;
Sau khi đạt được giác ngộ, bằng từ bi và trí tuệ, vị Bồ Tát giúp mình và người khác vượt qua biển khổ đến bờ an lạc. An lạc chính là Niết Bàn.
Trong cuộc sống hàng ngày, các vị Bồ Tát luôn có mặt quanh ta, gồm Bồ Tát xuất gia và Bồ Tát tại gia. Đó là những người bằng trí tuệ, công sức giúp mọi người bớt khổ đau trong thân và tâm. Bồ Tát làm được điều đó bởi trong tâm của Bồ Tát tồn tại một năng lượng gọi là Tâm Bồ Đề.
Khi quy y Tam Bảo, ai cũng muốn có Tâm Bồ Đề. Để đạt được Tâm Bồ Đề của một vị Bồ Tát, người tu phải tự hỏi: Mình an lạc không? Mình sống chan hòa với những người xung quanh không? Người tu phải hiểu rõ cái tính Không trong cuộc sống. Hoa cũng là đất và đất cũng là hoa. Bởi khi ngộ được “Ngũ uẩn giai không” thì mới “độ nhất thiết khổ ách” tức là vượt qua mọi khổ đau đến được bờ Niết Bàn.
Bồ Tát là người dấn thân với lý tưởng đưa chúng sanh đến bờ giải thoát, với tuệ nhãn không phân biệt. Khi mình rửa chén, mình đặt phần cơm thừa sang một bên để dành cho chim ăn hay mình đổ bỏ đi? Những hành vi nhỏ đó thể hiện tâm của mình với chúng sanh mà cụ thể là với con chim đang ở quanh nhà mình.
Đối với người thực hành bồ tát, việc giúp chúng sanh giảm bớt đau khổ, đưa chúng sanh đến bờ giải thoát là việc làm tự nhiên, giống như hít thở khí trời. Khi người bên cạnh ốm đau họ sẽ lập tức hỗ trợ.
Gần đây thôi, khi cả Sài Gòn đang gồng mình chịu dịch Covid, khi số ca mắc mới và số ca tử vong nhiều đến nỗi không bệnh viện không thể xử lý kịp thời, những đội thiện nguyện mai táng miễn phí, những đội thiện nguyện là tu sĩ Phật giáo chuyên cung cấp bình oxy giúp bệnh nhân thở; những đội thiện nguyện cung cấp thức ăn miễn phí xuất hiện.
Họ dậy sớm, thức khuya thực hiện công việc thiện nguyện từ ngày này sang ngày khác với tâm bồ đề. Năng lượng của bồ đề tâm làm họ không bao giờ mệt mỏi. Họ là những vị Bồ Tát đích thực.
Thực hành Bồ Tát, Tâm của người tu đòi hỏi không có sự phân biệt. Khi tâm còn có sự phân biệt thương ghét, giàu nghèo thì vị đó không phải là Bồ Tát đích thực, bởi còn có sự phân biệt giữa các tướng.
Những người thực hành Bồ tát bố thí có phước đức hay không? Để trả lời câu hỏi đó, xin Phật tử hãy đọc lời Phật dạy để biết Phật thường phù hộ cho ai?
Đoạn Kinh văn dưới đây cho thấy người nào siêng năng tu tập để giác ngộ, người nào có hành động cứu giúp người khác ra khỏi đau khổ thì người đó được Phật phù hộ độ trì. "Hy hữu Thế Tôn. Như Lai thường hộ niệm chư Bồ Tát thường phó chúc chư Bồ Tát.”
Cho đi là nhận lại. Cái nhận lại nhiều khi nhiều gấp bội lần cái cho đi. Đó là tình thương, mà tình thương không bao giờ đong đếm được.
Bến Tre, ngày 19 tháng 3 năm 2022