nguoiphattu.com Cửu huyền thất tổ có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng chung qui lại là thờ ông bà tổ tiên Nội ngoại nhiều đời nhiều kiếp trong gia tộc. Ngoài gia tộc gọi là Cửu huyền bách tính.
m rạng rỡ Tổ tiên, là thờ cúng cái nguồn gốc phàm trần của xác thân.
Giữa: Cửu Huyền Thất Tổ Phải: Kính Cửu Huyền ngàn năm bất tận Trái: Trọng Thất Tổ nội ngoại tương đồng Cửu huyền: Nghĩa là 9 đời hay 9 thế hệ 1. Cao Tổ: Ông sơ 2. Tằng tổ: Ông cố 3. Tổ phụ: Ông nội 4. Phụ: Cha 5. Bản thân 6. Tử: Con trai 7. Tôn: Cháu nội 8. Tằng tôn: Chắt (cháu cố) 9. Huyền tôn: Chít (cháu sơ) Thất Tổ gồm có: 7. Thỉ Tổ (Tỷ Khảo) : Thất Tổ 6. Viễn Tổ (Tỷ Khảo) : Lục Tổ 5. Tiên Tổ (Tỷ Khảo) : Ngũ Tổ 4. Cao Tổ (Tỷ Khảo) : Tứ Tổ 3. Tằng Tổ (Tỷ Khảo) : Tam Tổ 2. Nội Tổ (Tỷ Khảo) : Nhị Tổ 1. Phụ thân (Tỷ Khảo) : Nhứt Tổ
1. Truyền thống ở gia đình Việt Nam chúng ta thường chỉ thờ cúng Cửu
huyền, còn Thất tổ thì chỉ dành cho vua chúa mới được thờ cúng. Nho
giáo cho rằng “Cửu huyền Thất Tổ” là một hệ thống, trong đó Cha không
liệt vào Thất Tổ và qui định cách thờ Tổ Tiên có thứ bậc từ dân cho đến
vua như sau: - Sĩ và thứ dân chỉ được thờ tới Nhất Tổ (祖, Tổ, Ông Nội). - Các quan Ðại Phu được thờ tới Tam Tổ (高祖, Cao tổ, Kị). - Các vua chư Hầu được thờ tới Ngũ Tổ (玄祖, Huyền tổ, Sơ). - Hoàng Ðế (Thiên tử) thì thờ tới Thất Tổ (遠祖, Viễn tổ)
Theo đó, thờ Thất tổ chỉ dành chua Vua, dân thường không được thờ. Khi
muốn thờ Tổ Tiên cao hơn nữa thì người dân nói là thờ Cửu Huyền, tránh
dùng chữ Thất Tổ mà bị tội phạm thượng.
2. Cửu huyền thì tính
từ bản thân mình làm mốc, trên chúng ta có 3 thế hệ, bản thân (ta) và
dưới có 4 thế hệ. Chúng ta thờ 3 thế hệ ở trên thì không có gì phải suy
nghĩ, nhưng tại sao lại phải thờ thêm cả ta và 4 thế hệ ở dưới?
Bởi vì, cuộc sống là một chuỗi mốc xích tương quan với nhau và trùng trùng duyên khởi.
Thờ cúng 3 thế hệ ở trên là thờ cúng những người đã có công sanh, nuôi
dưỡng và xây dựng sự nghiệp cho chúng ta nên người, uống nước nhớ
nguồn...
Thờ cúng 5 thế hệ sau (có cả ta): là để nhắc nhở
cho chúng ta kiếp hiện tại này phải làm những điều phước thiện và tin
hiểu luật nhân quả 3 đời: quá khứ – hiện tại – tương lai đều có mối quan
hệ với nhau. Dân gian có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con uống nước” hoặc
câu: “Nhứt nhơn tác phước thiên nhơn hưởng, độc thọ khai hoa vạn thọ
hương”... 3. Bàn thờ “Cửu huyền thất tổ”:
Bài vị ở giữa ghi chữ 九玄七祖 (Cửu huyền thất tổ)
Đôi liễn hai bên bên trái viết: 崇德九玄恩上重 (âm: Sùng đức Cửu Huyền ân
thượng trọng, nghĩa: Kính bái đức độ của Cửu Huyền đó ơn cao trọng) và
bên phải viết: 尊功七祖義高深 (âm: Tôn công Thất Tổ nghĩa cao thâm, tức là: Tôn
trọng công nghiệp của Thất Tổ là nghĩa cao sâu). Thực tế ít
gia đình lập bàn thờ “Cửu huyền thất tổ” riêng mà thường đặt chung một
ban thờ, và không hẳn ai cũng có thể hiểu được “ngọn nguồn” mà chỉ hiểu
chung là kính nhớ Tổ tiên. Cốt ở tấm lòng !
Nguồn: Hoalinhthoai.com và các nguồn.
NGÀY TẾT, VÁI LẠY "CỬU HUYỀN THẤT TỔ" LÀ VÁI LẠY AI?
I.- TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Hiện nay, rất nhiều gia đình người Việt miền Nam, nằm trong nhóm theo
Đạo “thờ cúng ông bà”, đạo Phật, đạo PGHH, đạo Cao Đài , thường có treo
bộ “Liễn thờ”, lộng kiếng, nằm phía sau bàn thờ tổ tiên vốn luôn dựa
lưng vào tấm vách lòng giữa nhà để có thể quay mặt nhìn thẳng ra sân
trước. Tại nơi giữa của bộ khung “liễn thờ” này bao giờ cũng có 4 đại tự
bằng chữ Hán, đọc theo âm Việt là “Cửu Huyền Thất Tổ” , được viết
nghiêm trang, tề chỉnh theo chiều dọc.
(Bộ “liễn thờ”này hiện
không biết làm ra từ đâu nhưng thường thấy thương nhân bán lẻ chở trên
xe ba bánh , xe hai bánh hoặc trên xuồng ghe dưới sông để bán bình dân
cho bất kỳ ai có nhu cầu mua; tập trung nhất là vào khoảng thời gian gần
Tết Nguyên đán). Từ đây, vào đêm 30 tết , người ta thường bảo: “cúng
rước Ông Bà”; vào sáng mùng 3 tết , người ta thường bảo: “cúng đưa Ông
Bà ” nhưng khi mọi người tiến hành nghi thức truyền thống thì lại bảo là
“vái lạy tổ tiên” hoặc “ vái lạy Cửu Huyền Thất Tổ”.
Có lần,
một lão nông cùng một thiếu niên hỏi tôi Cửu Huyền Thất Tổ là gì ,gồm cụ
thể những ai, thì tôi đành ú ớ vì không biết, dù Tết nào bản thân mình
cũng phải quỳ trước bàn thờ để vái lạy vào nơi có treo 4 đại tự nói
trên. Thế là, từ đó, tôi bèn để tâm sưu tra sách vở gần xa để mong hiểu
được ít nhiều về nó. Và dưới đây là những gì tôi biết được; dù chắc chắn
là chưa cụ thể , đầy đủ lắm song cũng xin trình bày ra đây nhân dịp Tết
đến xuân về để bà con bạn đọc gần xa có thêm tư liệu mà tọa đàm luận
bình thêm bớt những lúc ngồi bên chén rượu chung trà dĩa mồi khay bánh
cùng nhau.
II.- TRA CỨU VỀ NGHĨA CỦA “CỬU HUYỀN THẤT TỔ”
A.- Xin nói trước rằng , trong Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh
không có từ mục “Cửu Huyền” lẫn “Thất Tổ”. Càng không có tổ hợp từ Cửu
Huyền Thất Tổ bên trong. Tra Từ Nguyên, Từ Hải lẫn Khang Hy từ điển bên
Trung Quốc thì cũng tương tự như vậy . Tra sang Phật Học từ điển của cụ
Đoàn Trung Còn thì vẫn không thấy. Tra qua kinh giảng của giáo chủ Phật
giáo Hòa Hảo thì thấy có dùng cụm từ này nhưng không thấy định nghĩa,
giải thích nội dung.
B.- Chừng tra sang Cao Đài từ điển,
do cụ Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, hiệu là Đức Nguyên, biên soạn , thì gặp
tổ hợp từ này. Nó được giải thích như sau. Mà có đến 2 kiểu cách , mang 2
nội dung nghĩa khác nhau.
Theo cách 1: Cửu Huyền có nghĩa là “9 đời ”.
Bản thân ta là 1. Phụ thân (cha) ta là 2. Nội tổ (ông nội) ta là 3.
Tằng tổ (ông cố) ta là 4. Cao tổ (ông sơ) ta là 5. Tiên tổ (cha của ông
sơ) ta là 6. Viễn tổ (ông nội của ông sơ) ta là 7. Cao cao tổ (ông cố
của ông sơ) ta là 8. Thỉ tổ (ông sơ của ông sơ) ta là 9.
Còn
Thất Tổ có nghĩa là “7 đời tổ”. Nó chính là từ đời ông nội ta đếm lên
tới ông sơ của ông sơ ta , cũng theo nơi thang bậc Cửu Huyền vừa kể. Lấy
Cửu Huyền trừ ra đời cha ta và đời bản thân ta thì thành Thất Tổ).
Theo cách 2: Cửu Huyền cũng có nghĩa là 9 đời.Từ trên đếm xuống: Ông sơ
ta là 1. Ông cố ta là 2. Ông nội ta là 3. Cha ta là 4. Bản thân ta là
5. Con trai (tử ) ta là 6. Cháu nội (tôn) ta là 7. Cháu cố (tằng tôn) ta
là 8. Cháu sơ (huyền tôn) ta là 9.
Còn Thất Tổ thì cũng là 7
đời. Nói cho ngắn gọn: thêm cha ta vào ,đồng thời đôn ông cố của ông sơ
ta lên làm thỉ tổ sau khi bỏ ông sơ của ông sơ ra, theo cái list Cửu
Huyền ở cách 1, thì đấy là Thất Tổ.
C /. Tất nhiên, Cửu Huyền
Thất Tổ vừa giải thích ở trên là theo từ điển của đạo Cao Đài. Nó mang
tính giáo lý của tôn giáo này, là vấn đề nội bộ của đạo, nên tôi không
có ý kiến gì vào .Tôi chỉ nêu ra để tham khảo như một nguồn lẫn một kênh
tư liệu đặc thù. Tới đây, tôi xin kể ra thêm một nguồn dữ liệu khác
,mang tính lịch sử , có liên quan đến cụm từ Cửu Huyền Thất Tổ này, xuất
hiện vào một thời kỳ xa xôi, ở bên Trung Quốc, vào lúc đạo Cao Đài ở
Việt Nam ta còn chưa khai dựng.
III.- SỰ XUẤT HIỆN THUẬT NGỮ “CỬU HUYỀN”
A.- Xin bắt đầu từ Lão Tử, một triết gia tồn tại vào thời Xuân Thu ở
Trung Quốc cổ đại, tổ sư của trường phái Đạo gia (lớn hơn Khổng Tử
khoảng 20 tuổi),cũng là một trong nhiều nhân vật được tôn thờ nơi đạo
Cao Đài ngày nay song song với Khổng Tử , Phật Thích Ca .... Theo Lão
tử, siêu việt và có trước vạn hữu đang vây quanh ta hiện nay là một thực
thể rất linh diệu , nhiệm mầu không thể nghe được, không thể thấy được,
không thể diễn tả được ; nếu kêu lên và đặt tên được cho nó thì không
còn là nó nữa (Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường
danh) nên tạm quyền biến mà gọi là Đạo . Đây là cái sinh ra vạn cái
(nhất bản tán vạn thù); rất “huyền chi hựu huyền” mà lại “chúng diệu chi
môn” (một thể sâu thẳm lặng lẽ, càng rất sâu thẳm lặng lẽ, nhưng lại là
cái cửa mà mọi thứ từ đó diệu kỳ xuất hiện, làm nên vạn vật nơi thế
gian). Dĩ nhiên, đây chỉ là quan điểm triết học mang tính duy tâm chủ
quan của Lão tử về thế giới với quan niệm Đạo như là yếu tố đầu tiên
khởi sáng ra vũ trụ - con người . Thế nhưng , sang thời Chiến Quốc, lợi
dụng tình trạng chiến tranh loạn lạc khổ não đang hồi liên miên bất tận
khiến nhân dân khắp nơi đều đâm ra chán ngán thế sự nhân sinh, một số kẻ
cơ hội chủ nghĩa lẫn cơ trí bấy giờ, gọi là các phương sĩ, manh nha
giải thích cái thực thể “huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” nói
trên của Lão Tử theo hướng thần tiên hóa; đối với giai cấp vua chúa
chuyên gây chiến tranh thôn tính và xa hoa dâm dật bấy giờ thì lại bịa
đặt ra rằng có thể tìm tới xứ tiên và xin được thuốc trường sinh bất tử
nhằm “vạn thọ vô cương”, kéo dài sự khoái lạc vật chất trên đời. Cái sự
này kéo dài tới thời Tần Thỉ Hoàng (221tr.cn -206 tr.cn), qua thời Tây
Hán (206 tr.cn -8cn) không những không chấm dứt mà còn phát triển với
nhiều biến tướng khác nhau.
Sang thời Đông Hán (25-220: triều
đại này từng có Bà Trưng ở nước Việt ta khởi nghĩa , đuổi được quan thái
thú sở tại, tên là Tô Định, trốn chạy về nước …), Trung Quốc vẫn tiếp
tục rơi vào tình trạng rối loạn không ngưng. Có một người tên là Trương
Lỗ, cháu của Trương Lăng , con của Trương Hoành , kế thừa thành tựu của
cha ông , đã duy trì, biến cải, lập ra Đạo “ngũ đấu mễ” cách tân (ai xin
vào thì phải nộp “5 đấu gạo” nên có cái tên gọi này) để chiêu nạp binh
sĩ – tín đồ, chiếm được vùng Hán Trung rồi dựng lấy một nước riêng cho
mình tại đây. Bấy giờ, trong phương sách nội trị, ông buộc các giáo đồ -
binh sĩ thuộc quyền phải học tư tưởng về Đạo của Lão tử theo hướng tiếp
tục bị thần tiên và trường sinh hóa sau khi Lão tử được tôn thành thần ,
gọi là “Thái Thượng Lão Quân”. Như vậy, tới đây, Đạo gia đã chính thức
biến thành Đạo giáo và Đạo giáo đã kết hợp với chính trị một cách nhuần
nhuyễn.
B.- Tới thời Lưỡng Tấn - Nam Bắc triều(265-589), Đạo
giáo bám sâu , mở rộng ra khắp xã hội. Bấy giờ , có một người tên là Cát
Hồng( 283-363), hiệu là Bao Phác Tử , lập ra Đạo “Kim Đan” bằng cách
kết hợp đạo Phật và Đạo giáo vào nhau, với mục đích vừa dưỡng sinh , vừa
tu tiên ; chủ yếu dành cho giai cấp quý tộc cầm quyền giàu có. Song
song đó, đối với quần chúng bị trị, ông này cổ súy, chủ trương kết hợp
“ngoài Nho trong Đạo”để trị quốc an dân. Bấy giờ, trong nhiều kinh sách
khác nhau của Cát Hồng, người ta có thể bắt đầu nhặt ra được từ Cửu
Huyền bên trong.
Điển hình một câu sau đây: “Cửu thiên chân nữ
ngự phi phượng , bạch loan, du ư cửu huyền chi thượng” (Tạm dịch: Cửu
Thiên Chân Nữ ngự trên chim loan chim phượng bay vui vào chốn cửu
huyền).
C.- Như vậy, mà cũng căn cứ vào sự giải thích nơi quyển
Hán Ngữ Đại Từ Điển, do Hán Ngữ Đại Từ Điển Xuất Bản Xã thuộc nước Cộng
hòa nhân dân Trung Hoa hiện nay ấn hành vào tháng 9 năm 1986, do La
Trúc Phong chủ biên, thì Cửu Huyền bấy giờ thực chất chỉ là một thuật
ngữ của Đạo “Kim Đan”, một phát triển và biến tướng khác của Đạo giáo
trước đó , mang nghĩa là “chốn tiên”; đượm màu sắc triết học một chút
thì gọi là “Thiên không tối cao xứ” (chốn nguyên hợp túc mãn tĩnh lặng
tối cao tự tại và đời đời ). Tuy nhiên, bấy giờ, đạo “Kim Đan” của Cát
Hồng , với thuật ngữ Cửu Huyền bên trong , cơ bản chỉ xuất hiện một cách
độc quyền ở phía Bắc nước Trung Quốc là nhiều . Nhưng , sau đó ít lâu,
tại nước Bắc Ngụy (398-535) , xuất hiện một người cho rằng từng học
thuật của Trương Lỗ trước kia , tên là Khấu Liêm Chi, tự cho mình được
Thái Thượng Lão Quân truyền ban cho quyển “Vân Trung Âm Tụng Tân Khoa
Chi Giới”cùng phong cho chức vị Thiên Sư để chỉnh đốn, thống nhất lại
Đạo giáo. Thế là, bấy giờ, khi nghe vậy , Tể Tướng nước Bắc Ngụy này bèn
“tài trợ”ông ta rồi phong cho làm Quốc Sư. Từ đây, Đạo giáo phía Bắc
Trung Quốc càng thịnh hành, được gọi mới là Bắc Thiên Sư đạo , song song
tồn tại với Kim Đan đạo .
D.- Trong lúc đó ,ở Nam Triều, tại
nước Tống (420-589), có một đạo sĩ tên là Lục Tu Tỉnh chủ trương kết hợp
Bắc Thiên Sư đạo với Kim Đan đạo làm một. Ông này cho rằng Phật giáo và
Đạo giáo tuy có hai đường lối tu hành khác nhau nhưng chỉ chung cùng
một mục đích . Ông bèn lấy nghi thức tu hành của Phật giáo cải biến đi
ít nhiều rồi đem dùng cho Đạo giáo của ông, được gọi là Nam Thiên Sư
đạo. Nam Thiên Sư đạo này được vua chúa phong kiến ở Trung Quốc bấy giờ
và sau đó tín ngưỡng và trọng dụng . Đến nỗi, vào đời Đường (618-907),
có một hoàng đế tự xưng mình là con của Lão Tử. Có vị khác mê tín thuốc
tiên, uống linh đan vào mà phải ngã lăn ra chết vì ngộ độc. Còn Đường
Huyền Tông thì lập ra Sùng Huyền Quán , chuyên chú sớ Đạo Đức kinh của
Lão Tử, thậm chí nhận các đạo sĩ làm tôn thất.
Sang đời Tống (960-1279), vua Tống Chân Tông suy tôn Lão Tử là “Thái Thượng Hỗn Nguyên Hoàng Đế”.
IV.- SỰ XUẤT HIỆN THUẬT NGỮ “CỬU HUYỀN THẤT TỔ”
A.- Nguyên nhân tổng hợp hai thuật ngữ
Đến thời Lý - Trần ở nước ta(1010-1400), bên Trung Quốc có một đạo sĩ ,
tên là Vương Trùng Dương, lập ra đạo Toàn Chân trên cơ sở Đạo giáo
đương thời nhưng lại không còn chú trọng đến yếu tố thần tiên, phù phép
và luyện linh đan nữa. Tư tưởng trung tâm của Đạo này là tam giáo hợp
nhất:
“Nho môn,Thích hộ, Đạo tương thông
Tam giáo tòng lai nhất tổ phong”.
Từ đây, Vương Trùng Dương lấy Hiếu Kinh của Nho giáo; Tâm Kinh của Phật
giáo; Đạo Đức Kinh của Lão Tử để dạy tu hành cho tín đồ của mình. Do
vậy, đến đây, ta không thể không nói rằng thuật ngữ Cửu Huyền của Đạo
giáo xưa kia không thể không đậm thêm lần nữa tư tưởng của Phật Giáo và
của Nho giáo bên trong (đã manh nha từ Kim Đan đạo vào thời của Cát
Hồng). Và, ngược lại, đến đây, tư tưởng của Nho giáo (bắt nguồn từ Nho
gia. Trở thành Nho giáo vào đời Hán Vũ Đế bên Tàu) , của Phật giáo , khi
chỉ về một cõi “siêu thế gian” nào đó , nơi mà bất cứ người đời nào
cũng phải “tử quy”, thì cũng không thể bảo rằng không bị ảnh hưởng ít
nhiều tư tưởng thần tiên siêu thoát của Đạo giáo.
Cái sự này
thấy rất rõ trong ngôn từ của dân ta hiện nay: “Quy Tiên”, “nhập Niết
Bàn”, “trực vãng Tây Phương”, “chầu Trời”… đều là những khái niệm đồng
nghĩa với tình trạng đã chết của một chủ thể nào đó. Vì rằng, vào lúc
này, khi các vua nhà Lý ở nước ta chính thức “nhập khẩu”Đạo nho từ Trung
Quốc vào, chính thức lập miếu thờ các vị tổ sư của Đạo Nho trên đất
nước ta (và các vua nhà Trần vẫn còn tiếp nối) , thì không thể không
đồng thời nhập khẩu luôn cái tình trạng Tam Giáo Hợp Nhất nói trên vào ý
thức xã hội bấy giờ , lẫn trong ngôn ngữ sử dụng hằng ngày .
Mà , theo tôi, Cửu Huyền Thất Tổ là một dạng hợp nhất về ngôn ngữ như
vậy. Vì sao? Vì , rõ ràng, Cửu Huyền là thuật ngữ có nguồn gốc từ Đạo
giáo xưa kia, như trên đã nói; có tận vào thời của Cát Hồng. Còn “Thất
Tổ” thì rõ ràng lại là ngôn từ của Nho gia. Nó là một trong những khái
niệm nằm trong hệ thống tư duy tông pháp của Đạo Nho, có từ thời Hạ,
Thương, Chu bên Tàu, trước khi Đạo gia lẫn Đạo giáo ra đời rất lâu. Nó
có nghĩa là “thất đại tổ tiên” (bảy đời tổ tiên), cũng theo Hán Ngữ Đại
từ điển nói trên. Như vậy, nảy sinh một câu hỏi thú vị sau đây: sự hợp
nhất ra tổ hợp từ Cửu Huyền Thất Tổ này có từ lúc nào? Và có nghĩa chung
ra làm sao?
B.- Thời điểm xuất hiện thuật ngữ “Cửu Huyền Thất Tổ” :-
Theo lịch sử Trung Quốc thì cuối đời nhà Đường bên Tàu (618-907) nội
chiến xảy ra khắp nơi và liên tục. Phía Bắc Trung Quốc, từ năm 907-960,
có tất cả 5 triều đại thay nhau lên cầm quyền. Tại phía Nam, có 10,
trong đó có một triều đại gọi là Tiền Thục. (Lúc này, nhân cơ hội nhà
Đường tự tan rã nói trên mà dân Việt Nam ta dần dần giành được độc lập
…).
Bấy giờ, tại nước Tiền Thục này có một Đạo sĩ nổi tiếng ,
tên là Đỗ Quang Đình. Ông có viết một quyển kinh , tựa là “Trung Nguyên
chúng tu kim lục trai từ”. Trong quyển kinh này có một câu như sau:
“Thần đẳng Cửu Huyền Thất Tổ thụ phúc chư thiên di tộ lưu tường truyền hưu vô cực”.
(Tạm dịch: Cửu Huyền Thất Tổ của chúng thần ,thụ phúc từ Chư Thiên, lưu
giữ và truyền tiếp không ngưng nghỉ sự thụ phúc ấy đến vô cực cháu
con”).
Như vậy, rõ ràng, chậm lắm là vào thời Tiền Thục này
(907-925), tổ hợp từ Cửu Huyền Thất Tổ đã ra đời và được các đạo sĩ dùng
trong việc “chuyện trò” tại các buổi tụng cầu cúng đấng “Chư Thiên” của
mình. Dù mang màu sắc của Đạo giáo, nhưng đấy lại là một tổ hợp từ phản
ánh một nội dung đối tượng rất trần thế. Đó là các đời tổ tiên, vừa xa
vừa gần , của một chủ thể nhất định . Và các đời tổ tiên này chỉ là
những người đã “du” về một “tiên cảnh” nào đó chứ không phải là “đã
chết”.
Tới đây, có một vấn đề cần làm rõ. Cửu Huyền thì không
cần bàn về nguồn gốc cùng ý nghĩa của nó nữa. Nhưng tại sao lại kết hợp
với “Thất Tổ” mà không phải là với “ lục tổ” hay “ngũ tổ” để chỉ các đời
ông bà đã “cưỡi hạc quy tiên” của mình?
Theo tôi, là như thế
này. Đạo giáo là kết quả của sự thần tiên hóa từ Đạo gia, với nhiều biến
thể khác nhau, từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc cho mãi đến thời Minh –
Thanh gần đây, thậm chí cho đến tận bây giờ, kể cả bên Việt Nam ta. Mà
Đạo gia thì xuất hiện sau Nho gia. Bản thân chữ “cửu” trong từ "cửu
huyền”, ngay lúc đầu, đã không mang nghĩa là con số 9 của số học. Không
thể hiểu nó theo kiểu “chín huyền thể ” được. Mà phải hiểu “Cửu” là sự
“tối tột”. Ngoài việc có ý nghĩa là con số 9 của số học ra , nó còn là
một khái niệm chỉ sự “tuyệt cực ”trong Dịch học, một kiểu loại ngôn ngữ
đặc biệt , xuất hiện vào tận thời Phục Hy bên Tàu (4477-4363 tr.CN). Cụ
thể hơn, trong Dịch học, số 9 (Cửu) đúng là con số mang ý nghĩa thái
dương (nghịch ngược với thái âm).
Và, một khi như thế, khi dùng
Cửu Huyền như một đơn vị từ tố kép , có giá trị cấu tạo ra cái tổ hợp
mà chúng ta đang bàn, thì người ta hồi ấy không thể không dùng con số 7
(thất) với 2 lý do nội tại cơ bản như sau: Một, để cho phù hợp về tư duy
đăng đối trong thiết kế câu từ vốn có ở người Trung Quốc xưa. Hai, quan
trọng hơn, 7 vẫn là con số của Dịch học, chỉ tình trạng “dương tính
tuyệt cực” đứng sau con số 9 (Cửu) đã dùng ở trên rồi . (Trong Dịch học,
nó là số Thiếu Dương).
Như vậy, theo đó, Cửu Huyền Thất Tổ chỉ có nghĩa là vô lượng Tổ Tiên Ông Bà đã chết trong quá khứ của mình .
Đây là nội dung nghĩa mà kinh cầu siêu của Phật giáo Việt Nam ngày nay
vẫn đang còn dùng. Nói cụ thể hơn, hiện nay, khi có một vị thầy cúng
theo Phật giáo nào đó mà đi tụng kinh dẫn dài theo một đám đưa ma nào đó
thì bao giờ cũng có một đoạn văn sau đây: “…Cửu Huyền Thất Tổ trực vãng
Tây Phương”. “Tây Phương” , trong giáo lý nhà Phật hiện nay, tương tự
như “thiên không tối cao xứ” hay “bồng lai tiên cảnh”… của Đạo giáo. Còn
“Trực vãng” là “siêu khuất thẳng về”. Có nghĩa rằng, trong đoạn kinh
trên, Cửu Huyền Thất Tổ vẫn chỉ là một tổ hợp từ trỏ chung những ông bà
“đã chết” của mình.
V.- KẾT LUẬN :-
Tóm lại, Cửu
Huyền Thất Tổ , vào thuở ban sơ, là một tổ hợp từ do Đạo giáo chế tác
bằng cách vay mượn từ ngữ Thất Tổ của Đạo Nho kết hợp vào từ ngữ Cửu
Huyền vốn từng có trước đó trong Đạo của mình. Khi đã trở thành thuật
ngữ mới, đương nhiên là nó phải mang nội dung nghĩa đầu tiên theo quan
điểm của Đạo giáo. Sau đó, trong hoàn cảnh tam giáo hợp nhất xảy ra, Đạo
Phật đã mượn lại tổ hợp từ này từ Đạo giáo. Riêng bản thân Nho giáo thì
có vẻ đã chưa từng mượn tổ hợp từ này trong sinh hoạt tế tự nội bộ của
mình nhưng lại mượn một điều đặc biệt hơn,quan trọng hơn. Đó là thế giới
tâm linh trong tư tưởng của nhà Phật và thế giới siêu thoát thế gian
trong tư tưởng của Đạo giáo. Hay nói cách khác, khi Tam Giáo Hợp Nhất ,
Đạo Nho bấy giờ cũng như cái vỏ ốc tư duy hóa thạch đang hồi thô ráp
rỗng ruột được đổ đầy vào đó tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật cùng
tinh thần phóng khoáng tự do khinh bạc tung hoành xuất thế của Đạo giáo.
Nhưng dù biện giải theo quan điểm tôn giáo của mình như thế nào, giữa
Đạo giáo và Phật giáo , thì Cửu Huyền Thất Tổ cũng vẫn là một tổ hợp từ
điểm chỉ các thế hệ tổ tiên ông bà đã chết trong quá khứ của mình.
Rất khác với quan điểm thờ cúng của Nho gia hay Nho giáo: thờ cúng theo
dòng , theo chi, theo nhánh và tại từng dòng , từng chi, từng nhánh này
lại chỉ thờ cúng tới 5 đời tổ so với bản thân mình; khi tổ thứ 5 trở
thành thứ 6 theo thời gian thì không trực tiếp thờ cúng nữa.(ngũ thế tắc
thiên hay đoạn ngũ đại). Chẳng những vậy, họ chỉ tập chú thờ cúng các
Tổ Ông ; cố tình phân biệt , bỏ rơi hoặc xem khinh phân nửa tổ còn lại ,
ấy là các Tổ Bà. Phản ánh rất rõ tư duy phong kiến: vừa tôn ti thứ bậc
thân sơ dựa trên quan hệ quyền lực sở hữu và lợi ích truyền thừa sản
nghiệp là chính lại vừa ẩn chứa thường trực xu hướng cát cứ phân rẽ nơi
họ: không có yếu tố bình đẳng cận mật gì với nhau trong bản chất của sự
quan hệ.
Trong khi đó, Cửu Huyền Thất Tổ là một khái niệm thờ
cúng mang tính “đồng nguyên” tuyệt đối trong tình cảm lẫn trong tư duy.
Phản ánh tính chất duy nhân bản và hòa thân , phóng khoáng trong quan
điểm triết lý sống đời của những ai theo loại tín ngưỡng thờ cúng này,dù
sắc thái lễ nghi biểu hiện ra sao… Trần Minh Tạo
Không phải như vậy đâu thưa các vị. Theo bổn ý thì "cửu huyền" là nói đến 9 đời con cháu: Tử, Tôn, Tằng, Huyền, Lai, Đề, Nhưng, Vân, Nhĩ.
Còn "thất tổ": Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Tổ Thúc, Tổ Bá, Tổ Cô. Nếu ai đã từng đứng cúng gia tiên thì dù mình là con độc thì vẫn phải khấn như vậy.
Ngô Vui
Không phải như vậy đâu thưa các vị. Theo bổn ý thì "cửu huyền" là nói đến 9 đời con cháu: Tử, Tôn, Tằng, Huyền, Lai, Đề, Nhưng, Vân, Nhĩ. Còn "thất tổ": Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Tổ Thúc, Tổ Bá, Tổ Cô. Nếu ai đã từng đứng cúng gia tiên thì dù mình là con độc thì vẫn phải khấn như vậy.
NGÔ VUI
Thích Trả lời 6/9/2020 8:35:08 AM