;
"Rất lạ, tôi không định, nhưng rồi…"
Từ bể kiến thức học Phật mênh mang khôn cùng, trong tác phẩm Tôi học Phật gần 900 trang, BS Đỗ Hồng Ngọc kể về những trải nghiệm của ông trong hành trình tìm ra phương pháp "giải quyết vấn đề" một cách gần gũi, hiệu quả, với cách viết sáng sủa dễ hiểu.
Ông có thể "kê đơn" cho người đọc áp dụng được những gì?
"Rất lạ, tôi không định, nhưng rồi…"
Cuốn sách "khổng lồ", ông viết nó thế nào ạ? Có tổng hợp từ những cuốn nhỏ trước đây, có cả phần tiếng Anh, vậy phần viết mới nhất là gì?
Đúng là từ năm 2001, cứ mỗi 5 năm tôi ra một cuốn sách, theo các vấn đề lớn đặt ra từ các kinh Phật. Từ Tâm Kinh, tôi viết cuốn Nghĩ từ trái tim để trả lời các câu hỏi đời sống (Why? Tại sao). Từ kinh Kim Cang, tôi viết cuốn Gươm báu trao tay (để trả lời câu hỏi How - Cách nào). Từ kinh Pháp Hoa, tôi viết Ngàn cánh sen xanh biếc (cho câu hỏi What - Cái gì, Who - Ai). Từ kinh Duy Ma Cật, là cuốn Cõi Phật đâu xa (cho câu hỏi Where - Ở đâu). Và từ kinh Hoa Nghiêm, tôi có nhiều bài bổ sung sau này.
Cuốn Tôi học Phật như một tổng tập được phát triển hoàn chỉnh. Và như có một sự dẫn dắt tâm linh, tôi nhận ra kinh Phật có một sự nối kết nhau liên tục. Điều đó giúp làm nên cấu trúc đường dây mạch lạc của cuốn sách, khiến nó trở nên dễ đọc. Tôi cho đó chính là đường dây "phương pháp sư phạm của Phật".
Trong kho kinh Phật khổng lồ, có rất nhiều khái niệm và từ gốc Hán, ông học cách nào cho dễ nhất?
Tôi tự học. Người "thầy gốc" chính là Thích Ca Mâu Ni Phật. Tất nhiên có các vị thầy khác, ai tôi cũng đọc, như thầy Nhất Hạnh, Thanh Từ, Viên Minh… Tôi học từ rất nhiều thầy, kể cả… tôi. Tôi học ở chính mình, một bác sĩ, vì y khoa là khoa học thực nghiệm.
Tôi học được gì ư? Học cách tiếp cận một cách khoa học. Học được cách trở về nương tựa ở chính mình. Phải thực hành, thực nghiệm trên chính mình rồi mới thấy được điều đúng. Trong kinh Kalama, Phật có nói: "Đừng vội tin ai cả, kể cả tôi. Hãy thực hành đi". Phương pháp của Phật dạy sinh động trực tiếp theo sự sống của người học, giống như kiểu ngày nay ta nói "Lấy người học làm trung tâm".
Nhưng ngày nay có hiện tượng người dân kêu ca kinh sách khó hiểu, nhiều người học, giảng khác nhau nên rất khó học?
Mỗi kinh tôi đọc tìm cốt lõi, so sánh với các suy diễn của nhiều người, tìm ra những quan niệm tưởng bí ẩn nhưng mình hiểu được nó giản dị và khoa học.
Thí dụ Bát Nhã Tâm Kinh có 600 cuốn, rút gọn còn vài trăm chữ, và cuối cùng tôi chỉ còn học một chữ "Không". Dễ hiểu lầm chữ Không này là không có gì, mà thực ra vẫn có. "Có" này không do tự tính mà là do tác động của nhiều yếu tố (duyên sinh).
Tôi được biết đến một "hiện tượng đọc hiếm hoi" với sách của ông. Họ âm thầm ghi chép lại các bài viết của ông thành một tác phẩm đồ sộ rồi… tặng ông. Chuyện đó cụ thể thế nào ạ?
Đó là bạn Nguyễn Hiền Đức sống tại Mỹ. Lúc đầu, tôi tưởng anh gom góp từ trên mạng, nhưng anh đã đánh máy lại những cuốn sách của tôi mà anh ưa thích trong suốt nhiều năm. Thời buổi này, lạ thật! Anh nói đó cũng là cách anh học tập theo cách của riêng anh.Và sơ thảo cuốn Tôi học Phật này có phần trợ giúp của anh.
Học Phật để ứng dụng trong cuộc sống
Có phải ông học Phật vì đạo Phật rất gần với y khoa?
Có nhiều ngành nghề nghiên cứu ứng dụng từ đạo Phật. Vì là một thầy thuốc, tôi rất quan tâm đến ứng dụng vào đời sống: Thiền định giúp ta an lạc, trí nhớ sáng suốt, lòng rộng mở (từ bi hỉ xả) có thể chữa được nhiều bệnh thời đại như căng thẳng, lo âu, trầm cảm và nhiều bệnh khác. Tỉnh thức (Thiền) là một phương pháp đối trị hiệu quả.
Càng ngày có nhiều nhà y sinh, tâm lý học hợp tác cùng các nhà sư, dùng những kỹ thuật mới như EEG, PET, fMRI… Sau nữa, tham vấn (counselling) ta học được các đức tính tôn trọng, chân thành, thấu cảm từ Bồ Tát Thường bất khinh, Dược vương, Quán Thế Âm.
Thầy thuốc dù chữa được đau - triệu chứng bệnh - nhưng không chữa được nguyên nhân (khổ là gốc sinh ra đau). Tôi nghĩ, mình học cách Phật chữa khổ. Hiểu được nguyên do của khổ (tham sân si), từ đó biết cách sống. Vừa phải thôi. Quá thì bị.
Vậy bác sĩ học Phật rồi ứng dụng đời sống, có thể rút ra như một công thức, kê một "đơn thuốc" cho người trung bình không học nhiều mà áp dụng được không?
Phật dạy và "cho đơn" rồi đó. Phật là "Y vương" mà. Chữa tham sân si bằng "thuốc": Giới (tránh sát sinh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, nghiện ngập), Định (thiền an lạc, thân tâm sáng suốt) và Tuệ (hiểu biết, hết vô minh). Y khoa chữa cái đau còn đạo Phật chữa được cái khổ, cái nguyên nhân.
Trong y khoa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có công thức SAFE, trong đó tránh hai thứ là S (Smoking) - không hút thuốc) và A (Alcohol - rượu), làm đúng hai thứ là F (Food - ăn đúng) và E (Exercise - luyện tập).
Thực tế người bệnh chỉ được thầy thuốc "dòm vài phút" gọi là khám rồi kê đơn, vậy "học Phật" rồi nhìn nhận hiện tượng đó thế nào ạ?
Đó chính là chuyện "Tham vấn" tôi nói ở trên, rất cần cho y khoa. Bác sĩ khám kiểu vài phút làm sao tìm hiểu bệnh nhân, nên không hiểu nguồn cơn. Tôi từng biết nhiều trường hợp bà mẹ đang cho con bú tự nhiên mất sữa, đi chữa chạy khắp nơi không khỏi. Tìm hiểu mới biết do chồng đi bồ bịch mặc kệ vợ mới sinh con, bà mẹ tức giận (mà tiết sữa là do hormone trong não tạo ra và co bóp) nay bị tắt, cắt đứt. Tâm ảnh hưởng đến thân.
Trường hợp nữa trong nhi khoa: con gái 7, 8 tuổi rồi bỗng… đái dầm. Cha mẹ đánh đập sỉ vả, em càng bị nặng thêm. Bác sĩ xét nghiệm tìm không ra. Lý do chính là mẹ mới sinh em trai, mừng quá, cả nhà xúm vào phục vụ bỏ bê con chị. Nó sốc. Đái dầm là phản ứng cơ thể muốn gây sự chú ý của ba mẹ. Tham vấn là lắng nghe thấu hiểu để phát hiện nguyên nhân tâm nó ảnh hưởng tới thân bệnh thế nào.
Thiền và thở là quan trọng nhất
Với thiền, trong sách ông kể về những bài tập hay từ kinh nghiệm của riêng mình. Ông từng trải qua bệnh nặng phải mổ não, đến hôm nay trông vẫn… khá. Hằng ngày ông giữ sức khỏe thế nào?
(Cười). Có bệnh gì không, tôi cũng…không biết nữa. Mỗi ngày tôi đều uống một liều thấp ngừa huyết áp, thiền 30 phút và thể dục 30 phút với động tác…tự chế cho phù hợp với mình. Xương sống như cây tre có vai trò quyết định nên các động tác tập trung vào xương, khớp. Tôi không ăn chay nhưng ăn rau, cá và ít thịt gà. Ăn uống nhẹ nhàng, sáng cà phê, yaourt, trưa ăn cơm đơn giản, chiều ăn nhẹ.
Học thiền thấy mấy lợi ích: thấy an lạc, có sức bền tốt, ăn ngủ, trí nhớ đều tốt hơn.
Vì sao trong nhiều triết thuyết tôn giáo, ông chọn học Phật?
Ngoài những yếu tố quan trọng của đạo Phật áp dụng tốt cho cuộc sống như đã nói trên, tôi có một số lý do cá nhân. Tôi được sinh ra ở Phan Thiết, nhà dưới chân núi Tà Cú có chùa đẹp Linh Sơn Trường Thọ Tự, nơi có ông thầy giỏi chữa khỏi bệnh mắt cho mẹ vua Tự Đức. Tôi hay lên chùa chơi ngắm nhiều cảnh đẹp. Lớn vô Sài Gòn học y khoa, đọc sách nhiều nhưng cũng chỉ để hiểu biết chứ chưa chiêm nghiệm.
Năm 1997 sau một lần bị bệnh nặng, tôi hiểu ra nếu mình "tu" sớm, sống không quá căng thẳng chắc không bị. Học Phật giúp tôi hiểu ra cách khác để an trú trong cuộc đời, bớt bệnh tật phiền não. Hiểu cuộc đời tự nó hiểm nguy bất an bất tuyệt nhưng cũng là hân hoan cực lạc, cho ta tự do khám phá sáng tạo. Hiểu khoa học chuyển hóa cái tâm…
Ông hay tự gọi vui mình là "ông 3 điều 4 chuyện" để làm diễn giả chuyển tải những chuyện cốt yếu theo cách dễ hiểu dễ nhớ cho các bạn trẻ. Cụ thể là gì vậy ạ?
Đó là những điều cần nhớ và dễ nhớ. Phật không là "thần linh ban phát" cho ta lạy lục xin xỏ, không là triết gia, làm phức tạp chuyện đơn giản. Phật là đạo sư chỉ đường cho giác ngộ làm cho con người mạnh lên. Phật nói điều bình thường của con người. Phật khuyến khích đừng tìm đâu xa, hãy dựa vào chính mình, những năng lực bình đẳng. (Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành). Học Phật cần hiểu các thuật ngữ và các ẩn dụ, ẩn nghĩa để tránh mê tín dị đoan.
Và điều quan trọng nhất trong học Phật là phải thực hành.
Một điều dễ nhớ nữa: thở là quan trọng nhất. Gốc tu luyện là thiền và thở. Cùng sống trong vũ trụ như nhau nhưng con người thở khác nhau. Luyện thở hoàn toàn khoa học. Và ăn gì, như thế nào để có đủ năng lượng mà không bệnh tật. Vì thế, sách tôi viết dưới dạng khoa học dễ hiểu, có trải nghiệm để ngẫm ngợi khi cần và chia sẻ với mọi người.
Xin cảm ơn ông.■
(*) NXB Tổng Hợp TP.HCM 2023.
“TÔI HỌC PHẬT” - TUYỂN TẬP CỦA BS. ĐỖ HỒNG NGỌC (File PDF - 2,83 MB)