy tạo, không nên tin theo.
Vì kinh Lăng Nghiêm quý giá như thế, nên thuở xưa các vị vua Ấn Độ cho là một Quốc Bửu, giữ gìn nghiêm nhặt không cho truyền bá ra ngoài. Trong lúc ấy, bên Tàu, có Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư, được nghe kinh Lăng Nghiêm quý báu như vậy, nên mỗi ngày hai lần sớm chiều quay mặt về hướng Tây (Ấn Độ) quỳ lạy cầu khẩn cho kinh Lăng Nghiêm được sớm truyền bá qua Tàu, để lợi ích chúng sanh.
Cách 100 năm sau, có Ngài Bát Lạt Mật Đế ( Paramiti, tên Ngài có nghĩa là Cực Lượng, người Trung Ấn; đời Đường năm Thần Long nguyên niên, ở đạo tràng Chế Chỉ, Tỉnh Quảng Châu dịch Kinh Lăng Nghiêm), đã nhiều lần tìm cách đem kinh Lăng Nghiêm truyền bá tại Trung Hoa, nhưng không kết quả, vì luật nước nghiêm cấm, kiểm soát rất chặt chẽ. Đến lần cuối cùng, Ngài viết kinh Lăng Nghiêm trên miếng lụa mỏng, rồi cuốn lại, xẻ thịt bắp vế nhét vào, băng lại làm như người có ghẻ, mới đem được ra khỏi nước.
Chúng ta nên ghi khắc và tưởng nhớ đến tâm “vị pháp vong xu” (tâm vì đạo quên mình) của Ngài Bát Lạt Mật Đế.
Khi Ngài Bát Lạt Mật Đế đem kinh Lăng Nghiêm qua Tàu, đến đất Nam Thuyên, gặp quan Thừa Tướng Phòng Dung, là bậc bác học uyên thâm, lại hết lòng mộ Phật; nên Ngài trình với quan Thừa Tướng về giá trị của kinh Lăng Nghiêm mà Ngài đã hy sinh mang đến. Quan Thừa Tướng Phòng Dung nghe rồi hết sức mừng rỡ, cho là được vật báu chưa
từng có. Nhưng khi đem lụa ra thì, vì bị máu mủ bám vào lâu ngày, nên mất cả chữ nghĩa.
Một người có công lớn trong việc này là Phu Nhân của quan Thừa Tướng Phòng Dung. Bà đem cuốn lụa ấy nấu với một chất thuốc hóa học, thì máu mủ đều theo nước mà tan đi, chỉ lưu lại các nét mực nên còn thấy để phiên dịch.
Quan Thừa Tướng thỉnh Ngài Bát Lạt Mật Đế dịch chữ Phạn ra chữ Tàu, Ngài Di Già Thích Ca dịch từ ngữ, còn quan Thừa Tướng nhuận sắc, Nên kinh Lăng Nghiêm chẳng những nghĩa lý rất hay, mà văn chương cũng là tuyệt diệu.
Theo lệ thường , mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, là ngày Tự tứ, mãn hạ của chư Tăng ( hằng năm từ ngày 16 tháng Tư cho đến ngày 15 tháng Bảy chư tăng cùng nhau an cư kiết hạ, để rửa sạch những hành vi lỗi lầm, và những tư tưởng không tốt, cho giới thể được thanh tịnh). Vì trong ba tháng kiết hạ an cư, chư Tăng đều thúc liễm thân tâm, trau giồi giới hạnh, tích lũy công đức, nên đến ngày mãn hạ, các hàng Phật tử đều đua nhau sắm đủ các món trai diên, thỉnh chư Tăng đến cúng dường để gieo trồng cội phúc.
Hôm ấy, nhằm ngày húy nhật của Tiên Hoàng, nên Vua Ba Tư Nặc sắm đủ các món trân tu mỹ vị rất linh đình, rồi chính vua thân hành đến rước Phật và chư Tăng về để cúng dường.
Trong lúc đó, Ngài A Nan vì đã chịu lời người thỉnh riêng trưóc nên không trở về kịp để dự vào hàng chúng Tăng thọ cúng. Ngài mang bình bát đi vào thành, uy nghi tề chỉnh, bộ điệu chậm rãi, qua từng nhà một để khất thực. Với tâm bình đẳng, Ngài muốn làm phước điền cho tất cả mọi người, không phân biệt bậc giàu sang quý phái hay bình dân. Ngài chỉ mong gặp những người chưa biết làm phước, hôm nay phát tâm cúng dường, để họ được ương trồng hạt giống lành, đặng ngày sau hưởng quả lành.
Vì lòng từ bi bình đẳng không lựa chọn, nên Ngài tuần tự đi qua các xóm làng. Không may, Ngài gặp nhà tín nữ ngoại đạo, tên Ma Đăng Già, dùng phép huyễn thuật là thần chú của Ta tỳ ca la tiên Phạm thiên, bắt vào phòng, dùng đủ lời dịu ngọt, vuốt ve mơn trớn, ép uổng về tình duyên!...
A nan bị nạn, hết sức buồn rầu, chắp tay niệm Phật, hướng về Đức Thế Tôn cầu cứu!... Phật biết A Nan thọ nạn, nên khi thọ trai xong không kịp thuyết pháp, liền trở về tinh xá ngồi kiết già, trên đảnh phóng hào quang trăm báu, trong hào quang ấy có hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có đức Hóa Phật ngồi kiết già, nói chú Lăng Nghiêm ( mỗi sáng các chùa đều tụng). Phật bảo Ngài Văn Thù đem thần chú ấy đi đến chổ nàng Ma Đăng Già, phá trừ tà chú, cứu nạn cho A Nan. Khi Ngài A Nan được thoát nạn, về đến tinh xá gặp Phật, cúi đầu kính lạy, buồn tủi, khóc than và bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, con từ hồi nào đến giờ có lòng ỷ lại:Con là em Phật được Phật thương yêu, chắc chắn sẽ được Phật ban cho con thần thông trí tuệ hay quả đạo Bồ Đề, nên chỉ lo học rộng nghe nhiều, chẳng lo tu niệm, không ngờ ai tu nấy chứng, mặc dù con là em của Phật, nếu không tu thì cũng chẳng có ích gì. Cúi xin Phật rộng lòng từ bi, chỉ dạy cho con phương pháp nào mà mười phương chư Phật tu hành đều được thành đạo chứng quả.”
Khi đó Phật an ủi Ngài A Nan và hứa sẽ dạy phương pháp tu hành để thành đạo chứng quả; Phật nói kinh Lăng Nghiêm. Kinh này đọc cho đủ là: “Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm Kinh”. Gọi tắt là “Thủ Lăng Nghiêm Kinh” (ở đây không nói sâu vào ý nghĩa của đề kinh).
Sau khi Ngài A Nan và đại chúng nhờ Phật chỉ dạy rất cặn kẽ, nên mỗi người đều ngộ được chân tâm của mình rộng lớn khắp cả mười phương hư không. Tất cả sự sự vật vật trong thế gian này, đều ở trong chân tâm; chân tâm bao trùm khắp cả mười phương pháp giới. Khi ấy xem lại cái thân do cha mẹ sanh đây, thật nhỏ bé làm sao! Như hạt bụi trong sa mạc, như hòn bọt nhỏ nỗi trong bể cả rộng bao la, dầu sanh sanh diệt diệt chẳng thấm béo gì.
Vì Ngài A Nan hiểu được chân tâm của mình thường còn không diệt và rộng lớn như vậy, nên đứng trước Phật chắp tay kính lạy, và xứng theo chân tâm rộng lớn , mà nói bài kệ phát nguyện sau:
Diệu trạm tổng trì bất động tôn,
Thủ Lăng Nghiêm Vương thế hi hữu, Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng, Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân.
Nguyện kim đắc quả thành bảo vương, Hoàn độ như thị hằng sa chúng, Tương thử thâm tâm phụng trần sát, Thị tắc danh vi báo Phật ân.
Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
Như nhất chúng sanh vị thành Phật, Chung bất ư thử thủ nê hoàn.
Đại hùng đại lực đại từ bi, Hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc,
Linh ngã tảo đăng Vô thượng giác Ư thập phương giới tọa đạo tràng; Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong, Thước ca la tâm vô động chuyển.
Bài kệ nầy có 18 câu, mỗi câu có 7 chữ, tổng cọng là 126 chữ.
Diệu trạm là Báo thân Phật; tổng trì là Ứng thân hay cũng gọi là Hóa thân Phật; bất
đông tôn là Pháp thân Phật.
Kính lạy Báo thân, Hóa Thân, Pháp thân Phật,
Hi hữu ở đây có nghĩa là hiếm có, cao diệu.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương là Pháp Bảo hiếm có trên đời,
Pháp bảo hiếm có đó, có tác dụng gì? Nó có tác dụng là: Tiêu diệt tất cả phiền não trong hằng sa số kiếp của con,
Bất lịch : không cần phải trải qua,
Tăng kỳ : nói cho đủ là A tăng kỳ kiếp, tức là vô số kiếp.
Khiến con chẳng cần trải qua vô số kiếp tu hành mà vẫn đặng Pháp thân Phật.
Thành bảo vương là thành Phật. Tán dương Phật bảo xong rồi Ngài A Nan phát nguyện rằng:
Khi con chứng được quả Phật,
(Sau khi trải qua tai nạn khủng khiếp như vậy rồi, được Phật dạy cho phương pháp tu hành để thấy được bản thể của chân tâm, Ngài A Nan nguyện hết lòng tu hành để chứng quả vị Phật;) thành bảo vương rồi thì làm gì?
Ngài A Nan nói : con sẽ trở lại cõi Sa bà để mà độ thoát cho vô số vô số chúng sanh (chứ không nhập Niết bàn an hưởng quả vị Phật).
Con trở lại Sa bà độ thoát vô số chúng sanh,
Tương : đem; thử thâm tâm : là cái tâm muốn cầu thành Phật của con; phụng : ở đây không có nghĩa là phục vụ, hầu hạ mà là truyền bá Pháp bảo; trần : bụi; sát là quốc độ của chư Phật.
Con sẽ đem cái tâm muốn cầu thành Phật này, để hóa độ cho tất cả chúng sanh trong hằng hà sa số quốc độ của chư Phật. (Làm lợi lạc cho mọi người; muốn làm công việc “truyền đăng tục diệm”, làm cho Phật pháp được trường tồn ).
Đó là cách trả ân Phật xứng đáng nhất.
Trong kinh Pháp Hoa có nói: “Giả sử đính đới kinh trần kiếp, thân vi sàng tòa biến Tam thiên, nhược bất truyền pháp độ chúng sanh, chung tất bất năng báo ân giả”.
Phật nói rằng: giả sử đem đầu của chúng ta mà đội Ngài lên, trải qua hằng hà sa số kiếp; đem thân mạng của chúng ta làm giường cho Phật nằm, ngồi, không phải chỉ có một chỗ mà trong khắp Sa bà thế giới; nếu không truyền bá Chánh pháp để hóa độ chúng sanh thì rốt cuộc chúng ta cũng không báo đền được cái ân Phật thị hiện.
Do đó, cách báo ân Phật đúng nghĩa nhất của người con Phật là phải học, hành và truyền bá Phật pháp. Vì vậy, là Phật giáo đồ chúng ta phải chú trọng đến nội dung, còn hình thức ( chùa to Phật tượng bự) không cần thiết, hay chỉ là phụ tùy.
Lại nữa, (phục thỉnh) cúi xin Đức Thế Tôn chứng minh cho con (đây là lời Ngài A Nan bạch Phật với tất cả sự thành thành kính kính). Phát nguyện xong Ngài A Nan thề như thế nào? Ngài thề rằng:
Trong đời ngũ trược đầy tội ác con xin vào trước tiên,
Ngũ trược ác thế là tiếng gọi khác đi của Sa bà thế giới, Sa bà dịch là kham nan nhẫn khổ; ngũ trược : kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược. Ngài A Nan thề rằng khi đắc quả Bồ đề, Ngài sẽ xung phong đi vào cõi Sa bà để độ thoát chúng sanh.
11- Như nhất chúng sanh vị thành Phật, Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, 12- Chung bất ư thử thủ nê hoàn.
Thì con thề chẳng hưởng quả vui Niết Bàn( Nê hoàn).
Chúng ta nhớ lời phát nguyện tương tự như vậy của Ngài Địa Tạng Bồ Tát : Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề.
Phật là đấng Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi,
14- Hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc,
Hi cánh : hy vọng rằng, cúi xin; thẩm : quán sát biện biệt thật rõ ràng; trừ : diệt bỏ.
Vi tế hoặc : vi tế là vô cùng nhỏ; hoặc là lậu, là phiền não, là kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc, vô minh hoặc.
Nghĩa là : Con kính xin Đức Thế Tôn chỉ bày cặn kẽ cho tất cả mọi lậu hoặc tối vi tế để con có thể diệt trừ.
15- Linh ngã tảo đăng Vô thượng giác,
Khiến cho con (linh ngã) sớm thành (tảo đăng) quả Phật,
Thành quả Phật (Vô thượng giác) để làm gì?
Để hóa độ chúng sanh khắp cả mười phương,
Ư là ở, ở chỗ nào? Ở khắp cả mười phương thế giới.
Tọa : ngồi ; Đạo tràng là Pháp tràng, già lam, chùa, là nơi để học đạo, truyền đạo, thuyết pháp độ sanh. Ngồi ở đạo tràng khắp trong mười phương để thuyết pháp hóa độ chúng sanh; chứ không phải ngồi để hưởng tứ sự cúng đường; biến đạo tràng thành cái miếu, am, cúng cúng ăn ăn và biến Phật giáo thành một tông giáo mê tín dị doan.
Giả sử hư không kia có thể tiêu tan,
Thuấn nhã đa : tiếng Phạn, Tàu dịch là hư không; tánh của hư không là không cùng tận, lời thề của con rộng lớn như hư không vậy; dù cho hư không có thể tiêu tan ( hư không thì làm sao có thể tiêu tan được!? nhưng dù cho nó có tiêu tan đi nữa) lời nguyện của con :
Tâm nguyện của con đây không bao giờ thay đổi.
Thước ca la tâm là tâm kiên cố
Vì Ngài A Nan ngộ được chân tâm rộng lớn, cùng với chúng sanh đồng một thể không hai, cho nên Ngài mới xứng theo chân tâm rộng lớn, khởi ra đồng thể đại bi, phát lời thệ nguyện rộng sâu như thế.
Trong kinh nói : “Thế giới vô biên, chúng sanh vô tận”. Biết đến bao giờ mới độ cho hết tất cả chúng sanh, mà Ngài lại thệ nguyện xung phong vào đời ngũ trược đầy dẫy tội ác trước hết, để hóa độ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật , thì Ngài chẳng chịu an vui ở cảnh Niết bàn. Thật là lòng từ bi rộng lớn vô cùng tận; chí nguyện cao thượng hy sinh độ đời của Ngài như thế, đáng cho chúng ta trọn đời bái phục.
Nghiệm tâm chí của Ngài rồi nghĩ đến tâm chí của ta thật là… (không biết dùng ngôn từ gì để diễn tả).
Hoạt Tử Nhân