;
Gần một tháng nằm trong bệnh viện, vừa trở về nhà chợt bỗng thấy niềm vui vỡ òa, xua tan đi bao nhiêu phiền lụy, lo toan. Niềm vui đó đi ra từ ước mơ tôi đau đáu hằng mấy chục năm trời nay đã được toại nguyện. Hai ngày qua tôi cứ mân mê niềm vui đó như muốn chia sớt vào chung niềm hân hoan kính mừng Phật Đản mà anh em chúng tôi đã và đang dốc lòng chung lưng chia sớt.
Sẽ là lố bịch nếu sự việc bị cho là cường điệu hóa, thật ra niềm vui vỡ òa của tôi ở đây nó chỉ là chiếc dĩa nhựa của hãng Sóng Nhạc ở Sài gòn phát hành vào nữa đầu thập niên 60 thế kỷ trước do một người bạn vừa sưu tầm được và gởi tặng làm quà ngày ra viện. Trong đó có ghi âm bài hát Phật Giáo Việt nam của nhạc sĩ Lê Cao Phan (1923 – 2014) do giọng ca Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long thể hiện và bài A Di Đà Phật của Thẩm Oánh (1916 – 1996) cũng do Ban Thăng Long thể hiện.
Với bài hát Phật Giáo Việt Nam chắc rằng giờ đây ai ai cũng đều biết và thuộc lòng vì nó còn là bài ca chính thức của Giáo Hội Phật giáo hiện hành. Từ sau những năm 80 thế kỷ trước, khi văn nghệ Phật giáo được hồi sinh, người ta đã được thưởng thức rất nhiều bài hát này với nhiều cách hòa âm, phối khí khác nhau và với hệ thống âm thanh tiên tiến nhất.
Tôi vẫn luôn âm thầm đi tìm và chỉ để nghe lại bài hát này do chính giọng ca của cô Thái Thanh và Ban Thăng Long, vì nó gắn liền với tuổi thơ tôi đến khi trưởng thành trong màu áo đạo. Ngày đó chỉ nghe được qua sóng phát thanh vào mỗi chiều thừ sáu hàng tuần lúc 17 giờ với chương trình “Tiếng Chuông Chùa” và nhất là vào những ngày lễ Phật Đản, trong suốt hơn một tuần cứ sau mỗi bản tin tức đầu giờ là bài A Di Đà Phật của Thẩm Oánh được vang lên.
Mãi hơn 40 năm trời giờ đây mới được toại nguyện. Bây giờ không có máy hát đĩa chạy bằng kim, phải nhờ anh em trong các phòng thu sang qua CD mới có thể nghe được. Ban đầu có hơi hụt hầng vì chất lượng âm thanh roạt roẹt đặc trưng của dĩa nhựa xài bằng kim này vì đã quá quen với âm thanh điện tử hiện đại. Tuy nhiên vì nó là kỷ niệm ao ước mong tìm nên nghe đi nghe lại mãi để được sống trong niềm hoài niệm vô biên của những ngày Phật đản năm xưa huy hoàng ở đất Sài thành này.
Tôi thường tâm sự với anh em văn nghệ Phật giáo rằng; chúng ta đã có dàn hợp xướng với sự chỉ huy tài giỏi của nhiều nhạc sĩ lừng danh thể hiện bài Phật Giáo Việt Nam, có âm thanh hoàn hảo, có dàn nhạc điện tử đa năng, và cả những bài hợp ca của GĐPT.v..v…Vì là bài thuộc thể loại hành khúc, hợp ca nên nhất thiết phải bằng số đông, và có những thành công nhất định. Nhưng cũng bài hành khúc hùng tráng ấy, chỉ mỗi một giọng cô Thái Thanh cất lên đã làm yên lòng nhiều thế hệ Phật giáo chúng ta một thời gian dài.
{widget=shortcode_player|type=audio|audio_link=http://nguoiphattu.com/upload/21232f297a57a5a743894a0e4a801fc3/Audio/PhatGiaoVietNam_nguoiphattu.mp3|autostart=yes}
Khá mệt mỏi và muộn phiền trong mùa Phật đản năm nay ở Sài Gòn mình, tôi dự định theo anh bạn ngược ra Huế để được hưởng trọn vẹn tinh thần Phật đản ngày xưa và cũng đễ nghiêng mình kính phục 32 chiếc xe hoa ung dung tự tại nhẹ lăn bánh khắp các nẻo đường nội ô kinh thành Huế; hoặc xuôi ghe về miệt vàm kinh rạch miền Tây, tìm đến những bà con Phật tử chơn chất, ủng hộ tinh thấn cho họ tạo dựng truyền thống “ghe bông Phật Đản” chạy vòng quanh mấy bờ kênh rạch còn thơm mùa rạ mới ven hai bên bờ.
Một anh bạn khác mới biết đi chùa gần đây thì vui mừng khoe rằng thôi đừng đi đâu cho xa, “Ta Tắm ao ta" đi vì sẽ có rước Phật rừ chùa Ấn Quang qua Việt Nam Quốc Tự! Anh bạn này vui là đúng, tuy nhiên chị Nguyên Ngọc nói rằng khi nào Phật giáo Quận 3, hay Quận 5, Quận Huyện khác cùng rước về VNQT từ nhiều hướng khác nhau thì đó mới thật sự là PG thành phố rước Phật, còn ở chùa Ấn Quang rước về VNQT cũng cầm bằng là PG quận 10 rước dìa VNQT mà thôi và khoảng cách chỉ vài trăm bước!
Nghe thật chán ngán, cuối cùng rồi cũng phài đi. Và khi đến những nơi đó, nhất định sẽ mang theo Bài Phật giáo Việt Nam này để khoe với mọi người rằng đây là tuổi thơ hạnh phúc nhất của tôi, của những đạo hữu từng chia ngọt xẻ bùi cùng nhau trong mỗi mùa Phật đản nơi xứ xa.
Mùa Phật Đản xa xứ