;
Đức Phật là Đại Y Vương, bậc tuệ tri mọi pháp, Thầy của trời người. Sau khi giác ngộ, trở thành bậc Chánh Đẳng Giác. Ngài đi khắp nơi thuyết pháp độ sinh, kết quả
là độ thoát vô số chúng hữu tình, đặc biệt để lại cho đời một kho tàng Chánh Pháp mà theo đó tùy theo căn cơ, sở trường của hành giả ứng dụng để chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau thành an lạc, giải thoát, niết bàn.
Những gì Ngài thuyết là từ tự thân thực chứng của Ngài (chứ không nghe từ ai cả), có nghĩa có văn từ sơ thiện, trung thiện cho đến hậu thiện, thiết thực trong hiện tại, có khả năng hướng thượng, nói lên phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, đến để mà thấy, được người trí tự mình giác hiểu.
Trong kho tàng Pháp Bảo đồ sộ ấy, Ý vui niềm bất hại là một trong những bài pháp, được Đức Phật thuyết, diễn giải làm cho tỏ ngộ, làm cho sáng tỏ, được kết tập trong Thánh giáo thuộc hệ phái Phật giáo nguyên thủy, nam truyền, khiến cho những Pháp hữu với tâm hân hoan tín thọ, pháp thọ với ý tư duy, sẽ được khai sáng, trí rõ biết và sinh tâm vô úy, an lạc.
Trong bài kết tập này, những vấn đề chính sau đây sẽ được triển khai: Ý vui niềm bất hại cho dẫu thân hành, khẩu hành ‘bất thiện’; Ý vui niềm bất hại cho đến thân hành và khẩu hành bất hại, an lạc, đạt đến cảnh bất tử, giải thoát, niết bàn.
1.Ý vui niềm bất hại, nhưng thân hành bất thiện
Một người với tâm ý không làm hại ai, không hại hữu tình nào, nhưng do nghiệp lực hay cơ duyên bất như ý (tạo duyên) gây nghiệp bất thiện, thì theo tuệ giác của Thế Tôn, hữu tình này vô tội, như bốn câu kệ của Pháp Cú 124 như sau:
Bàn tay không thương tích
Có thể cầm thuốc độc
Không thương tích tránh độc
Không làm, không có ác.
(Tiểu Bộ Kinh. IX. Phẩm Ác. Pháp Cú 124)
Pháp cú 124 này được Đức Phật xướng lên từ câu chuyện một thanh nữ Phật tử chứng quả dự lưu, bỏ nhà, bỏ cha mẹ đi theo một người thợ săn với 500 cái bẫy và 5000 giáo, và họ làm vợ chồng với nhau, sinh ra bảy người con trai thợ săn và thêm bảy nàng dâu. Cơ duyên được Đức Phật từ mẫn thuyết pháp, khiến cả 15 người này khai mở trí tuệ, chứng quả dự lưu, và từ đó, họ từ bỏ nghề sát sanh.
Tuy nhiên, “Các Tỳ-kheo bàn tán chuyện này và thắc mắc bà vợ đã chứng quả Dự-lưu rồi mới lấy thợ săn, rồi còn đưa cung, tên, dao, lưới... cho chồng đi sát sanh. Người đã chứng quả Dự-lưu rồi sao còn sát sanh? Phật đến, nghe thế bèn dạy:
- Các Tỳ-kheo! Dĩ nhiên người chứng quả Dự-lưu thì không sát sanh. Vợ của thợ săn khi làm thế chỉ nghĩ vâng lệnh chồng, chứ không hề nghĩ sẽ đưa những thứ đó cho chồng đi sát sanh.
Nếu tay một người không bị thương thì dù có cầm thuốc độc trong tay, thuốc độc cũng không hại họ. Ðúng vậy, người không nuôi tư tưởng lầm lỗi và không làm ác, có thể lấy cung hay các thứ tương tự đưa cho người khác mà vẫn vô tội.” (Tích truyện Kinh Pháp Cú. IX. Phẩm Ác. 8. Người thợ săn bắn mê muội)
2.Ý vui niềm bất hại, thọ sanh về nhàn cảnh, dẫu thân hành nghiệp bất thiện
Do nghiệp lực, cơ duyên, ai đó hành nghề làm hại chúng sanh theo chủ ý của người khác mà tâm ý không làm hại ai, theo tuệ giác của Thế Tôn, người ấy vô tội. Việc này đã được hiển bày trong tích truyện Pháp Cú 100
Dẫu nói ngàn ngàn lời
Nhưng không gì lợi ích
Tốt hơn một câu nghĩa
Nghe xong, được tịnh lạc.
(Tiểu Bộ Kinh. VIII. Phẩm Ngàn. Pháp Cú 100)
Sự thật này được minh chứng trong câu chuyện về một đao phủ có tánh hung bạo, đã dùng đao chặt đầu 2000 tên cướp và mỗi ngày gã giết thêm một, hai người tử tội theo lệnh vua. Khi không còn sức làm đao phủ nữa, gã được cho nghỉ hưu. Một ngày nọ, duyên lành đã đến với gã khi Tôn giả Xá Lợi Phất đi khất thực đúng vào lúc gã chuẩn bị bữa ăn cháo sữa, và gã sanh tâm hoan hỷ cúng dường cháo sữa cho ngài Xá Lợi Phất, Tướng Quân Chánh Pháp.
Sau khi thọ thực xong, Trưởng lão bắt đầu hồi hướng công đức. Nhưng ông chẳng thể để tâm nghe được, vì lâu nay làm việc tàn bạo giết hại nhiều người, giờ đây nhớ lại tâm trí quá rối loạn, ông không chú tâm được. Do đó Trưởng lão tìm lời khéo để giúp ông:
- Ông làm việc tự ý mình hay theo lệnh người khác?
- Vua sai con làm, bạch Tôn giả.
- Nếu thế, ông đâu có lỗi gì, cư sĩ.
Ông hoang mang, vì theo lời Trưởng lão ông không có lỗi gì. Ông xin Trưởng lão nói tiếp bài hồi hướng. Tâm ông trở nên tĩnh lặng, nhẫn lực được khai mở ông tiến đến quả Dự lưu.
Trưởng lão ra về, ồng tiễn Ngài một đoạn đường. Trên đường về ông bị quỷ Dạ-xoa dưới lốt con bò cái húc chết. Ông tái sanh vào cõi trời Ðâu Suất.
Các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường về tên đao phủ, và thắc mắc không biết ông ta sanh về đâu. Phật đến, nghe thấy liền dạy:
- Các Tỳ-kheo! Ông ta sanh lên cõi trời Ðâu Suất. Ông ta đã được đại thiện tri thức thuyết pháp cho, nhờ đó ông mở mang tri kiến, nên được sanh thiên.
Xong, Phật nói kệ:
Người đao phủ trong thành,
Nghe những lời khéo nói,
Ðược nhẫn và sau đó,
Lên cõi trời hưởng vui.
Các Tỳ-kheo vẫn còn ngạc nhiên, hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn, trong lời hồi hướng thật ra đâu có năng lực gì ghê gớm. Vả lại, người này đã lầm lỗi rất nhiều, làm sao ông ta chứng đạt với ít lời như thế?
Thế Tôn đáp: - Các Tỳ-kheo, đừng đo lường giáo pháp của Ta nhiều hay ít lời. Một câu đầy đủ đạo lý vẫn có công đức siêu việt.
Và Ngài nói Pháp Cú 100 (Tích truyện Kinh Pháp Cú VIII. Phẩm Ngàn. 1 Tên Đao Phủ. Pháp Cú 100)
Qua tích truyện Pháp Cú 100, tên đao phủ tự nghĩ mình đã phạm tội rất nhiều vì đã giết nhiều người, vì ôm ý nghĩ tội lỗi này khiến tâm trí tán loạn, không thể chú tâm nghe lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất, và chỉ khi nghe lời khai thị khôn khéo của Trưỡng Lão: cư sỹ không có lỗi gì vì không chủ ý giết hại mà làm theo lệnh của Vua, thì tâm ý của gã bừng sáng, tức là ngay lời chân ngôn này đã khai mở tâm nhãn, khiến ý của gã vui với niềm bất hại, ngay sau đó gã chứng quả dự lưu, và liền sau đó bị con bò húc chết, được tái sanh lên Đâu Suất Thiên, hưởng sự vui thù thắng vi diệu.
3.Ý vui niềm bất hại, dẫu khẩu hành tạo ra nghiệp (kết quả) bất thiện
Người với tâm ý không hại bất kể ai, cho dẫu có những lời nói vô tình làm phật ý, gây hại người nghe, hoặc do theo ý của người khác mà trong hoàn cảnh không thể làm khác được, thì theo tuệ giác của các bậc hiền trí, thì khẩu hành đó vô tội vì ý bất hại của hữu tình ấy.
Sự thật được hiển lộ trong câu chuyện tiền thân số 319 thuộc Tiểu Bộ Kinh về chim đa đa mồi vì nó kêu lên, nên đồng loại nó bị sa bẫy và bị giết làm thịt, mặc dầu tâm ý của chim đa đa không muốn vậy, vì theo lệnh của ông chủ. Nếu chim đa đa không kêu, thì sẽ bị chủ hành hạ.
Vì thế, trong hoàn cảnh bức hại này, chim đa đa phải hót theo ý tâm của người chủ (hành thụ động). Vần kệ sau đây được bậc trí giả, bồ tát (chứng tám thiền và năm thắng trí, nghe hiểu được tiếng chim), cho chúng ta thấy sự thật, hóa giải nỗi sầu lo, ân hận của chim đa đa.
Nếu tội không ẩn trì lòng bạn
Thì hành vi sẽ chẳng tội tình.
Kẻ nào thụ động phần mình,
Thoát bao tội lỗi trở thành thong dong.
Sau đây là đoạn trích từ chuyện số 319, Tiểu Bộ Kinh giúp chúng ta hiểu rõ bốn câu kệ trên
"Do ta mà đồng loại phải lâm vào cái chết. Về phần ta đây là một hành vi ác độc". Vì thế nó cứ lặng thinh không kêu nữa. Khi chủ nó thấy nó cứ lặng thinh liền lấy một miếng tre đập vào đầu nó. Con Ða đa bị đau quá phải kêu lên. Thế là người bẫy chim cứ sinh sống bằng cách dùng nó để nhử các con Ða đa khác.
Rồi con Ða đa lại nghĩ: "Ừ, dẫu chúng nó có chết đi, về phần ta, ta không hề có ý định xấu. Nhưng những hậu quả xấu do hành động của ta có tác dụng đến ta không? Khi ta lặng thinh thì chúng không đến, khi ta kêu lên thì chúng đến. Và hễ con nào đến đều bị người kia bắt và giết chết. Về phần ta, hành động như thế là có tội hay không có tội?"
Từ đó ý nghĩ độc nhất của con Ða đa là: "Ai chính là kẻ có thể giải quyết mối nghi của ta?" Thế là nó cứ tìm kiếm khắp nơi một bậc trí giả để giải quyết mối nghi ấy.
Một hôm người bẫy chim bẫy được một số đa đa bỏ đầy giỏ rồi đến căn lều của Bồ-tát xin một ngụm nước. Ông ta đặt lồng chim xuống bên cạnh Bồ-tát uống nước rồi nằm dưới đất và lăn ra ngủ.
Thấy người ấy ngủ, con Ða đa tự nghĩ: "Ta sẽ hỏi vị ẩn giả này về mối nghi của ta, nếu ngài biết, ngài sẽ giải quyết nỗi khó khăn của ta". Thế là nằm trong lồng, bằng hình thức một câu hỏi, nó đọc lên bài kệ đầu:
Ðời hạnh phúc suốt ngày tôi sống
Ðến cùng tôi đầy những thức ăn.
Nhưng tôi gặp cảnh khó khăn,
Tương lai tôi ấy, số phần ra sao?
Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai để giải quyết câu hỏi:
Nếu lòng chẳng tơ hào xấu ác
Khiến bạn gây nên việc nhục hèn.
Do phần thụ động mà nên,
Bạn nào bị tội trói lên số phần!
Ða đa nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:
Chúng bảo rằng: "Họ hàng ta đấy!"
Cả đám đông đổ lại trông coi,
Phải chăng là tội của tôi
Khiến cho chúng chết? Xin ngài giải nghi.
Nghe Bồ-tát đọc bài kệ thứ tư:
Nếu tội không ẩn trì lòng bạn
Thì hành vi sẽ chẳng tội tình.
Kẻ nào thụ động phần mình,
Thoát bao tội lỗi trở thành thong dong.
Bậc Ðại sĩ an ủi con chim Ða đa như vậy. Và nhờ ngài con chim ấy không còn bị ray rứt ân hận nữa. (Tiểu Bộ Kinh. Chuyện 319. Chim đa đa (Tiền thân Tittira)
4.Ý vui niềm bất hại tạo ra thân và khẩu hành bất hại
1.1 Ý vui niềm bất hại, tức là ý thanh tịnh, khiến cho thân & khẩu bất hại, thanh tịnh. Pháp cú 2, Phẩm Song Yếu, Tiểu Bộ Kinh cho thấy điều này:
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
(Tiểu Bộ Kinh. I. Phẩm Song Yếu. Pháp Cú 2)
Với “Ý tâm bất hại”, thì trước khi làm việc gì, nói điều gì, thì chúng ta thường luôn quán sát xem thử liệu điều mình sắp hành động hoặc sắp nói có hại hay vô hại với mình; có hại hay vô hại với người; và có hại hay vô hại cho cả hai.
Nếu gây hại, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo xấu, cho mình và cho người, thì chúng ta nên từ bỏ. Ngược lại, vô hại cho cả hai, đưa đến thiện nghiệp đưa đến an lạc, thì chúng ta nên làm, nên nói. Lời giáo giới La-hầu-la (Rahula) của Thế Tôn, được ghi lại trong Trung Bộ Kinh số 61 cho thấy lý sự này, một bài học mà quý pháp hữu cần phải tư duy và áp dụng.
“Này Rahula, khi Ông muốn làm một thân nghiệp gì, hãy phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: “Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”…Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nhất định chớ có làm.
Này Rahula, nếu sau khi phản tỉnh, ông biết: “Thân nghiệp này ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Một thân nghiệp như vậy, này Rahula, Ông nên làm.
(Kinh 61: Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala Trung Bộ Kinh)
1.2 Ý vui niềm bất hại là yếu tố (duyên lành) đưa đến sự từ bỏ hành nghiệp bất thiện cho dẫu việc này gây tổn hại hay mất mạng cho bản thân.
Việc sẵn sàng từ bỏ thân hành nghiệp bất thiện cho dẫu phải chịu mất mạng, có thể được tìm thấy trong chuyện tiền thân số 31, khi Thiên Đế Thích (Tiền thân của Đức Phật Thích Ca), xét thấy việc chạy trốn (vì bị các thần Atula đánh bại) trên xe Vejeyana dài 150 dặm đến rừng cây, cắt đứt cây bông vải, là nguyên nhân khiến cho các chim Kim-sí-điểu con hoảng sợ kêu lên, và xét thấy nếu xe tiếp tục chạy, thân hành nghiệp này có thể làm chết những chú chim con cánh vàng.
Quán thấy đây là thân hành nghiệp bất thiện, khiến chúng sanh đau khổ, đưa đến hại chúng sinh. Nên, Thiên Chủ ra lệnh cho thần lái xe Màtali quay đầu xe, sẵn sàng nộp mạng cho các Atula. Hành động không hại chúng sanh này là đại thiện nghiệp, dẫn đến kết cuộc có hậu như đoạn trích sau:
Này bạn Màtali, tiếng kêu gì vậy? Nó kêu thật bi thương?
- Thưa Thiên đế, vì rừng cây bông lụa rơi xuống, do tốc độ cỗ xe ngài nghiền nát, các con chim Kim-sí-điểu sợ chết đồng thanh kêu gào như vậy.
Bậc Đạo Sĩ nói:
- Này bạn Màtali, chớ làm chúng mệt mỏi, vì chúng ta. Chúng ta không vì chủ quyền thiên giới mà sát sanh. Vì lợi ích của chúng, ta sẽ từ bỏ mạng sống và nộp mình cho loài A-tu-la! Hãy quay xe lại đi!
Thần đánh xe Màtali nghe lời Đế Thích, quay xe lại, đi về hướng thiên giới bằng con đường khác. Các thần A-tu-la thấy Đế Thích quay xe lại, tự nghĩ: "Chắc chắn các Đế Thích từ những thế giới khác đến, được sức mạnh tiếp viện, nên mới quay xe lại". Bị dao động vì sợ chết, chúng liền chạy trốn vào lâu đài A-tu-la.
Còn Đế Thích đi vào thành chư Thiên, đứng ở giữa thành, với Thiên chúng của hai thiên giới vây quanh. Trong thời khắc ấy, đất nứt ra, và lâu đài Vejayanta (Tối thắng) trồi lên cao một ngàn dặm. Vì nó trồi lên khi thắng trận, nên được gọi là lâu đài Vejayanta.
(Tiểu Bộ Kinh, Tạp IV. 31 Chuyện tổ chim con)
Vì thế, bài kệ số 670 trong Trưởng Lão Tăng Kệ, Tiểu Bộ Kinh cho thấy thật là tốt đẹp khi làm đúng pháp hơn là hành phi pháp, cho dẫu tổn tánh mạng.
Làm phi pháp để sống,
Làm đúng pháp, có chết
Làm đúng pháp, có chết,
Hơn sống, làm phi pháp.
(Tiểu Bộ Kinh. Trưởng Lão Tăng Kệ. Chương 14 kệ. Kệ 670. Godatta)
5. Ý vui niềm bất hại sung mãn, đạt đến cảnh giới bất tử, giải thoát, niết bàn
Để có ý luôn hỷ lạc với niềm bất hại, Thế Tôn dạy quý Phật tử thường luôn tỉnh giác với tâm ý bất hại, như được ghi lại trong Pháp Cú 300 như sau:
Đệ tử Gotama
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm
Ý vui niềm bất hại.
(Tiểu Bộ Kinh. XXI. Phẩm Tạp Lục. Pháp cú 300)
Khi quý Phật tử thường tỉnh giác với ý vui niềm bất hại cho đến sung mãn, làm thành căn cứ địa và an trú, thì sẽ đạt đến cảnh giới bất tử, không ưu sầu, không sợ hãi như Pháp cú 225
Bậc hiền không hại ai
Thân thường được chế ngự
Đạt được cảnh bất tử
Đến đây không ưu sầu.
(Tiểu Bộ Kinh. XVII. Phẩm Phẫn Nộ. Pháp cú 225)
Những Phật tử nào thường tinh tấn với các hành không hại hữu tình (bất hại) trong thế giới này, biến mãn thập phương trong mọi thế giới, sẽ thành tựu ý nghiệp thanh tịnh, hại tâm không còn ngự trị trong tâm, tức là bi tâm giải thoát, như lời Phât dạy trong (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương: Sáu Pháp, Phẩm: Cần Phải Nhớ).
Và nếu hành giả hoan hỷ với bi tâm giải thoát (thành tựu pháp không hại hữu tình trong mọi thế giới, hành giả sẽ đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được quả A Na Hàm (Bất Lai), hiện đời sống an lạc, không hại, không sầu, sau khi thân hoại mạng chung, được thoát sanh về cõi ‘bất tử’ - Quang Âm Thiên, sống an tịnh, hỷ lạc trong nhàn cảnh này trong hai kiếp, và đắc niết bàn trong cảnh giới thù thắng đó, giải thoát mọi khổ đau.
(Tăng Chi Bộ, Chương Bốn Pháp, Phẩm XIII. Sợ Hãi).
Nếu thành tựu bi tâm giải thoát (ý vui niềm bất hại) và quán thấy rằng bi tâm giải thoát là pháp hữu vi do suy tư tác thành, nên biến đổi, chịu sự hoại diệt, khổ, vô thường và không chấp thủ hay luyến ái pháp này (ý vui niềm bất hại), tức là vô ngã, thì sẽ được giải thoát, niết bàn, là bậc A La Hán ngay trong đời sống hiện hữu này.
(Kinh số 52 Bát Thành, Trung Bộ Kinh, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, hoặc Mười Một Cửu Giải Thoát, Tâm Tịnh Cẩn tập)
6.Lời kết
Cả một cuộc đời làm ác, giết hại không biết bao nhiêu người của một gã đao phủ, cuối đời, lại có duyên lành được khai mở huệ nhãn từ vài lời khai thị khôn khéo của bậc trí giả, khiến cho gã (từ tâm tán loạn) bừng sáng với tâm ý vui với sự vô tội, vô hại (bất hại) vì giết người theo lệnh vua chớ không tự ý mình, dẫn đến quả dự lưu, bị chết ngay sau đó, và sinh lên Đâu Suất Thiên.
Trong khi một nữ Phật tử chứng quả dự lưu, bỏ gia đình, kết duyên với người thợ săn, lại sinh ra bảy người con thợ săn mà trong tâm không có ý sát sanh, cho dẫu theo lệnh chồng đưa những cái bẫy, ngọn giáo để đi sát sanh, vẫn được xem là vô tội vì tâm ý không làm hại hữu tình (Ý vui niềm bất hại).
Hoài nghi của chim mồi đa đa về khẩu nghiệp của mình có tội hay vô tội, do ông chủ buộc phải kêu lên để đồng loại sa bẫy và bị giết, cho dẫu nó muốn làm thinh, đã được xác minh vô tội nhờ lời giải của bậc trí giả, khiến tâm ý chim đa đa vui với niềm bất hại (hết sầu lo, ân hận).
Trong khi đó, một bậc hiền trí như Thiên Đế Thích vui với niềm bất hại, sẵn sàng từ bỏ thiên giới và bỏ thân mạng, nộp mình cho các Atula nhằm ngăn những chim con cánh vàng khỏi bị giết do hành động bỏ chạy trốn của Thiên Đế Thích gây ra trong khi bị các Atula đuổi bắt.
Nhờ luôn tỉnh giác với ý vui niềm bất hại, khiến cho thân, khẩu đều bất hại cho đến sung mãn, tác thành căn cứ địa, chứng đạt và an trú, thì thành tựu bi tâm giải thoát, tức là hại tâm không còn ngự trị trong tâm (tức là ý vui niềm bất hại đã sung mãn), từ đây buông, không tham luyến pháp này, chứng đạt tuệ giải thoát, chánh trí giải thoát, hữu kiết sử đoạn diệt, gánh nặng đã được đặt xuống, là bậc A La Hán.
Như vậy, ngày nay, quý Phật tử ngày đêm luôn tỉnh giác với ý vui niềm bất hại mà Thế Tôn đã dạy. Luôn tỉnh giác với ý bất hại, thì sẽ có thân và khẩu bất hại, ba nghiệp bất hại (thanh tịnh), và xứng đáng là người bất hại. Xin khép bài kết tập Ý vui niềm bất hại bằng những lời dạy của Đức Phật về người bất hại thuộc Tương Ưng Bộ như sau:
Danh phải tương xứng người
Người phải là bất hại!
Ai với thân, miệng, ý
Không làm hại một ai
Ai không hại người khác
Người ấy thật bất hại.
(Tương Ưng Bộ Kinh, Tập 1, Chương 7, Tương Ưng bà-la-môn, Phẩm A-la-hán thứ nhất, Kinh Bất hại - Ahimsaka)
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh miền Cực Lạc.
Tâm Tịnh cẩn tập