;
Không phải bây giờ, mà ngay khi bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư ra đời đã có không ít các bậc túc nho, học giả thời bấy giờ phẩm bình đánh giá về tác giả tác phẩm này; và từ đó đến nay, bài thơ trên vẫn tiếp tục thu hút các tầng lớp độc giả quan tâm, bởi bài thơ không chỉ mang nét đẹp về hình thức và nội dung của phong vị thiền mà tác phẩm còn cho người đọc hiểu thêm về một giá trị sống qua tư duy (minh triết) của thiền giả vừa mang cảm xúc cá nhân vừa mang triết lý tôn giáo giữa đời và đạo, làm ta liên tưởng đến một quá trình tiếp biến của dòng thiền Nhập thế Trúc lâm Yên Tử thời Trần (một dòng thiền riêng có ở Việt Nam).
Phải chăng từ giá trị nêu trên, mà bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư năm (2000- 2001) đã có quyết định 40/20 của Quốc hội và Chỉ thị 14/2001 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tuyển chọn bài thơ trên của Mãn Giác thiền sư vào Bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 (bô 1) và coi đây là tác phẩm thơ thiền đặc sắc đời Lý đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông.
Việc đưa tác phẩm Cáo tật thị chúng vào chương trình Ngữ văn 10 để giảng dạy, đã thể hiện sự trân trọng của học giới đối với những thành tựu văn học của quá khứ nói chung và của nhà chùa cũng như thiền viện nói riêng.
Vì sao có sự trân trọng đó? Theo TS Nguyễn Phạm Hùng - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Văn học Phật giáo nói chung, thơ thiền nói riêng là một bộ phận quan trọng của Văn học Dân tộc. Bài thơ ra đời trong thời Lý, thời kỳ thịnh đạt của Phật giáo Việt Nam. Đây là thời kỳ “quá nửa dân trong nước đi tu”, chùa chiền, thiền viện phát triển sầm uất. Tư tưởng Phật giáo rất phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là thời kỳ độc thịnh riêng của Phât giáo, mà là thời kỳ “tam giáo tịnh lập”, thời kỳ cả ba tôn giáo Nho, Phật, Đạo cùng nhau phát triển “hòa hỗn” trong đời sống tinh thần con người và xã hội, góp phần làm nên một đời sống “cân đối, hài hòa mà thanh cao”, một đời sống “hòa giản an lạc” mang đậm dấu ấn Phât giáo”.
Thưc tế tìm hiểu dòng văn học thời kỳ này cho thấy, đóng góp về văn học trong thời Lý chủ yếu là các Thiền sư. Phần lớn tác giả văn học thời kỳ này là các nhà sư. Vì thế, nói tới văn học thời Lý chủ yếu là nói tới văn học Phật giáo, là nói tới thơ Thiền. Bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư là một trong những bài thơ Thiền tiêu biểu nhất của thời kỳ này, bên cạnh những bài thơ nổi tiếng khác như Thị đệ tử của Nguyễn Vạn Hạnh, Ngôn hoài của Dương Không Lộ, Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu…
Thơ Thiền là loại thơ thể hiện sự giác ngộ chân lý Phật giáo, hay là thể hiện những tâm trạng, tình cảm của nhà sư về cuộc sống mang tư tưởng Thiền. Nó có thể do các nhà sư, cũng có thể do các người không đi tu làm ra, nhưng mang tư tưởng thiền. Hình thức phổ biến của nó là những bài thơ 4 câu hay 8 câu, mỗi câu thường là 4hay 5 hoặc 7 chữ.
Tuy nhiên, cũng có những bài thơ thiền có số câu dài ngắn khác nhau. Ban đầu thơ thiền là những bài kệ 4 câu (gọi là tứ cú kệ), một loại văn bản rất quan trọng của nhà chùa được các nhà sư làm ra để ghi lại sự “bùng vỡ giác ngộ thế giới tâm Phật” trước lúc “nhập diệt”, “viên tịch” (chết) nhằm “phó chúc” hay “truyền đạo” cho đệ tử. Vì thế, nó rất được trân trọng. Nhiều khi nó được đặt cùng với kinh Phật. Bởi kệ thiền và kinh Phật là hai loại văn bản truyền đạo quan trọng của nhà chùa.
Như trên đã đề cập mục đích của thơ Thiền là ghi lại sự giác ngộ Thiền lý, nhưng không phải bao giờ nó cũng là những lời phát ngôn trực tiếp tư tưởng Thiền, mà thường mượn hình ảnh của thế giới vật chất để thể hiện. Những hình ảnh đó do các nhà sư quan sát trực tiếp thế giới, do các nhà sư bất ngờ nắm bất được trong thế giới thiên nhiên xum la vạn trạng. Nó thường mang tính trực giác tâm linh. Vì thế, nhiều bài thơ thiền rất sinh động, rất nhiều hình ảnh, âm thanh, đường nét, màu sắc; thậm chí có khi nó còn là triết lý sống tinh hoa. Bài thơ Cáo tật thị chúng thuộc loại này. Nội dung của thơ Thiền vì vậy, vừa mang tính triết lý, vừa mang tính rung động chủ quan cùa nhà thơ. Nó thể hiện rõ tình trạng không tách bạch rõ ràng giữa yếu tố tôn giáo và cảm xúc trữ tình của bài thơ.
Nguyên văn bài thơ Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác Thiền sư dưới đây chúng ta cùng đọc và suy ngẫm:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão lòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa nở.
Mọi sự mau đi qua trước mắt,
Cái già đã đến trên đầu.
Chớ bảo mùa xuân tàn thì hoa rụng hết,
Trước sân, đêm qua vẫn còn một cành mai.
Dịch thơ:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước một cành mai.
(Thơ văn Lý Trần-Nxb-Khoa học xã hội-1988)
Đoc bài thơ trên, cảm nhận đầu tiên đó là quy luật biến đổi của vạn vật. Cây cối biến đổi theo thời tiết. Mùa xuân đến thì hoa nở, mùa xuân đi thì hoa rụng. Ở đây cần chú ý rằng, tác giả chọn hình ảnh xuân và hoa tượng trưng cho thời tiết và cây cối. Xuân và hoa là cái phần tươi đẹp, ấm áp tràn đầy sức sống nhất của thiên nhiên và cây cối vạn hữu. Chúng gắn bó chặt chẽ với nhau, nương tựa vào nhau, tương tác lẫn nhau. Vạn vật đồng nhất thể cùng biến đổi theo nhau sinh diệt và tồn tại.
Đó còn là sự thay đổi của đời người, con người theo thời gian. Thời gian trôi qua, sự việc trôi qua trước mắt, thì con người phải già đi thôi. Đây cũng là một tượng trưng khác: “việc đi qua trước mắt, cái già đến trên đầu”. Mái đầu bạc là một hình ảnh tượng trưng tiêu biểu của tuổi già. Đó là biểu hiện rõ nhất sự biến đổi của con người trước thời gian.
Yếu tố điệp trong bài thơ tạo sự trùng lặp, tăng tiến, tạo cảm giác về tính phổ biến của quy luật biến đổi vô cùng trong vạn vật. Yếu tố đối giữa thiên nhiên và đời người, giữa thịnh-suy, khai-lạc cũng mang ý nghĩa của sự tăng tiến, khẳng định tính phổ biến của quy luật biến đổi, không cưỡng lại được. Đó là quy luật của hằng biến.
Quy luật hằng biến ấy, cũng là quy luật của cái bình thường diễn ra. Nhưng ở đây bài thơ muốn nói tới cái bất thường của đời sống đạo. Cái bất thường ở đây là sự xuất hiện của một cành hoa mai giữa cảnh muôn loài “hoa lạc tận” khi mùa xuân sắp qua và sắp tàn. Nó phủ nhận những điều đã nói ở những câu thơ đầu bài. Dù cho xuân sắp đi qua, muôn loài hoa đã lìa cành, nhưng vẫn còn một nhành mai (tiềm ẩn sống) hoa nở đầy trong đêm.
Cành mai mang ý nghĩa phủ định cái quy luật hằng biến của vạn vật và thân sắc con người đã nêu trên. Nó làm thành sự đối lập giữa một bên là những đổi thay bất tận và một bên là sự bất biến, kiên định, vững vàng. Sự đối lập này, dường như không phải ngẫu nhiên, mà được khẳng định chắc chắn hơn nhờ sự hỗ trợ hữu hiệu của kết cấu đối lập về hình thức nghệ thuật giữa một bên là những câu thơ 5 chữ chênh vênh với một bên là những câu thơ 7 chữ vững chãi với số từ dài hơn.
Có thể trên thực tế, Thiền sư Mãn Giác đã nhìn thấy một cành hoa mai (hay một loài mai) nở trong cảnh xuân tàn, và cảm xúc mãnh liệt về nó đã tạo nên tác phẩm này. Nhưng cái mà tác giả muốn gửi gắm ở đây lại là một cành hoa mai khác, một cành hoa mai nằm ngoài quy luật của sự sống chết, thịnh suy, khai lạc. Cành mai ấy là biểu hiện nghệ thuật “của bản thể chân như bất diệt của vạn pháp” trước sự hằng biến của thân sắc, của vạn vật.
Đó còn là cành mai phản ánh quy luật tất yếu của sự sống, đó là quy luật về sự bất biến. Đây không phải là sự bất biến bên ngoài mà là sự bất biến bên trong. Sự bất biến của tinh thần, ý chí, tư tưởng và sức sống của con người. Cành mai trong bài thơ mang ý nghĩa tư tưởng rất rõ. Nó thể hiện sức sống mãnh liệt của vạn vật và con người, vượt lên trên sự sống chết, thịnh suy, bất chấp mọi biến đổi của thời gian và thời tiết. Đây là minh triết và cũng là nét tinh hoa đặc trưng của thơ thiền.
Cành mai là một hình tượng nghệ thuật đẹp. Trong văn học, mai là một trong “tứ quý”(tùng, trúc, cúc, mai) thường được các nhà thơ dùng để diễn tả vẻ thanh cao, quý phái. Nhưng trong bài thơ này, cành mai mang một ý nghĩa khác, nó thể hiện sức sống và tinh thần lạc quan, mạnh mẽ và kiên định trước những biến đổi của trời đất và thời cuộc. Đó là cành mai trong con mắt nhìn Thiền quán!
Đây là một bài thơ Thiền, một bài Kệ Thiền được nhà sư đọc trước lúc “nhập diệt”, thể hiện sự bùng vỡ giác ngộ bản thể, tức tâm Phật, dùng để ngộ giải cho đệ tử. Nó nhất thiết phải mang ý nghĩa giác ngộ tâm linh Phật giáo. Ý nghĩa Phật giáo là lý do tồn tại của thơ Thiền. Nhưng như đã nói, nhà thơ đã trình bày những triết lý Phật giáo không phải trực tiếp mà gián tiếp thông qua những hình ảnh sinh động mà nhà thơ bất ngờ nắm bắt được trong cuộc sống thiên hình vạn trạng. Vì thế, bài thơ vừa mang cảm xúc cá nhân, vừa mang triết lý tôn giáo.
Bài thơ thể hiện sự ngộ giải chân lý tinh hoa Phật giáo của thiền sư Mãn Giác. Mọi sự vật, hiện tượng luôn biến đổi theo vòng luân hồi của thịnh suy, khai lạc, sinh tử. Vậy, vạn pháp và bản thể chân như có đổi thay không? Câu trả lời ở đây là - Không! Nhà thơ mượn hình ảnh ‘cành hoa mai’ trong bài thơ để làm câu trả lời cho cái bản thể chân như đó. Nó chính là tượng trưng cho sức mạnh của bản thể trường tồn, của vạn pháp đang thường hằng khắp nơi, trong vạn vật, trong con người. Nó vượt lên trên mọi quy luật của sự thay đổi vô thường để tồn tại.Đó chính là chân như pháp. Nó làm thành một quy luật khác, quy luật mang tinh thần và ý chí bất diệt của nhà Phật, dù trải qua bất kỳ hoàn cảnh nào!?
Nhưng đây còn là một bài thơ chứa chan tình người trước những đổi thay của thiên nhiên, của cuộc đời. Bài thơ viết về một cành mai nở trong cảnh xuân tàn, nhưng tràn đầy cảm xúc và tâm trạng, về một sức sống mãnh liệt và triết lý trường tồn của vạn vật trước những thay đổi vô thường của đời sống. Nếu ý nghĩa Phật giáo của bài thơ là thể hiện sự ngộ giải chân lý của nhà sư về sự trường tồn của bản thể, của vạn pháp trước những thay đổi bất tận của vạn vật, của thân sắc, thì ý nghĩ thế tục của bài thơ lại hướng tới việc khẳng định và ngợi ca sức sống mạnh mẽ, tinh thần lạc quan, tin tưởng, yêu đời của người vượt lên trên mọi hoàn cảnh sống dù hết sức ngặt nghèo.
Chính điều này giúp cho chúng ta có thể hiểu rõ hơn con người thời Lý, thời kỳ Phật giáo thịnh đạt, dù xuất gia tu hành, nhưng họ vẫn không quay lưng lại cuộc đời, vẫn đầy bản lĩnh và ý chí, đã tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ thành công đất nước.
Nói tới Phật giáo thời Lý, phải chú ý tới tinh thần “hòa quang đồng trần” (hòa cùng ánh sáng trần thế) của đời sống tu hành. Đó là tư tưởng dấn thân, nhập cuộc, không xa rời chính sự, là quan niệm sống “tùy tục” phóng khoáng, thậm chí phá chấp “phóng cuồng” của người tu hành. Tư tưởng (nhập thế) đó giúp cho nhà tu hành không quay lưng lại cuộc đời, thậm chí cho phép họ có cơ hội tham gia tích cực vào công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” vĩ đại của dân tộc trong buổi đầu lập quốc. Điều này bộc lộ rất rõ trong tư tưởng của bài thơ “Cáo tật thị chúng”.
Bài thơ đã đi vào chương trình học giáo dục quốc dân của Việt Nam, trở thành một phần trong tri thức của đông đảo quốc dân, quả là niềm hoan hỷ lớn không chỉ đối với chư Tăng và Phật tử, mà cũng là niềm vui chung của tất cả chúng ta.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh, Số: 18. Tổ 29c. khu 8. Phường Quang Trung.Tp. Uông Bí – Quảng Ninh.
Tài liệu tham khảo:
-Thơ văn Lý-Trần – ( Nxb. Khoa học xã hội - ấn hành -1988)
-Bài: “Vấn đề tính xác thực của các tác giả, tác phẩm về việc nghiên cứu thơ thiền thời Lý” của Nguyễn Phạm Hùng - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội. (Tạp chí NCPH – số 2/2004)