;
Hòa thượng Giới Đức và nhà thơ Tâm Nhiên
Xuất gia năm 1973 ở Vũng Tàu rồi làm du tăng khất sĩ qua nhiều xứ miền Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng… Cuối năm 1974 dừng gót lữ phong trần dưới chân đèo Hải Vân, lập cảnh chùa Huyền Không thơ mộng bên triền núi, nhìn ra biển trời lộng gió trùng khơi gần Lăng Cô xanh thẳm. Năm 1978 vì sự đổi thay của thời cuộc, Huyền Không đành chấp nhận dời về Hương Trà, Huế, nhà thơ cùng với sư Pháp Tông và Huệ Tâm tạo dựng vườn thiền mới theo phong cách Nhật Bản ngoạn mục bên một con sông lau lách, cạnh làng quê yên ả dặt dìu :
Chùa quê trăng ngủ mái rêu
Đất nghèo hoa nở sớm chiều tự do
Qua sông ta chẳng lụy đò
Hú dài một tiếng bỏ bờ rong chơi
Chơi rong một trận bồng bềnh trên sóng gió bể dâu cho đến năm 1989, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, Minh Đức Triều Tâm Ảnh lên núi cao, vào tận rừng sâu heo hút Hòn Vượn, chọn một khu đất hoang sơ rộng rãi có triền đồi, hồ nước, lập nên phong cảnh Huyền Không Sơn Thượng. Bằng con mắt thẩm mỹ, dưới bàn tay nghệ sĩ sắp đặt tài tình đã biến nơi hoang dã, thiên nhiên thành cảnh trí thanh nhã đẹp lạ lùng. Giữa khung cảnh núi rừng tịch mịch, tĩnh lặng, thấp thoáng vài mái thảo am, ẩn hiện mấy nhịp cầu ván gỗ qua hồ nước xanh ngần, phất phơ trúc biếc, thảo hoa và có lẽ đó cũng là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, ấn tượng nhất ở nơi sơn cùng thủy tận này. Hồn thơ, hồn nhạc hòa quyện cùng hồn thiêng sông núi mỹ lệ, để thi sĩ tiêu dao ngày tháng từ thuở nọ cho đến bây giờ. Thơ và hơi thở cùng chan chứa giữa lòng núi trầm sâu tĩnh lặng :
Lắng nghe hơi thở vào ra
Ngàn năm thân thế sương sa đầu cành
Lắng nghe hơi thở mong manh
Sợi thương sợi nhớ dệt thành mộng con
Lắng nghe hơi thở mỏi mòn
Trái tim nhịp đập mãi còn lang thang
Lắng nghe hơi thở dịu dàng
Câu thơ đại định non ngàn vắng không
Rỗng rang nhập cảnh giới tâm nguyên thiền định, thở bầu không khí khoáng đãng vùng thượng sơn, bồng tênh trên tinh thần hân hoan là niềm cảm hứng, sức sáng tạo dào dạt, bền bỉ suốt bao nhiêu năm trường vẫn liên tục trào dâng không ngớt thơ văn bát ngát diệu thường :
Tháng ngày ăn móc uống sương
Lá đùa nắng nhẹ rễ vươn gió ngàn
Non sâu ẩn giả mơ màng
Gặp thời hợp tiết cao sang hiển màu
Bước ra thấy núi tọa thiền
Bước vô thấy Phật an nhiên mỉm cười
Trong ngoài chẳng thấy chữ lời
Mình còn ham viết bụi rơi cửa sài
Viết và viết miên man, sáng tạo và sáng tạo không ngừng nghỉ, vì dường như thi nhân đã chạm được mạch ngầm tâm tư, cảm xúc vi diệu cùng niềm hạo nhiên chi khí làm bừng dậy, cháy lên rực ngời ngọn lửa thi ca trong tim hồn rộn rã, hòa âm thâm viễn mênh mông :
Chữ qua sông nghĩa qua sông
Mượn cây bút sậy vượt dòng văn thơ
Đèo mây trăm cụm dật dờ
Vượt qua vượt tít hoang sơ thế tình
Từ ngày đem lửa lên non
Đốt kinh soi chữ lối mòn mù sương
Nhen tim ấm áp khu vườn
Đồi đông hạo khí tùng vươn ngọn tùng
Tùng xanh, trúc biếc, thông ngàn quyện vờn gió lộng không gian tịch mịch, lồng bóng hồ trăng thanh tịnh cùng hợp tấu, ngân nga quá nhiệm mầu, vô lượng nghĩa thanh tân mới lạ, hòa chan diệu ảo bao nhạc khúc thiên nhiên :
Chuông sương tỉnh thức non triền
Kinh chiều cây cỏ an thiền đã lâu
Trăng khuya chữ trắng sơn đầu
Lời vô lượng nghĩa nhiệm mầu thắng hương
Tri âm chút gió thanh lương
Cỏ cây tươi thắm am hương ngát ngào
Tri âm chim lượn non cao
Thả rơi chiếc bóng hồ ao thấy mình
Thi nhân lấy núi rừng hoang dã làm bạn tâm đầu ý hợp cố tri, vì thế ngày đêm nhàn nhã tha hồ trao gởi xiết bao nỗi niềm tâm sự, cứ mênh mang trút xuống, tuôn trào nguồn mạch phong quang sáng tạo và kết tinh thành những tác phẩm tâm tình sinh động, độc đáo vô lường. Trước những tác phẩm đồ sộ, dày cộm dài mười mấy ngàn trang đủ thể loại biên khảo, truyện ngắn, truyện dài, thi ca như : Chèo Vỡ Sông Trăng, Đá Trắng Chiêm Bao, Lửa Lạnh Non Thiêng, Chữ Cháy Bờ Lau, Giun Dế Hư Vô Và Hạt Lửa Xanh, Bụi Trăng Và Lửa, Đá Rác Và Cỏ Thơm, Miền Mây Trắng, Tình Mẹ Mùa Báo Hiếu, Đóa Hồng Vàng Của Phật, Kinh Lời Vàng, Sương Khói Đường Thi ( thơ ) Ngàn Xưa Hương Bối, Bức Tranh Thay Đổi Thế Giới, Người Trồng Hoa Và Chàng Tu Sĩ, Một Cuộc Đời Một Vì Sao, Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt, Chuyện Của Thiền, Thanh Gươm Ba La Mật, Hành Hương Tâm Linh, Thắp Lửa Tâm Linh ( truyện ) Học Phật Căn Bản, Người Cư Sĩ Ưu Việt, Rèn Luyện Thơ Văn, Phật Học Tinh Yếu, Sử Phật Giáo Thế Giới, Sử Phật Giáo Ấn Độ và Trung Quốc, 38 Pháp Hạnh Phúc, Tiếng Hú Trên Đỉnh Cô Phong ( biên khảo )… mang chở nội dung tư tưởng nhân văn và Phật học phong phú, vô cùng giá trị, vì thế Viện nghiên cứu Phật giáo Nguyên Thủy Dallas-fort Worth ở Texas Hoa Kỳ đã trân trọng tuyên dương, cấp phát văn bằng danh dự Tiến sĩ Văn chương cho thi nhân vào năm 2011.
Trong các tác phẩm đó, nổi bật lên là tập thơ Đá Rác Và Cỏ Thơm ( 5 tập ) gồm 1000 bài lục bát và truyện dài Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt ( 6 tập ) dài hơn ba ngàn trang, viết về cuộc đời và tư tưởng Đức Phật. So với Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường hay Đường Xưa Mây Trắng của Nhất Hạnh thì Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt của Minh Đức Triều Tâm Ảnh dài nhất, tái hiện lại được toàn bộ sinh hoạt xã hội Ấn Độ từ thời Đức Phật ra đời đến xuất gia và thành đạo. Đây là một công trình vĩ đại, chứa đầy tâm huyết, phải có tấm lòng tha thiết say mê văn học Phật giáo mới thực hiện nổi. Văn chương, nghệ thuật, thi ca phải chăng là tiếng hát của con người từ muôn thuở đến muôn nơi trên mặt đất ? Tiếng hát ấy đã bay dậy rung ngân qua cung bậc nhân sinh vừa ngậm ngùi, trầm thống vừa hùng tráng thênh thang, hòa quyện nhau trong cõi lòng tâm can, chan chứa giữa mộng đời vĩnh viễn thiên thu :
Thương đời hạt bụi phiêu du
Thương mình trăm chuyện lu bù thế gian
Lên non nhặt ánh trăng vàng
Đề câu thơ tặng hạc ngàn qua chơi
Từ tình thơ nguyên vẹn đó, từ những cảm hứng xuất thần nhập diệu, thi nhân bước xuống dòng sông tâm thức, lung linh tĩnh lặng mà Chèo Vỡ Sông Trăng trên con thuyền hồn phiêu nhiên qua khắp mọi miền sông dài biển rộng, rong chơi thong thả và ung dung nhàn hạ. Đã tự bao giờ, người thi sĩ lên đường dấn mình vào cuộc khám phá cánh đồng vô tướng, khu rừng huyền mặc tâm linh. Chuyện ấy khác hẳn với chuyện chinh phục vũ trụ hay khai khẩn thiên nhiên, bởi vì cảnh giới đó không thể chỉ trỏ, cầm nắm gì được cả mà chỉ thầm trực nhận, cảm nhận ra thôi, nên ghềnh và thác, suối và đèo ở đây là thác ghềnh của tâm cố chấp vào âm thanh, là đèo núi của tâm nô lệ dính mắc vào sắc tướng, cần phải vượt qua và vượt qua :
Qua sông bèn gọi con đò
Nôn nao lá rụng hai bờ sắc không
Qua sông giữa cuộc phiêu bồng
Mới hay trăm sự trăng lồng nước xuôi
Khi thấy được mọi sự ở đời như trăng lồng trong bóng nước chảy trôi thì bao nhiêu phiền não, khổ đau trĩu nặng oằn vai trong cõi người ta bỗng chốc tan biến và tất nhiên, nhà thơ liền thấy nhẹ nhõm cất bước tung tăng, chẳng còn chi nặng nề trầm trọng âu sầu. Sầu tư chi nữa, khi biết liền lập tức cái phù du ảo mộng của muôn sự việc ở đời một cách rốt ráo “vạn pháp giai không, duyên sinh như huyễn” rồi, nhất là cảm nhận được cái mặt mũi xưa nay của chính mình từ lúc chưa sinh ra đời, thành thử tự nhiên mỉm cười tỉnh thức, vững chãi thảnh thơi :
Hóa ra chỉ thở và cười
Là trăm niềm nỗi một đời xa bay
Hóa ra tỉnh thức phút giây
Là ta thấy rõ mặt mày chưa sinh
Thấy là thấy liền tức khắc, chẳng đợi mai mốt, tương lai hay vô lượng kiếp sau. Ồ cái mặt mũi thật ấy ở ngay nơi chính mình, hãy nhận lấy đi thôi, đừng có vọng tưởng, chạy tìm kiếm bên ngoài tận đâu đâu nữa. Xưa nay cũng nhiều cuộc lữ vạn lý du mù mịt rồi, thi nhân rong ruổi dặm ngàn viễn xứ, cứ trầm tư khắc khoải, mải mê kiếm tìm trong vô vọng quắt quay… Bây giờ thì dường như đã thấp thoáng thấy hiện mặt mày ban sơ nên dừng gót phiêu bạt giang hồ, trở về với cái thân yêu, cái bây giờ và ở đây :
Đã đi khắp thế gian này
Niềm vui nỗi khổ tựa tày chiêm bao
Tiền thân mặt mũi hư hao
Về chùa gặp lại trăng sao lòng mình
Mải mê giữa chốn chợ chiều
Vai đau tóc lấm đã nhiều gian truân
Ta bèn rũ áo phủi chân
Dặm không đủng đỉnh chiếc thân nhẹ hều
Nhẹ hều, nhẹ nhõm, nhẹ thênh trên con đường mây trắng phong quang, thi nhân vẫn nhẹ nhàng như sương như khói, thong dong giữa tuế nguyệt phiêu bồng. Lòng vô vi vô trú, ngao du suốt bốn mùa mưa nắng, lãng đãng qua lại chốn phù sinh, nhịp nhàng lên xuống, vào ra thanh thản như chơi :
Xoa tay việc đạo việc đời
Nghe từ cõi bụi vẳng lời giác không
Vẫn thân thế vẫn phiêu bồng
Nắm tay đại dụng chơi rong tháng ngày
Ngày tháng hòa âm nhập cuộc. Cuộc chơi ở đây chính là cuộc lữ thi ca qua khắp biển rộng sông dài giữa vũ trụ mênh mông. Không có một thi nhân nào từ vạn cổ đến nay mà không lấy nhật nguyệt thiên địa, trăng nước gió mây làm chỗ giao du qua lại, bởi vì mặt trời, mặt trăng, mặt đất trần gian ngút ngàn sông biển, mây gió bao la kia là ẩn ngữ thi ca, hàm dung tất cả tinh túy, mật ý mà người thi sĩ muốn bày tỏ với cõi tạm trần ai :
Như mây lãng đãng sông dài
Và như hoa nắng trên vai ửng màu
Và như tóc trắng trên đầu
Hạo nhiên gót lữ qua cầu nhân sinh
Bốn phương gọi gió mát về
Tâm trong cảnh lặng bồ đề ngát hương
Mở ra cánh cửa yêu thương
Nụ cười hơi thở mộng trường mang mang
Giữa nhân sinh trường mộng, mỗi người trong chúng ta có lẽ ít nhiều đều chạm mặt với nỗi buồn cô đơn khốc liệt, riêng với những tâm hồn thi nhân thượng đẳng, họ sẵn sàng đón nhận sự cô đơn như đón nhận một tri âm, tâm đắc, ăn nằm với cô đơn một cách thân mật, đậm đà. Chính sự cô đơn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên, khi người nghệ sĩ thưởng thức được hương vị cô liêu thoảng ngát trong lòng :
Lên non xanh liễu cuộc bồng
Cô liêu sương khói người không thấy người
Đạo tình quên nghĩa quên lời
Chung trà mây nước nụ cười bối hương
Cô liêu đứng giữa sa mù
Nửa lòng lạnh trắng nửa thu nhạt mờ
Cô liêu đá cô liêu thơ
Và cô liêu nữa chơ vơ bốn bề
Cô liêu, cô đơn rờn lạnh quạnh vắng hoang liêu, người thi sĩ thì thầm khuya sớm chuyện chi mà trăng tỏ rạng ngời nỗi lòng thiết tha như thế, để cho thỉnh thoảng xuống núi chơi rong, có bài thơ sương khói làm quà tặng cho dâu bể vô thường, lòng bồi hồi gió cát và mỉm nụ cười với hoa cỏ khơi vơi :
Thơ về phố chợ rong chơi
Đề câu quán khách dặm lời khói sương
Có khi chữ lấm tro hường
Có khi bụi trắng cúng dường bể dâu
Dẫu như mây hiện giữa trời
Chút tình trăng nước tạc lời làm vui
Mười phương gió cát bồi hồi
Mười phương hoa cỏ nụ cười mênh mông
Trên dặm trường sương gió ra đi, thi nhân vô phân biệt trí giữa quên và nhớ cũng như giữa có và không, giữa mộng và thực, giữa sống và chết, giữa mê và ngộ… Hai trạng thái chỉ cách nhau kẽ tóc đường tơ nhưng thực ra, chẳng khác nhau gì cả mà hòa nhập tương dung, tương tức ra vào :
Đạo tình nửa nhớ nửa quên
Chừ ta ở lại giữa miền bụi bay
Thơ còn mây trắng phương tây
Thì lòng thi sĩ tháng ngày còn xanh
Đạo đời một mối khôn phân
Tình thiên thu nọ mà gần mà xa
Dòng lên dòng xuống cũng là
Đầu nguồn cuối biển sương pha mấy màu
Mấy màu sương pha hỡi dòng đời suối đạo ? Thôi chớ bận tâm, đừng có mơ màng mộng mị chi thêm nữa mà hãy bất động, rỗng rang với lòng như thị như nhiên. Tuyệt diệu làm sao ! Bước đi không chỗ trú của đạo và thơ giữa ta bà huyễn mộng phù du :
Ngàn xưa Đạo xuống thảo lư
Trăng vàng ghé đọc tương tư mấy mùa
thơ minh đức triều tâm ảnh minh đức triều tâm ảnh hòa thượng giới đức